25/2/09

VỤ KÊ BIÊN TÀI SẢN QUÁI GỞ

.
8 giờ 10 phút ngày 25/2/2009, tôi vừa từ trong nhà vệ sinh bước ra thì nghe phía trước Văn phòng có tiếng lao xao, ồn ào, không hiểu có chuyện gì. Tôi đi ra thì thấy có rất đông người lạ mặt đang đứng đầy tại bàn tiếp khách phía trước. Tôi thấy một bà béo khoảng 50 tuổi, mặt mày cau có, gằm gằm, giọng nói chua loét eo éo, mặc đồng phục Thi hành án, đeo bảng tên Nguyễn THị Hạnh - Chấp hành viên quận Gò Vấp (SG). Bà béo đang đọc oang oang cái gì đó, phải mất vài phút sau tôi mới hiểu bà đọc cái Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định thi hành án. Tôi hỏi kỹ lại đó là vụ gì, hóa ra là để thực hiện Quyết định công nhận hòa giải thành của Tòa án quận Gò Vấp, nội dung là cưỡng chế thi hành (tức thu giữ) 42 triệu đồng đối với ông Lê Trần Luật - Trưởng Văn phòng Luật sư Pháp Quyền. Lúc này trong Văn phòng có Luật sư Hùng, Luật sư Đạt, 2 nhân viên khác, Bác sĩ Lê Trần Luân (anh ruột ông Luật) và tôi.

Quy trình thi hành án hoàn toàn trái pháp luật

Luật sư Hùng chất vấn bà Hạnh rằng chị đã tống đạt hợp lệ Quyết định tự nguyện thi hành cho ông Luật chưa thì bà Hạnh nói rằng đã giao quyết định cho 1 người tên Nhung (?!). Cần phải nói rõ là người này không phải người trong gia đình ông Luật, nên việc giao quyết định cho người không liên quan gì là trái với điểm A, khoản 2, Điều 34 Pháp lệnh thi hành án dân sự. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ nghe bà Hạnh nói thế, mà yêu cầu bà cho xem biên bản tống đạt thì bà từ chối. Lẽ ra, nếu không gặp ông Luật để tống đạt, bà Hạnh phải gởi các lại quyết định, thông báo cho đương sự bằng đường Bưu điện, 2 lần đăng (hoặc phát) trên báo, đài (điểm c, khoản 2 Điều 34) nhưng bà không hề thực hiện đúng quy trình.

Luật sư Hùng lại hỏi tiếp bà Hạnh rằng Thông báo cưỡng chế ký ngày 16/2/2009 này bà Hạnh đã tống đạt hợp lệ cho ông Luật chưa thì bà Hạnh nói rằng bà có đến Văn phòng Luật sư nhưng Văn phòng đóng cửa. Tôi nghe vậy mới hỏi tiếp: "Ngày 16 là thứ mấy vậy chị?". Bà Hạnh trả lời: "Thứ Hai". Tôi nói tiếp: "Ngày nào em cũng mở cửa Văn phòng, không hề nghỉ làm việc ngày nào sao em không thấy chị đến, cũng không thấy có niêm yết?". Bà Hạnh dấm dẳng: "Cái đó tôi không biết. Tôi đã niêm yết rồi". Tôi hỏi tiếp: "Chị niêm yết hồi nào? Ở đâu vậy?". Bà Hạnh trả lời: "Tôi niêm yết ngày hôm qua, ở đây?". "Ở đây là chổ nào?". Bà Hạnh lại lặp lại: "Cái đó tôi không biết". Rồi bà đột nhiên nổi cáu: "Ở đây ai là nhân viên Văn phòng này?". "Là chúng tôi đây" - Ba bốn người cùng trả lời. "Vậy giấy ủy quyền đâu? Thẻ nhân viên đâu? Tôi không thừa nhận các anh chị là nhân viên, không cần làm việc với các anh chị". Trời đất ơi, chính miệng bà Hạnh nói bà mới niêm yết ngày hôm qua mà đòi giấy ủy quyền? Ông Luật đang ở Hà Nội làm sao ủy quyền được? Văn phòng Luật sư chớ có phải cơ quan nhà nước đâu mà có thẻ nhân viên? Bà Hạnh đòi hỏi mà không nhìn lại coi anh cán bộ nhà nước (sau này mới biết tên Phong) "lính" của bà đi công tác mà ăn mặc lôi thôi, không có nổi cái thẻ đeo trên cổ cho đúng quy định mà bà Hạnh cứ thích đòi hỏi những chuyện không tưởng để ra oai với chúng tôi chăng? Tôi nói: "Đây là Lê Trần Luân, anh ruột ông Luật, vậy ông Luân đại diện cho ông Luật". Bà Hạnh lớn tiếng: "Tôi không biết ông này là ai, tôi không làm việc với người này". Mọi người ngạc nhiên: "Vậy chị vô đây làm việc với ai?". Tôi xen vào: "Mục đích của chị là muốn thi hành 42 triệu đồng chớ gì. Bây giờ em nộp chị 50 triệu đồng đây. Chị cứ kê biên khoản tiền này". "Tiền vẫn còn niêm phong của Ngân hàng, có ghi rõ trên giấy nè". "Tôi không nhận tiền vì tôi chưa tính phần lãi suất". "Thì ở đây là 50 triệu, dư so với quyết định rồi, chị cứ thu giữ 50 triệu, lãi suất tính sau". Bà Hạnh gạt ngang: "Tôi không nhận tiền, tôi không đếm nên không biết bao nhiêu tiền". Thật ngạc nhiên, trên đời này đi thu tiền thi hành án mà chê tiền thì chỉ có duy nhất bà Chấp hành viên Nguyễn Thị Hạnh này, nếu mắt bà không có vấn đề bất thường, nếu bà biết đọc chữ thì bà không cần đếm mà nhìn tờ giấy in Ngân hàng dán trên cục tiền cũng biết cục tiền đó là bao nhiêu triệu. Khi tôi hỏi "Tại sao chị đến đây thi hành án 42 triệu đồng mà tôi đưa 50 triệu chị không lấy là sao?". Bà Hạnh trả lời: "Tôi chưa tính được số tiền lãi". Rồi bà giục 2 thanh niên mặc thường phục (không có bảng tên) đi cùng bà gom các bộ máy vi tính lại.

Người thanh niên mặc áo hồng xám xám đòi lên "kiểm tra" luôn các phòng trên lầu. Tôi cáu tiết lên nói: "Trên đó phòng ngủ của tôi, anh muốn vô phòng ngủ của tôi sao?". Anh ta đứng sựng sựng ấm ớ không trả lời được.

Bà Hạnh chỉ huy cho "lính" bà đi gom 5 bộ máy tính trong Văn phòng lại và niêm phong. Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là họ tự ký tên lên giấy niêm phong rồi dán lên, không hề đưa cho người đại diện đương sự ký, và dán bên hông máy một cách sơ sài. Tôi thấy vậy mới nói:"Tôi đề nghị chị niêm phong kín lại, giấy niêm phong sao không đưa cho tôi ký vào. Các anh chị tự ký dán vô rồi mang về các anh chị xé ra thay đổi linh kiện trong đó rồi các anh chị dán lại ai mà biết được. Niêm phong mà các cổng, đầu cáp không niêm lại, thì các anh chị cắm cáp vào rút bớt dữ liệu hay thêm vào cái gì đó thì sao?". Bà Hạnh làm thinh như không nghe tôi nói gì.

Dán giấy xong, họ viết biên bản rồi yêu cầu tôi ký mà lại không cho ông Luân đại diện gia đình. Tôi lặp lại yêu cầu niêm phong lại bộ máy vi tính đúng quy định như đề nghị của tôi lúc nãy nhưng bà Hạnh cứ làm thinh như điếc không nghe tôi nói gì. Ông Luân thắc mắc thì được bà Chấp hành viên phang cho ông Luân một câu:"Tôi không biết gia đình nào hết".

Lại thêm điều quái lạ nữa, rõ ràng, một người "già lão" như bà Hạnh không thể không biết nguyên tắc niêm phong tài sản để không bị dịch chuyển giá trị là như thế nào, càng không thể nói bà không biết gì về khoản 3 Điều 6 Pháp Lệnh thi hành án, Điểm 2.2 Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự. Diễn biến sự việc cho thấy bà Nguyễn Thị Hạnh cố ý gây khó khăn cho hoạt động thường nhật của Văn phòng bằng cách nằng nặc kê biên máy mà chê tiền. Chẳng biết họ cố tình niêm phong trái quy định như vậy để nhằm phục vụ cho âm mưu đen tối nào đây?

