Múa Lân với người Việt thì không lạ. Từ Bắc vào Nam ở đâu cũng có múa Lân. Nếu ở vùng khác người ta "chơi nguyên băng" là Lân Sư Rồng thì dân Bạc Liêu chỉ chơi Lân kèm theo một nhân vật độc đáo khác gọi là ông Địa.
Ngày tôi còn nhỏ, mỗi độ Xuân về, nghe ngoài đường âm thanh tiếng trống "tùng xình cắc tùng xình tùng xình" là bọn trẻ con chúng tôi lại túa ra đường kêu nhau ỏm tỏi: "Đi coi múa Lân tụi bây ơi!". Hễ chổ nào có múa Lân, chổ đó người lớn, con nít đứng bu đầy chung quanh, vỗ tay, hít hà, nhún nhảy theo nhịp trống, cười rộ lên mỗi khi Lân hay Địa có những động tác hay, hài hước.
Con Lân là một trong số Tứ linh: Long Lân Quy Phụng. Trong các đền thờ, miếu mạo ở miền Tây đều có tượng Tứ linh gác cổng, chào khách, đội bia.... Hình dáng Lân dữ tợn, đầu lớn có sừng có vẩy, mắt sâu và to, tai to, trên trán có chữ Vương màu đen to tướng, miệng rộng đầy răng, râu dài rậm rạp, lông lá xồm xoàm, mình có vẩy mập mạp, chân ngắn có móng mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Ông Địa, không phải ông Thổ Địa, cũng không phải ông Địa Tạng Vương Bồ Tát, có người bảo là ông Địa giống ông Phật Di Lạc. Vì người đóng vai ông Địa đeo mặt nạ đầu hói, trán trợt, da dẻ đỏ hồng, khóe miệng có nốt ruồi to cười toe toét, bụng phệ to tướng (độn bụng), mình mặc áo dài đỏ, thắt lưng vải màu vàng, bắp chân quấn xà cạp, đi giày vải trắng, một tay cầm quạt đan bằng tre, một tay cầm nhánh lá.
Truyền thuyết kể rằng Lân rất dữ tợn, không ai dám đến gần. Lúc Lân đang ngủ, ông Địa cầm nhánh cỏ Linh chi đến gần dụ khị cho Lân ăn. Lân ăn cỏ thiêng xong, trở nên hiền lành, ngoan ngoãn. Từ "thú hoang", Lân được ông Địa "thuần hóa" thành "vật nuôi". Ông Địa đi trước, Lân nhún nhảy theo sau, Địa đi đâu thì Lân theo đó. Vì vậy, khi múa, mào đầu bao giờ Lân cũng tỏ ra hung hãn, nhảy bên này, táp bên kia, đá bên nọ lung tung. Sau đó Lân gật gà gật gù ngủ, ông Địa cầm quạt xuất hiện, đưa nhánh cỏ vào miệng Lân, lấy cái quạt tre vỗ vỗ vào đầu Lân. Lân đứng dậy, Lân và Địa cùng nhảy múa, trững giỡn, rồi Lân rập rình, rập rình đi theo ông Địa. Cảnh ông Địa vuốt ve, vỗ về Lân, Lân hớn hở hí hửng nhảy chân sáo theo ông Địa thể hiện một khung cảnh thanh bình, vui vẻ, tình cảm trìu mến giữa người và vật.
Theo các bậc cao niên ở quê tôi thì Lân có năm màu, chia làm năm bậc lớn nhỏ rõ ràng: Lân trắng, lân đỏ, lân vàng, lân xanh, lân đen. Lân trắng râu bạc được coi là cao cấp nhất, cỡ như Lân "Tù trưởng", Lân râu đỏ, râu vàng là Lân trung niên, chót nhất là Lân "thiếu nhi" râu đen. Thông thường, chỉ những đội Lân mạnh, kỹ thuật giỏi, võ nghệ giỏi mới dám đội đầu Lân trắng. "Yếu cơ" mà "chơi" Lân trắng thì bị Lân khác "thử sức" ngay, lần sau hết dám "trèo cao té đau" nữa. Lân đen đang múa ở đâu, thấy Lân râu bạc xuất hiện thì Lân đen phải làm động tác chào, lạy như chào bậc Trưởng bối trong làng.
Con Lân do hai người mặc quần có gắn lông dài và vẩy chui vào, người phía trước làm đầu Lân, người phía sau trùm miếng vải lên đầu làm đuôi Lân, lúc này bốn chân người trở thành bốn chân Lân. Hay nhất là hai người khác biệt nhau, nhưng khi tiếng trống nổi lên, Lân bắt đầu chuyển động nhịp nhàng, cử động hợp nhất, theo tiếng trống lúc khoan lúc nhặt, lúc dồn dập như thác lũ tràn về, lúc nhẹ nhàng như mây bay gió thoảng, không còn phân biệt được đó là hai con người, mà chỉ thấy trước mắt một con vật to lớn sống động, tinh nghịch đáng yêu. Từng động tác nhảy, vờn, táp gió, lắc lư y như một con chó con lông xù đang đùa giỡn.
Lân múa ở đình làng cầu cho mưa nắng thuận hòa, mùa màng bội thu, đời sống thanh bình no ấm. Lân đi theo xóm, lân đến từng nhà múa đem Tài Lộc Phúc cho gia chủ. Bạc Liêu đa số là người Việt gốc Hoa, nên rất thích múa Lân. Tết là dịp làm ăn phát tài nhất của các đội Lân. Sau tiếng pháo giao thừa rộn ràng thì các đội Lân lớn nhỏ túa ra đình, chùa, làng xóm. Không phải đợi chủ nhà kêu thì Lân mới vào, ông Địa đi trước, dẫn Lân theo sau, “cha con nhà nó” cứ "tự nhiên như Lân" lừng lững tiến vào từng nhà nhảy múa rộn ràng, lạy bàn thờ gia tiên, múa đủ bài bản, nhảy lên lấy tiền thưởng rồi trở ra sang nhà khác. Thông thường thì thấy Lân gần đến, gia chủ đã chuẩn bị sẳn xâu tiền treo lên cao phía trước nhà để thưởng. Gia chủ nào khá giả, giàu có, treo tiền thưởng thiệt nhiều, thiệt cao; lúc này ông Địa và “cái đầu Lân” cùng với “cái đuôi Lân” trổ tài “trồng người để cố lấy phần thưởng cho bằng được. Luật chơi là người làm đầu Lân phải điều khiển Lân vừa múa theo đúng nhịp trống, vừa há miệng táp giật phần thưởng xuống. Thường thì ông Địa có vai trò cản trở Lân lấy tiền thưởng, cũng có trường hợp Địa chơi ăn gian, trèo lên cổ Lân đứng rồi thò tay giật lấy tiền thưởng cho dễ. Cũng có khi gia chủ chơi xấu treo tiền thưởng mà cứ giật lên giật xuống nhử nhử như câu cá, ông Địa "láu cá" nhảy lên đu nhánh cây xuống cho Lân thò tay chộp tiền thưởng, chớ hổng thèm dùng miệng táp nữa.
Nhiều lúc, chủ nhà chưa kịp chuẩn bị mà Lân đã vào rồi thì phải vội vội vàng vàng đi tìm cái que tre để cột tiền vào que cầm giơ lên cho Lân "ăn", cứ nhốn nha nhốn nháo rất buồn cười. Nhà nào lỡ kẹt tiền quá, hay từ giao thừa cho đến mấy ngày mùng Lân vào nhiều lần quá rồi, bị thủng túi rồi, nghe tiếng trống múa Lân thì vội vàng đóng chặt cửa. Đố nhà nào dám đuổi Lân, vì như thế là đuổi Tài duổi Lộc đó nghen.
Sau nhà tôi có cái nghĩa địa cổ của gia tộc ông Hội đồng Trần Trinh Trạch. Mùa nắng, đất khô ráo, cây cỏ mọc lúp xúp, có rất nhiều bướm nhỏ màu vàng hoa cúc bay chập chờn, chập chờn quanh đám cây. Tôi có nuôi một con chó trắng bông đen, giống Nhật lai chó ta, nên nó vừa lông lá xồm xoàm, vừa nghịch ngợm, nhanh nhẹn, láu lỉnh, nhìn nó cũng giống một con Lân con lắm, tôi đặt nó tên là con Băm Chằn. Lúc một tuổi, ngày nắng thì nó thường ra nghĩa địa nhảy nhót "hái hoa bắt bướm". Nó ngồi im trong bụi cây rồi bất thần nhảy lên táp một phát vào con bướm. Hoặc nó quỳ hai chân trước xuống, nhỏng cái đít lên, đầu và mỏ sát đất, nó bò nhẹ nhẹ từ từ đến gần con bướm, bất thình lình nó nhảy phắt lên, giơ bàn tay lông lá của nó ra chộp một phát. Thường thì Băm Chằn táp hụt, và vồ hụt. Hoặc nó nhảy tưng tưng, chồm chồm lên, xông xông đến con bướm, ra vẻ tức tối vì con bướm cứ thản nhiên bay lượn chấp chới trước mặt mà nó không làm gì được. Em gái tôi xem múa Lân xong về nhà nó nói: "Cái này nó múa Băm, coi múa Lân cũng giống như về nhà coi con Băm nó múa hà. Coi múa Lân mắc chen lấn mệt quá!". Nói thì nói vậy, nhưng hễ nghe tiếng trống thì cả người lẫn chó lại nháo nhào chạy ra. Chủ chạy trước, hai ba chú chó đùng đùng chạy theo sau, nhặng xị cả lên.
Người Việt dù cho đi đâu, làm gì, mỗi khi Tết đến Xuân về, hễ nghe tiếng trống múa Lân thì trong lòng lại hớn hở rộn ràng, chân muốn bước ra đường, mà thiếu tiếng trống múa Lân thì lại nghe quay quắt một nỗi nhớ bâng khuâng.
Tạ Phong Tần
Lân con chơi bóng
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét