Kế thừa truyền thống và tinh thần hài hước của người Việt, như kế hoạch đã thông báo trên blast, năm 2009 CL&ST không viết “ngay băng” những chuyện báo Nhà nước không dám đăng (dù nó có thiệt chăm phần chăm) mà sẽ chuyển sang viết “chiện dzui” theo cách viết của các cụ Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan.
Nếu bên truyền hình có gams show “Vượt Lên Chính Mình” được khán giả nồng nhiệt tán thưởng thì blog Công Lý và Sự Thật đúng ngày 01/01/2009 năm mới cũng có show hài “Đứng Trên Pháp Luật” do Bộ Thông tin - Truyền thông trình diễn, đạo diễn được ủy quyền công khai là quý Ngài Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn (nhân dạng của Ngài có phần giống đến 95% một nhân vật trong tiểu thuyết của cụ Nguyễn Công Hoan. Tôi thật bái phục cụ Nguyễn có con mắt như thần, nhìn suốt không gian và thời gian, thấy trước cả quá khứ, tương lai). Tác phẩm “ĐẺ NGƯỢC” trình làng với tên gọi đầy đủ là: Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT ngày 18/12/2008 “Hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet”. (Sau đây xin gọi tắt là TT 07).
.
I- QUY TRÌNH “ĐẺ XUÔI”
Trước khi chứng minh cho bạn đọc thấy cái TT 07 kia là “tác phẩm hài”, tôi nhất thiết phải trình bày cho bạn đọc biết phân biệt với tác phẩm “Đẻ xuôi” được viết bằng thủ pháp “chính kịch” thì phải theo những nguyên tắc như sau:
Vài nguyên tắc cơ bản khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật: (Trích từ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1997 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi bổ sung năm 2002)
- Khái niệm: Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có các quy tắc xử sự chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
1- Văn bản do Quốc hội ban hành: Hiến pháp, luật, nghị quyết ;
Văn bản do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành: pháp lệnh, nghị quyết;
2- Văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác ở trung ương ban hành để thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội:
a) Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
b) Nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ;
c) Quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;
d) Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; quyết định, chỉ thị, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
đ) Nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội;
3- Văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành để thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; văn bản do Uỷ ban nhân dân ban hành còn để thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp:
a) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân;
b) Quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân.
(Điều 1)
- Tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:
Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phải phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật.
Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
Văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành.
(Điều 2)
- Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật:
Văn bản quy phạm pháp luật quy định hiệu lực về thời gian, không gian và đối tượng áp dụng.
(Điều 4)
° Hiệu lực về thời gian: Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định rõ thời gian ban hành, thời gian văn bản có hiệu lực thi hành. Luật pháp Việt Nam được áp dụng nguyên tắc “luật bất hồi tố”, tức những sự việc đã xảy ra trước khi ban hành quy định cấm thì không bị truy cứu trách nhiệm, luật chỉ hồi tố khi việc hồi tố có lợi cho người dân, bất lợi thì không hồi tố. Ví dụ: Điều 7 Bộ Luật Hình Sự.
° Hiệu lực về không gian: Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định rõ không gian áp dụng như: lãnh thổ, lãnh hải, không phận thuộc chủ quyền nước Việt
° Đối tượng áp dụng: là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật đó, cụ thể: công dân nước nào, độ tuổi bị điều chỉnh, năng lực pháp luật… Ví dụ: Điều 12 Bộ Luật Hình sự.
- Ngôn ngữ của văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện bằng tiếng Việt.
Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải đơn giản, dễ hiểu. Đối với thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung, thì phải được định nghĩa trong văn bản.
(Điều 5)
Nghĩa là ngôn ngữ sử dụng trong soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải là đơn ngữ, trực tiếp, tức đọc lên ai cũng hiểu theo 1 nghĩa thống nhất chớ không thể suy diễn theo nhiều cách trái ngược nhau, không được sử dụng cách viết bóng gió, hiểu ngầm, ám chỉ. Đối với những thuật ngữ, vấn đề mới chưa được quy định trong các văn bản pháp luật đã có thì văn bản mới ban hành muốn sử dụng phải có định nghĩa, giải thích rõ thuật ngữ ấy.
- Thông tư là để hướng dẫn:
Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ được ban hành để hướng dẫn thực hiện những quy định được luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.
(Khoản 3 Điều 58)
Nhiệm vụ của Thông tư là hướng dẫn, giải thích, làm rõ thêm chi tiết những vấn đề được quy định tại Luật, Nghị Quyết, Pháp Lệnh, Quyết định… Cơ quan ban hành Thông tư không được tự mình ban hành thêm quy định mới không có trong nội dung văn bản mà Thông tư hướng dẫn.
.
II- “CHA MÙ MỜ”
Điều 2 Nghị định 97/2008/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng là “đối với các tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt
Nguyên tắc cá nhân, tổ chức tự mình chịu trách nhiệm hành vi của mình, không chịu trách nhiệm về hành vi của cá nhân, tổ chức khác cũng là nguyên tắc chung của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành (Trừ trường hợp bồi thường thiệt hại theo quy định tại các Điều 606, 621, 622 Bộ Luật Dân Sự).
Điều 6 Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet” quy định:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Lợi dụng Internet nhằm mục đích:
a. Chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
b. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định;
c. Đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân;
d. Lợi dụng Internet để quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.
2. Gây rối, phá hoại hệ thống thiết bị và cản trở trái pháp luật việc quản lý, cung cấp, sử dụng các dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.
3. Đánh cắp và sử dụng trái phép mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng của các tổ chức, cá nhân trên Internet.
4. Tạo ra và cài đặt các chương trình virus máy tính, phần mềm gây hại để thực hiện một trong những hành vi quy định tại Điều 71 Luật Công nghệ thông tin.
- Đọc nội dung các điều cấm trên thì thấy điểm b khoản 1 không liên quan đến dân mà liên quan đến cán bộ Nhà nước, chỉ cán bộ Nhà nước mới biết những cái gì thuộc “bí mật” Nhà nước, cái gì nằm trong danh mục “bí mật”, cái gì nằm ở phạm vi “bật mí”, dân thì có tiếp cận, có nắm được “bí mật” gì đâu mà sợ dân “bật mí”, vì vậy tôi không bàn ở đây.
- Nội dung điểm d khoản 1 cũng tương đối rõ, vì có câu “thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật”, nghĩa là trước khi muốn “quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ” gì đó thì lấy cái danh mục Nhà nước đã ban hành ra mà đối chiếu, nếu những điều định làm có tên trong danh mục ấy thì thôi, nếu không thì cứ vô tư, thoải mái. Bởi người dân được làm tất cả những điều pháp luật không cấm, còn cán bộ muốn xử lý dân về bất cứ lãnh vực nào cũng đều phải chiếu theo quy định cụ thể của từng điểm, điều, khoản rõ ràng của văn bản quy phạm pháp luật, hành vi vi phạm phải trùng khớp với quy định thì mới xử lý được, nếu không thì thôi, không được quyền áp dụng “hình như”, “tương tự”…
Ví dụ: Bộ Luật Hình Sự chỉ quy định các tội trộm cắp, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, .v.v… đối tượng bị xâm hại luật quy định tài sản. Do đó, các hành vi trộm cắp, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, lừa đảo chiếm đoạt… giấy tờ tùy thân của người khác, giấy tờ về quyền sở hữu tài sản, văn bằng, chứng chỉ của người khác, v.v… lại không phải là phạm tội hình sự vì các hành vi này không được quy định trong Bộ Luật Hình Sự. Việc xử lý các hành vi này được quy định ở các văn bản luật khác.
- Điểm c khoản 1 quy định tuy chưa cụ thể nhưng vẫn có thể hiểu được “xuyên tạc, vu khống” tức là thông tin sai sự thật, chuyện không nói có, chuyện có nói không, hoặc trích dẫn cắt đầu cắt đuôi câu nói, bài viết của người khác rồi “si diễn” theo nghĩa xấu làm mất uy tín người viết, người nói câu bị trích dẫn ở trên.
- Khoản 2, 3, 4 quy định hành vi vi phạm tương đối rõ ràng, cụ thể, người dân không cần trình độ văn hóa cao đọc vẫn hiểu được.