Tôi yêu cầu bà Hạnh viết 2 biên bản và đưa cho tôi giữ mỗi thứ 1 bản. Bà Hạnh vội vàng khất để... từ từ làm sau.

Thấy vậy, tôi ghi vào trang ba tờ biên bản kê biên như sau:

- Tôi đại diện cho Văn phòng Luật sư Pháp Quyền nộp cho bà Nguyễn Thị Hạnh 50 triệu đồng còn nguyên niêm phong của Ngân Hàng Nông nghiệp nhưng bà Hạnh không đồng ý nhận tiền thi hành án.
- Năm bộ máy vi tính được phía Thi hành án Gồ Vấp niêm phong sơ sài, không đưa giấy niêm phong cho tôi ký tên, giấy niêm phong dán bên ngoài thùng máy, vì vậy vẫn có thể mở máy ra được và cắm dây vào thùng máy để thêm hoặc bớt dữ liệu bên trong mà không để lại dấu vết. Tôi đã đề nghị niêm phong kín lại nhưng chấp hành viên Nguyễn Thị Hạnh không đồng ý.
- Nếu sau này ruột máy vi tính bị thay đổi thì bà Nguyễn Thị Hạnh và Thi hành án Gò Vấp hoàn toàn chịu trách nhiệm. Dữ liệu bên trong máy bị mất hay bị thêm vào nhằm mục đích đen tối chúng tôi không chịu trách nhiệm. Tôi được biết mỗi bộ máy vi tính (gồm thùng CPU và màn hình tinh thể lỏng) trị giá khi mua là 15 triệu đồng.

Trong biên bản tạm giữ đồ vật tài sản, trang 2, tôi ghi lại nội dung giống như biên bản kê biên tà i sản. Khi tôi lấy máy ảnh ra chụp lại biên bản thì bà Hạnh chồm tới giựt lại tờ biên bản. Tôi nắm tờ giấy giật lại và nói:" Tôi là người đại điện, tôi ghi vào đấy cái gì thì thôi chụp lại để báo cho ông Luật cho chính xác" thì bà Hạnh mới đứng im.

Sự xuất hiện của nhiều kẻ lạ mặt hung hăng

Cũng trong lúc làm việc, bên trong và bên ngoài văn phòng xuất hiện nhiều người lạ mặt không biết họ tên gì, nhởn nhơ đi luồng tuông qua lại trong Văn phòng, kẻ thì miệng cười tí toét, kẻ thì tích cực chụp ảnh, quay phim, thậm chí chen vào ngồi cùng bàn với cán bộ thi hành án, ở trong nhà mà mắt đậy cái kính đen to tổ bố như ông thầy bói mù. Những người này họ rất hănghái quay phim, chụp ảnh toàn bộ nhân viên và quang cảnh trong, ngoài Văn phòng; nhưng khi bị tôi chỉa ống kính máy ảnh vào họ thì họ đều quy mặt đi chổ khác hoặc cúi gằm mặt xuống, tôi phải "canh me" mãi, nhanh tay lẹ mắt lắm mới chộp được cái bản mặt của họ vào ống kính. Ban đầu, bà Hạnh nói rằng họ là người của Thi hành án, sau khi lập biên bản tôi mới biết ngoài cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng - cánbộ Tư pháp phường 7 (có đeo bảng tên), anh Đặng Phương Quang- CSKV (mặc quân phục) , cô Trần Thị Cẩm Anh - Kiểm sát viên (mặc đồng phục), số còn lại không có họ tên, đồng phục, chẳng biết họ thuộc cái loại nào mà được "ưu tiên" ngang nhiên như chốn không người như thế?.

Trong khi đó, người quen của chúng tôi như: cô Thu Duyên, anh Phan Thanh Hải đến Văn phòng thì bị những kẻ lạ mặt mày bậm trợn hăm he đuổi đi chổ khác. Tôi cũng thấy xung quanh Văn phòng xuất hiện rất nhiều kẻ lạ đông đến bất ngờ. Quái gỡ hơn là họ quay phim chụp ảnh ào ào hình ảnh cá nhân người khác mà không thèm xin phép ai, còn Luật sư Đạt cầm cái máy ảnh của tôi chụp hình ngoài sân thì bị một lũ côn đồ 4-5 tên không biết ở đâu ra đe dọa "Mày coi chừng tao" và rượt chạy vào nhà, chúng còn xông vào trong sân nhưng bị xe máy dựng trong sân khá nhiều cản trở, vì vậy chúng không rượt kịp.

Anh Phan Thanh Hải "kém may mắn" hơn nên bị 4 thanh niên bặm trợn mặc thường phục đã nắm kéo sểnh nhét vào xe Cảnh sát, đè mặt xuống sát sàn xe trước sự chứng kiến của nhiều người, rồi chiếc xe Cảnh sát hú còi lao inh ỏi đi như vừa bắt được tên tội phạm nguy hiểm vì nó đã dám chụp hình, quay phim cảnh thi hành án(?!).

Cuối cùng, họ mang đi 5 bộ máy vi tính và 1 máy photocopy.

* * *

Theo hướng dẫn của Cục Thi hành án, nếu trước khi kê biên mà đương sự nộp tiền thi hành án thì phải chấm dứt việc kê biên. Động thái chê tiền khó hiểu cùng sự cố ý niêm phong tài sản sơ sài trái quy định bất chấp đề nghị của người đại diện đương sự, gạt phắt người nhà đương sự ra ngoài của bà Chấp hành viên Nguyễn Thị Hạnh, xuất hiện nhiều kẻ lạ dùng bạo lực bắt người trái pháp luật... cho thấy đằng sau việc kê biên này là một âm mưu đen tối.

Tạ Phong Tần

______________

Khoản 3 Điều 6 Pháp lệnh Thi hành án Dân sự quy định:

"Căn cứ vào quyết định thi hành án, Chấp hành viên định cho người phải thi hành án thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án để tự nguyện thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh này.".

Điều 34. Thông báo về thi hành án

1. Các quyết định, giấy báo, giấy triệu tập về thi hành án phải được thông báo cho người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Người được thông báo có nghĩa vụ nhận thông báo và chịu trách nhiệm về việc cố tình không nhận thông báo.

2. Việc thông báo được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

A) Chấp hành viên, cán bộ thi hành án giao trực tiếp các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này cho người được thông báo. Trong trường hợp có khó khăn trong việc giao trực tiếp thì việc thông báo được thực hiện bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện. Nếu người được thông báo vắng mặt thì các giấy tờ về thi hành án được giao cho Thủ trưởng cơ quan nơi người đó công tác hoặc cán bộ tư pháp cấp xã hoặc người thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cùng sống trong một gia đình nhận thay. Người nhận thay phải cam kết chuyển kịp thời, đúng thời gian quy định đến tận tay cho người được thông báo. Việc giao, nhận thông báo phải được ký xác nhận;

B) Trong trường hợp không thể thực hiện được việc thông báo quy định tại điểm a khoản này thì phải niêm yết công khai bản chính thông báo tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được thông báo và tại nơi ở của người được thông báo nếu xác định được nơi ở cụ thể của người đó. Việc niêm yết công khai phải được lập biên bản, ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết, nội dung thông báo và người thực hiện niêm yết, có xác nhận của chính quyền địa phương;

C) Trong trường hợp không thể thực hiện việc thông báo theo quy định tại điểm a khoản này hoặc việc niêm yết công khai theo quy định tại điểm b khoản này không có kết quả thì thông báo liên tiếp hai lần trên báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình của trung ương hoặc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu xác định đương sự đang ở tại địa phương đó. Khi thực hiện việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo, đài phải có văn bản xác nhận đã thực hiện xong việc thông báo và gửi Cơ quan thi hành án để lưu hồ sơ thi hành án.

3. Người có nghĩa vụ thực hiện việc thông báo không làm đúng trách nhiệm của mình thì tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điểm 2.2 Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự như sau:

"Khi tiến hành niêm yết công khai, Chấp hành viên cần ấn định thời gian nhất định (kể từ ngày niêm yết) để người được thông báo thực hiện các quyền, nghĩa vụ của họ. Ví dụ: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày niêm yết, người phải thi hành án phải đến cơ quan thi hành án để giải quyết việc thi hành án.

Việc ấn định thời gian bao nhiêu lâu, cần căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, nhưng phải đảm bảo cho người được thông báo biết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ theo thông báo.".



Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket
.

23/2/09

KHIẾU NẠI ĐẾN CHẾT VẪN CHƯA THẤY CÔNG LÝ

.
Tôi thật bất ngờ khi nghe tin ông Trần Việt Tiến chết. Người dân Bạc Liêu ai mà không biết ông Trần Việt Tiến, bởi lẽ ông không những là thương binh hạng 2/4, mà còn là con trai cụ Ba Linh - lão cán bộ kháng chiến nổi tiếng mạnh mẽ, quyết đoán, liêm khiết, giản dị, lúc sinh thời cụ Ba Linh có tác phong "không giống ai" là cụ giữ chức vụ cao trong chính quyền nhưng đi làm luôn luôn mặc bộ quần áo bà ba đen bằng vải thường và đi chân đất.

Chuyện ông Trần Việt Tiến bị chính quyền địa phương cưỡng chế phá nhà, lấy đất để xây Trung tâm thương mại nhưng không bồi thường, sau đó còn bị khai trừ Đảng và buộc nghỉ việc vào năm 2002 ở Bạc Liêu ai cũng biết vì ông Tiến khiếu nại rầm rĩ khắp nơi một thời gian dài, có tin đồn ông suýt bị bắt giam vì đã "dám khiếu nại hoài".

Cái gọi là Trung tâm thương mại ấy trong mắt tôi nó là một khối bê tông cốt sắt khổng lồ được thiết kế rất vô duyên, xấu xí, xung quanh trơ trụi, nắng dọi chói chang nóng như cái lò bánh mì. Tôi sống ở Bạc Liêu mấy chục năm trời nhưng bước chân vào Trung tâm thương mại duy nhất chỉ 1 lần. Bởi lẽ Trung tâm thương mại gì mà không có bãi gởi xe thì ai dám dựng xe máy ngoài sân mà vào đó mua sắm. Một lần, vì tò mò muốn biết trong đó có giống gì, tôi khóa xe đựng đại trước sân Trung tâm để vào trong. Vừa ngó nghiêng hấp háy mắt để trông xe vừa xem hàng thì hỡi ơi, sự thật phũ phàng làm tôi hết muốn vào Trung tâm lần thứ hai: Các gian hàng bán tạp phẩm giống như mấy chị hàng xén, tạp phẩm ở chợ Bạc Liêu chớ không có gì đặc sắc, nhưng bảng giá thì nhìn thấy choáng váng mặt mày muốn xỉu liền. Một cái kẹp tóc loại tốt nhất ngoài chợ bán giá cao nhất cũng chỉ 30 ngàn là nhiều, nhưng ở đây để giá đến 160 ngàn/cái, cứ như là dùng cái kẹp ấy thì thành tiên nên giá mới mắc như vậy.

Trở lại chuyện ông Tiến, sau thời gian dài kiên nhẫn khiếu nại lên trung ương, ngày 4/7/2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Quyết định số 868 xóa hình thức kỷ luật khai trừ Đảng cho ông. Ông cũng được bố trí làm GĐ Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Bạc Liêu.

Về nhà và đất của ông Tiến, các cơ quan T.Ư nhiều lần có công văn đôn đốc, nội dung: Trả lại tài sản cưỡng chế cho ông Tiến, bố trí đất tái định cư và xem xét bồi thường 303 m2 đất. Nhưng địa phương đùn đẩy, ông Tiến phải họp rất nhiều lần mà không có kết quả. Chiều 17/2 , ông được mời đến UBND thị xã Bạc Liêu họp bàn việc bồi thường tài sản do chính quyền địa phương làm sai. Lúc đang căng thẳng, ông gục xuống bên bàn họp, trưa 18/2 ông Tiến chết ở phòng cấp cứu của Bệnh viện.

Bản thân thương binh, gia đình có truyền thống cách mạng mà ông Tiến còn bị nhà cầm quyền địa phương đối xử bất công như thế, thử hỏi người dân thấp cổ bé miệng phải bị đối xử thế nào? Ở Bạc Liêu, trường hợp như ông Tiến không phải là duy nhất, thương binh 2/4 chả là cái gì, Chủ tịch tỉnh Lê Văn Bình (Năm Hạnh) còn bị "thí tốt" nữa là.

Là một người đồng hương, tôi xin chia buồn cùng gia đình ông Tiến. Cái lý tưởng giành độc lập và xây dựng xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh mà cụ Ba Linh lẫn ông Tiến đã từng đem tính mạng mình chiến đấu để đánh đổi, nhưng rốt cuộc đến chết ông Trần Việt Tiến vẫn chưa được thấy. Thương thay!

Tạ Phong Tần

________

Xem thêm:

Xót xa cho cái gọi là "tình đồng chí" đối với ông Lê Văn Bình

Dân Bạc Liêu cũng "bỉu tình"

Bạc Liêu: Nhà dân bị giải tỏa thì... ngủ đứng

.

20/2/09

VÌ SAO NÔNG DÂN LONG HƯNG "NỔI LOẠN"?

.

CL&ST vừa nhận được bài viết của một bạn ký tên là Sự Thật Trần Trụi tường thuật lại những điều bạn ấy "trực tiếp nhìn thấy, nghe được", CL&ST xin đăng lại nguyên văn bài viết để rộng đường dư luận. Mong rằng sẽ được những bạn ở Long Hưng minh định.

Tạ Phong Tần

* * *

Đêm qua 18/02/2009 quả là một đêm không ngủ của người dân xã Long Hưng, huyện Long Thành, Đồng Nai - nơi đang có dự án khu du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh Đồng Nai. Câu chuyện bắt đầu nóng từ mấy ngày qua khi chính quyền xã tự ý đánh dấu kiểm đếm mồ mả của người dân trong khu vực mà không được sự đồng ý của họ. Thế là suốt ngày hôm đó, UBND xã đã bị người dân phong tỏa, bao vây để phản đối. Đã có những xô xát xảy ra giữa chính quyền địa phương và người dân, một người quay phim bị thương và máy quay đã bị đập nát. Đến tối cùng ngày, tình hình ngày càng bất ổn, người dân tụ tập càng đông hò hét để cổ vũ những người tham gia và phong tỏa UB, “nội bất xuất”.

Trước tình thế ngày càng nguy cấp, chính quyền đã nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng và cũng chính từ đây, bạo loạn đã xảy ra. Khi đường đã lên đèn, trong ánh sáng vàng vọt, người dân Long Hưng đang phấn khích hò hét thì cảnh sát cơ động chống bạo động được điều đến trên 3 chiếc xe chuyên dụng không mui và một chiếc tải bít bùng đầy người, được trang bị đến tận răng (áo giáp, chân bó sát, đầu đội nón bảo hiểm có rổ sắt chắn trước mặt, một tay cầm khiêng chống đạn, tay kia lăm lăm dùi cui…) bước xuống xe xếp thành 2 hàng tiến thẳng vào trụ sở UB. Thật bất ngờ, trước sự có mặt mang tính chuyên nghiệp của cảnh sát cơ động chống bạo động, đám đông càng bị kích động. Cảnh sát nhanh chóng đẩy lùi những người dân quá khích đang có mặt ở đó ra ngoài. 2 bên bắt đầu giằng co, cảnh sát cố gắng đẩy người dân ra ngoài lên con đường độc đạo trước mặt UB, người dân thì xô vào người cảnh sát không muốn đi, lộn xộn bắt đầu xảy ra.

Tình thế bắt đầu phức tạp, mất kiểm soát khi những người dân tụ tập bên ngoài dày đặc kích động mọi người chống trả lại cảnh sát. Người dân bắt đầu nổi giận, họ ném tất cả những gì vớ được từ đất đá cho đến chai lọ trút giận lên những người cảnh sát cơ động. Mở màn là một trận mưa đá ào ào như vũ bão hướng về phía lực lượng cảnh sát lúc này đang yếu thế co cụm lại giữa đường hương lộ trước mặt UB giơ khiên chống đỡ. Tiếng người la hét, chửi thề, tiếng những viên đá to kêu lổm cổm khi trúng vào thanh khiêng của cảnh sát, tiếng bước chân chạy xầm xập trên mặt đường, tiếng lẻng xẻng của thủy tinh bể quyện cùng khói bụi, không khí hỗn loạn chưa từng có.. Cảnh sát thúc thủ chỉ còn biết che khiêng tứ phía chống đỡ rất vất vả và nguy hiểm. Trong lúc đó, người dân mặc sức ném, người ta ném tất cả những gì vớ được, được nước làm tới, lúc này các chị cũng hăng hái tham gia, không ném được, các chị, các em nhỏ chạy loanh quanh các góc nhà tìm… đá cho các anh thanh niên thẳng tay… ném. Khoảng vài phút ném hả hê thì không khí kích động được đẩy lên cao. Đá cũng chẳng còn, người dân chuyển sang sáp lá cà. Máu đã đổ, trong đó có cả trẻ em. Máu càng làm người dân thêm… “máu”. Họ bất chấp tất cả chỉ muốn ăn thua đủ với cảnh sát. Thỉnh thoảng vài chiếc xe máy nẹc pô ầm ỉ, chở ba, luôn miệng la hét: “tránh ra, tránh ra”, thường người ngồi giữa ngất ngư rẻ đám đông chạy vội về hướng trạm y tế xã.

Tình thế đã mất kiểm soát, cảnh sát bắt đầu rút êm bằng cửa sau của UB không quên hộ tống chính quyền xã băng đồng ra sông, lên thẳng ca nô đợi sẵn đến nơi an toàn. Thừa thắng xông lên, người dân bắt đầu tiến vào UB đập phá, cửa kính vỡ tan, cổng tanh banh, hạ bảng, kéo gãy cột cờ, gom một đóng giấy tờ hỗn độn ra đốt cùng với… xe máy đặc chủng của cảnh sát giao thông. Chưa hả giận, người dân quá khích tràn ra đường đập nát kiếng trước 4 chiếc xe hơi đặc chủng của cảnh sát rồi hò hét… lật xuống ruộng.

Chưa, tình tiết ly kỳ chưa dừng lại ở đó. Lát sau, một chiếc xe cứu thương của Sở Y tế Đồng Nai hụ còi rẻ đám đông chạy xuống nhưng gặp phải đám đông quá khích chặn xe tấn công. Qua kính trước, tài xế trông hoảng hốt lùi xe chạy mà không kịp quay đầu lại. Đám người trong tay gậy gộc hò hét xông lên, truy đuổi. Cảnh tượng như trong phim hành động, Có người nhảy nằm lên cả nắp kabin trong khi xe đang lùi, một tay cầm thanh sắt giáng thẳng vào kiếng trước ngay chỗ tài xế buộc dừng xe. Ngay sau đó, tài xế cùng nhóm nhân viên y tế vội vàng rời xe trong đám đông vây quanh trước khi nó bị lật văng xuống vệ đường, tơi tả… Lúc này, người dân hoàn toàn kiểm soát tình hình. Được tin, người dân các vùng lân cận đổ về ngày càng đông. Nhiều xe chữa cháy cũng được điều động đến nhưng vì đường nhỏ nên không vào được đành nằm lại bên ngoài. Chỉ có một chiếc xe chữa cháy loại nhỏ tiếp cận được nhưng đành thoái lui trước sự quá khích của người dân. Phía trong UB, lửa vẫn cháy âm ỉ…

Cách hiện trường vài trăm mét thuộc địa bàn xã An Hòa, lực lượng cảnh sát đủ ngành được huy động nhưng vẫn phải áng binh bất động.

Chưa hết đâu, đúng 12 giờ đêm, một cảnh tượng hoành tráng đã diễn ra. Lực lượng cảnh sát đủ ngành, đông nghịt, có cả chó bẹc giê đi kèm đùng đùng tiến về phía UB. Trong đó, ấn tượng là lực lượng cảnh sát cơ động chống bạo đồng với quân số gần cả ngàn được trang bị đầy đủ chia làm nhiều tốp. Tốp đầu là hàng trăm cơ động, những người đi đầu dẫn theo cả chó bẹc giê, nghe tiếng sủa của nó xa xa trong đêm thôi là đủ ớn lạnh rồi. Ở giữa là một chiếc xe đặc chủng của cảnh sát chạy chầm chậm theo đoàn người phát loa loan báo. Kế tiếp là một đoàn cơ động cũng hàng trăm. Cảnh sát rất thận trọng, các hẻm nhỏ cũng được ánh đèn pin lướt qua. Tiếp theo không phải là cảnh sát mà là người dân hiếu kỳ bám theo. Tiếp đến là hàng đoàn cơ động đông nghịt, gấp rưỡi quân số của hai đoàn trước cộng lại. Chưa hết đâu nhé, cuối cùng là một đoàn cũng toàn cơ động đông không kém. Và phía sau, người dân cũng bám theo. Lúc này, cảnh sát đã kiểm soát được tình hình.

Ngay trong đêm, những người tham gia bạo loạn đều bị bắt trong khi còn đang mê ngủ.

19/2/09

NÔNG DÂN "TỨC NƯỚC VỠ BỜ" Ở ĐỒNG NAI?

.

CL&ST mới nhận được mail từ người quen nội dung như sau:

"Đêm qua người dân xã Long Hưng thành phố Biên Hòa Đồng Nai đã đánh trả lại đoàn cưỡng chế giải tỏa đất của người dân. Hàng ngàn người dân đã lật 5 xe công an xuống ruộng phá hỏng, đốt một xe. Xe cứu thương bị phá nát. Dân tập trung bao vây UBND xã đánh bà Chủ tịch gần chết, đốt luôn UBND xã. Chính quyền điều động rất nhiều CA đến nhưng cũng một số bị thương một số cởi áo nhảy sông trốn. Hơn 400 bộ đội xuống để ngừa xung đột gia tăng. Bốn giờ sáng mới vãn hồi trật tư và cho xe cẩu các xe bị dân phá hỏng về. Đến 3 giờ chiều chính quyền đã bắt hơn 100 người.".

Qua tìm hiểu, CL&ST được biết xã Long Hưng thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai chớ không phải thuộc Thành phố Biên Hòa, nhưng huyện Long Thành giáp ranh với Thành phố Biên Hòa.

Tại xã Long Hưng đang xúc tiến một Dự án khu trung tâm đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, khu tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí; chủ đầu tư là liên doanh của Công ty cổ phần An Phú Long, Công ty Vina Capital và Tập đoàn Keppel Land - Singapore. Số hộ dân bị giải tỏa trong Dự án này là "Khoảng 730 hộ, trong đó có 262 hộ thuộc diện bị giải tỏa trắng", diện tích đất đai bị thu hồi là hơn 700 hecta.

Báo Người Lao Động đăng tin như thế này (save hình về máy tính để nhìn rõ hơn):

Photobucket


Bạn nào biết thông tin về vụ xung đột nói trên, vui lòng gởi thông tin và hình ảnh về địa chỉ taphongtan@gmail.com. CL&ST xin chân thành cảm ơn!


.

BẤT THƯỜNG TỪ TÒA ÁN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

.
Khoản 1 Điều 20 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) quy định: "Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm"; vì vậy, việc phải chấp nhận kháng cáo và phải xét xử phúc thẩm đối với vụ án Hình sự của 8 giáo dân Thái Hà mà Tòa án quận Đống Đa đã xét xử ngày 8/12/2008 là chuyện Tòa án Thành phố Hà Nội không thể từ chối.

Căn cứ khoản 2 Điều 237 BLTTHS "Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị cho Tòa áp cấp phúc thẩm trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị", ngày hết hạn kháng cáo là 23/12/2008, thì Tòa án quận Đống Đa phải chuyển hồ sơ vụ án này cho Tòa án Thành phố Hà Nội chậm nhất là ngày 30/12/2008.

Cũng theo Điều 242 Bộ Luật này, Tòa án Thành phố Hà Nội phải mở phiên tòa phúc thẩm chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án do Tòa án quận Đống Đa chuyển đến, như vậy hạn chót của thời hạn mở phiên tòa xét xử phúc thẩm các giáo dân là ngày 02/03/2009.

Bào chữa cho các giáo dân Thái Hà trong phiên xử phúc thẩm lần này, ngoài Luật sư Lê Trần Luật còn có thêm Luật sư Huỳnh Văn Đông và Luật sư Hoàng Cao Sang (cùng ở Sài Gòn) tham gia.

Theo BLTTHS và Luật Luật sư thì việc bào chữa cho những công dân bị cáo buộc vi phạm vào các Điều luật được quy định tại Bộ Luật Hình Sự là hoạt động nghề nghiệp bình thường của Luật sư. Tuy nhiên, trong vụ án xét xử các giáo dân Thái Hà này cơ quan tố tụng Hà Nội lại có những biểu hiện bất thường.

Theo Luật sư Lê Trần Luật thì nhóm Luật sư bào chữa đã trực tiếp đến Tòa án Thành phố Hà Nội 5 lần để yêu cầu được nghiên cứu hồ sơ vụ án nhưng đều bị cán bộ Tòa án Thành phố Hà Nội viện hết lý do này đến lý do khác hẹn lần hẹn lữa để cản trở nhóm Luật sư tiếp xúc với hồ sơ. Khi bị Luật sư chất vấn thì cán bộ Tòa án Thành phố Hà Nội tên Bùi Thị Hồng viết tiếp giấy hẹn "ngày 23/2/2009 Luật sư đến nghiên cứu hồ sơ". Tuy nhiên, ngày 18/2/2009, cán bộ Thư ký Tòa án Thành phố Hà Nội lại gọi điện thoại thông báo rằng ngày 23/2/2009 Luật sư vẫn chưa có thể tiếp xúc hồ sơ vì “Vụ án sẽ hoãn vô thời hạn và ngày 23/2/2009 các Luật sư vẫn chưa có thể đọc được hồ sơ”, “Đây là ý kiến chỉ đạo của cấp trên". Không hiểu cái gọi là "cấp trên" mà cô Thư ký Tòa án Thành phố Hà Nội nói là cá nhân nào mà lại có quyền "chỉ đạo" trái pháp luật như thế?

Rõ ràng, việc cố tình nại ra đủ thứ lý do để cản trở Luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án của cán bộ Tòa án Thành phố Hà Nội là vi phạm nghiêm trọng vào điểm e khoản 2 Điều 50, điểm g khoản 2 Điều 58, Điều 11 BLTTHS. Bởi lẽ, hạn chót phải mở phiên Tòa phúc thẩm là ngày 02/3/2009, nhưng đến thời điểm này có vẻ như Tòa án Thành phố Hà Nội không muốn cho Luật sư được nghiên cứu hồ sơ vụ án thì làm sao các Luật sư có sự chuẩn bị luận cứ bào chữa chặt chẽ nhằm bảo vệ tốt nhất cho các thân chủ của mình?

Bức xúc trước việc làm khuất tất của cán bộ Tòa án Thành phố Hà Nội đã xâm phạm nghiêm trọng vào quyền được bào chữa của bị cáo và quyền của Luật sư, Luật sư Lê Trần Luật đã gởi đơn khiếu nại đến Chánh án Tòa án Thành phố Hà Nội.

Trong đơn khiếu nại, Luật sư Lê Trần Luật viết: "Thưa Ngài Chánh án! Nhân đây, tôi cũng xin được mạn phép trao đổi với Ngài rằng: “Trì hoãn và cản trở những điều pháp luật cho phép thực hiện là cố tình phủ nhận công lý”, còn tôi thì tôi lại nghĩ rằng: "Khuất tất và bóng tối luôn luôn là nơi ẩn núp của hèn hạ và tội ác".

Tạ Phong Tần

Photobucket
Đơn khiếu nại - Trang 1

Photobucket
Đơn khiếu nại - Trang 2

Photobucket
Giấy chứng nhận người bào chữa của Ls Lê Trần Luật

Photobucket
Giấy giới thiệu của Tòa án Thành phố Hà Nội

Photobucket
Giấy hẹn của Tòa án Thành phố Hà Nội

Photobucket
Số điện thoại của Tòa án Thành phố Hà Nội gọi vào máy Ls Luật

Photobucket
Hóa đơn gởi chuyển phát nhanh Đơn khiếu nại
.
.

18/2/09

HOAN HÔ “CHUẨN PHÁT TRIỂN TRẺ 5 TUỔI”!

.
Dự thảo Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” của Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa đưa ra ngày 4/2/2009 đã bị dư luận quần chúng (gồm phụ huynh học sinh và cả các nhà khoa học, nhà tâm lý, chuyên gia giáo dục…) phản đối quyết liệt, nào là “nhầm lẫn và gây bất ổn”, “bất hợp lý”, “phi thực tế”, “có vấn đề”, dở dở ương ương giống như tiêu chuẩn “ngực lép không được lái xe” của Bộ Y tế, v.v… và v.v…, nói chung là tỉ số ý kiến chê “thắng áp đảo” ý kiến khen.

Tuy nhiên, cá nhân tui thì tui “nhiệt liệt hoan hô” bộ “chuẩn phát triển” ấy, vì nó có nhiều “iu điểm” rất hay ho, cần phải phát huy, nhân rộng và áp dụng đại trà cho toàn bộ các loại đối tượng chớ không riêng gì trẻ 5 tuổi.

Này nhé, “iu diểm” thứ Nhất là Chuẩn 1 (điểm đ, điểm e): “Chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5 giây”, “Chạy liên tục 150m không tính thời gian (không bỏ cuộc giữa chừng)”, chuẩn này cần được áp dụng đối với các quan chức Nhà nước để chống bệnh ngồi một chổ trong phòng máy lạnh vẽ vời, chỉ tay 5 ngón, quan liêu, xa rời quần chúng, ra những kế hoạch “trên mây” xa rời thực tế, gây khó khăn cho đời sống xã hội, gây bất bình trong nhân dân. Đối tượng được tui “iu tiên” chọn áp chuẩn trước là các quan chức tác giả của “tác phẩm” kinh dị “ngực lép không được lái xe” thuộc Bộ Y tế (đã nêu ở phần trên).

“Iu điểm” thứ Hai là Chuẩn 4 (điểm d, điểm e): “Biết thuốc lá có hại cho sức khỏe và thể hiện thái độ không đồng tình với người hút thuốc”, “Biết che miệng khi ho, hắt hơi, ngáp”. Chuẩn này rất là hay, bởi lẽ cái Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đồ sộ của Nhà nước ta với 4 doanh nghiệp to đùng là Công ty Thuốc lá Bến Thành, Công ty Thuốc lá Đồng Nai, Nhà máy Thuốc lá Khánh Hoà và Công ty Thuốc lá Hải Phòng, cùng với Quyết định số 88/2007/QÐ-TTg phê duyệt “Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020” không phải do trẻ 5 tuổi “sản xuất” ra và sản phẩm cũng không phải để phục vụ cho chúng. Vì vậy, nhờ có chuẩn này mà có dịp cho những “người lớn” (có liên quan đến thuốc lá đề cập ở trên) “thể hiện thái độ không đồng tình với người hút thuốc” một cách cụ thể như thế nào để người dân “chấm điểm”. Đồng thời, các quan chức đã từng “gật gù trong hội nghị”, ngủ, ngáy, ngáp rõ to là không đạt yêu cầu theo điểm e Chuẩn 4, cần tích cực phấn đấu bằng cách đi học thêm các nhóm “Mầm, Chồi, Lá” để rèn luyện.

“Iu điểm” thứ Ba là Chuẩn 8 (điểm a, điểm b, điểm d) về tự tin và tự trọng: “Chấp nhận và cố gắng thực hiện công việc được giao”, “Hài lòng khi hoàn thành công việc”, “Mạnh dạn bày tỏ ý kiến của bản thân”. Chuẩn này đặc biệt dành cho các ông các bà “nghị gật” bởi họ chỉ biết chen chúc nhau ngồi cho kín ghế cơ quan lập pháp, chẳng biết “cố gắng thực hiện công việc được giao”, không hoàn thành nhiệm vụ mà lúc nào cũng “hài lòng về mình”, không biết “bày tỏ ý kiến bản thân”. Theo ông Trần Quốc Thuận- Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội thì các ông bà nghị gật này “Nhiều người trên hội trường không phát biểu gì, không biết họ có phát biểu ở thảo luận tổ không. Có thể có người được “phân công” làm đại biểu Quốc hội cho có... “cơ cấu”!”.

“Iu điểm” thứ Tư là Chuẩn 9 (điểm b): “Biết bộc lộ cảm xúc vui, buồn, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên, xấu hỗ”. Theo ý tui thì Bộ Giáo dục- Đào tạo đặc biệt soạn thảo cái điểm b này dành riêng cho ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố HCM. Bởi lẽ đơn khiếu nại của phụ huynh học sinh trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3, SG) gởi đến ông Huỳnh Công Minh về việc cháu bé 13 tuổi bị cô giáo "khủng bố" đến "stress cấp" đến nay gần 1 năm tròn nhưng ông điềm nhiên không biết bộc lộ cảm xúc gì, kể cả khi UBND và HĐND Thành phố có văn bản chỉ đạo gởi đến ông vẫn bàng quan như thể ông không phải là Giám đốc Sở GD-ĐT. Ông không hề biết “sợ hãi” pháp luật cũng như không hề biết “xấu hổ” khi bản thân ông đường đường là Giám đốc Sở GD-ĐT mà ông lại phát ngôn lung tung, ấm a ấm ớ, mâu thuẫn, tự cho mình có quyền ngồi xổm trên pháp luật.

“Iu điểm” thứ Năm là Chuẩn 11 (điểm c): “Biết tìm cách để giải quyết mâu thuẫn”. Điểm này Bộ ta có lẽ tiếp tục soạn thảo dành riêng cho “gà nhà” Huỳnh Công Minh học tập, bởi lẽ, ông Minh dám công khai phát biểu trong cuộc họp ngày 25/12/2008 rằng ông chưa bao giờ giải quyết đơn khiếu nại của dân, bất kể luật quy định làm Giám đốc Sở là phải làm nhiệm vụ quản lý hành chính, bao gồm việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc ngành của mình.

“Iu điểm” thứ Sáu là Chuẩn 16 (điểm d, điểm e) về văn hoá giao tiếp: “Biết chờ đến lượt trong giao tiếp, trò chuyện, thảo luận (không nói leo, không ngắt lời người khác)”, “Biết sử dụng một số từ: chào, tạm biệt, cảm ơn, xin lỗi, xin phép, thưa, vâng ạ phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Ông bà ta có câu: “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Tui nghĩ có lẽ Bộ Giáo dục-Đào tạo biết rõ “rận” trong “chăn” của mình như thế nào, thành thử đưa ra điểm này để vận vào trường hợp ông Huỳnh Công Minh lại vô cùng đúng đắn.

Trước tiên, ông Minh phải đi học Mẫu giáo lại để “đạt chuẩn”, tuần tự học lên Phổ thông cơ sở, Phổ thông trung học, Đại học, rồi mới được làm thầy trẻ con, bởi lẽ tui thấy ông rất thiếu hụt về văn hóa giao tiếp nên ông cứ thích nhảy xổ vào bảng họng người ta mà ngồi khi đối thoại. Ông long trọng ký giấy mời đương sự đến gặp ông làm việc, nhưng đại diện hợp pháp của đương sự đến thì ông tuyên bố “không làm” và bỏ đi mà không biết nói từ “xin lỗi”. Tui đề nghị cùng “đi học lại” với ông Minh còn có ông Huỳnh Văn Sang-Hiệu trưởng trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3), một số giáo viên trường Hai Bà Trưng khác như: bà Thư, ông Dũng, ông Tùng, bà Linh, bà Lài… bởi lẽ trong vốn từ vựng tiếng Việt của những người nêu trên còn thiếu chữ “xin lỗi”.

Ngoài ra, điểm e này còn dành cho đa số cán bộ Đảng viên Đảng CSVN học tập. Theo số liệu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng CSVN năm 2008 thì trong năm 2008, Ủy Ban Kiểm Tra các cấp đã kiểm tra 15.934 đảng viên có dấu hiệu vi phạm và phát hiện 12.107 đảng viên vi phạm các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định (chiếm 75,9% số kiểm tra); trong đó thi hành kỷ luật 6.427 trường hợp (chiếm 53% số vi phạm). Đảng CSVN tự hào là Đảng của nhân dân, phục vụ vì lợi ích của nhân dân, mà Đảng viên vi phạm lung tung đến hàng ngàn người, không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng số cán bộ Đảng viên biết nói “xin lỗi nhân dân” đếm chưa đầy hai bàn tay (dù là “xin lỗi” hình thức, trong lòng có thật sự hối lỗi hay không có Trời biết).

“Iu điểm” thứ Bảy, theo tui cũng là “iu điểm” quan trọng đại và to béo nhất là Chuẩn 13 (điểm b) về việc biết tôn trọng người khác: “Chấp nhận sự khác biệt giữa người khác với mình”. Ngược lại với biết tôn trọng là hành vi ngang ngược, tự cho mình là “ông Trời con”, khinh thường mọi người xung quanh. Điểm b Chuẩn 13 này theo tui là điểm rất đặc biệt quan trọng, cần áp dụng triệt để, bắt đối tượng học tập đến khi nào nhập tâm, nhuần nhuyễn, ăn ngủ đi đứng nằm ngồi gì cũng đều phải nhớ thuộc lòng “Chấp nhận sự khác biệt giữa người khác với mình” và thực hiện đúng y như thế; bởi lẽ tui thấy có nhiều người tự cho mình là “đỉnh cao trí tệ lòi người” nhưng thực tế “chữ không đầy cái lá me”, đứng trước đám đông cầm tờ giấy do người khác viết sẳn đọc mà cũng cà mà cập mập đọc không trôi; nhưng hễ ai nói gì trái ý mình thì vu vạ, chụp mũ, khủng bố, đuổi việc, rình mò, theo dõi, quấy rối công việc làm ăn, bỏ tù, v.v… và v.v…

* * *

Túm lại, dự thảo “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” của Bộ Giáo dục - Đào tạo là một “phát kiến vô cùng vĩ đại”, có “tầm nhìn xa đến mấy chục năm” (tui xin kính cẩn cúi rạp mình bái phục tác giả), bởi lẽ chuẩn này không chỉ áp dụng cho trẻ 5 tuổi, mà “trẻ năm sáu chục tuổi trở lên” cũng áp dụng được tuốt luốt. Chỉ cần giáo dục “trẻ năm sáu chục tuổi trở lên” theo chuẩn này, bảo đảm xã hội ta sẽ trở nên trong sạch, văn minh, tiến bộ hơn.

Tạ Phong Tần


"ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC LIỆT SĨ TRUNG QUỐC"

.

Tập đoàn phản động phạm tội phản bội Tổ quốc (phạm vào Điều 78 Bộ Luật Hình Sự) nhưng chưa tên nào bị xử lý đang thể hiện tấm lòng "Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ Trung Quốc" đã tử vong trong chiến tranh xâm lược biên giới năm 1978 - 1988, mai táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Long Châu (Thủy Khẩu), giáp tỉnh Cao Bằng.

Không còn từ ngữ nào để bình luận thêm ngoài mấy chữ "Đại đại đại ô nhục"!


Photobucket

Chú ý đọc hàng chữ in lớn ở trên để biết chủ nhân của vòng hoa "biết ơn" này

Photobucket
Chúng tôi chân thành xin lỗi các đồng chí xâm lược đã bị ông cha chúng tôi lỡ bắn chết



Nguồn ảnh: Internet, xem thêm hình ảnh khác của chủ đề này tại đây
.

14/2/09

XỬ LÝ THAM NHŨNG KIỂU NỬA VỜI

.
Báo Tiền Phong ngày 13/2/2009 cho hay: Ông Diệp Văn Bình "được phân công chỉ đạo các cán bộ nhân viên văn phòng", và ông Nguyễn Nhật Duy "được phân công trực tiếp" đi "mua trên 1.200 phần quà tặng cho cán bộ CNVC khó khăn, trong đó có 250 phần quà tặng công nhân nghèo tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Cần Thơ", giá trị mỗi phần quà là 150 ngàn đồng. Số liệu của Liên Đoàn Lao Động Thành phố Cần Thơ công bố là 1.235 suất (phần), giá trị mỗi suất khoảng 150 ngàn đồng.

Cũng theo Tiền Phong, "quà được phát vào sáng ngày 21/1 (tức 27 Tết) với thông báo trị giá 150.000 đồng/phần. Ngay sau đó, do nghi ngờ, một số công nhân đã mang đến chợ Cần Thơ đối chiếu giá và họ phát hiện mỗi phần quà giống y như phần mà họ được nhận, giá chỉ có 90.000 đồng. Lãnh đạo Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã niêm phong một phần quà, lưu tại văn phòng để làm bằng chứng đồng thời tố cáo với cơ quan chức năng".

Bị công nhân tố cáo ăn xén ăn bớt với chứng cứ rành rành ra đó, lãnh đạo Liên đoàn Lao Động (LĐLĐ) Thành phố Cần Thơ lại giải trình rằng "Do số đối tượng thuộc diện được tặng quà Tết tăng lên nên Ban thường vụ LĐLĐ họp thống nhất giảm giá trị mỗi phần quà từ 150.000 đồng còn 125.000 đồng", nghĩa là toàn bộ các phần quà tặng đều bị LĐLĐ giảm giá so với giá trị công bố, không có trường hợp nào ngoại lệ. Vì vậy, theo LĐLĐ thì số tiền bị giảm là: 25.000 đồng x 1.235 phần = giảm 30.875.000 đồng.

So với giá do công nhân khảo sát ngoài thị trường thì giá trị quà tặng bị mất là: 150.000 đồng - 90.000 đồng x 1.235 phần = 71.100.000 đồng.

Mặc dù đã được Ủy ban kiểm tra và Ban tài chính của LĐLĐ Cần Thơ "nâng giá" cho mỗi phần quà lên 106.000 đồng thì giá trị số quà tặng bị giảm vẫn gần gấp đôi con số do LĐLĐ TP Cần Thơ giải trình: 150.000 đồng - 106.000 đồng x 1.235 phần = 54.340.000 đồng.

Ai cũng thấy rằng người lao động phẫn nộ không phải do giá trị quà tặng được nhận thấp, nếu ngân sách Nhà nước eo hẹp mà số lượng người khó khăn cần được giúp đỡ nhiều, giả sử mỗi người được tặng quà giá trị 50 ngàn đồng/phần họ vẫn vui lòng nếu phía LĐLĐ cứ thông báo rõ giá trị thực của nó là 50 ngàn đồng/phần; đằng này thông báo giá trị quà thì cao, nhưng thực chất lại không đúng, làm cho người lao động cho rằng cán bộ Nhà nước đã có hành vi dối trá, lừa bịp, lợi dụng danh nghĩa họ để tham nhũng chế độ mà họ được hưởng.

Khôi hài nhất là lý do xử lý được đưa ra: Ông Diệp văn Bình có lỗi "buông lỏng quản lý, để xảy ra tiêu cực", còn ông Nguyễn Nhật Duy (người được phân công trực tiếp đi mua quà) có lỗi "thiếu trách nhiệm dẫn đến thiệt hại", thì chả biết ông Duy "thiếu trách nhiệm" với ai, chẳng lẽ "thiếu trách nhiệm" với bà bán hàng ngoài chợ? Khôi hài hơn nữa là thiệt hại chỉ có 19,4 triệu đồng.

Rõ ràng, từ đầu đến cuối không hề có 2 danh sách được chọn tặng quà (trước và sau cuộc họp mà LĐLĐ Cần Thơ cho rằng số người được tặng quà tăng lên), giá trị quà bị cắt giảm xuống so với chứng từ thanh toán để nhận tiền Ngân sách, vậy số tiền chênh lệch này chạy vào túi ai?

Ngày 13/2, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Dân Chính Đảng (thuộc Thành ủy Cần Thơ) đã công bố quyết định kỷ luật đối với 2 đảng viên thuộc Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Thành phố Cần Thơ với hình thức: cách chức vụ trong Đảng đối với ông Diệp văn Bình, Bí thư Chi bộ 1; Đảng ủy viên Đảng ủy LĐLĐ Cần Thơ; Ủy viên thường vụ LĐLĐ Cần Thơ, Chánh văn phòng LĐLĐCT; cách chức ủy viên Chi bộ 1 đối với ông Nguyễn Nhật Duy, Phó Chánh văn phòng LĐLĐ; nhưng không đá động gì đến số tiền ngân sách bị thất thoát.

Ở khu vực nông thôn, cán bộ thôn, xã dùng 1.001 cách bớt tiền người nghèo, ở khu vực thành thị , tổ chức Công đoàn đáng lẽ phải làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ quyền lợi, giúp đỡ giai cấp công nhân (như Điều lệ của tổ chức này quy định) thì Công đoàn lại bớt xén tiền của họ. Người nghèo ở Việt Nam, dù ở nơi nào cũng đều bị cán bộ "ăn bớt ăn xén" trên đầu trên cổ như nhau.

Những con số thất thoát ở trên do tôi căn cứ vào số liệu của báo Tiền Phong và LĐLĐ Thành phố Cần Thơ công bố mà tính ra rất dễ dàng; nhưng đến thời điểm này, câu hỏi số người được tặng quà tăng lên là bao nhiêu, tổng số phần quà bị bớt tiền chính xác là bao nhiêu, số tiền thất thoát chạy đi đâu, ai chịu trách nhiệm bồi thường số tiền thất thoát này vẫn chưa được lãnh đạo LĐLĐ Cần Thơ trả lời thoả đáng, làm cho người dân có suy nghĩ rằng: Vì bị tố cáo có bằng chứng đầy đủ nên bắt buộc phải xử lý kẻo mang tiếng, nhưng xử lý tham nhũng kiểu nửa vời cũng là một hình thức mị dân để bao che cho tham nhũng mà thôi.

Tạ Phong Tần

.

13/2/09

TẢN MẠN VỀ VALENTINE

.


Valentine, nghe cái tên là biết xuất xứ của từ này không phải ở Việt Nam rồi. Ngày Valentine còn được gọi là Ngày Lễ Tình Nhân. Theo truyền thuyết thì Ngày lễ thánh Valentine bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ thứ ba thời đế chế La Mã.

Tuy mỗi quốc gia có những quan niệm, truyền thuyết về ngày Valentine khác nhau, nhưng nhìn chung, đây là một phong tục tập quán của nền văn hóa phương Tây được du nhập vào Việt Nam và bắt đầu trở nên rầm rộ, ồn ào từ khoảng năm 2004 đến nay nhờ "công lao" của báo chí đã "nhiệt tình lăng-xê" biến nó thành ngày hội ở nước ta, đặc biệt là ở khu vực các đô thị lớn, còn khu vực nông thôn người dân hầu như không biết.

Mỗi năm trước khi đến ngày Valentine (14/2) khoảng một tuần, y như là các báo trong nước đều liên tục có những bài viết quảng bá cho thanh niên Việt Nam hưởng ứng nét văn hóa phương Tây này. Từ việc tổ chức các chương trình vui chơi, giải trí, kinh doanh quà tặng... thuần túy để chào mừng ngày Valentine của các cơ quan, tổ chức thuộc Nhà nước lẫn tư nhân; đến dạy cách chuẩn bị "bữa ăn đặc biệt" (VTV), thi đấu chó (Vietnamnet), nâng lên thành "mỹ tục" dẫn đến tình trạng "cháy nhà nghỉ", và cứ "đến hẹn lại lên", con số thống kê trẻ chưa thành niên nạo phá thai ở các cơ sở y tế tăng vọt, năm sau cao hơn năm trước.

Năm nay, người ta còn tổ chức dạ tiệc cho 500 cặp tình nhân công khai hôn tập thể ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Sài Gòn). Người trẻ bây giờ thể hiện tình yêu khác xa với phong tục tập quán yêu đương e ấp, kín kẽ của người Việt thời xưa, khi mà nam nữ yêu nhau tỏ tình cũng không dám nói thẳng với nhau, phải mượn sự vật bâng quơ nào đó để nói nhắn, nói gởi, làm gì dám hôn công khai như ngày nay: "Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?/ Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào".

Người Việt chấp nhận một phong tục phương Tây một cách vô tư, không thấy ai lên án là "No cơm ấm cật, rậm rật ăn chơi" hay "Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau". Tuy nhiên, có những "giá trị văn hóa nhân loại" khác như quyền tự do thông tin, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do tôn giáo... thì bị coi là "cấm kỵ". Bởi lẽ, đố ai tìm được bản "Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966)" mà Việt Nam đã xin tham gia ngày 24-9-1982 xuất bản trong nước, còn lên mạng tìm đọc thì bạn phải thông thạo tiếng Anh hoặc có chút kiến thức tin học đủ để leo qua cái "vạn lý tường lửa" thì mới đọc được ở các trang của nước ngoài.

Hóa ra, nói chung hễ "văn hóa phương Tây" mà ăn chơi, hưởng thụ, đú đởn... thì bạn được tự do làm, tự do cổ vũ, được truyền thông Nhà nước lẫn cơ quan tổ chức Nhà nước nhiệt tình ủng hộ; còn các "giá trị nhân quyền" thì xin miễn đi nhé!

Tạ Phong Tần

.
.

12/2/09

BÁC GIÁP CŨNG CÓ TRỐNG ĐỒNG

.


Vào ngày 3/2/2009 (tức mùng 9 Tết Kỷ Sửu), phái đoàn "quân ta" đã đến chúc mừng bác Giáp và đã chụp cái hình trên, đăng rõ to trên báo của "quan ta" đấy nhé. Không phải "các thế lực thù địch bên ngoài" chúng nó "soi mói" đâu!

Hình như các bác "ở trên" có mode khoái trống đồng thì phải.

Tạ Phong Tần
.

11/2/09

NHÂN QUYỀN ĐANG BỊ XÂM PHẠM???

.
Từ lý luận...

Toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành không có khái niệm "tù chính trị". tức những người bị bắt, bị khởi tố, truy tố, xét xử ở Việt Nam đều là tội phạm hình sự giống nhau, được có quyền và nghĩa vụ giống nhau, không phân biệt người đó phạm tội gì. Thậm chí, người chưa thành niên phạm tội, người bị đề nghị truy tố mức án từ chung thân tới tử hình, từ lúc điều tra cho đến khi xét xử bắt buộc phải có Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo.

Ngày 20/6/2007, vừa tới New York, trong cuộc tiếp xúc với phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, thành phần có đại diện Việt kiều Mỹ và Canada, ông Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã tái khẳng định quan điểm: "Việt Nam không có tù nhân chính trị, chỉ có tù nhân vi phạm luật pháp mà thôi".

"Tối 24/6/2007, Hãng truyền hình CNN đã phát hình cuộc phỏng vấn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chương trình “Late Edition” (ghi hình vào ngày 22-6). Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói: “Đất nước chúng tôi đã trải qua thời kỳ chiến đấu gian khổ để giành tự do, độc lập, chủ quyền cho đất nước. Rất nhiều người trong chúng tôi đã bị bắt, bị tù đày, tra tấn. Vì thế, hơn ai hết, chúng tôi yêu quý nhân quyền. Chúng tôi tôn trọng nhân quyền. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ và Việt Nam, với lịch sử khác nhau, có hệ thống pháp lý khác nhau và đó là lý do vì sao chúng ta có những nhận thức khác nhau về các vấn đề khác nhau”.".

Đến thực tiễn

Theo RFA, vào ngày thứ Tư 4/2/2009 vừa qua, LS Lê Trần Luật đến Cơ quan An Ninh Điều Tra Thành phố Hải Phòng để làm thủ tục bào chữa cho cô Phạm Thanh Nghiên (người đang bị tạm giam về hành vi "Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN" theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự) thì ông Triềm - Phó Thủ trưởng Cơ quan An Ninh Điều Tra Hải Phòng, là người trực tiếp điều tra vụ án của cô Phạm Thanh Nghiên, thông báo rằng ông Triềm sẽ triệu tập ông Luật đến Cơ quan An Ninh Điều Tra Hải Phòng để làm việc với tư cách "là người có liên quan đến vụ án của cô Nghiên”.

Nếu thật sự ông Triềm có phát biểu như thế thì tôi nghĩ rằng ông Triềm nên tạm thời ngưng công tác để đi học lại cho kỹ Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự rồi hãy làm việc tiếp. Bởi lẽ trong Tố Tụng Hình Sự không có khái niệm "người có liên quan" chung chung, mà là "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan". Đối tượng chỉ tham gia vụ án hình sự với tư cách "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan" khi nào nội dung vụ án đó có cả yếu tố hình sự lẫn yếu tố dân sự, liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ của một bên thứ ba mà bên thứ ba này hoàn toàn ngay tình (không có lỗi).

Ví dụ: A hỏi mượn xe máy của B để đi công việc. B biết A có Giấy phép lái xe môtô nên đồng ý cho A mượn xe. A điều khiển xe gây tai nạn giao thông cho C nên bị bắt giữ cả người lẫn xe. A bị truy tố, xét xử về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" (quy định tại Điều 202 BLHS). Như vậy, tư cách tham gia tố tụng của mỗi người là: A là bị cáo, C là người bị hại, B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án. Quyền lợi của B trong vụ án này là được nhận lại chiếc xe máy của mình. Nghĩa vụ của B là phải chứng minh chiếc xe máy đó thuộc quyền sở hữu của B để được nhận lại xe. Trường hợp A không có tiền bồi thường thiệt hại cho C thì nghĩa vụ tiếp theo của B là B phải bồi thường thiệt hại cho C vì B là chủ phương tiện. Sau đó B có quyền khởi kiện một vụ dân sự khác đối với A để đòi lại số tiền B đã bồi thường cho C do lỗi của A.

Trong vụ án hình sự mà tội danh là "Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN" rõ ràng không hề có dính dáng chút xíu nào đến yếu tố dân sự (đòi lại tài sản, bồi thường thiệt hại, v.v...) thì đương nhiên không thể tự nhiên chui ra "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan" vụ án được. Như vậy, Cơ quan An Ninh Điều Tra Thành phố Hải Phòng nếu muốn triệu tập bất kỳ ai tham gia tố tụng với tư cách "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan" để làm việc thì trước hết Cơ quan ANĐT phải chứng minh cho người đó thấy rằng họ có quyền lợi gì, hoặc họ có nghĩa vụ gì liên quan đến vụ án, không được quyền nói chung chung là "người có liên quan" để triệu tập người khác, vì đó là một hình thức lạm dụng quyền lực để vi phạm pháp luật. Cá nhân tôi không hiểu ông Luật có quyền lợi gì hoặc có nghĩa vụ gì trong vụ án hình sự của cô Nghiên.

Luật sư Lê Trần Luật còn cho biết thêm:

Ngày 10/2/2009 ông nhận được Thư mời không số ký ngày 06/2/2009 của Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận, nội dung mời về Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận: “Nhằm làm rõ vụ việc và tính chất, mức độ sai phạm” trong hoạt động nghề ngiệp của ông. Căn cứ để Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận gởi Thư Mời này là dựa trên Công văn đề nghị của Công an tỉnh Ninh Thuận và Sở Tư Pháp tỉnh Ninh Thuận.

Ông Lê Trần Luật đã có Công văn trả lời Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận như sau:

"Theo Hợp đồng đã ký kết với khách hàng và kế hoạch đã sắp xếp trước tôi phải đi công tác tại Hà Nội (từ ngày 11/02/2009 đến ngày 14/2/2009); do đó, không thể có mặt đúng ngày giờ theo Thư mời.

Quá trình hoạt động nghề nghiệp, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, tôi không thấy mình sai phạm bất kỳ điều gì. Để thuận tiện cho công việc chung mà Đoàn Luật sư đã nêu, tôi yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận cung cấp cho tôi toàn bộ các Công văn của Công an tỉnh Ninh Thuận và Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận. Tôi muốn được biết trước nội dung của các Công văn đó cho rằng tôi sai phạm điều nào thì tôi mới giải trình được; Đồng thời, liệu dựa trên các Công văn đó mà Đoàn Luật sư mời tôi làm việc thì có đúng các quy định pháp luật hay không?

Mặt khác, để không mất thời gian của các bên, nếu Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận vẫn quyết định mời tôi về để giải trình vào ngày khác, thì tôi đề nghị ngày làm việc đó phải có đại diện của Công an tỉnh Ninh Thuận và đại điện Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận, và tôi chỉ giải trình một lần. Nội dung làm việc phải được lập biên bản, và tôi phải được giữ một bản biên bản này.".

Ở đây, cần phải nói cho rõ là ông Luật đang nhận bào chữa cho các bị can giáo dân Thái Hà, những người hoạt động đấu tranh đòi xây dựng nền dân chủ và xã hội dân sự ở Việt Nam, tố cáo nhà cầm quyền Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa như ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cô Phạm Thanh Nghiên, anh Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Văn Túc...

Liên kết các sự việc trên khiến người ta có thể hiểu rằng: Cái mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn khẳng định với thế giới rằng "Việt Nam không có tù nhân chính trị", "Chúng tôi luôn tôn trọng nhân quyền" chỉ là "nói cho vui", các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đã không được chính nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh; bỡi lẽ tại Việt Nam có người đang cố tình thực hiện sự phân biệt đối xử, xâm phạm quyền được bào chữa của bị can, bị cáo bằng cách dùng mọi thủ đoạn, kể cả thủ đoạn vi phạm pháp luật, nhằm mục đích cản trở Luật sư tham gia vụ án.

Tạ Phong Tần
.
Photobucket

Photobucket
(Lưu ý: Muốn đọc rõ văn bản thì nên tải save vào máy tính hoặc gởi mail cho tôi để nhận ảnh dung lượng lớn hơn)
.

5/2/09

TRÌNH ĐỘ TIẾNG VIỆT CHỈ THẾ NÀY THÔI À?

.
Mời đọc bản tin ở hình trên đây để thấy trình độ tiếng Việt của báo Công An Nhân Dân. Thiệt là tụi nghịp wé đi thui!

Xem bản Online ở đây
.