5/2/10

TRẦN KHẢI THANH THỦY: TỘI ĐỒ HAY NẠN NHÂN?

.



Mấy ngày nay, trên mạng Internet đăng tải những bức  ảnh chụp lại văn bản mà theo nội dung thể hiện thì người xem thấy đó là bản Cáo trạng số 28/KSĐT ngày 08/01/2010 Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện  Đống Đa, Hà Nội, truy tố bà Trần Khải Thanh Thủy và ông Đỗ Bá Tân (chồng bà Thủy) về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 104 BLHS nước CHXHCN Việt Nam. 
Không có điều kiện tiếp cận bản gốc Cáo trạng, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ phân tích những vấn đề chưa sáng tỏ  của bản Cáo trạng nêu trên (nếu ảnh chụp đó chính là bản gốc).
  
Theo nội dung Cáo trạng, khoảng 20h ngày 08/10/2009 ông Đỗ Bá Tân đi xe máy về có dựng xe ở lối đi trước cửa nhà ông Tân ở số 46 ngõ 178 phố  chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa. Ông Nguyễn Mạnh Điệp (sinh năm 1968, trú số 15 ngõ 138 phố chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa) đi qua thấy vậy có góp ý bảo ông Tân dẹp xe vào để lấy lối đi. Từ đó dẫn đến cãi nhau giữa ông Điệp và ông Tân. Ông Tân đã dùng mũ bảo hiểm xe máy màu vàng đập nhiều cái vào mặt ông Điệp. Ông Điệp giằng co chiếc mũ bảo hiểm với ông Tân nhưng không giằng được. Bà Trần Khải Thanh Thủy (vợ ông Tân) ở trong nhà mở cửa lao ra, hai tay cầm hai viên gạch. Bà Thủy dùng tay phải ném một viên gạch trúng đầu ông Điệp gây thương tích vùng chẩm phải và sau tai phải chảy máu. Lúc đó, ông Nguyễn Văn Thịnh (sinh năm 1958, trú số 62 ngõ ngõ 178 phố chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa) đi qua thấy vậy can ngăn, nhưng chưa kịp can ngăn thì bị bà Thủy dùng viên gạch còn lại ném trúng vào cẳng tay phải của ông Thịnh, gây thương tích cho ông Thịnh. Lúc này, ông Tân vẫn dùng mũ bảo hiểm đánh vào mặt ông Điệp nhiều cái. Tiếp đó, bà Thủy vào nhà lấy tiếp một cây gậy gỗ hình thanh kiếm dài khỏang 1m ra đập vào đầu ông Điệp, ông Điệp giơ tay phải lên đỡ, bị trúng vào tay phải gây thương tích. Bà Thủy quay qua đập gậy gỗ trúng vào tay phải và lưng sườn ông Thịnh gây thương tích. Đến lúc này, ông Điệp được đưa đi cấp cứu và Công an phường Trung Phụng mới xuất hiện để "thi hành công vụ".  

Cáo trạng cũng thể hiện Giấy chứng nhận thương tích số 185 ngày 13/10/2009 của Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) ghi nhận ông Nguyễn Mạnh Điệp có các thương tích sau: "Vết thương rách da đầu vùng chẩm phải có kích thước khỏang 03cm x 0,5cm (ba nhân nửa), bờ vết thương nham nhở, dập nát chảy nhiều máu. Đã khâu vế thương 3 mũi", không có chiều sâu, không ảnh hưởng đến xương sọ. Vết thương này được Trung tâm pháp y Hà Nội kết luận tại Biên bản giám định pháp y số 708 ngày 23/10/2009 "Vết thương vùng chẩm phải, sau tai phải 3%". Giấy chứng nhận thương tích số 185 cũng ghi nhận ông Điệp có 3 vết xước da rất nhỏ ở môi dưới, chiều dài từ 0,5m đến 1cm; 1 vết xây xát da ở gò má phải 1cm; sưng nề, bầm tím cổ tay phải có đường kính 03cm; những vết xây xát nhẹ ngoài lớp biểu bì da này (chưa vào đến lớp da trong) sẽ biến mất trong vòng không quá 10 ngày lại cũng được kết luận là 2% (tạm thời). Ngòai ra, bản kết luận giám định còn thêm "Suy nhược thần kinh nhẹ sau chấn thương (tạm thời) 8%".  

Giấy chứng nhận  thương tích số 184 ngày 13/10/2009 của Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) ghi nhận ông Nguyễn Văn Thịnh có thương tích "Đau hạ sườn phải, thắt lưng phải. Ấn đau tăng, không thấy sưng nề, không thấy bầm tím. Bụng mềm, không chướng, không phản ứng", "Sưng nề, bầm tím 1/3 giữa mặt trong cẳng tay phải có kích thước khỏang 04cm x 02cm (bốn x hai)". Như vậy, cái gọi là "Đau hạ sườn phải..." ấy không hề có dấu vết ngọai lực tác động, do ông Thịnh tự khai, biết đâu cơn đau là do một bệnh khác đã có từ trước, còn vết sưng tím ở cẳng tay chỉ là thương tích nhỏ ngoài da, bình thường khi chúng ta lao động chỉ cần va chạm nhẹ vào vật cứng vẫn để lại vết bầm giống như thế. Giữa cái "không có" và "có ít" ấy được Trung tâm pháp y Hà Nội cộng thêm vào để biến thành "Chạm thương sườn lưng phải và tay phải (tạm thời) 2%" (Biên bản giám định pháp y số 706 ngày 23/10/2009). 

Cáo trạng còn ghi nhận lời khai và biên bản nhận dạng, trong đó, bà  Thủy và ông Tân đều khẳng định ông Điệp là  người cầm viên gạch đập vào đầu bà Thủy gây thương tích. Ngòai ra còn một người thứ hai nữa đã tham gia dùng gạch đập vào đầu bà Thủy thì không được Cơ quan điều tra làm rõ đó là ai. 

Thế nhưng, trả lời phỏng vấn của RFA lúc ở đồn Công an, bà Trần Khải Thanh Thủy đã nói chính bà mới là nạn nhân của vụ hành hung ngày 08/10/2009:  
"Chiều em về, em nằm ở nhà, thế là chúng nó đến, thế là chúng nó giằng túi của con bé để nó lấy cái chứng minh thưnó kiểm tra. Sáu, bẩy thằng công an, rồi là cảnh vệ nó đứngở ngay sát ngõ nhà em, nó nhìn vào cửa nhà em.
Ông xã nhà em chỉ có mua cháo về cho vợ thôi, mà nó đá tung cả cái hộp cháo của em, thế rồi nó dồn ông xã em vào góc cửa nhà hàng xóm nó đánh. Từ trên gác ba, em nghe thấy tiếng ông xã em kêu cứu, thế mà em mới chạy xuống dưới nhà, thế là hai thằng coi như là có dụng cụ, có vũ khí trên tay, để nó đánh vợ chồng em.

Con bé  con là cứ khóc lạc giọng lên. Thế mà hiện tại là em vẫn bị chảy máu đầu. Họ kéo vào nhà em khoảng bẩy, tám người." 

Trong Tờ Tường Trình gởi cho Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Công An thành phố Hà Nội, Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân quận Đống Đa, ông Đỗ Bá Tân viết: 

"Lúc đó tôi  đi mua cháo về cho vợ tôi là Trần Khải Thanh Thủy đang bị ốm. Tôi đi xe máy về đến  gần ngách cạnh nhà 38 thí thấy Bảo vệ dân phố ngồi rất đông (khoảng 14, 15 người), tôi dừng xe lại và từ từ đi vào nhà; tôi nhìn mọi người thì có một Bảo vệ chửi đổng: ‘’nhìn cái L. à’’! Tôi tỏ ra khó chịu và đáp lại: ‘’Cái L. to như cái mặt’’.


Khi tôi dừng xe trước cửa (nhà cậu Thắng đối diện trước cửa nhà tôi đi vắng, nên tôi dựng xe sát cửa nhà cậu Thắng). - Ngách vào nhà tôi rất nhỏ khoảng 1,2m rất ít người đi lại, chứ không phải ‘’dựng xe giữa ngỏ 178 cản trở đường đi như báo chí đã đăng’’. Khi tôi thò tay vào trong cửa để mở khóa thì có 1 thanh niên lạ mặt đứng sát sau lưng chửi đổng: ‘’Đ. mẹ mày, để xe giữa đường này à’’, tôi đang ngạc nhiên không hiểu thì hắn đấm vào bụng tôi - tôi thanh minh: ‘’tôi phải mở cửa thì mới dắt được xe vào chứ!’’ Hắn tiếp tục tấn công tôi. Cũng lúc đó có một người thứ 2 cũng rất lạ, tôi không hề quen biết, đến cùng đánh tôi. 



Khi tôi bị  đánh rất đau, chúng đấm đá vào bụng, vào ngực, vào mắt vào  đầu. (Tôi có cảm giác chúng đánh bằng vật cứng). Sau đó tôi mới phát hiện chúng dùng mủ bảo hiểm của tôi  đặt trên xe máy khi tôi mở cửa, và chiếc đèn pin màu đen đường kính khoảng 3,5 – 4cm, dài khoảng 30cm. Tôi bị dồn đè vào cửa xếp nhà cậu Thắng và bị đánh tới tấp. Tôi vừa ôm đầu ôm mặt chịu đòn và kêu cứu rất to. Tôi thấy mấy nhà hàng xóm đứng ra cửa xem rất đông. Điều ngạc nhiên là cạnh đấy là đội Bảo vệ dân phố ngồi rất đông, mà họ không hề can ngăn.



Vợ  và con tôi, khi nghe thấy tôi kêu cứu, thì chạy từ từng 3 xuống, loay hoay mãi mới mở được cửa. Tôi thì vẫn tiếp tục bị đánh. Vợ tôi lao ra can liền bị xô ngã về phía cửa. Vợ tôi vớ được viên gạch trong cửa (viên gạch này tôi dùng chặn chiếc dây điện đầu nối phía góc tường nhà). Vừa cầm lên quay ra liền bị tên mặc áo đồng phục dân phòng cướp. Vợ tôi liền quay lại thì tôi thấy vợ tôi kêu ‘’bị vở đầu rồi’’. Máu chảy ướt hết tóc, vai áo và nền gạch trước cửa nhà. Vợ tôi tay cầm đoạn gậy khua khoắng làm cho 2 tên hành hung giãn ra. Tôi thấy tên mặc áo trắng cộc tay to cao (là tên đến đánh tôi lúc đang mở cửa) lùi và bị ngã ra đằng sau chới với (vì phía trái cửa nhà tôi, các nhà bên cạnh thấp hơn 50cm). Khi 2 tên này giản ra, tôi liền lấy cạp lồng cháo đưa cho vợ, khi vợ tôi cầm mang vào liền bị tay to cao mặc cộc tay trắng đá văng cạp lồng cháo đi. 

Khi vợ tôi thoát vào nhà, hắn đứng ngoài và  bảo: ‘’Mày có giỏi ra đây!’’ Hắn còn chửi đổng: ‘’Đ...mẹ mày! mai tao sẽ cho mày một mũi SIDA cho chết mẹ mày đi!’’. Chứ tôi có thấy hắn bị làm sao đâu? mà báo chí giùm beng lên là ‘’bị đánh ngất xỉu, công an phường và nhân dân đến đưa đi cấp cứu!?’’ Lúc đó, tôi còn phải nói lời ‘’xin để tôi dắt xe vào nhà!’’. 
Sau khi vào nhà, vợ chồng tôi lo lắng nên đi viện cấp cứu bằng kiểu gì. Khi vợ tôi bị chảy quá nhiều máu, tôi tìm khăn sạch để cầm máu cho vợ tôi. Lúc này mẹ vợ tôi là bà Lê Thị Thanh Phong đến chơi, đã chứng kiến cô con gái bị đánh và mất nhiều máu. 


Khoảng 15 phút sau thì  ông Trần Việt Dũng trưởng phường công an Trung Phụng và 1 số chiến sĩ công an, Bảo vệ dân phố và cả công an quận cũng có mặt". 

Như vậy, lời khai của hai bên bị cáo và bị hại rất mâu thuẫn nhau. Theo lời của bà Thủy, ông Tân thì vợ  chồng họ chỉ phòng vệ chính đáng khi bị  nhiều người đàn ông lạ mạnh khỏe gây sự và tấn công, chớ họ không chủ động tấn công trước, sự việc xảy ra có khá nhiều nhân chứng chứng kiến sự việc như: Công an, Cảnh vệ, Dân phòng.... nhưng không thấy có lời khai hoặc tường trình.
  
Trong một vụ án, khi lời khai có sự mâu thuẫn, đáng lẽ Cáo trạng phải ghi nhận trung thực, chính xác lời khai của cả hai bên, lời khai của nhân chứng, vật chứng thu được, kết luận giám định, các chứng cứ khác thu thập được trong quá trình điều tra bao gồm kết quả thực nghiệm điều tra (dựng lại hiện trường) như thế nào; từ đó, cơ quan tố tụng mới căn cứ vào chứng cứ 1, 2, 3... v.v... để quyết định truy tố vì thấy bị cáo có hành vi đủ yếu tội cấu thành tội. Đằng này, Cáo trạng của VKSND quận Đống Đa diễn giải nội dung vụ án theo lời khai của phía ông Điệp, ông Thịnh mà "quên" lời khai của bị cáo và nhân chứng(?!), và không hề thực nghiệm điều tra dù hồ sơ buộc tội có mâu thuẫn. 

Cơ quan điều tra còn  đưa vào một nhân chứng là ông Nguyễn Chí Nhân (sinh năm 1960, trú tại số 99 ngõ Hòang An A, Trung Phụng Đống Đa) là “người chứng kiến sự việc” nhưng không thấy lời khai của ông Nhân khai rõ diễn biến sự việc ông đã chứng kiến như thế nào. 

