22/3/10

DÂN ANH ĐỪNG "ĐƯỢC VOI ĐÒI TIÊN" NHÉ!

.

Bà Walker

"Báo chí Anh hôm qua đưa tin người đứng đầu Văn phòng quản lý đường sắt (ORR) Anna Walker (ảnh) đang hứng chịu nhiều lời chỉ trích.

Vào ngày 5.10.2009, bà Walker đến dự lễ tưởng niệm những nạn nhân của một tai nạn đường sắt 10 năm trước tại Ladbroke Grove, Tây London khiến 31 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Bà trả 2 bảng (hơn 57 ngàn đồng) tiền taxi và sau đó liệt kê số tiền này vào công tác phí để yêu cầu cơ quan hoàn trả.

Với vị trí của mình, bà Walker có thu nhập lên tới 120.000 bảng (hơn 3 tỉ đồng) mỗi năm. Thân nhân những người thiệt mạng và các nạn nhân còn sống sót chỉ trích hành động của bà Walker là “vô cảm và lạnh lùng” sau khi ORR công bố các khoản chi tiêu công của các quan chức cao cấp trong cơ quan. Tuy nhiên, tờ Sunday Express lại dẫn lời phát ngôn viên của ORR khẳng định rằng hành động của bà Walker là đúng quy định."

Bản tin trên được đăng ở báo Thanh Niên ngày 21/3/2010. Người đứng đầu Văn phòng quản lý đường sắt xài có 2 bảng (tương đương 57 ngàn đồng VN) ngân sách để trả tiền taxi thôi nhé, mà dân Anh đã kêu rầm lên. Bà Walker chịu đi taxi "thi hành công vụ" như thế đã là tiết kiệm rồi, dân Anh có phúc mà không biết hưởng, lại nhăm nhe "được voi đòi tiên". Nếu ở VN, các quan nhà ta "chơi" luôn cả một chiếc xe bốn bánh (đời mới hay không tùy chức vụ lớn nhỏ) kèm theo tài xế, cộng với tiền xăng, khấu hao xe, phí cầu đường (nếu có) thì đã gấp 10 lần con số 2 bảng ấy rồi. Kêu nhiều quá quan chức Anh từ chức hết, quan chức VN sang "làm quan" bên đó thì dân Anh chẳng còn mồm ở đâu mà kêu nữa nhé!

Tạ Phong Tần
.

20/3/10

HOAN HÔ GIỜ TRÁI ĐẤT

.


Hai năm liền, Việt Nam hưởng ứng phong trào “Giờ Trái Đất” của thế giới, bằng cách tắt tất cả mọi thiết bị dùng điện trong một giờ đồng hồ, nhằm mục đích giảm khí thải, giảm nhiệt độ vì môi trường sống của tất cả mọi người.

Trước ngày “Giờ Trái Đất” một tháng, tất cả các báo, đài trong nước rầm rộ đưa tin, làm phóng sự, phỏng vấn ầm ĩ, kéo dài cho đến ngày “bấm nút” tắt điện.


Theo báo ta thì các nhóm tình nguyện viên “kêu gọi sự hưởng ứng nhiệt tình từ khắp mọi nơi”, bằng rất nhiều hình thức từ trên mạng đến trường học, chợ, vỉa hè, những công trường xây dựng, phát tờ rơi, v.v… với khẩu hiệu “Tắt đèn - Bật sáng tương lai”. Vào ngày 26/2/2009, nhóm tình nguyện còn vòng xe qua các phố diễu hành mang theo thông điệp “Tắt điện đi!”. Đồng thời, những cuộc thi viết bài dành cho chiến dịch này cũng được phát động rầm rộ trên báo chí. Báo Sài Gòn Tiếp Thị còn phối hợp với Quĩ Quốc tế về Bảo vệ Thiên thiên (WWF) tại Việt Nam phát động cuộc thi ảnh và video về Giờ Trái đất năm 2010. Tính ra, số tiền phải chi ra cho tình nguyện viên, cho khẩu hiệu, banner, băng rôn, tờ rơi, xe cộ, ảnh, video, phần thưởng… không phải nhỏ.


Ngày 3/3/2010 vừa rồi, tại Sài Gòn, đại diện Ủy Ban Thành phố, Sở  Tài nguyên - Môi trường, báo đài và doanh nghiệp  đã tổ chức buỗi gặp gỡ, cam kết tham gia “Giờ  Trái Đất” năm 2010, bắt đầu lúc 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 27/3 tới. Dĩ nhiên, thông tin này cũng được báo ta thi nhau trương lên trang nhất.


Theo thống kê, tính đến ngày 3/3/2010 đã có 18 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia là: Sài Gòn, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang.


Sự kiện “Giờ Trái Đất” diễn ra trên toàn cầu, vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm, do Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức, được thực hiện lần đầu tiên tại Sydney (Úc) năm 2007. Với thế giới, cần phải vận động rầm rộ, thuyết phục dân chúng không dùng điện trong một giờ vì người ta không quen bị cúp điện, và người ta sẽ “kiện tới bến” đòi bồi thường công ty nào cả gan cúp điện, có khi công ty cung cấp điện phải sạt nghiệp chớ chẳng chơi.


Riêng ở Việt Nam ta, “Giờ Trái Đất” không những đã có  từ cách đây mấy chục năm rồi, mà còn có  “Ngày Trái Đất”, “Tháng Trái Đất”  nữa kìa. Không biết có nơi nào trên thế giới giống như ở Việt Nam, là mục “lịch cúp điện” luôn “thường trực” mỗi ngày trên các tờ nhật báo lớn. Ai không tin cứ vào Google search hai chữ “cúp điện” sẽ thấy nhiều vô thiên lủng các kiểu cúp điện, cúp dài dài, cúp triền miên từ năm này sang năm khác, nếu gọi cúp điện là “truyền thống bất khuất” cũng không ngoa.


Đơn cử ngày 29/3/2007, Điện lực Sài Gòn thông báo cúp điện trên diện rộng lần lượt hết các quận, huyện từ ngày 31/3 đến ngày 10/4 (tức kéo dài 5 ngày). Qua ngày 11/4, dân Sài Gòn chưa kịp mừng có điện lại thì tiếp thêm thông báo mới của Điện lực choáng váng mặt mày: “Tiếp tục cắt điện trên diện rộng từ ngày 11 đến 16/4” (làm một lèo 6 ngày nữa). Lý do cúp điện vẫn là để tiết kiệm điện, chuyển tải, sửa chữa và bảo trì các hệ thống.


Thực tế, do công việc đòi hỏi, người ta không thể tiết kiệm điện mà sẽ tìm nguồn điện khác để hoạt động. Dù có thông báo trước, người ta vẫn cố “tận dụng” nguồn điện để làm việc cho đến khi máy tính tắt phục tối thui thì họ lọ mọ khiêng máy phát điện ra sân chạy tiếp. Cơ quan nào cũng tốn thêm tiền chuẩn bị sẳn một đường dây dự phòng, hễ điện Nhà nước “bụp” thì chạy máy nổ, chuyển sang hệ thống dây dự phòng ngay lập tức. Tiếng máy phát điện nổ ành ành đinh tai nhức óc, mùi xăng, mùi dầu bay nồng nặc trong không khí, xem ra còn hao tốn hơn, mệt mõi, ô nhiễm hơn xài điện Nhà nước nữa.


Năm 2008 vừa rồi, cúp  điện không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà tình trạng cúp điện thường xuyên cũng gây ra nhiều chuyện bi hài. Phụ huynh mầm non đột ngột nghe cô giáo gọi đến trường rước con, hốt hoảng không biết chuyện gì, hóa ra trường bị cúp điện, không có nước sinh hoạt, nóng bức quá nên cần cho cháu về nhà. Nào là chuyện cúp điện không bơm nước được nên phải “mua nước tinh khiết để tắm, ngủ trần thay quạt”, đến chuyện “di tản” ra ngủ ở “hotel mái hiên”, “hotel bờ kênh”, ban ngày thì xách laptop chạy rông ngoài đường tìm nơi có điện.


Theo báo Tuổi Trẻ  (03/5/2008), “Sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân đồng bằng sông Cửu Long đã rối tung lên vì cúp điện. Điện cúp thường xuyên, cúp vô tội vạ khiến người dân nghĩ rằng có lẽ ngành điện đang xử lý việc thiếu điện bằng cách ưu tiên cho các đô thị lớn và mạnh tay cắt điện ở các vùng nông thôn...”. Cúp điện liên tục làm sản xuất đình đốn, dân thiệt tiền tỉ. Đã có một số cơ quan Nhà nước công việc bị tồn đọng rất nhiều do máy tính bị “trùm mền”. Cơ quan chức năng ở An Giang, Đồng Tháp còn “phát hiện” một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm “cơn sốt” giá gạo vừa qua là do… cúp điện. Vì cúp điện, nhà máy xay xát ngưng hoạt động càng gây nên tâm lý hoang mang cho người dân...


Thời gian cúp điện thì vô chừng, ví dụ thông báo cúp từ  sáng đến chiều thì ông nhà đèn chơi luôn  đến 22 giờ đêm. Người bệnh phải chạy tìm Bệnh viện nào có điện mới dám vô nằm, học sinh phải thức quá khuya để học bài, cơ quan hành chính (cụ thể là Sở Nông Nghiệp &Phát Triển Nông Thôn Cà Mau) lãnh đạo cho cán bộ nghỉ ban ngày làm việc bù ban đêm.


Khôi hài nhất là  chuyện nhân viên của Công ty bất động sản Hoàng Gia trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận 3 (tên cũ là đường Công Lý), nhiều lần trở thành kẻ “đứng đường” vì không thể mở chiếc cửa cuốn cổng chính. Vì đây là cánh cửa duy nhất để ra vào nên khi bị cúp điện, toàn bộ nhân viên công ty phải đứng ngoài.


Thành phố Đà Nẵng lớn nhất khu vực miền Trung cũng không chịu “thua chị kém em” về cúp điện. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất điêu đứng vì bị mất điện không được báo trước. Cúp nhiều đến nỗi ngày 21/7/2008 Bộ Công Thương phải cử Đoàn Kiểm tra do Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - ông Phạm Mạnh Thắng dẫn đầu đã đến Đà Nẵng để kiểm tra tình hình cúp điện bất thường, liên tục thời gian vừa qua.


Mùa hè năm 2009 đến, bài ca “cúp điện” được Điện lực Sài Gòn lặp lại. Chưa ai tính được mỗi lần cúp điện ở một thành phố lớn, thiệt hại kinh tế là bao nhiêu, nhưng chắc chắn rằng con số đó không hề nhỏ một tý nào.
Theo ngành điện giải thích tình trạng cả nước bị cúp điện liên miên vì lý do thiếu điện, nhưng ngành điện lại không lo mở rộng sản xuất, lại cứ đòi Chính phủ cho tăng giá điện và đi làm những việc chẳng dính dáng gì đến điện đóm là đầu tư hàng trăm triệu USD vào khai thác… resort ở Lăng Cô, hoặc tranh chấp cột điện với các công ty viễn thông.


Mỗi lần cúp điện, ngành điện luôn bị dân chúng lên án, phản  đối, chửi bới… nhưng ngành điện vẫn cứ giả điếc đánh bài lờ, chỉ duy nhất cúp điện vào “Giờ Trái Đất” là ngành điện không bị ai la làng cả. Ngành điện Việt Nam hẳn phải là người đầu tiên hoan nghênh, vỗ cả hai tay hai chân cho sáng kiến “Giờ Trái Đất”.


Cháu tôi, mới có mười mấy tuổi, đưa ra nhận xét: “Ở trường con người ta nói ngày 27/3 này có “Giờ Trái Đất” nên cúp điện một giờ. “Giờ Trái Đất” lợi ở chổ được thông báo cúp trước một tháng, được cúp đúng ngày, đúng giờ thông báo, cúp chỉ có một giờ đồng hồ. Ngày có “Giờ Trái Đất” là ngày có thời gian cúp điện ngắn nhất trong năm”. Theo ý nó thì đó là lý do chúng ta phải hoan hô “Giờ Trái Đất”.


Tạ  Phong Tần


.

12/3/10

NỬA ĐÊM CỘT CỬA, PHÓNG HỎA ĐỐT NHÀ, CHUYỆN GÌ CŨNG DÁM LÀM

.

Hồi tui mới dọn về nhà số 84D Trần Quốc Toản quận 3 SG ở, mới được mấy hôm thì sáng thức dậy không thể mở cửa ra ngoài được vì có ai đó lấy dây thép cột khoen cửa phía ngoài lại, tui thò tay ra mở được, cũng không chú ý lắm, tưởng đâu quân ngũ đầu đường xó chợ nào nó rảnh việc nên ngứa tay.

Thời gian gần đây, tình trạng này liên tiếp lặp lại "quy mô" hơn bởi lẽ tụi lưu manh đó cố tình xúm nhau đè cánh cửa xuống sát đất rồi dùng dây kẽm mới tinh quấn mấy chục vòng vào đó. Dây kẽm này rõ ràng là có sự chuẩn bị mang đến vì hai dãy nhà xung quanh đây là "phố nhà giàu", toàn cửa sắt kéo, không thể tìm đâu ra dây kẽm bỏ rơi cả. 

Càng không thể nói khu phố này "không đảm bảo an ninh trật tự" bởi sau lưng nhà 84D này là nhà riêng của đương kim Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cách đó mấy bước là Ngân hàng Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn (AGRIBANK) lúc nào cũng có người canh gác. 

Lần thứ nhất chúng giở thủ đoạn lưu manh cột cửa không cho người trong nhà ra ngoài vào ngày 8/3/2010, tui phải nhờ con bé bạn của thằng cháu Dũng (con trai anh Điếu Cày) gọi Dũng từ bên nhà 57 Phạm Ngọc Thạch quận 3 sang mở dây kẽm.

Lần thứ hai, chúng tiếp tục lặp lại hành vi lưu manh vào ngày 11/3/2010. Lần này thì cả Dũng cũng bị nhốt trong nhà. Hơn 7 giờ sáng rồi nhưng Dũng không thể đi học được. Dũng gọi mẹ (chị Tân) sang mở dây kẽm. Chị Tân đến Công an phường 6 quận 3 trình báo, yêu cầu lặp xuống hiện trường lập biên bản thì ông Đại úy Đào Duy Hải bảo chị Tân phải viết tờ tường trình cho ông trước(?!). Chị Tân không đồng ý, bởi lẽ không thể ngồi đó viết tường trình trong khi bao nhiêu con người đang bị nhốt trong nhà, không đi học, không đi làm, không ra ngoài ăn uống gì được. Mà nếu cứ nhởn nhơ viết tường trình thì đồng bọn của chúng thừa cơ hội đến mở dây kẽm ra rồi hô hoán là chị Tân bịa chuyện vu vạ chúng thì sao? Chị Tân trả lời: "Các ông phải lập biên bản trước, rồi tôi mới viết tường trình cho ông cả ngày cũng được" thì tất cả cán bộ Công an phường đều lảng đi hết. Có người nói với chị Tân rằng tối hôm qua thấy một nhóm 5-6 người mặc sắc phục Công an xanh cột dây kẽm ở cửa, nhưng ông Đào Duy Hải và ông Riết (Cảnh sát khu vực) nói "Không phải chúng tôi". Bọn lưu manh chúng cột cửa bằng loại dây kẽm lớn và chắc, lại cột cả hai bên cửa luôn, chị Tân không mở được phải nhờ bác Ngạn (Tổ trưởng Dân phố) sang mở. Bác Ngạn mở bằng tay cũng không được nên phải trở vô nhà lấy kềm ra cắt. Cầm hai mớ dây kẽm trên tay, bác Ngạn nói: "Bọn này có hành động côn đồ, vô pháp luật".

Mấy ngày nay, thấy chung cư, nhà máy, xưởng sản xuất ở Hà Nội, ở Bình Dương bị cháy quá trời, lần nào cũng có nhiều nạn nhân chết cháy thảm thương. Hay là bọn khốn này muốn giở trò "tát nước theo mưa", cột cửa bên ngoài rồi phóng hỏa đốt nhà, bên trong không có đường thoát chết cháy một đám thì coi như "tai nạn", một lũ đầu trâu mặt ngựa nó có thể ăn mừng xoa tay nghỉ phẻ rồi.

Nhớ lại hồi hôm 30 Tết vừa rồi, thằng cháu Dũng chở tui đi lòng vòng các chợ mua hoa thì có một thằng lưu manh kè kè chạy theo, đến gần ngã ba Hoàng Văn Thụ - Hồ Văn Huê thì thằng này chạy lên ép xe và đòi đánh Dũng. Tui kêu làng um sùm lên hắn vội vàng bỏ chạy, nhưng vẫn còn để cái mặt lại dưới đây. Xâu chuỗi các sự kiện lại thì tui thấy quả là có vấn đề không nhỏ à! Hành động thiệt giống như kiến bò trên chảo rang vậy đó!

Mời quý vị xem hình dưới đây:

Photobucket
Khoen cửa bên trái nhà 84D Trần Quốc Toản Q3 bị cột bên ngoài bằng dây kẽm mới tinh ngày 8/3/2010

Photobucket
Toàn bộ bề rộng cửa nhà 84D

Photobucket
Cận cảnh dây kẽm

Photobucket
Chị Tân đang chỉ vào chổ cột dây kẽm

Photobucket
Cận cảnh

Photobucket
Dũng đang mở dây kẽm

Photobucket
Dũng mở xong lấy ra đoạn dây cầm trên tay

Photobucket
Khoen cửa bên phải nhà 84D bị cột lại bằng dây kẽm bên ngoài ngày 11/3/2010

Photobucket
Khoen cửa bên trái nhà 84D bị cột lại bằng dây kẽm bên ngoài ngày 11/3/2010

Photobucket
Cận cảnh bên phải

Photobucket
Bác Ngạn (Tổ trưởng dân phố) dùng tay mở bên trái

Photobucket
Mở bên phải

Photobucket
Không mở bằng tay được nên phải lấy kềm cắt

Photobucket
Sau khi cắt xong, bác Ngạn cầm hai nùi dây và cái kềm

Photobucket
Tên lưu manh ép xe và đòi đánh Dũng ngày 30 Tết Canh Dần

Tạ Phong Tần
.Ta
Tạ

11/3/10

CLB LAN ANH (SG) ĐÃ ĐỔI CHỦ?

.

Bản đồ Sài Gòn năm 1928

Một người quen nói với tôi rằng người quen của "you" khẳng định với "you" chắc chắn như định đóng cột rằng chủ nhân CLB thể thao - văn hóa - giải trí - biệt thự cao cấp lớn nhất Sài Gòn là CLB Lan Anh (số 291 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, kế bên Ban Chỉ Huy Quân sự TP HCM) đã bán CLB cho người khác để chủ cũ đi định cư nước ngoài. 

Khu vực này, thời Pháp gọi là Thành Verdun, sau đó đổi tên thành "Biệt khu thủ đô" thời Việt Nam Cộng Hòa, sau 30/4/1975 đổi thành Bộ Chỉ Huy Quân Sự TP HCM, gọi tắt là Bộ Tư Lệnh Thành. Trải qua mấy đời mảnh đất này đều là khu quân sự. 

Lâu nay thiên hạ vẫn đồn rằng chủ nhân CLB Lan Anh là con gái của cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt.

Thông tin này chưa được CL&ST tôi kiểm chứng. Quý vị nào có điều kiện xác thực, xin vui lòng giúp câu trả lời nhé!

Tạ Phong Tần


.

8/3/10

THƠ CHO NGÀY 8/3: TRĂNG KHÔNG "NGHẸN" NHƯNG THƠ THÌ "NGHẸN"

.


TRĂNG NGHẸN là bài thơ của Hoài Tường Phong vừa đoạt giải Nhất cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long do các Hội Văn học - Nghệ thuật trong khu vực nầy liên kết tổ chức, tỉnh Cần Thơ đăng cai. Nhưng một sự cố lạ lùng chưa từng có đã xảy ra: Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, trưởng Ban Giám khảo cho hay, một số cơ quan "có thẩm quyền" ở thành phố Cần Thơ (thực chất là không có thẩm quyền) đã yêu cầu Ban Giám khảo chọn lại bài khác để trao giải Nhất, vì bài nầy u ám quá. "Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được". Ban Giám khảo đã quyết định không chấm lại, cuối cùng họ quay sang tác giả. Nhà thơ Hoài Tường Phong cho biết, mấy ngày nay chủ tịch Hội Văn nghệ Cần Thơ yêu cầu ông làm đơn từ chối giải thưởng với lý do "tôi không có gởi dự thi". Ông khẳn định rằng "tôi đã gởi dự thi", sau đó vị chủ tịch Hội Văn nghệ lại yêu cầu ông làm đơn xin từ chối giải thưởng với lý do "Thơ tôi có nhiều câu chữ không phù hợp với tiêu chí cuộc thi". Ông Phong nói "Đó là việc thẩm định của Ban Giám khảo".

Xin miễn bình luận về sự kiện nầy. 

Mời các bạn đọc bài thơ TRĂNG NGHẸN đã được công bố giải Nhất vừa qua.


Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa, 
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn. 
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống, 
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn, 
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ. 
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ, 
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê. 

TIN MỚI NHẬN:
Anh Danh! 
Chiều ngày 3-03-8010, Ban thường vụ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Cần Thơ đã họp và chính thức quyết định loại bỏ giải Nhất của bài thơ Trăng Nghẹn của Hoài Tường Phong.
Rõ ràng đây là một sự lạm quyền hay lộng quyền thô bạo chưa từng có của một Hội văn nghệ địa phương vì đây là một giải thơ của khu vực ĐBSCL. Thật không còn gì để nói. Vì không có máy tính và không biết gởi mail nên anh Hoài Tường Phong nhờ tôi mail cho anh để biết.
Mến chào anh.
Phương Đông

.

6/3/10

LÊNH ĐÊNH CHIẾC LÁ…

.



Chị là chủ nhân xe hủ tíu bình dân ở ven đường. Chỉ vài chiếc bàn, ghế nhỏ bằng nhựa, một tấm bạt ni lông sọc hai màu xanh đỏ đã rách bươm lổ chổ đủ che khi nắng, còn mưa thì mạnh ai nấy bưng tô chạy, nhưng cái giá bèo ba ngàn rưỡi đồng một tô, lại ăn ngon miệng nên xe hủ tíu của chị luôn đông khách. Ban đầu, ai cũng tưởng cô con dâu độc nhất của một quan chức đầu tỉnh nổi tiếng bán hủ tíu cho vui. Đến ăn quen rồi, người ta mới biết cái xe hủ tíu đó là nguồn sống của chị và hai đứa con nhỏ. Ba mẹ con họ tự làm tự sống, chồng và gia đình chồng có cũng như không. 








Vốn mồ côi, văn hóa lớp 2 trường làng, từ nhỏ tới lớn sống với người chị ruột, làm ruộng đắp đổi qua ngày... Chị không da trắng tóc dài, không môi hồng má đỏ, không mắt bồ câu mày lá liễu, không chân dài người mẫu, không hình dáng thướt tha; nhưng chị có một nước da bánh ít ưa nhìn, đôi mắt sáng, gương mặt hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, hay lam hay làm, thân hình chắc lẳn tràn đầy nhựa sống của một cô gái nông thôn quan lao động tay chân. Nếu lập gia đình với một anh lực điền chân chất, hẳn chị cũng trở thành một người vợ, người mẹ nông dân với cái hạnh phúc bình dị như bao nhiêu người phụ nữ ở làng quê chị lúc bấy giờ. Sự đời nhiều khi xoay chuyển làm người ta đến không ngờ. Đùng một cái, làng trên xóm dưới từ ngỡ ngàng đổi sang vui mừng cho chị khi biết chị được mối mai gả làm dâu cho một gia đình danh giá chốn thị thành. “Nó đổi đời rồi”, ai cũng nghĩ vậy mà mừng giùm cô thôn nữ. 

Lấy chồng không biết mặt chồng/ Đêm nằm tơ tưởng nghĩ ông láng giềng”. Chị chưa hề gặp mặt, chưa một lần trò chuyện, chưa yêu anh bao giờ, nhưng chị cũng đòi bà mai cho chị “xem mắt” anh rồi. Anh đến nhà chị cùng với bà mối và cha mẹ. Anh ngồi im lặng trên ghế, thỉnh thoảng ai hỏi đến mới trả lời lí nhí, không ai hỏi đến thì thôi. Thấy anh trẻ tuổi, khỏe mạnh, mặt mũi sáng sủa dễ coi, lại hiền lành, chỉ đâu ngồi đó nên chị gật đầu bằng lòng làm vợ anh. Một cô gái nông thôn thất học như chị lấy được người chồng thành thị con nhà “danh giá” là ước mơ của biết bao cô gái làng quê.  

Về nhà chồng sống với anh một thời gian, chị mới phát hiện một sự thật hết sức phũ phàng: Chồng chị là một người không bình thường. Nói đúng hơn, trước khi lấy chị, anh cũng là người bình thường, cao ráo, đẹp trai, học giỏi, nhanh nhẹn, thích đùa. Nghe nói anh đã yêu một cô bạn học xinh xắn, dịu dàng. Cha cô bạn gái này là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, nên cha mẹ, anh chị em của anh quyết liệt ngăn cản cuộc hôn nhân, vì theo họ cuộc hôn nhân đó sẽ làm cản trở con đường công danh sự nghiệp có tương lai sáng lạng của anh. Sau đó, không biết vì lý do gì, cả gia đình cô bạn gái anh bỏ đi biệt xứ không ngày trở lại. Bị cú sốc tình cảm quá lớn, anh tuyệt vọng nên đã uống thuốc độc tự tử. Gia đình vội vàng chở anh đến Bệnh viện, cứu được mạng sống của anh nhưng tâm thần anh không còn bình ổn nữa.  

Lúc tỉnh táo, anh cũng hiền lành, cũng tỏ ra biết thương vợ, biết giúp vợ những việc lặt vặt khi buôn bán. Khi lên cơn, anh rượt đánh chị ghê gớm như để hả một cơn giận hờn ẩn uất chất chứa trong lòng mà chỉ có anh mới hiểu: “Hồi đó kêu cưới con nhỏ ốm kia không chịu, đi cưới con nhỏ này bây giờ nó mập thù lù thấy mà ghê”. Láng giềng không ít lần đã chứng kiến cảnh anh cầm cây rượt chị chạy lòng vòng trong xóm. Mỗi lần lên cơn, gia đình lại đưa anh lên Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa hơn sáu tháng mới về. Cũng không ít lần, người ta nghe tiếng mấy cô em chồng “trí thức” to tiếng chì chiết chị: “Anh tao mà không khùng thì thứ mày ai thèm cưới”. Không nghe tiếng chị trả lời. Chị ngồi ngoài sân nhà ôm mặt rưng rức khóc. Tôi thấy mủi lòng thương cho chị. “Làm dâu khó lắm ai ơi/ Nhịn ăn nhịn mặc nhịn lời mẹ cha/ Làm dâu khổ lắm ai ơi/ Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than”. 

Mỗi buổi sáng, nhìn chị vừa luôn tay bốc hủ tíu vào tô, xắt thịt, trụng hủ tíu…, quát đứa con gái lớn chạy tới chạy lui bưng tô, còn chồng chị thỉnh thoảng lại nhắc ghế ra ngồi nhìn chầm chập vào mặt khách, nếu không phải khách quen biết rõ hoàn cảnh gia đình chị thì khách đã chạy mất dép vì sợ cái “ông kẹ” kia, tôi vừa thấy oái oăm, vừa thương cho chị. Có khi nghe chị than não ruột: “Buôn bán lời không bao nhiêu, làm chuyện gì nặng cũng phải mướn người khác bởi tui làm không nổi, phải chi trong nhà có đàn ông thì đỡ biết mấy…”. Tôi hỏi: “Chồng bà không biết làm sao?”. Chị nói: “Ổng không vác cây rượt tui là may lắm rồi chớ ổng mà làm cái gì”. Tôi trêu chọc: “Sao bà không về quê lấy chồng khác? Giờ còn trẻ không đi, đợi già khú đế mới đi ai thèm lấy. Kiếm ông chồng làm ruộng ổng nuôi bà ăn ở không, ai biểu ham chức vụ bự làm chi, giờ bán hủ tíu cực như trâu, than vãn cái gì”. Chị cười, ánh mắt nhìn ra xa bâng quơ, rồi chị chậm rãi buông từng tiếng: “Cũng muốn về, nhưng ở đây mấy đứa nhỏ đi học được, tui đi rồi tụi nó ở với ai”. Câu trả lời của chị làm tôi tự nhiên cụt hứng với cái kiểu “giỡn chơi” của mình. Tôi thì nghĩ thương thân phận chị, muốn chị nhanh chóng “tháo củi sổ lồng” cuộc đời mình, chị thì chỉ nghĩ tới những đứa con. Phải rồi, tụi nó cũng có một thân phận. Thân phận ấy bây giờ đang non tơ và trông chờ tất cả vào xe hủ tíu mà chị quán xuyến hàng ngày. Chị bỏ đi, có nghĩa là trở lại với cảnh mồ côi, lớp 2 trường làng… rồi một ngày lại mối lái và một bước đường không có lối ra như chị ngày xưa hay sao chớ?... 

Chị chỉ là một phụ nữ quê mùa, dốt nát, tứ cố vô thân… cả gia tài chỉ là chiếc xe hủ tíu và một người chồng tâm thần. Và cái mà chị có thể cho những đứa con của mình là tuổi thanh xuân. Đơn giản, vì chị là mẹ của chúng mà thôi… “Rạm đồng nấu với bẹ môn/ Đói no mẹ cũng nuôi con nên người”. Thỉnh thoảng, tôi hay nghĩ về góc đường có người mẹ để tuổi xuân của mình trôi đi từng ngày bên xe hủ tíu ở giữa dòng đời trong đục, rủi may… 

.... 

Tôi khăn gói lên Sài Gòn học suốt một năm 2005 theo sự điều động của cơ quan. Tốt nghiệp, trở về quê nhiều ngày mà không thấy bóng dáng chị cùng chiếc xe hủ tíu quen thuộc. Hỏi thăm những người hàng xóm, họ nói rằng chị đã rời bỏ ngôi nhà sang trọng mà lạnh lẽo tình người, dẫn hai con ra mướn nhà ở khu lao động gần nhị tì Quảng (nghĩa địa người Hoa). Sáng sáng chị vẫn bán hủ tíu, chiều bán vé số kiếm tiền nuôi con ăn học. Chồng chị ở nhà cha mẹ ruột, anh vẫn vô tư với thế giới nội tâm của riêng mình, hình như anh quên rằng anh đã từng có một người vợ hiền và hai đứa con xinh xắn. Còn cha mẹ anh thì nay "định cư" ở một căn nhà khác chăm sóc vuông tôm trù phú thuộc khu đất biển đắt địa ở ngoại thành nổi tiếng về du lịch.  

Thỉnh thoảng, cha anh lọ mọ về nhà cũ thăm con trai, anh con trai lại đóng cửa không cho vô nhà, ông phải ra quán cà phê gần nhà ngồi nghỉ mệt. Anh còn chạy theo ra quán cà phê đứng "chống nạnh hai quai" trước mặt ông quát nạt um sùm: "Ông về đây làm gì? Ở đây đâu còn chuyện gì cho ông làm nữa mà về?". Không ai dám lên tiếng bênh vực người cha vì ai cũng sợ ông con "nổi cơn" nhào vô đánh đá lung tung, bởi lẽ anh “tưng tưng” thật nhưng sức vóc lực lưỡng của người đàn ông mới hơn ba mươi lăm tuổi thì anh không hề kém cạnh ai. Ông im lặng nhìn con, ông cũng sợ nói tới nói lui với nó một hồi thì “thằng con quý tử” của ông nổi khùng lên vác cây đập luôn cả ông. Hàng xóm láng giềng thấy cảnh ngộ của hai cha con ông chỉ biết thương cảm lắc đầu, chép miệng, người nói "Quả báo nhãn tiền", kẻ bảo "Oan gia nghiệp chướng". 

Rồi tôi lại lên Sài Gòn, lần này không phải để đi học, mà là đi "phiêu bạt giang hồ". Mấy năm liền tôi chưa trở về quê lần nào. Nhiều lúc, tôi tự hỏi chị bây giờ có tìm được cho mình một bến đậu bình yên, hay vẫn còn thân phận lênh đênh như chiếc lá giữa dòng? Bất chợt tôi nhớ đến hai câu thơ tôi đã đọc hơn hai mươi năm về trước: “Nước ròng thương bãi bơ vơ/ Xuồng ai xa lắc xa lơ hỡi xuồng”. 

Tạ Phong Tần
.

1/3/10

LÁI THIÊU: TƯNG BỪNG LỄ "CỘ BÀ"

.

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tháng Giêng cũng là tháng của lễ hội ở khắp cả nước, nhất là ngày Rằm thứ nhất đầu năm mới, nơi nơi đều tổ chức cúng bái, rước lễ long trọng để cầu ơn trên ban cho cả năm được mưa thuận giớ hòa, quốc thái dân an.

Khoác vào người bộ đồng phục màu xanh lá mạ của Đoàn Nghệ Thuận Lân Sư Rồng Hằng Anh Đường (quận 11 Sài Gòn), cộng với bề ngoài “hoành tráng”, động tác di chuyển nhanh nhẹn, ăn nói ra vẻ “lão sư”, tuổi tác “dày cơm”… đủ để dưới mắt người khác tôi nghiễm nhiên trở thành một “võ sư Hằng Anh Đường” (lụi) để hòa nhập vào không khí lễ “Cộ Bà” ở thị trấn Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương).

Lái Thiêu vốn là vùng đất người Hoa tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông đặt chân đến sinh sống trước hơn cả Sài Gòn. Trong những ngày mới đến “khai hoang lập ấp”, người Hoa đã lập miếu thờ Bà Thiên Hậu Nương Nương (Thiên Hậu cung, còn gọi là Chùa Bà Thiên Hậu) ở gần chợ Lái Thiêu, đường Phan Đăng Lưu ngày nay. Lái Thiêu có nhiều miếu thờ Bà, nhưng chỉ có miếu Bà Thiên Hậu do người Hoa Phúc Kiến thờ cúng thì rằm tháng Giêng nào cũng đông nghẹt các đoàn Lân Sư Rồng khắp nơi kéo về “cộ Bà” để tỏ lòng biết ơn, không quên ơn Bà phù hộ trong những ngày khó khăn thưở ban đầu mới đến vùng đất Việt. “Cộ Bà” (kiệu) tức là sau khi làm lễ cúng long trọng, người dân rước kiệu Bà trong đựng sắc phong (nghe nói do vua Gia Long ban sắc) đi vòng quanh các con đường chính trong thị trấn, theo sau là hàng đoàn Lân Sư Rồng lũ lượt đánh trống, nhảy múa, cờ xí rợp trời, tiếng trống tưng bừng rộn rã.

10 giờ sáng, chúng tôi xuất phát từ Sài Gòn lên thị trấn Lái Thiêu. Vừa lọt vào ranh giới thị trấn, tôi đã thấy ngoài đường phố có rất nhiều Đoàn Lân quần áo đồng phục có in logo và tên Đoàn, màu sắc sắc sỡ đi diễu hành trên phố trong tiếng trống nhặt khoan. Với “lực lượng hùng hậu” gần 60 người lớn nhỏ đủ cả, hai xe tải bự, hai xe nhỏ 17 chổ, người phụ trách phải tìm được một chổ gởi xe cách Chùa Bà hơn một cây số nhưng đủ rộng để chứa hết “bầu đoàn thê tử”. Xuống xe, ổn định vị trí, ăn uống qua loa rồi theo thứ tự năm con Lân ngũ sắc sắc sỡ đi trước, dàn trống đi kế tiếp ở giữa, hai con Rồng vàng mỗi con dài 20m với 18 người cầm chân rồng đi hai bên.

Tại khu vực ngoài sân Chùa Bà, cả một đoạn đường đông nghịt người dân đến xem “cộ Bà”. Người ta bảo không cần làm gì cả, cứ “được theo cộ Bà” là được phúc lớn rồi. Tiếng loa phóng thanh từ bên trong Chánh điện thỉnh thoảng vang ra xướng tên người đấu giá, số tiền đấu giá đèn lồng “của Bà” mỗi lúc một tăng lên. Ban đầu, tôi nghe xướng mức giá 18 triệu đồng cho cái đèn lồng thứ sáu, cứ cách 5-10 phút thì số tiền lại tiếp tục tăng dần. Tôi cố gắng chen vào bên trong đám đông chật cứng để xem “mặt mũi” đèn lồng thế nào, thấy đó là một cái đèn tròn màu đỏ bên ngoài bọc vải đã cũ (kiểu ta thường thấy trong các phim cổ trang Hồng Công). Theo lời người dân ở đây thì năm nào cũng tổ chức đấu giá lồng đèn như vậy, năm ngoái, giá cuối cùng là 80 triệu đồng. Số tiền này được đưa vào quỹ từ thiện của Chùa, còn người đấu giá mong muốn mang được chiếc đèn lồng “của Bà” về nhà mình coi như rước được “phúc lộc thọ” cả năm. Giá cao nhất của đèn lồng năm nay là 120 triệu đồng. Phía trong hậu điện, nơi đặt tượng thờ bằng đồng đen của Bà, đông nghẹt thiện nam tín nữ chen chân thi nhau thắp nhang to nhang nhỏ đủ loại khiến không khí nơi đây trở nên ngộp thở, mù mịt khói nhang cay xè. Cắm nhang vào lư hương xong, người ta chen vào gần hơn để sờ tay vào tượng Bà rồi vuốt lên đầu mình để “cầu an”. Chịu không nổi mùi cay của khói, tôi trở ra ngoài đường.

Bên ngoài, dưới cái nắng chói chang, nhiệt độ gần 360C, Lân, Rồng, Địa, Thần Tài đứng ngồi lố nhố, nhiều người trốn nắng dưới những cái đầu Lân to tướng, hoặc lấy cờ của Đoàn che lên đầu mình. Mồ hôi tuôn dòng dòng trên người như tắm, thỉnh thoảng một chút gió từ mặt sông kế bên thổi đến không đủ xua đi cái nóng kinh người, nóng đến mức độ chúng tôi uống rất nhiều nước mà từ 10 giờ đến hơn 5 giờ chiều không ai có nhu cầu “xả nước cứu thân”, bởi lẽ có bao nhiêu nước trong người nó tuôn ra đằng lỗ chân lông hết rồi.

Khoảng ba giờ chiều, có tiếng loa thông báo kiệu Bà sẽ được rước ra. Tôi trèo lên cái bàn cao nhất ở bãi giữ xe đối diện chùa Bà để chụp hình. Bàn này, ông chủ bãi giữ xe liên tục la hét không cho ai trèo lên đứng cả vì sợ sập bàn, nhưng không hiểu sao ông thấy tôi trèo lên thì ông làm thinh, có lẽ ông “nể” bộ đồng phục “võ sư” (lụi) tôi đang mặc của Đoàn Lân đông người nhất, hoành tráng nhất, đẹp nhất (trong ngày hôm đó) từ Sài Gòn lên.

Xuất hiện từ cửa chính Chùa Bà là nhóm khiêng giá vũ khí Thập Bát Ban Võ Nghệ ra trước, kế đến là kiệu Bà sơn màu đỏ do mười sáu người mặc đồng phục cũng màu đỏ khiêng trên vai. Kiệu Bà vừa xuất hiện, rất nhiều người dân tay cầm cây nhang to bằng cổ tay, dài cả mét đã đốt sẵn chen lại gần tranh thủ cắm vào lư hương Bà. Cắm được ngang như vậy được xem là rất may mắn. Các em nhỏ trang điểm, ăn mặc đẹp đẽ ngồi trước kiệu luôn tay tung hoa giấy lên trời. Đi sau kiệu là “Thất Tiên Cô” tay bưng giỏ hoa, bốn ông Phúc, Lộc, Thọ, Thần Tài tay bưng cục vàng (giả) to đùng, tất cả đều trang điểm, ăn mặc kiểu xưa như phim cổ trang thời nhà Tống. Kế đến là nhóm biểu diễn đi cà kheo cùng với hai con hổ vàng bằng giấy thật là to. Các Đoàn Lân, Rồng, kèn trống từng đoàn nối gót theo sau.
Tôi thấy vui nhất là đội kèn Tây của Hội Tương Tế Quảng Đông mặc đồng phục đỏ, nhìn họ thổi kèn mấy bài nhạc mới rộn rịp, tôi nghĩ Bà Thiên Hậu bây giờ văn minh tiến bộ quá, Bà cũng biết thưởng thức kèn Tây và nhạc Tây nữa kìa. Một ông trong đội kèn Tây thấy tôi đứng gần bèn nói: “Kiếm thêm một người áo vàng nữa lại đây đứng chụp chung tấm hình, nhìn giống y cây đèn giao thông”. Mọi xung quanh được một trận cười vì câu nói đùa hóm hỉnh.

Đoàn rước kiệu đi quanh một vòng qua khu vực chợ Lái Thiêu, từ Chùa Bà cho đến điểm cuối đoạn đường dài hơn ba cây số. Số người đi theo phía sau dài dằng dặc có đến khoảng hơn mười ngàn người. Hai bên đường, người dân lập bàn hương án trước nhà, thắp nhang cầm trên tay đón đoàn rước kiệu đi qua, bưng từng ly nước mát trao cho Đoàn Lân. Tôi nghĩ ngày xưa vua chúa ra đường được dân chúng lập bàn hương án bái vọng dài theo đường cũng chẳng thể hơn cuộc rước “cộ Bà” này. Hồi xưa người ta bị lập hương án vì bắt buộc, bây giờ người dân lập hương án, cho nước mát vì tín ngưỡng, vì niềm tin và cả sự yêu mến khi xem Tứ Linh biểu diễn.

Tôi may mắn được đi sau “Thất Tiên Cô”, thấy mồ hôi trên cánh mũi các “Tiên” chảy ra nhễ nhại, một cô lấy tay áo chùi ngang mặt, làm cho phần trên mặt cô vẫn còn “mắt phụng mày ngài”, nhưng từ cánh mũi trở xuống mất hết son phấn lộ màu da thật ra, phân khuôn mặt thành hai màu da rõ rệt bằng một đường ngang, trông vui không chịu được. Áo quần các “Tiên cô” dài quét đất, lại mang giày cao gót nên đi đứng bất tiện, các cô cứ bước lên vạt áo, gấu quần của chính mình nên thường vấp dúi dụi vào lưng người phía trước. Lợi dụng lúc đoàn rước đứng lại, một “Tiên” áo trắng váy xanh trời ngồi bệt luôn xuống đất, khi mọi người kêu đi tiếp cô mới đứng dậy. Tôi nói với người đánh trống: “Đi chậm chậm thôi, coi chừng Tiên té”. Anh này cười ngặt nghẽo trả lời: “Thấy rồi”.

Lúc này, hai con Rồng to dài Hằng Anh Đường đi hai bên lề đường, chính giữa là đội trống của Đoàn. Chẳng hiểu sao mấy chú kèn Tây áo đỏ lại chui vào giữa đi sát vào phía sau đội trống. Các chú kèn Tây thổi nhạc Xuân át đi cả tiếng trống. Tay trống trẻ dáng người gầy nhỏ của đoàn Lân coi mòi “chịu bề hổng thấu”, bèn nhường chổ cho một võ sư trung niên lực lưỡng bước vào thế chổ. Anh này dạng chân xuống tấn, cứ thúc từng hồi trống đùng đùng mạnh mẽ vang rền như trống xung trận, làm đội kèn Tây nín thinh. Trống đánh dồn dập đòi hỏi bộ trụ phải vững, người đánh trống phải có lực, nên không thể vừa đi vừa đánh. Thành thử, theo nhịp, cứ cách một phút thì trống dừng lại để đánh liên tục trong trong khoảng năm phút rồi nghỉ để đi, rồi lại ngừng để gõ trống tiếp. Các chú kèn Tây thừa cơ hội ngừng tiếng trống là chen vào thổi. Âm thanh trống trầm hùng dồn dập chen với tiếng kèn véo von vang lên từng hồi, người ngoài cuộc không thể biết đang có trận “thư hùng” kèn trống diễn ra giữa đoàn rước kiệu.

Hơn 5 giờ chiều, các đoàn lên xe “ai về nhà nấy” trong bầu không khí vui vẻ, phấn khởi với lời hứa năm sau “đến hẹn lại lên”.

Tạ Phong Tần

Photobucket
Thần Tài, Rồng Vàng, cờ xí của Đoàn Nghệ Thuật Lân Sư Rồng Hằng Anh Đường
Photobucket
.
Photobucket
.
Photobucket
.
Xem thêm hình ở đây
.

25/2/10

TRUNG QUỐC ĐÃ HOÀN THÀNH VIỆC XÂY DỰNG 113 CỌC TIÊU VÀ HẢI ĐĂNG Ở HOÀNG SA

.



Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng 113 cọc tiêu và hải đăng ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tin động trời này được đăng ngập tràn trên các trang tiếng Việt ở nước ngoài từ ngày 12/02/2010. Cho đến ngày hôm nay là đã 13 ngày trôi qua, vào Google search tìm nhưng không thấy bất kỳ một trang báo, trang tin điện tử nào ở Việt Nam đăng, báo giấy hàng ngày cũng không thấy đăng. 

Mời quý vị đọc toàn văn bản tin trên trang của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ngày 12/02/2010

"Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng 113 cọc tiêu và hải đăng nhằm xác lập đường lãnh hải ở khu vực vùng biển tranh chấp Đông Trung Hoa.


Khu vực biển được coi có trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn này là nơi cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. 

Reuters trích lại tin của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng tương tự đối với quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía đông nam quần đảo Hải Nam. 

Tưởng cũng cần nhắc lại là hải quân Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay lực lượng Việt Nam Cộng Hòa sau một cuộc hải chiến ngắn ngủi ngày 19/1/1974. 

Hồi tháng Một năm 2010, trong một cuộc họp báo ở Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Tôn Quốc Tường, nói rằng lãnh đạo Trung Quốc đề xuất ‘gác lại tranh chấp và cùng nhau khai thác’ ở khu vực biển biển Đông.

Reuters nhận định rằng tuyên bố ranh giới lãnh hải của Trung Quốc ở khu vực biển Đông luôn gây ra tranh cãi vì vùng biển nhiều dầu mỏ này là nơi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, tuyên bố chủ quyền.".


Vậy mà khai trương đầu năm Con Cọp, đương kim Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lên trang nhất các tờ báo trong nước hô hào: "Cần thông tin nhanh nhạy về chủ quyền đất nước" (Tuổi Trẻ ngày 24/02/2010), "Phải thông tin mạnh hơn về chủ quyền lãnh thổ" (Pháp Luật TP HCM ngày 24/02/2010), v.v... và v.v... 

Không biết lực lượng báo chí trong nước hiểu như thế nào về phát biểu của Thủ tướng mà trước thông tin Trung Quốc ngang nhiên cắm cọc tiêu, xây hải đăng để xác định chủ quyền của TQ trên quần đảo Hoàng Sa không thấy đăng lên cho người dân biết, làm như Hoàng Sa là ở tận đẩu tận đâu và của ai ai đấy, chả liên quan gì đến mình hết. Hay là ngoài mặt thì viết như thế chỉ để cho dân chúng trong nước đọc nhằm giải tỏa sì-trét, bên trong còn có sự chỉ đạo ngầm nào chăng, nên hơn 700 tờ báo dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN và Nhà nước CHXHCN Việt Nam đều im thin thít??? 

Tạ Phong Tần
.

23/2/10

CUỘC VƯỢT BIÊN ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT

.
Hải trình từ VN sang Cao Ly (Hàn Quốc) năm 1226 của Hoàng thân Lý Long Tường

Sau khi áp dụng thành công kế "Du Long Chuyển Phụng" đem về ngôi báu cho họ Trần, để củng cố quyền lực và chống âm mưu phục quốc của họ Lý, năm Nhâm Thìn (1232) Thái sư Trần Thủ Độ lập mưu lừa tôn thất nhà Lý vào làng Hoa Lâm (Lục Ngạn, Bắc Ninh) tế lễ Thiên hậu rồi chôn sống, những người họ Lý còn sống sót phải đổi sang họ Nguyễn đày vào vùng rừng sâu núi độc.. 

Theo Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, vào năm 1226, để bảo toàn tính mạng và thờ phụng tổ tiên, Hoàng thân Lý Long Tường (lúc này đã 52 tuổi, con thứ 7 của vua Lý Anh Tông, nguyên là Thái sư Thượng Trụ quốc, Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty, Thượng Thư Tả Bộc Xả, Lĩnh Đại Đô Đốc, tước Kiến Bình Vương dưới triều vua Trần Thái Tông) dẫn hơn 6 ngàn gia thuộc chạy trốn ra nước ngoài trên ba hải thuyền theo cửa biển Thần Phù (Thanh Hóa). Hơn một tháng lênh đênh trên biển, đoàn người đã được vua Cao Ly cho người đón tiếp ân cần và cho phép định cư tại đất nước Củ Sâm này.

Trong thời gian sống ở Cao Ly, Hoàng thân đã 2 lần giúp Cao Ly chống lại quân xâm lược Nguyên, lập nhiều công trạng, được vua Cao Lý phong làm Hoa Sơn Tướng Quân, lập bia ghi công ở Thụ hàng môn. 

Năm 1994, ông Lý Xương Căn, cháu đời thứ 26 của Hoàng thân Lý Long Tường đã dẫn theo gia tộc trên 200 người trở về Việt Nam, đến Từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) để kính bái Tổ tiên.

Hồi nhỏ, khi còn ngồi mài mòn đáy quần dưới mái trường XHCN yêu dấu, tôi vốn là một học sinh giỏi môn Lịch sử mà vẫn không biết những điều này, bởi nó không hề được viết trong sách giáo khoa Lịch sử. Mấy năm gần đây, nhờ mài mò tìm kiếm trong mớ sách cũ như Việt Nam Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư  còn sót lại của thực dân, đế quốc mà đầu óc tôi nó được sáng láng ra. 

Vậy là không phải sau này người Việt mới biết xuống tàu vượt biên bằng đường biển để chạy trốn một chế độ, mà hồi cái thời xa lắc xa lơ cách đây 8 thế kỷ người Việt đã làm rồi. Điều ngạc nhiên là thời mồ ma Thực dân Pháp hay Đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, nghe trong sách giáo khoa "đồn" rằng nó tàn ác, khốc liệt lắm, vậy mà hổng thấy người Việt nào ùn ùn kéo nhau bỏ đất nước mình mà chạy trốn cả. Sau ngày 30/4/1975, người Việt lại tiếp tục lũ lượt theo gương Hoàng thân Lý Long Tường mà vượt biển, biết là mười phần chết chín phần chỉ còn một phần hy vọng sống mà vẫn cứ ra khơi phó mặc cho may rủi, nghe nói số người bỏ mình trên biển cả có đến mấ ngàn người, những người may mắn sống sót không chỉ có mặt ở Cao Ly, mà hầu như có mặt ở khắp các quốc gia Châu Mỹ, Châu Âu.

Đọc sách Lễ Ký thấy có chép: "Khổng tử quá Thái Sơn trắc, hữu phụ nhân khốc ư mộ giả nhi ai. Phu tử thức nhi thính chi, sử Tử Lộ vấn chi, viết: "Tử chi khốc giả, nhất tự trùng hữu ưu giả". Nãi viết: "Nhiên. Tích giả ngô cửu tử ư hổ, ngô phu hựu tử yên, kim ngô tử hựu tử yên". Phu tử vãn: "Hà vị bất khứ dã?".  Viết: "Vô hà chính". Phu tử viết: "Tiểu tử chí chi, hà chính mãnh ư hổ dã"."

Nghĩa là: 

Khổng tử đi qua bên núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà khóc trước mộ rất bi ai. Phu tử tựa vào xe để nghe, sai Tử Lộ hỏi: "Tiếng khóc của bà sao có nhiều nỗi đau buồn?". Người đàn bà trả lời: "Đúng vậy. Ngày trước cha chồng tôi chết vì cọp, sau đó chồng tôi chết chôn ở đây, bây giờ con tôi cũng chết chôn ở đây". Phu tử hỏi: Sao bà không đi nơi khác ở?". Người đàn bà trả lời: "Ở đây không có chính sách hà khắc". Phu tử nói rằng: "Các trò hãy ghi nhớ điều này: Chính sách hà khắc còn tàn bạo hơn cọp dữ". 

Vậy mà hồi đó lúc nào cũng cứ nghe nói nhai nhải bên tai rằng bọn "trộm cướp đĩ điếm mê bơ thừa sữa cặn nên mới đi vượt biên". Mỹ mà biết câu này họ nở mũi bằng cái thúng bởi bơ sữa của họ còn giá trị hơn sinh mạng con người, nên mới khiến cho mấy ngàn người bất chấp hiểm nguy mà đi tìm "bơ thừa sữa cặn". 

Những con ếch bị nhốt trong giếng không thể biết bên ngoài trời cao đất rộng bao la đến nhường nào. May mà được trận mưa lớn ngập giếng nước tràn lên bờ, bầy ếch mới có dịp leo ra bơi lội tung tăng bên ngoài, mặc cho một lũ chăn ếch suốt ngày cứ chạy theo sau đít cố bắt lại từng con ném trở vào cái giếng sắp vỡ đến nơi rồi. Thật là phí công vô ích.


Tạ Phong Tần



__________

Lễ Ký: Hà chính mãnh ư hổ

苛政猛於虎

孔子過泰山側,有婦人哭於墓者而哀。夫子式而聽之,使子路問之,曰:子之哭也,壹似重有憂者。乃曰:然。昔者吾舅死於虎,吾夫又死焉,今吾子又死焉。夫子問:何為不去也?曰:無苛政。夫子曰:小子識之,苛政猛於虎也。