- Riêng điểm a khoản 1 thì mù mờ, khó hiểu, đọc lên nghe như trẻ nít ê a đọc Tam Tự Kinh chữ Nho có dò có dọc, có vần có điệu mà chẳng hiểu nghĩa câu là gì.
° Chủ nhân blog có hành vi “Chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
° Như thế nào là viết blog mà “gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” thì chính tôi cũng chịu chết không hiểu nổi. Viết bài xúi giục người khác đánh nhau, đâm thuê chém mướn, tạt acid, cướp có vũ khí, buôn ma túy chăng? Nếu “xúi” mà người đọc không thèm để ý đến, không thèm đọc (có khi người đọc còn chửi chủ nhân của blog đó hơi bị khùng nữa) thì chủ nhân blog đó có vi phạm không?
° Viết blog mà “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân” là phá hoại như thế nào? Chuyện ai cũng biết là cách đây không lâu có cô bé “dại mồm” đã lên blog mình viết 1 bài chê Hà Nội, vậy là cô bé bị hàng ngàn blogger khác tới tấp “dạy cho bài học” dám “phân biệt Bắc Nam” đến mức cô bé không phản ứng kịp nên phải đóng blog. Như vậy cô bé đó có “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân” hay không?
° Viết blog mà “tuyên truyền chiến tranh xâm lược” nghe còn ngô nghê hơn nữa. Cái này các vị soạn thảo Nghị định đã quá lo xa. Ai cũng biết một thực tế là nước Việt Nam nhỏ bé, dân tộc Việt Nam nghèo, trình độ dân trí, kinh tế Việt Nam không dám so sánh với các nước phát triển ở châu Âu, chỉ so với các nước trong khu vực thì Việt Nam đã “chạy sau đuôi” người ta rồi, hơi sức đâu mà đi xâm lược người khác. Xâm lược thiệt người ta cũng không sợ, nói gì đến chuyện “đánh võ mồm” trên mạng chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Vừa rồi có tên điên bên Trung Quốc tung lên mạng china.com một bài bằng chữ Tàu đòi “Bình định Việt Nam trong 30 ngày”; nếu blogger Việt Nam nào đó, vô phúc cho hắn biết đọc chữ Tàu và hắn cũng biết nhục, biết tự ái dân tộc nên cũng post blog mình một bài chữ Việt “Làm cỏ Trung Hoa trong 3 ngày” để “đánh trả” thì hắn có bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là “tuyên truyền chiến tranh xâm lược” không nhỉ?
Hay phía Trung Quốc họ cho đăng bài trên báo, trên mạng thông tin Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của họ, các blogger Việt Nam đăng thông tin “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đánh đuổi Trung Quốc ra khỏi Hoàng Sa, Trường Sa” thì có bị nhà cầm quyền coi là “tuyên truyền chiến tranh xâm lược” hay không?
° Viết blog mà “gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo” là như thế nào? Ví dụ: Tôi theo một tôn giáo A nào đó, suốt ngày tôi cứ viết bài ca ngợi cái tôn giáo A của tôi đến tận mây xanh mà không thèm để mắt đến tôn giáo khác thì có bị coi là “gây hận thù, mâu thuẫn” hay không?
° Như thế nào là viết blog mà “Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan”? Sex cỡ nào thì “nghệ thuật” mà sex cỡ nào là “nghệ thực”, đánh đấm cỡ nào là phim “võ thuật” mà cỡ nào bị coi là “bạo lực”, cỡ nào là “liêu trai chí dị” mà cỡ nào là “mê tín dị đoan”, v.v…? Lĩnh vực này ngay cả các nhà làm phim, các nhà biên kịch, các nhà quản lý, thẩm định tác phẩm vẫn còn tranh cãi nhau bất phân thắng bại, nơi cho phép lưu hành, nơi bảo là không; thì lấy tiêu chí nào để người viết blog dựa vào đó mà phân biệt cái ranh giới “được phép-không được phép” chỉ bằng một câu chung chung, tối nghĩa ở trên?
° Thế nào là “phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc”? Lấy chuẩn mực nào để phân biệt điều này? Ai cũng biết phụ nữ Việt có truyền thống kín đáo, e ấp, vậy cô “Thiếu nữ ngủ ngày” hớ hênh, tô hô của bà Hồ Xuân Hương có “phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc” không?
.
III- “CON ĐẺ NGƯỢC”
Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT ngày 18/12/2008 “Hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet”, đáng lẽ phải đi sâu vào giải thích, cụ thể hóa những điểm còn mù mờ, khó hiểu của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP, cụ thể là các khoản 1, 2, 3, 4 của Điều 6 để người dân dễ hiểu mà thực hiện, thì các vị soạn thảo Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT lại “đẻ ngược” bằng cách tự cho phép mình thêm vào các quy định mới.
Đúng ra, TT 07 phải lần lượt nêu định nghĩa, giải thích rõ từng ý, từng câu trong Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP nghĩa là gì, hành vi vi phạm cụ thể ra sao, thì đàng này TT 07 không định nghĩa, không giải thích mà lại thêm quy định mới, đọc xong càng thấy mù mờ hơn.
Cụ thể:
- Điểm 3.1 TT 07 quy định: “Lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm các quy định tại Điều 6 Nghị định số 97”. Hành vi này hoàn toàn không được quy định tại Nghị định 97. Nhiệm vụ của TT 07 là “giải thích, hướng dẫn” Nghị định 97, không phải là đặt thêm quy định. Tự đặt thêm quy định trỏ ngược về Nghị định 97 tức là TT 07 đang “đẻ ngược” đó. Mặt khác, “lợi dụng” tức là hành vi cố ý. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định 97 là đối tượng trực tiếp, thì Thông tư giải thích Nghị định 97 không có quyền thay đổi chủ thể bị điều chỉnh. Như vậy, việc “lợi dụng” phải được hiểu là chính chủ nhân blog đó “lợi dụng” chớ không phải là một kẻ thứ 2, thứ 3. Trong khi TT 07 không ban hành kèm theo được một danh mục những trang nào bị coi là trang vi phạm thì blogger làm sao biết “những thông tin vi phạm” mà hạn chế. Như vậy, khi đó các vị lại mặc tình làm mưa làm gió, sách nhiễu người dùng, các vị thích “si diễn” trang nào vi phạm thì trang đó bị coi là vi phạm. Hay các vị muốn tạo cơ hội cho cán bộ quản lý “đục nước béo cò” chăng?
Vậy mà, ông Lưu Vũ Hải (Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và Internet, thành viên ban soạn thảo Thông tư 07) còn “si diễn” thêm rằng chủ nhân blog phải chịu trách nhiệm đối với bên thứ 2, bên thứ 3, bên thứ n… nếu blogger đó có ý kiến trong blog mình. Đây rõ ràng là kiểu lý sự cùn, nói lấy được, trong thế giới phẳng thì mọi người đều bình đẳng, đều có quyền phát biểu chính kiến của mình, nói mà bắt buộc ai cũng đồng ý với mình, không cho người khác phản biện thì chỉ có nói với con vật (vì chúng không biết nói lại) chớ không thể nói với con người.
Ví dụ: Blogger A viết bài về một vấn đề nào đó, blogger B phản đối bài viết của A, để ý kiến của mình có thêm “sức nặng”, B trích dẫn nội dung ở một nơi nào đó kèm theo link nguồn trích dẫn để chứng minh rằng lời nói của B là có căn cứ đàng hoàng. Blogger C lại nhảy vô có ý kiến khác và cũng trích dẫn 1 nguồn khác, v.v…. thì A hơi sức đâu mà đi kiểm tra, đối chiếu, so sánh là mấy cái link kia có nằm trong “danh mục cấm”; hơn nữa, “danh mục cấm” cũng chưa có, biết cái nào hợp pháp, cái nào không hợp pháp? Hoặc đơn giản hơn, blogger B, blogger C, hay blogger n có ý kiến rằng tôi đọc thấy cái tin đó tin đó trên trang đó, không kèm link. Ai tò mò cứ việc vào Google search cái tên đó một phát là Google cho kết quả hàng đống đống, cần gì phải có link mới vào được. Cỗ máy tìm kiếm của đại gia Google còn có nhiều rất điều thú vị khác mà những ai thích tìm kiếm thông tin đều biết cả, không có gì che giấu được.
Có lẽ ông Lưu Vũ Hải chưa bao giờ biết tận dụng ưu điểm của Google, ông cũng chưa biết tự lập cho mình một cái blog, chưa bao giờ viết blog, đặc biệt chưa bao giờ được là chủ nhân của một cái blog hơi bị nổi tiếng nên ông Lưu Vũ Hải chưa biết quản lý một cái blog là như thế nào?
- Điểm 3.2 TT 07 quy định: “Tạo trang thông tin điện tử cá nhân giả mạo cá nhân, tổ chức khác; sử dụng trái phép tài khoản trang thông tin điện tử cá nhân của cá nhân khác; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” thì không biết điểm 3.2 này giải thích điểm, khoản nào trong Điều 6 Nghị định 97, bởi lẽ nó vừa có một chút “đá” sang điểm c khoản 1, vừa có một chút “đá” qua khoản 3, mà không giải thích rõ ràng đến đầu đến đũa khoản nào.
- Điểm 3.3 quy định: “Truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản” là quy định rất chung chung, không rõ ràng. “vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản” là vi phạm như thế nào? Ví dụ: Sau khi vinh danh, trao giải cho cố nhà thơ Trần Dần, thì đùng một cái, quyển tuyển tập thơ Trần Dần bị coi là vi phạm, phải thu hồi (chả biết vi phạm quái gì nữa). Dư luận phản đối rầm trời cái sự quy chụp vô lý đó thì người ta bèn phạt vu vơ Nhà xuất bản (lỗi gì chẳng biết, cái này chắc thuộc “bí mật Nhà nước”?) và không thu hồi tác phẩm nữa. Như vậy, căn cứ theo điểm 3.3 nói trên thì rõ ràng là có “vi phạm”, vậy blogger được quyền photocopy, sao chép cho người này người kia (không bán) nhưng lại không được quyền post thơ Trần Dần lên blog mình hay sao?
- Điểm 3.4 và 3.5 quy định: “Sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân mà vi phạm các quy định tại Điều 31, Điều 38 Bộ Luật Dân sự”, “Cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân mà vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan” thì lại thấy chẳng ăn nhập gì với quy định tại Điều 6 Nghị định. Thông tư là để giải thích Nghị định cho rõ ràng thêm, nhưng lại đi vơ Điều luật của ngành luật khác vào cho thêm phần… rậm rạp, chớ không giải quyết được điều gì.
Những điều đó luật đã có quy định cụ thể từ lâu rồi, đâu cần chờ đến TT 07 thì người dân mới biết. Ai không tin ngay bây giờ cứ việc vi phạm thử các Điều Điều 31, Điều 38 Bộ Luật Dân sự và luật sở hữu trí tuệ, giao dịch thương mại điện tử xem, thì người đó sẽ biết thế nào là đóng vai “người bị kiện” và nếm cảm giác lạ “hầu Tòa” lập tức, mà vụ ầm ĩ vừa rồi giữa Công ty FPT và Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam về website nhacso.com là một ví dụ điển hình.
Tóm lại, TT 07 tự đặt ra quy định mới là vi phạm nguyên tắc hợp pháp, thống nhất của Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sử dụng ngôn ngữ diễn đạt rối rắm, mơ hồ, đa nghĩa là trái với Điều 5 Luật ban hành VBQPPL. Trường hợp này, theo Điều 2 Luật Ban hành VBQPPL thì TT 07 phải bị bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành (“Văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành”).
.
IV- XA RỜI THỰC TẾ NÊN BẤT KHẢ THI
Nguyên tắc hiện hành của pháp luật Việt
Tuy nhiên, thực tế lại từng xảy ra những trường hợp rất ngược đời là cơ quan quản lý mời một anh A, anh B, anh C nào đó đến đơn vị mình, chìa ra một xấp giấy rồi hỏi: “Cái này có phải của anh không? Nếu phải thì xác nhận vào?” là xong.
Nếu như đối tượng bảo: “Không phải của tôi”, “Tại sao tôi phải xác nhận cho các anh? các anh nói nó là của tôi thì các anh chứng minh đi?”, “Các anh nói là biết rõ rồi còn hỏi tôi chi nữa?” thì cán bộ lúc đó sẽ nghệt mặt ra như ngỗng đực. Nếu cán bộ cố nói thêm vài câu kiểu: “Nhưng trong có chúng tôi thấy có hình ảnh này nọ của anh, có phát biểu của anh”. Đối tượng trả lời: “Ô hay, nếu có ai đó lấy hình Thủ tướng, hình Chủ tịch nước, copy những lời phát biểu của các vị ấy rồi tương lên thì cái trang ấy là của Thủ tướng, của Chủ tịch nước à. Các anh đến phủ Thủ tướng, phủ Chủ tịch mà vặn vẹo à? Bảo Thủ tướng, Chủ tịch nước xác nhận cho các anh à? Hay là các anh khúm núm không dám thở một tiếng, chỉ giỏi lên mặt hà hiếp, hạch sách dân đen thôi?” thì cán bộ sẽ tắc tị ngang cổ họng, bảo đảm mấy ngày sau cổ vẫn còn tắc.
Sau khi cơ quan quản lý nhì nhằng chứng minh v.v… và v.v… thì đương sự sẽ khiếu nại và khởi kiện quyết định hành chính ra Tòa. Trong quảng thời gian nhì nhằng ấy đương sự đã kịp “phù phép” blog của mình một cách “tèng téng teng” rồi. (Riêng bên trong cái sự “nhì nhằng chứng minh” ấy sẽ còn lắm điều “thú vị ra trò” mà tôi sẽ nói đến ở một bài khác).
Đây là chỉ nói đến trường hợp các blogger chính danh, có họ tên địa chỉ công khai, không cần dò tìm gì ráo (mà số này lại chiếm rất ít trên mạng). Trường hợp các blogger ẩn danh, giấu địa chỉ IP thì họ có trăm phương ngàn kế, muốn thay đổi blog thì blogger thông báo kín cho Friends của mình sang địa chỉ mới, cái cũ chỉ cần delete 1 phát là biến mất tăm. Đó chưa nói đến những blogger viết tiếng Việt đang ở nước ngoài.
V- VÀI VẤN ĐỀ KHÁC
- Năm 213 trước Công nguyên, theo đề nghị của Lý Tư, Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt sách và chôn Nho. Nhà Tần chỉ muốn nhồi nặn dân chúng thành dễ bảo, có kỷ luật. Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận là tội nặng nhất. Tứ Thư và Ngũ Kinh của đạo Nho bị xem là phản động vì khiến dân nhớ tiếc trật tự cũ của chế độ phong kiến cát cứ.
Hầu Sinh và Lư Sinh bàn nhau: “Thủy Hoàng tính khí bướng bỉnh, gàn dỡ, chỉ nghe theo mình. Xuất thân là chư hầu, thâu tóm cả thiên hạ, ý chí tự đắc, muốn gì được nấy, tự cho rằng từ xưa đến nay không ai bằng mình, chuyên dùng bọn pháp quan. Nhà vua thích việc hình phạt chém giết để ra uy. Thiên hạ sợ tội muốn giữ bổng lộc không ai dám hết lòng trung. Nhà vua không nghe nói đến sai lầm của mình nên ngày càng kiêu ngạo. Ở dưới thì sợ nép một bề, nói dối để được dung thân”.
Nhà Tần ở ngôi vua được 2 đời, đời thứ 2 là Nhị Thế (Hồ Hợi) quyền hành hoàn toàn rơi vào tay Triệu Cao, đời thứ 3 là Tam Thế (Thế Anh) chưa làm vua được ngày nào đã bị Hạng Vũ giết chết. Khắp nơi đều có binh khởi nghĩa nổ ra, xưng vương cát cứ, nổi bật có Lưu Bang, Hạng Vũ, Anh Bố, Bành Việt
Xem ra cái chiêu “bịt mồm” của Tần Thủy Hoàng không thể tồn tại lâu được mà chỉ khiến lòng dân thêm phẫn nộ.
- Đức Phật Thích ca, Đức Chúa Jesu suốt mấy ngàn năm nay chủ trương đem tình yêu chân thành đến với mọi người, không lọc lừa dối trá, vì vậy mà con người từ Đông sang Tây đời đời nghe theo hai Ngài, tôn kính hai Ngài. Hai Ngài không buộc ai, nhưng tư cách đạo đức của hai Ngài chính là tấm gương để con người tự nguyện noi theo mà không cần dùng sức mạnh cưỡng ép: “Xét lòng hằng sửa đàng siêu thoát/ Giúp kẻ quên mình lộ Tây phương”, “…Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương….”. Hoàng đế Nero dù khoác lên mình bao lụa là gấm vóc đắt tiền, bỏ ra nhiều ngọc ngà châu báu, quyền lực để mua cho mình các danh hiệu họa sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, đủ thứ sĩ, thậm chí đốt cháy cả thành Roma; nhưng trong mắt thần dân Nero chỉ là kẻ bạo chúa ngu xuẩn mà mọi người luôn mong hắn chết cho khuất mắt. Sự dối trá, bịp bợm, sức mạnh bạo tàn chỉ tồn tại nhất thời; tình yêu thương, sự chân thật mới là vĩnh hằng mãi mãi.
- Trong một cuộc chơi tập thể thì mọi thành viên tham dự phải chấp nhận luật chơi chung, chớ không thể vào sân chơi chung mà cứ xài luật riêng của mình, nếu muốn vậy mời anh đi ra chổ khác mà chơi riêng. Ví dụ: Chơi bóng đá là phải chấp nhận Luật của FIFA: chơi bóng bằng chân, bằng đầu trong mọi trường hợp, bất kể cầu thủ cao hay thấp, mập hay ốm. Không thể viện lý do: Vì tôi thấp bé hơn các anh kia nên tôi chơi thêm bằng tay để tăng cường chiều dài của tôi. Trong điều kiện toàn cầu hóa thì một khi anh đã đặt bút ký vào Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền thì anh phải chấp nhận tiêu chuẩn chung trong Tuyên ngôn, nếu không anh có quyền rút lui; còn ký bừa để ra điều ta đây cũng tiến bộ, cũng văn minh, cũng hội nhập mà không thực hiện thì chẳng khác nào tự nhổ nước bọt vào cái uy tín, sĩ diện quốc gia của mình. Có người lại huyênh hoang trước Quốc Hội Châu Âu rằng người Việt nghèo nên chỉ cần ăn là đủ, không cần những thứ khác thì chẳng khác nào bôi tro trát trấu vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Hãy trả cho người dân quyền tự do ngôn luật, tự do báo chí, tự do phát biểu chính kiến. Đó là những giá trị văn minh của nhân loại đã được thừa nhận sau mấy ngàn năm tiến hóa, là những giá trị mà dân tộc Việt Nam đã đổ biết bao xương máu để được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn độc lập. Một thế hệ con người có thể mất đi, một chế độ chính trị có thể bị thay đổi, một thành quách đô thị có thể bị chôn vùi, nhưng những giá trị văn minh nhân loại thì không bao giờ mất đi, không bao giờ thay đổi.
* * *
Để kết thúc entry này, tôi muốn nhắc lại một câu trong bài viết cũ của mình: “Hàng rào hữu hiệu nhất chính là lòng người. Lịch sử loài người ghi nhận trong bất cứ cuộc chiến nào, chống lại ý dân là điều bất khả thi. Tính thông minh và khả năng sáng tạo của dân tộc Việt
.
Tạ Phong Tần
________
Xem thêm:
Năm mới chúc chị có nhiều sức khỏe và nghị lực để cho ra nhiều "show hài" hơn nữa
Trả lờiXóaDau nam cho em goi loi chuc chi that nhieu hanh phuc
Trả lờiXóaDoc Show Hai cua chi ma em hieu nhieu hon .CAng doc cang thay no qua la hap dan , chac la trong nam 2009 nay chac la vui lam day
Dung nhu chi noi tu do bao chi, tu do phat bieu van van la mot thanh qua cua nhan loai. Nhan loai phai mat rat nhieu thoi gian , cong suc moi co duoc .tat ca nhung dien dich suy dien cho la cac gia tri phuong tay hong phu hop voi cac gia tri a chau hay gi do deu la nhung dien dich cua nhung nguoi cam quyen cho muc dich cua ho