Cứ cho rằng Cáo trạng nêu ông Tân cầm nón bảo hiểm màu vàng đập vào mặt  ông Điệp là có thật, như hình ảnh đã đăng trên báo chí trong nước, thì những thương tích trầy xướt da trên mặt ông Điệp lại không phải là do mũ bảo hiểm gây ra. Bởi lẽ bề mặt mũ bảo hiểm tròn và trơn láng, nếu đập vào chính diện có thể gây ra vết bầm tím chứ không thể gây trầy sướt da được. Do đó, vết trầy sướt da trên mặt ông Điệp không phải do ông Tân gây ra. Ngoài hành vi "dùng mũ bảo hiểm đập ông Điệp" ra, ông Tân không có hành vi nào khác. Hành vi của ông Tân không gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho ông Điệp, nhưng lại bị khởi tố tội "Cố ý gây thương tích" là điều hết sức vô lý.  

Thông tư liên tịch số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới (tuy cũ nhưng vẫn còn được Bộ Công an vận dụng trong điều tra ban đầu và giám định pháp y, sau mấy chục năm vẫn chưa thấy ban hành bộ tiêu chuẩn mới), tại Chương I Thông tư quy định về "Di chứng vết thương, chấn thương chi trên" không thấy mô tả lọai thương tích như của hai ông Điệp và Thịnh (như Cáo trạng đã liệt kê ở trên), có nghĩa là thương tích này không để lại di chứng và không xác định được, không có phần trăm thương tật nào nếu giám định tỷ lệ thương tật. Chương IV quy định về "Di chứng vết thương, chấn thương sọ não" chỉ có "Hội chứng suy nhược sau chấn thương sọ não" (điểm 2) mới được xác định tỷ lệ thương tật, chớ toàn bộ Thông tư không hề có loại "Suy nhược thần kinh nhẹ sau chấn thương" chung chung. Trong vụ án này không có ai bị chấn thương sọ não cả, tất nhiên không thể lấy tiêu chuẩn thương tật của tình trạng suy nhược thần kinh sau chấn thương sọ não ghép vào các tình trạng khác.  
Cũng theo Thông tư  số 12/LBTT thì đối với người có 2 vết thương trở lên sẽ áp dụng nguyên tắc cộng lùi  để tính tỷ lệ thương tật, chứ không phải cộng thẳng các tỷ lệ thương tật lại với nhau… Như vậy, tỉ lệ thương tật chung của ông Điệp không phải là 3% + 2% + 8% = 13% mà phải dưới con số này. Vài vết trầy sướt da trên mặt không để lại sẹo hay di chứng mà cho là 2% thì thật là quá đáng. Mặt khác, trong 3 loại thương tích thì có đến 2 loại là "tạm thời", chiếm đến 2% và 8%. Lẽ ra, cần phải giám định lại để truy tố, xét xử trên cơ sở tỉ lệ thương tật vĩnh viễn thì mới công bằng. 

Điều 104 BLHS quy định về tội cố ý gây thương tích, nếu tỉ lệ thương tật dưới 11%, không để lại cố tật và hành vi không mang tính chất tổ chức hoặc sử dụng hung khí nguy hiểm thì không phạm tội mà có thể bị xử lý hành chính tùy theo mức độ thiệt hại. Dĩ nhiên, với những thương tích mà Cáo trạng đã nêu thì không hề có “cố tật”, “có tổ chức” hay “hung khí nguy hiểm”.  

Từ những điều tôi  đã phân tích ở trên, có thể thấy thực tế xảy ra các trường hợp sau: 

1- Bà Trần Khải Thanh Thủy phòng vệ chính đáng thì bà không phạm tội;

2- Bà Trần Khải Thanh Thủy tấn công trước, nhưng xét mức độ thương tật từ những thương tích do chính bà gây ra thì không đủ yếu tố khởi tố vụ án hình sự và truy tố, cũng không phạm tội mà chỉ là vi phạm hành chính;

3- Vết trầy sướt trên mặt ông Điệp không phải do ông Tân gây ra. Ông Đỗ Bá Tân không gây thương tích cho ai nhưng vẫn bị khởi tố, truy tố là cơ quan tố tụng đã làm oan người vô tội.
  
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một người tên Tân khác, chị Dương Thị Tân (vợ cũ anh Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày) cũng từng kể rằng Điều tra viên lặp đi lặp lại với chị cái bản án treo tội trốn thuế của chị là chị bị "văng miểng" từ anh Nguyễn Văn Hải. Trên mạng cũng loan truyền thông tin những bức ảnh thương tích của ông Điệp bị các blogger tố cáo là ảnh giả, chụp từ năm 2005, được chỉnh sửa ngày tháng chụp bằng phần mềm Photoshop. 

Vì vậy, để đảm bảo công bằng cho những người trong vụ án, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật thì Tòa án quận Đống Đa cần phải ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung những vấn đề chưa sáng tỏ nêu trên. 

Luật gia Tạ Phong Tần
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét