9/4/09

KIM DUNG và TRẦN MẶC "LỘT TRẦN" LÝ TỰ THÀNH

.

Tác phẩm BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG của nhà phê bình văn học Trần Mặc (
Nguyên tác tiếng Hoa "Chúng sinh chi tướng Kim Dung tiểu thuyết nhân vật đàm" - Thượng Hải, Tam Liên thư điếm, 6- 2001. Người dịch Lê Khánh Trường, NXB Hội Nhà Văn 2003) có một chương bình về nhân vật Sấm Vương Lý Tự Thành rất thú vị. Kim Dung Tiên sinh đã rất tài năng khi xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh rất điển hình này, nhìn thấu tâm can của Kim Dung tiên sinh thì Trần Mặc tiên sinh còn có con mắt xanh tinh đời hơn nữa. Thật bái phục cả hai vị Tiên sinh.

CL&ST tại hạ chép lại riêng vài đoạn trong chương này cho quý vị cùng thưởng thức.

* * *

Lý Tự Thành là một nhân vật lịch sử rất nổi tiếng, sở dĩ nổi tiếng, bởi vì trong một thời gian rất dài, hễ nói đến khởi nghĩa nông dân thì đều là tốt, đều coi là động lực thúc đẩy lịch sử tiến lên phía trước, đều phải được khẳng định, hơn nữa phải được tuyên dương rộng rãi. Lý Tự Thành là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân thời Minh mạt, cho nên đương nhiên trở thành vị anh hùng chủ chốt trong lịch sử, được người người ngưỡng mộ. Sách giáo khoa từ tiểu học đến đại học đều phải có bài nói về các cuộc khởi nghĩa nông dân không ngừng nổ ra, thế nên ở nước Trung Quốc mới, Lý Tự Thành mặc nhiên rất nổi tiếng. Như thế cũng hay, ít nhất là khi tôi bàn đến nhân vật này, mọi người đều đã biết ông ta là ai, khỏi phải sao chép tư liệu lịch sử, nói lại từ đầu nữa.

I

Tôi nói trong sách Bính Huyết Kiếm hình tượng nhân vật Lý Tự Thành được miêu tả rất hay, trước hết là hay ở việc tạo thế. Tuy Lý Tự Thành chỉ xuất hiện trong sách có hai lần thoáng qua, căn bản không thể coi Lý Tự Thành là một nhân vật đáng kể trong bộ tiểu thuyết này, nhưng uy thế hiển hách của Lý Tự Thành và quân khởi nghĩa từ đầu đến cuối cứ lồ lộ trong bộ sách.

Mở đầu bộ sách, khi Viên Thừa Chí (nhân vật chính) còn nhỏ, khi thuộc hạ cũ của Viên Sùng Hoán làm giỗ Hoán, thì sứ giả của Lý Tự Thành đã xuất hiện, hơn nữa, chính bộ tướng của Lý Tự Thành là Thôi Chu Sơn đã cứu Viên Thừa Chí ra khỏi trùng vây, đem Viên Thừa Chí lên núi Hoa Sơn học võ. Mới đầu đã khiến người đọc cúi đầu khâm phục vị anh hùng đương thế. Rồi khi Viên Thừa Chí học xong xuống núi, việc đầu tiên là đi vào nghĩa quân của Lý Tự Thành để tìm sư phụ, ngay một cao thủ cái thế như Mục Nhân Thanh mà cũng bí mật giúp đỡ Lý Tự Thành, đủ thấy cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành rất được lòng người. Viên Thừa Chí lần thứ nhất diện kiến Lý Tự Thành chỉ thoáng qua. Lý Tự Thành tuy bận việc quân, vẫn thân chinh tiếp kiến, khí độ uy mãnh, thần sắc hòa nhã, phong thái lịch lãm của Lý Tự Thành để lại một ấn tượng sâu sắc. Ấn tượng càng sâu sắc nhờ mấy bài đồng dao ca ngợi Sấm Vương (Lý Tự Thành).

Lý Tự Thành tuy không phải là đối tượng trực tiếp mô tả trong sách, nhưng rất nhiều việc làm của Viên Thừa Chí sau đó đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự nghiệp khởi nghĩa của Lý Tự Thành. Đến Ôn gia trang lấy vàng, là để mua quân lương cho Sấm Vương; tìm châu báu trong thành Nam Kinh, là để tặng cho Sấm Vương; tạm thời chưa giết Sùng Trinh báo thù cho cha, là nghĩ đến đại nghiệp của Sấm Vương còn chưa thành; liên kết anh hùng thiên hạ, cũng là để giúp cho sự nghiệp của Sấm Vương mau thành công. Dù bản thân Sấm Vương không xuất hiện, nhưng ảnh hưởngc ủa Sấm Vương có thể là khắp mọi nơi. Uy danh lớn lao như thế, anh hùng thiên hạ quả không ai sánh kịp.

Cứ thế cho đến hồi thứ 19, Lý Tự Thành cuối cùng mới lộ diện trong tác phẩm. Đây là hồi tiến đánh Bắc Kinh, chiếm lĩnh hoàng thành, đạt tới đỉnh cao nhất của đời Lý Tự Thành. Nhìn Lý Tự Thành rút ra ba cây lệnh tiễn, tuyên bố với thuộc hạ của mình:

- Sau khi vào thành, kẻ nào giết hại trăm họ, gian dâm, cướp bóc, lập tức chém đầu, quyết không dung tha!

Trước cảnh đó, mọi người làm sao không như Viên Thừa Chí lúc ấy, cùng tung hô:

- Đại vương vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Tiếp đó là một cảnh gây ấn tượng rất sâu sắc:

Khi Lý Tự Thành đã vào hoàng cung, ngồi lên ngai vàng theo lời thỉnh cầu của Thái tử của Sùng Trinh, đột nhiên Lý Tự Thành đứng dậy, vạch phăng cái áo đang mặc, để lộ nhiều vết sẹo roi hằn trên ngực, trên vai mình, trước cử tọa đang kinh hãi, chỉ nghe Lý Tự Thành nói với Thái tử tiền triều:

- Ta vốn là một người dân hiền lành, bị bọn tham quan ô lại đánh đập thế này đây, nên mới không nhịn được nữa, đứng dậy làm phản. Hừ cha cô nương nhà ngươi giả nhân giả nghĩa, nói là thương xót dân lành. Trong nghĩa quân của ta, trên dưới ai ai cũng khổ sở điêu đứng vì cha con người đó.

Sở dĩ tôi nói đó là cảnh gây ấn tượng rất sâu sắc, bởi vì nó chứa đựng nhiều ý nghĩa sâux a. Cụ thể là, thứ nhất, Lý Tự Thành nói thẳng ra, ông ta chẳng phải là chân mệnh thiên tử gì hết, dĩ nhiên càng không phải là hỗn thế ma vương, mà chỉ là một thường dân tức nước vỡ bò. Thứ hai, lúc này Lý Tự Thành đang ở trong hoàng cung, chính đang lúc đắc chí, vạch phăng áo ra trước mặt mọi người, để lộ các vết sẹo, tác phong thô lỗ ấy có thể coi là một thứ khí phách anh hùng. Thứ ba, độc giả tinh ý sẽ thấy rằng thực ra Lý Tự Thành không hề trả lời chính diện lời thỉnh cầu của Thái tử tiền triều, Lý Tự Thành cho rằng mình đương nhiên đại diện cho lợi ích căn bản của trăm họ. Nhưng lúc này thân ở hoàng cung, địa vị đã thay đổi, cách nghĩ không lẽ cũng vì vậy mà thay đổi theo?

Nếu chỉ có thế th2i khó thấy cái hay. Cái hay của đoạn văn trên được thể hiện khéo léo ở phần tiếp theo.

II

Sau khi thể hiện một thứ khí phách anh hùng, hình tượng nhân vật Lý Tự Thành lập tức bắt đầu thay đổi. Khi tiến vào Bắc Kinh, vào hoàng cung, sự nghiệp cuộc đời lên đến đỉnh điểm huy hoàng, cũng chính là khởi điểm suy sụp thất bại nhanh chóng của ông ta. Cảnh biểu diễn khí phách anh hùng cũng là chút lóe sáng cuối cùng trong đời Lý Tự Thành.

Bởi lẽ ngay sau đó bộc lộ tại chổ đặc trưng tính cách của ông ta, nói lời rồi lại nuốt lời như không, vừa rõ ràng bằng lòng không chỉ tha chết cho Thái tử tiền triều, mà còn phong y làm Tống Vương, đã nghe lời tâu của Thừa tướng Ngưu Kim Tinh, sai đem giết Thái tử.

Dân gian đều biết câu "Quân vô hí ngôn", vậy mà ông vua Lý Tự Thành vừa lên ngôi đã coi lời mình nói ra như một trò đùa. Khi Viên Thừa Chí ra khỏi hoàng cung, chàng lập tức phát hiện, mệnh lệnh của Lý Tự Thành cấm sát hại dân chúng đã hoàn toàn bị gió thổi bay như lời nói đùa. Thực tế, ngay cả vị "Tam phẩm quả nghị tướng quân" Viên Thừa Chí mới được phong cũng bị thuộc hạ của Nhất phẩm quyền đại tướng quân Lưu Tông Mẫn coi thường. Các quan binh sau khi vào thành công khai cướp bóc, cưỡng dâm phụ nữ ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ái dám phản đối thì chúng khép vào tội "dư đảng của tiền triều" mà tùy tiện giết hại. Thật không còn hiểu ra làm sao nữa.

Thật ra chẳng có gì khó hiểu. Viên Thừa Chí nhanh chóng vào cung, tìm ra lời giải đáp. Nhất phẩm quyền đại tướng quân Lưu Tông Mẫn trách cứ Viên Thừa Chí rằng không nên ngăn cản thuộc hạ của ông ta cướp của, giết người. Ông ta nói:

- Thiên hạ này là thiên hạ của đại vương, là thiên hạ mà huynh đệ chúng ta vào sinh ra tử, vượt qua rừng đao núi kiếm mới lấy được. Chúng ta đã lấy được giang sơn, chẳng lẽ không hưởng gì hay sao? Công tử lấy lòng trăm họ, thu phục nhân tâm, rốt cuộc là có ý gì vậy?

Ông ta còn nói:

- Đại vương khi đang đánh chiếm giang sơn thì là dân, bây giờ lấy được thiên hạ, ngồi trên ngai vàng rồi, đã thành chân mệnh thiên tử, đâu còn là thảo dân nữa? Công tử đừng có nói năng lung tung.

Về việc có nên giết hại dân chúng hay không, Lý Tự Thành về nguyên tắc có đại diện cho trăm họ hay không, dưới con mắt Lý Tự Thành chỉ là "mấy cái chuyện nhỏ nhặt". Lý Tự Thành giết người đã nhiều, đã quen rồi. Lý Tự Thành đã ngồi trên ngay vàng rồi, từ đây xuân phong đắc ý, ai dám bảo ông ta là thảo dân nào?

Ở cảnh tiếp theo, khi ái thiếp của Tổng binh Sơn Hải quan triều Minh Ngô Tam Quế là Trần Viên Viên, một đệ nhất mỹ nhân trong thiên hạ, xuất hiện, thì từ Lý Tự Thành cho đến toàn bộ các tướng lĩnh đều tranh nhau cầu thân, trong phút chốc điện Hoàng Cực nhốn nháo không còn ra thể thống gì nữa, cảnh tượng thật ghê tởm. Mặc dù Nhị phẩm chế tướng Lý Nham liên tiếp ngăn cản, nhắc nhở mọi người rằng Ngô Tam Quế có mấy vạn quân ở Sơn Hải quan, hiện thời Giang Nam còn chưa bình định xong, chớ nên lấy cái nhỏ bỏ việc lớn, song tất cả, kể từ Lý Tự Thành trở xuống, đều đắc chí quên ráo. Cuối cùng, Lý Tự Thành nôn nóng, muốn mọi người giải tán, liền tung chân đá tung một cái bàn, kéo mỹ nhân vào buồng trong; các viên tướng mới ồn ào nuốt nước bọt ra về. Cảnh này tuy do tác giả bộ tiểu thuyết hư cấu nên, nhưng như thế mới là xuất thần nhập hóa, mới khắc họa rõ nét thần thái của hình tượng bọn thảo khấu làm liều.

Viên Thừa Chí đi ra khỏi cung, dọc đường đi đâu đâu cũng chỉ nghe tiếng quát tháo của quân sĩ, tiếng kêu khóc của dân chúng. Ai ngờ "Mau mở cổng lớn đón Sấm Vương", kết cục lại phải rước bọn này vào! Nhưng đợi khi Viên Thừa Chí và Lý Nham cùng nhau đi vào cung lần thứ ba, cầu kiến Lý Tự Thành, muốn báo cáo tình hình đó, xin đại vương hạ lệnh nghiêm cấm, thì được trả lời rằng đại vương đang nghỉ ngơi, không tiếp ai cả, vệ sĩ nào còn vào quấy nhiễu, sẽ bị chém đầu. Lúc này mỹ nhân ở bên cạnh, còn có việc gì khác đáng kể nữa chứ. Viên Thừa Chí và Lý Nham kiên trì chờ bên ngoài một đêm, rồi nửa ngày hôm sau nữa, cuối cùng chẳng những không được gặp đại vương, mà còn nghe tin Ngưu Kim Tinh xúc xiểm thế nào mà Lý Tự Thành còn nghi là Lý Nham "có bụng làm phản".

Vậy là Viên Thừa Chí ba lần vào cung, có được ba loại cảm nhận và thể nghiệm khác nhau về Lý Tự Thành. Nói trắng ra, hình tượng Lý Tự Thành cứ như một cái xác vừa đào lên khỏi mộ, gặp không khí liền bị phong hóa, mỗi lúc mỗi khác.

III

Khi Lý Nham và Viên Thừa Chí đang ở ngoài đường phố Bắc Kinh đại nạn, bỗng nghe một lão xẩm mù hát rong hát rằng "Không làm quan thân này nhẹ nhàng, làm bạn với vua là bạn với hổ, về được nhà may mắn xiết bao, hết chim rồi thì cung xếp xó, chó vào nồi...", thì hai người rõ ràng không ngờ ông già kia không phải hát một bài bát phổ biến, mà là chính sử huyền diệu; không chỉ là chuyện cổ nhân, mà còn là điềm báo tương lai. Cho nên Viên Thừa Chí bèn khuyên Lý Nham vào rừng sâu quy ẩn, nhưng Lý Nham lại không nghe, cứ đòi đi tiếp, muốn giúp Lý Tự Thành làm cách mạng đến cùng. Ông hoàn toàn không thể nghĩ rằng những câu chuyện cũ "(Ngũ) Tử Tư công cao nên vua Ngô kỵ, Văn Trọng diệt Ngô rồi đầu lìa khỏi cổ. Tiếc cho mạng Hoài Âm, công lớn ai bằng Từ tướng quân? Thần cơ diệu toán Lưu Bá Ôn, tính chẳng ra: thiên tử Đại Minh vừa lên ngôi, công thần văn võ mất mạng liền" sao lại có liên quan với việc Sấm Vương Lý Tự Thành khai sáng kỷ nguyên mới, thời đại mới, sao lại có quan hệ đến chính ông ta?

Sau này, Ngô Tam Quế ôm mối thâm cừu đại hận, dẫn quân Thanh tiến vào nội địa đánh Lý Tự Thành. Lý Tự Thành thua trận, đành rút khỏi Bắc Kinh, chạy về Tây An, vậy mà vẫn tin lời xiểm nịnh của bọn Ngưu Kim Tinh, Lưu Tông Mẫn nghi ngờ Chế tướng quân Lý Nham làm phản, hạ lệnh bắt Lý Nham để trị tội. Vợ Lý Nham là Hồng nương tử thoát chết, chạy đến núi Hóa Sơn cầu cứu Viên Thừa Chí. Tuy đến kịp, nhưng Lý Nham quyết định tự sát để khỏi dẫn đến cảnh huynh đệ tương tàn. Lúc sắp chết, Lý Nham còn hát bài hát mà ông từng sáng tác để tuyên truyền cho nghĩa quân của Lý Tự Thành: "Mau mau mở cửa đón Sấm Vương, trẻ già lớn bé đều sung sướng, trẻ già lớn bé đều...". Không ai ngờ Lý Nham, người có công lớn nhất trong việc tuyên truyền cho Lý Tự Thành, từng làm thay đổi hình thái ý thức của người nghèo trong thiên hạ, để an ủi lòng người chết, đến chết vẫn không hối hận, vẫn chấp mê không tỉnh ngộ.

Bản thân Lý Nham không nghe thấy ngoài phố từ lâu đã có bà lão cao giọng chửi: "Lý công tử, mi là tên đại bịp, mi bảo "Mau mau mở cửa đón Sấm Vương, trẻ già lớn bé đều sung sướng", nhà ta vừa mở cửa đón Sấm Vương, thì bọn cường đạo thổ phỉ tay chân của sấm Vương đã ập vào, cưỡng dâm vợ cháu ta, giết con cháu ta! Cả nhà già trẻ lớn bé đều nằm ở đây, Lý Công tử, mi đến mà xem, trẻ già lớn bé đều sung sướng như thế nào!...".

Lý Nham đáng bị nguyền rủa, bởi vì ông ta đã sáng tác những bài ca dạo kêu gọi mọi người, cảnh đẹp mà ông ta mô tả trong ca dao đã bị thực tế chứng minh là một sự lừa dối tàn khốc. Đương nhiên, bà lão vô tri kia, giống như dân chúng vô tri cả tin ở Trung Quốc, hoàn toàn không hiểu rằng lịch sử Trung Quốc kỳ thực là thứ lịch sử đầy rẫy sự dối trá, những kẻ "làm nên đại sự" trước đó đều hoang ngôn hứa hẹn đủ thứ, nên mới có câu: "Không nói phét chẳng làm nên đại sự". Bà lão ấy càng không biết, thậm chí ngay cả bản thân Lý Nham cũng vị tất đã biết, tại sao những bài ca dao xúc động lòng người thời gian đầu, giờ lại biến thành sự lừa đảo tài đình!

Nếu bảo Lý Nham phải chịu trách nhiệm về những lời phỉnh phờ lừa dối dân chúng, thì Sấm Vương Lý Tự Thành càng phải chịu trách nhiệm nặng hơn. Bởi vì ông ta là người lãnh đạo cao nhất của quân khởi nghĩa, được dân chúng coi là đại cứu tinh của nhân dân. Bà lão chửi rủa thảm thiết kia vì sao chỉ chửi rủa Lý công tử, mà không chửi rủa Lý Tự Thành? Điều này tôi không lấy làm lạ. Bởi vì mô hình tư duy ngàn vạn năm nay của người Trung Quốc là: chỉ chống quan tham, không chống hoàng đế; chỉ thanh lý những kẻ ở bên cạnh nhà vua, không thanh lý nhà vua. Lý Tự Thành tuy mới xưng là Sấm Vương gì gì đó, cuối cùng có lật đổ triều Minh, ngồi vào ngai vàng, làm hoàng đế. Theo lôgich tư duy của người Trung Quốc, và theo quán tính, hoàng đế tức là thiên tử, mà thiên tử thì đương nhiên thánh minh. Cho nên mọi lầm lỗi, dối trá, tội nghiệt đều do quần thần gây ra cả.

Thực tế là, không chỉ có bà lão mấy trăm năm trước đây nghĩ thế, mà một số nhà sử học và nhân văn học mấy trăm năm sau còn nghĩ như thế, không lẽ cái chết của Lý Nham lại đi quy tội cho Lý Tự Thành vĩ đại, sáng suốt hay sao? Chẳng phải đấy là do bọn Ngưu Kim Tinh, Lưu Tông Mẫn xúc xiểm ly gián, che mắt Sấm Vương mà ra đó sao? Về điều này, tôi chỉ muốn nói, trên thích thứ gì, dưới còn mê thứ ấy gấp bội. Giả sử Lý Tự Thành quả thật sáng suốt vĩ đại như người ta tưởng tượng, thiên tử thánh minh, thì sao lại để cho gian thần che mắt như vậy!

Trần Mặc
.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét