7/2/10

BONG BÓNG ƠI !



Lâu lắm rồi, cái thời mà cả thị xã Bạc Liêu chỉ có hơn chục chiếc Honda 67, ai có cái xe ấy nhong nhong ngoài đường thì được coi là  giàu có, oai vệ lắm. Cái ăn, cái mặc hằng ngày thiếu thốn trăm bề. Ngày Tết, trẻ con chơi bong bóng, người lớn cũng chơi bong bóng, niềm vui duy nhất lành mạnh, rẻ tiền là bong bóng. Những chiếc bong bóng xanh, đỏ, tím, vàng đủ màu được bơm căng tròn, không phải bóng bay vì ngay cả khí đá để bơm bóng cũng là "của hiếm". Bóng bơm xong, vẽ hình lên, gắn vào cái que tre cầm tay dong chơi khắp trong nhà ngoài ngõ.  

Tết là  dịp cả nhà tôi cùng ra đường bán bong bóng vẽ  để kiếm thêm chút tiền cho tôi sau Tết lên Sài Gòn học. Trước Tết khoảng vài tháng, gia đình tôi ở quê  bắt đầu chuẩn bị cho mùa bong bóng bằng cách chẻ tre vót những cái que cỡ chiếc đũa trở lên, tùy theo bóng lớn hay bóng nhỏ mà que dài hay ngắn. Đi nhặt căm xe đạp hư người ta liệng bỏ ở mấy "tiệm sửa xe" vĩa hè đem về bẻ thành hình cái khóa cột chặt vào que tre. Bong bóng bơm lên, dùng hai ngón tay lận ngang, thắt lại (không cần cột dây thun) tròng vào cái khóa là quả bóng nó đứng vững trên cái que, gió thổi cũng chỉ lung lay nhè nhẹ chớ không hề bị quặt qua quặt lại.  

Tôi đi học ở Sài Gòn, trước khi về quê ăn Tết có "trách nhiệm" đạp cái xe cà tàng qua ngã ba Ông Tạ lùng sục vào những con hẽm nhỏ ngoằn ngoèo để tìm mua bong bóng hiệu Thanh Dung chính hãng đem về nhà. Hồi tôi còn nhỏ xíu, trước năm 1975, tôi đã nhìn thấy nhãn hiệu bong bóng này rồi. Bây giờ, cũng vẫn bong bóng hiệu ấy, nhưng mua ở chợ, mua trong cửa hàng Nhà nước thì bơm nó không lên, cố mà bơm thì một là nó nổ cái đùng, hai là nó cho ra cái bong bóng nhỏ xíu màu tái mét, nhợt nhạt, lớp cao su mỏng dờn nhìn xuyên thấu từ bên này sang bên kia, không thể vẽ hình lên được. Hãng sản xuất, sau số lượng phải giao cho cửa hàng Nhà nước thì họ làm chui để bán lậu bên ngoài. Cái thứ gọi là "hàng chui" này "chất lượng vượt trội", cao su dày, dẻo dai, màu sắc rực rỡ, tươi sáng làm sao. Thành thử, mình có tiền đi mua hàng mà dấm dúi, lén la lén lút đi theo người bán chui ra chui vào trong mấy cái ngõ nhỏ ngoằn ngoèo như đi ăn trộm. 

Môn "công phu" vẽ hình lên bong bóng tôi "thọ giáo" từ chú Sanh quê ở Quảng Nam vào Bạc Liêu lập nghiệp. Khi cả nhà chú chuẩn bị  thu vén về quê, thấy tôi thường đứng xem chú vẽ hàng giờ, chú bèn truyền "bí kíp" lại cho tôi trong ba ngày. "Bí kíp" thứ nhất của môn "công phu" này là chọn bút, pha màu. Bút vẽ là loại bút lông thỏ mấy ông thầy Tàu dùng để viết chữ Nho, ngâm nước cho đầu bút toe mềm keo trong lông thỏ ra hết rồi cột dây treo lên cho khô mà không để đầu lông toe ra. Màu bột thì có 5 màu chính là đen, trắng, xanh dương, đỏ, vàng, pha với nước và keo sao cho vừa tay, màu khi vẽ lên bóng không bị chảy, không đóng cục. Tùy theo lúc mình vẽ cái gì mà "biến tấu" màu sắc thành nhiều sắc độ khác nhau. "Bí kíp" này mới ở "tầng thứ nhất", chưa là gì cả, muốn "đả biến thiên hạ" thì phải luyện thêm "tầng thứ hai" là "công phu" cầm bút, tạm gọi là "cầm nã bút thủ". "Cầm nã bút thủ" là một tay cầm quả bóng, một tay cầm cái bút chấm vào lọ màu, quẹt nhoay nhoáy liền tay trên quả bóng, đổi màu tốc hành, trong vòng 1 phút xong một bức tranh nho nhỏ kiểu thủy mặc của Tàu, gọi là "tốc họa". "Công phu" của "cầm nã bút thủ" là lực ở tay, tay cầm bút vừa đủ cứng để nét vẽ mạnh mẽ, phóng khoáng, dứt khoát, vửa đủ mềm để nét vẽ uốn lượn mượt mà, không bị sần sùi, răn, đóng cục. Cầm bút lông khó hơn cầm bút bi, bút sắt, bút chì viết chữ ở chổ bàn tay người cầm không có chổ để tì (lên mặt bàn) làm điểm tựa, mà điểm cầm nằm “phiêu phiêu” ngay phần giữa cán bút, điều khiển ngòi bút chuyển động bằng lực cổ tay, cổ tay cứng quá thì nét vẽ không thể mềm mại, uốn lượn, nét thanh nét mảnh không đều. 

Tôi hỏi chú Sanh: "Sao mình chỉ được vẽ trong một phút hả chú?". Chú Sanh cười hì hì  bảo: "Vẽ lâu quá làm sao có bóng mà bán cho khách hả con. Người ta đâu ở không đứng chờ mình hoài, phải nhanh tay để lượm tiền được nhiều người chớ. Cho nên, mình chỉ vẽ cái tổng quát, không vẽ chi tiết, phải biết vẽ ăn gian làm sao mà người ta không biết là mình ăn gian". Vì vậy, "công phu tầng thứ 3" có thể gọi là "bí kíp vẽ ăn gian". (Bằng hữu nào muốn học pho bí kíp này phải bái tại hạ làm sư phụ, có lễ vật cúng tổ đàng hoàng thì tại hạ mới thâu nhận và truyền thụ cho. Tạm thời lễ vật gồm có những gì thì tại hạ chưa nghĩ ra, lúc nào có đệ tử bái sư tại hạ mới thông báo luôn một thể). Tôi hỏi: “Sao mình không vẽ tranh to hơn bàn tay vậy chú?”. Chú Sanh nói: “Ngu sao vẽ bự cho nó… hao màu của mình. Vẽ bự thì phải vẽ chi tiết hơn, vừa khó, vừa mất thời gian. Chú nói bàn tay là bàn tay của con, chớ bàn tay chú thì phải vẽ bằng một nửa thôi”. Quả là những “bí kíp” này không nói ra thì khách hàng không thể biết. 

Vẽ bong bóng ngoài đường phố vui lắm. Tôi vừa "hạ  gọng" bộ đồ nghề ra là y như có  một đám đông người lớn trẻ nhỏ xúm xít vây quanh, mắt nhìn chăm chú theo nét cọ, trong phút chốc có ngay bức tranh nho nhỏ bằng bàn tay trên cái bong bóng. Mỗi lần vẽ xong một cái, cắm lên giá là có người mua ngay, thậm chí tranh nhau ỏm ỏi mua trước để cầm đi khoe. Ai mua được bóng trước thì cầm giơ lên cao, ưỡn ngực đưa tay vạch đám đông chen ra ngoài, ra chiều hỉ hả lắm, tôi nhìn theo mà không nhịn được cười. Tôi chỉ việc vẽ hết quả bóng này đến quả bóng khác, bán bóng, lượm tiền thì có mẹ tôi và mấy đứa em tôi. Ngày Tết, bọn trẻ mua bong bóng, chúng thích màu sắc sặc sỡ, vui mắt nên thường đòi tôi vẽ cho chúng con gà, con công, con chim, con thỏ, con cọp, con vịt, con ngỗng... Người lớn thích mua vì cái tên bức tranh để "lấy hên" hơn là mua vì chính bức tranh. Cho nên, những quả bóng to như cái thúng thì thường vẽ rồng, vẽ phụng, vẽ cảnh đồng quê, trăng thanh gió mát... Nếu vẽ hai con chim cho cái mào cao cao, cái đuôi dài dài uốn lượn sặc sỡ một chút thì gọi là "Loan Phụng Hòa Minh", vẽ ba con ngựa cùng phi về một hướng thì gọi là "Tam mã Tranh Phi"; vẽ một con rồng, ngoái thêm chút màu xanh làm nước thì gọi là "Giao Long Hí Thủy", vẻ hai con rồng châu đầu vào nhau thì gọi là "Lưỡng Long Tranh Châu", vẽ thêm một chút nước trắng trắng phun phun ra từ miệng rồng thì gọi là "Long Vương Hóa Vũ", v.v... Thật ra thì vẽ gà, vẽ chim, vẽ phụng hay vẽ ngựa, vẽ cọp thì cái sườn cơ bản nó chẳng khác nhau là mấy. Cho nên, nghĩ ra những cái tên thật "hoành tráng" cho bức tranh, khách hàng nghe qua như bị chưởng lực đánh trúng, trong phút chốc "xây xẩm mặt mày" mà móc tiền ra mua cũng nên gọi là "công phu tầng thứ 4" vậy.
  
Nắng sớm vàng ruộm trên đường, gió xuân nồng nàn hương biển, hòa cùng những chiếc bong bóng đủ màu xinh xắn theo chân mọi người đi khắp phố phường, tuy đơn sơ nhưng gợi lên hình ảnh yên ả, thanh bình, đơn sơ, giản dị, chân chất của người dân quê lúa. 

Nhiều năm rồi, ngày Tết tôi không ra phố bán bong  bóng vẽ. Tết bây giờ tôi cũng không thấy ai bán bong bóng vẽ. Tôi vẫn thấy ngoài phố bán các loại bong bóng sặc sỡ, đẹp đẽ hình con bướm, hình quả tim, hình cá heo... nhưng đó là bong bóng vải cao su, hình ảnh in sẳn, sản xuất hàng loạt giống nhau, được bơm khí đá căng phồng chỉ chực chờ gió thổi mạnh đứt dây là tốc bay lên trời cao. Không như bong bóng vẽ, mỗi chiếc bóng, mỗi bức tranh đều khác nhau, không bức tranh nào giống bức tranh nào, tranh "bốc" hay "chìm" tùy vào tâm tình, hứng thú của người cầm bút. Vì vậy, không có ai đứng vây quanh xe bán bong bóng với ánh mắt chờ đợi, háo hức; không có những tiếng kêu ồ lên kinh ngạc, vui vẻ khi vừa hoàn thành một bức tranh; không có ai hí hửng khi chỉ cần vài đồng lẻ đã có cái bóng và bức tranh vẽ theo ý muốn của mình. Ngày Tết, tôi đi ngoài đường ngắm nhìn những chiếc bóng bay vải cao su đẹp, lung linh, rực rỡ mà đứng lặng lẽ, chơ vơ, thiếu đi cái không khí vui tươi, hồ hởi vây quanh chiếc xe đạp bán bong bóng vẽ.  

Trẻ  con quê tôi bây giờ chúng không thích chơi bong bóng mà thích các rô-bốt chạy pin phát ra những âm thanh ì.. ì.. chéo... chéo váng hết cả đầu, thanh niên nam nữ quê tôi bây giờ không thích đi chơi với trái bóng to có vẽ cảnh đôi nam nữ đứng ngắm trăng hay Long Lân Quy Phụng mà thích vào quán bar hơn. Nhịp sống vội vàng hơn, nói chuyện với nhau như phim Hàn, chào nhau theo kiểu Hàn, ăn mặc theo kiểu Hàn, tối tối xem phim Hàn và rất nhiều thứ Hàn Hàn khác nữa. Phim Hàn dĩ nhiên không có làng quê biển như Bạc Liêu, không có những giọng cười vô tư như sóng biển và không có những chiếc bong bong vẽ. Tự lúc nào, khi nhớ về những kỷ niệm xưa thì tôi lại thèm nghe tiếng gọi: "Bong bóng ơi!". 

Tạ Phong Tần
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét