13/2/09

TẢN MẠN VỀ VALENTINE

.


Valentine, nghe cái tên là biết xuất xứ của từ này không phải ở Việt Nam rồi. Ngày Valentine còn được gọi là Ngày Lễ Tình Nhân. Theo truyền thuyết thì Ngày lễ thánh Valentine bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ thứ ba thời đế chế La Mã.

Tuy mỗi quốc gia có những quan niệm, truyền thuyết về ngày Valentine khác nhau, nhưng nhìn chung, đây là một phong tục tập quán của nền văn hóa phương Tây được du nhập vào Việt Nam và bắt đầu trở nên rầm rộ, ồn ào từ khoảng năm 2004 đến nay nhờ "công lao" của báo chí đã "nhiệt tình lăng-xê" biến nó thành ngày hội ở nước ta, đặc biệt là ở khu vực các đô thị lớn, còn khu vực nông thôn người dân hầu như không biết.

Mỗi năm trước khi đến ngày Valentine (14/2) khoảng một tuần, y như là các báo trong nước đều liên tục có những bài viết quảng bá cho thanh niên Việt Nam hưởng ứng nét văn hóa phương Tây này. Từ việc tổ chức các chương trình vui chơi, giải trí, kinh doanh quà tặng... thuần túy để chào mừng ngày Valentine của các cơ quan, tổ chức thuộc Nhà nước lẫn tư nhân; đến dạy cách chuẩn bị "bữa ăn đặc biệt" (VTV), thi đấu chó (Vietnamnet), nâng lên thành "mỹ tục" dẫn đến tình trạng "cháy nhà nghỉ", và cứ "đến hẹn lại lên", con số thống kê trẻ chưa thành niên nạo phá thai ở các cơ sở y tế tăng vọt, năm sau cao hơn năm trước.

Năm nay, người ta còn tổ chức dạ tiệc cho 500 cặp tình nhân công khai hôn tập thể ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Sài Gòn). Người trẻ bây giờ thể hiện tình yêu khác xa với phong tục tập quán yêu đương e ấp, kín kẽ của người Việt thời xưa, khi mà nam nữ yêu nhau tỏ tình cũng không dám nói thẳng với nhau, phải mượn sự vật bâng quơ nào đó để nói nhắn, nói gởi, làm gì dám hôn công khai như ngày nay: "Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?/ Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào".

Người Việt chấp nhận một phong tục phương Tây một cách vô tư, không thấy ai lên án là "No cơm ấm cật, rậm rật ăn chơi" hay "Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau". Tuy nhiên, có những "giá trị văn hóa nhân loại" khác như quyền tự do thông tin, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do tôn giáo... thì bị coi là "cấm kỵ". Bởi lẽ, đố ai tìm được bản "Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966)" mà Việt Nam đã xin tham gia ngày 24-9-1982 xuất bản trong nước, còn lên mạng tìm đọc thì bạn phải thông thạo tiếng Anh hoặc có chút kiến thức tin học đủ để leo qua cái "vạn lý tường lửa" thì mới đọc được ở các trang của nước ngoài.

Hóa ra, nói chung hễ "văn hóa phương Tây" mà ăn chơi, hưởng thụ, đú đởn... thì bạn được tự do làm, tự do cổ vũ, được truyền thông Nhà nước lẫn cơ quan tổ chức Nhà nước nhiệt tình ủng hộ; còn các "giá trị nhân quyền" thì xin miễn đi nhé!

Tạ Phong Tần

.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét