18/2/09

HOAN HÔ “CHUẨN PHÁT TRIỂN TRẺ 5 TUỔI”!

.
Dự thảo Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” của Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa đưa ra ngày 4/2/2009 đã bị dư luận quần chúng (gồm phụ huynh học sinh và cả các nhà khoa học, nhà tâm lý, chuyên gia giáo dục…) phản đối quyết liệt, nào là “nhầm lẫn và gây bất ổn”, “bất hợp lý”, “phi thực tế”, “có vấn đề”, dở dở ương ương giống như tiêu chuẩn “ngực lép không được lái xe” của Bộ Y tế, v.v… và v.v…, nói chung là tỉ số ý kiến chê “thắng áp đảo” ý kiến khen.

Tuy nhiên, cá nhân tui thì tui “nhiệt liệt hoan hô” bộ “chuẩn phát triển” ấy, vì nó có nhiều “iu điểm” rất hay ho, cần phải phát huy, nhân rộng và áp dụng đại trà cho toàn bộ các loại đối tượng chớ không riêng gì trẻ 5 tuổi.

Này nhé, “iu diểm” thứ Nhất là Chuẩn 1 (điểm đ, điểm e): “Chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5 giây”, “Chạy liên tục 150m không tính thời gian (không bỏ cuộc giữa chừng)”, chuẩn này cần được áp dụng đối với các quan chức Nhà nước để chống bệnh ngồi một chổ trong phòng máy lạnh vẽ vời, chỉ tay 5 ngón, quan liêu, xa rời quần chúng, ra những kế hoạch “trên mây” xa rời thực tế, gây khó khăn cho đời sống xã hội, gây bất bình trong nhân dân. Đối tượng được tui “iu tiên” chọn áp chuẩn trước là các quan chức tác giả của “tác phẩm” kinh dị “ngực lép không được lái xe” thuộc Bộ Y tế (đã nêu ở phần trên).

“Iu điểm” thứ Hai là Chuẩn 4 (điểm d, điểm e): “Biết thuốc lá có hại cho sức khỏe và thể hiện thái độ không đồng tình với người hút thuốc”, “Biết che miệng khi ho, hắt hơi, ngáp”. Chuẩn này rất là hay, bởi lẽ cái Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đồ sộ của Nhà nước ta với 4 doanh nghiệp to đùng là Công ty Thuốc lá Bến Thành, Công ty Thuốc lá Đồng Nai, Nhà máy Thuốc lá Khánh Hoà và Công ty Thuốc lá Hải Phòng, cùng với Quyết định số 88/2007/QÐ-TTg phê duyệt “Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020” không phải do trẻ 5 tuổi “sản xuất” ra và sản phẩm cũng không phải để phục vụ cho chúng. Vì vậy, nhờ có chuẩn này mà có dịp cho những “người lớn” (có liên quan đến thuốc lá đề cập ở trên) “thể hiện thái độ không đồng tình với người hút thuốc” một cách cụ thể như thế nào để người dân “chấm điểm”. Đồng thời, các quan chức đã từng “gật gù trong hội nghị”, ngủ, ngáy, ngáp rõ to là không đạt yêu cầu theo điểm e Chuẩn 4, cần tích cực phấn đấu bằng cách đi học thêm các nhóm “Mầm, Chồi, Lá” để rèn luyện.

“Iu điểm” thứ Ba là Chuẩn 8 (điểm a, điểm b, điểm d) về tự tin và tự trọng: “Chấp nhận và cố gắng thực hiện công việc được giao”, “Hài lòng khi hoàn thành công việc”, “Mạnh dạn bày tỏ ý kiến của bản thân”. Chuẩn này đặc biệt dành cho các ông các bà “nghị gật” bởi họ chỉ biết chen chúc nhau ngồi cho kín ghế cơ quan lập pháp, chẳng biết “cố gắng thực hiện công việc được giao”, không hoàn thành nhiệm vụ mà lúc nào cũng “hài lòng về mình”, không biết “bày tỏ ý kiến bản thân”. Theo ông Trần Quốc Thuận- Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội thì các ông bà nghị gật này “Nhiều người trên hội trường không phát biểu gì, không biết họ có phát biểu ở thảo luận tổ không. Có thể có người được “phân công” làm đại biểu Quốc hội cho có... “cơ cấu”!”.

“Iu điểm” thứ Tư là Chuẩn 9 (điểm b): “Biết bộc lộ cảm xúc vui, buồn, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên, xấu hỗ”. Theo ý tui thì Bộ Giáo dục- Đào tạo đặc biệt soạn thảo cái điểm b này dành riêng cho ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố HCM. Bởi lẽ đơn khiếu nại của phụ huynh học sinh trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3, SG) gởi đến ông Huỳnh Công Minh về việc cháu bé 13 tuổi bị cô giáo "khủng bố" đến "stress cấp" đến nay gần 1 năm tròn nhưng ông điềm nhiên không biết bộc lộ cảm xúc gì, kể cả khi UBND và HĐND Thành phố có văn bản chỉ đạo gởi đến ông vẫn bàng quan như thể ông không phải là Giám đốc Sở GD-ĐT. Ông không hề biết “sợ hãi” pháp luật cũng như không hề biết “xấu hổ” khi bản thân ông đường đường là Giám đốc Sở GD-ĐT mà ông lại phát ngôn lung tung, ấm a ấm ớ, mâu thuẫn, tự cho mình có quyền ngồi xổm trên pháp luật.

“Iu điểm” thứ Năm là Chuẩn 11 (điểm c): “Biết tìm cách để giải quyết mâu thuẫn”. Điểm này Bộ ta có lẽ tiếp tục soạn thảo dành riêng cho “gà nhà” Huỳnh Công Minh học tập, bởi lẽ, ông Minh dám công khai phát biểu trong cuộc họp ngày 25/12/2008 rằng ông chưa bao giờ giải quyết đơn khiếu nại của dân, bất kể luật quy định làm Giám đốc Sở là phải làm nhiệm vụ quản lý hành chính, bao gồm việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc ngành của mình.

“Iu điểm” thứ Sáu là Chuẩn 16 (điểm d, điểm e) về văn hoá giao tiếp: “Biết chờ đến lượt trong giao tiếp, trò chuyện, thảo luận (không nói leo, không ngắt lời người khác)”, “Biết sử dụng một số từ: chào, tạm biệt, cảm ơn, xin lỗi, xin phép, thưa, vâng ạ phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Ông bà ta có câu: “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Tui nghĩ có lẽ Bộ Giáo dục-Đào tạo biết rõ “rận” trong “chăn” của mình như thế nào, thành thử đưa ra điểm này để vận vào trường hợp ông Huỳnh Công Minh lại vô cùng đúng đắn.

Trước tiên, ông Minh phải đi học Mẫu giáo lại để “đạt chuẩn”, tuần tự học lên Phổ thông cơ sở, Phổ thông trung học, Đại học, rồi mới được làm thầy trẻ con, bởi lẽ tui thấy ông rất thiếu hụt về văn hóa giao tiếp nên ông cứ thích nhảy xổ vào bảng họng người ta mà ngồi khi đối thoại. Ông long trọng ký giấy mời đương sự đến gặp ông làm việc, nhưng đại diện hợp pháp của đương sự đến thì ông tuyên bố “không làm” và bỏ đi mà không biết nói từ “xin lỗi”. Tui đề nghị cùng “đi học lại” với ông Minh còn có ông Huỳnh Văn Sang-Hiệu trưởng trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3), một số giáo viên trường Hai Bà Trưng khác như: bà Thư, ông Dũng, ông Tùng, bà Linh, bà Lài… bởi lẽ trong vốn từ vựng tiếng Việt của những người nêu trên còn thiếu chữ “xin lỗi”.

Ngoài ra, điểm e này còn dành cho đa số cán bộ Đảng viên Đảng CSVN học tập. Theo số liệu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng CSVN năm 2008 thì trong năm 2008, Ủy Ban Kiểm Tra các cấp đã kiểm tra 15.934 đảng viên có dấu hiệu vi phạm và phát hiện 12.107 đảng viên vi phạm các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định (chiếm 75,9% số kiểm tra); trong đó thi hành kỷ luật 6.427 trường hợp (chiếm 53% số vi phạm). Đảng CSVN tự hào là Đảng của nhân dân, phục vụ vì lợi ích của nhân dân, mà Đảng viên vi phạm lung tung đến hàng ngàn người, không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng số cán bộ Đảng viên biết nói “xin lỗi nhân dân” đếm chưa đầy hai bàn tay (dù là “xin lỗi” hình thức, trong lòng có thật sự hối lỗi hay không có Trời biết).

“Iu điểm” thứ Bảy, theo tui cũng là “iu điểm” quan trọng đại và to béo nhất là Chuẩn 13 (điểm b) về việc biết tôn trọng người khác: “Chấp nhận sự khác biệt giữa người khác với mình”. Ngược lại với biết tôn trọng là hành vi ngang ngược, tự cho mình là “ông Trời con”, khinh thường mọi người xung quanh. Điểm b Chuẩn 13 này theo tui là điểm rất đặc biệt quan trọng, cần áp dụng triệt để, bắt đối tượng học tập đến khi nào nhập tâm, nhuần nhuyễn, ăn ngủ đi đứng nằm ngồi gì cũng đều phải nhớ thuộc lòng “Chấp nhận sự khác biệt giữa người khác với mình” và thực hiện đúng y như thế; bởi lẽ tui thấy có nhiều người tự cho mình là “đỉnh cao trí tệ lòi người” nhưng thực tế “chữ không đầy cái lá me”, đứng trước đám đông cầm tờ giấy do người khác viết sẳn đọc mà cũng cà mà cập mập đọc không trôi; nhưng hễ ai nói gì trái ý mình thì vu vạ, chụp mũ, khủng bố, đuổi việc, rình mò, theo dõi, quấy rối công việc làm ăn, bỏ tù, v.v… và v.v…

* * *

Túm lại, dự thảo “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” của Bộ Giáo dục - Đào tạo là một “phát kiến vô cùng vĩ đại”, có “tầm nhìn xa đến mấy chục năm” (tui xin kính cẩn cúi rạp mình bái phục tác giả), bởi lẽ chuẩn này không chỉ áp dụng cho trẻ 5 tuổi, mà “trẻ năm sáu chục tuổi trở lên” cũng áp dụng được tuốt luốt. Chỉ cần giáo dục “trẻ năm sáu chục tuổi trở lên” theo chuẩn này, bảo đảm xã hội ta sẽ trở nên trong sạch, văn minh, tiến bộ hơn.

Tạ Phong Tần


1 nhận xét:

  1. Có lẻ các vị ấy đưa ra các chuẩn này vì vận vào bản thân mình thiếu các chuẩn ấy. Rứa là các vị có tâm huyết với ngành đó, sợ thế hệ sau cũng hỏng như mình

    Trả lờiXóa