1/10/09

PHÁT HIỆN "THÚ VỊ" ĐẰNG SAU MỘT BÀI BÁO


.





Mới đọc Những phi vụ lừa tình, tiền của ông giám đốc (Báo CATPHCM ngày 01/10/2009), tưởng đâu chỉ có chuyện tình, tiền, tù, tội nhan nhản như thường ngày, ai ngờ phát hiện được nhiều chuyện "thú vị" ghê luôn.


"Ngày 20-2-2008, ông Hoàng giả chữ ký của ông Tuyên đã lập biên bản họp hội đồng thành viên Công ty Phú Mỹ Hưng nâng vốn lên 6 tỷ đồng. Một lần nữa, ý định kinh doanh mờ ám của ông Hoàng đã bị đoàn kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang bắt “giò"".


Điều 32 Chương VII: Công tác kiểm tra của Đảng và Ủy Ban Kiểm tra các cấp tại Điều lệ Đảng CSVN thì phạm vi kiểm tra của Đảng như sau:


1. Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

2. Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, các nguyên tắc tổ chức của Ðảng; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và thi hành kỷ luật trong Ðảng.

3. Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

4. Xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật, quyết định hoặc đề nghị cấp ủy thi hành kỷ luật.

5. Giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên; giải quyết khiếu nại về kỷ luật Ðảng.

6. Kiểm tra tài chính của cấp ủy cấp dưới và của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp.



Đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy Kiên Giang đã nhảy vào cuộc kiểm tra, căn cứ vào Điều lệ đã dẫn ở trên, từ đó suy ra có thể xảy ra các giả thiết sau: 1- Công ty TNHH DVTM Phú Mỹ Hưng (Cần Thơ) là "sân sau" của Tỉnh ủy Kiên Giang, hoạt động bằng nguồn vốn của Đảng; 2- Bà Lô Thị Cúc là Đảng viên thuộc Tỉnh ủy Kiên Giang quản lý; 3- Ông Trần Văn Hoàng là thuộc Tỉnh ủy Kiên Giang quản lý. 


"Dù không giấy kết hôn, chị Cúc vẫn cho ba đứa con mang họ cha":


Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định đăng ký khai sinh như sau: Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng sinh và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha mẹ trẻ có ĐKKH). Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp. Nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. 


Nếu không xuất trình được giấy ĐKKH thì chỉ có thể khai sinh cho trẻ theo họ mẹ mà thôi. Trường hợp muốn đổi họ cho trẻ theo họ cha thì người mẹ phải làm đơn yêu cầu truy nhận cha cho con nộp Tòa án cấp huyện. Lúc này Tòa án căn cứ vào chứng cứ do các bên xuất trình trước Tòa mà ra Quyết định công nhận hoặc mở phiên tòa xét xử để tuyên chấp nhận hoặc bác bỏ yêu cầu bằng 1 bản án.


Ở đây, bà Lô Thị Cúc không có giấy chứng nhận ĐKKH, không nộp đơn yêu cầu truy nhận cha cho con, chẳng biết bà làm cách nào để cho 3 người con đều mang họ Trần thì quả là quá xá "hay" luôn(?!).


"Cuối năm 1990, tôi mang thai và sinh được cháu gái. Tôi hối thúc ông Hoàng ly dị vợ cũ để làm giấy khai sinh cho con nhưng nhận được lời hứa lần hứa lữa. Tôi biết mình đã bị lừa ", "Theo xác nhận của UBND thị trấn Tân Châu, An Giang, trong thời gian sinh sống như vợ chồng với chị Cúc, ông Hoàng không ly dị với người vợ cũ và đã có hai đứa con", "Đến năm 2008, mâu thuẫn giữa chị Cúc và ông Hoàng trở nên gay gắt":


Biết bị lừa từ năm 1990 nhưng vẫn cứ "tự nguyện bị lừa" kéo dài đến 19 năm (có "khuyến mãi kèm" 3 đứa trẻ, mà đứa lớn nhất đã 19 tuổi, đứa nhỏ nhìn khoảng 11-12 tuổi) thì cái sự "lừa" này đáng để ghi vào sách kỷ lục Ghi-nét với thời gian "lừa" lâu nhất, ông Trần Văn Hoàng thì ẳm danh hiệu "người đàn ông "lừa" siêu nhất".


"Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ..." (Điều 147 BLHS). Căn cứ tình hình quan hệ của bà Lô Thị Cúc và ông Trần Văn Hoàng như bài báo nêu, thì chính quyền địa phương đã bị 2 người này "sống chung như vợ chồng" "che mắt" suốt 19 năm (lấy cái gì để "che" thì chưa rõ) nên không đọc được Điều 147 BLHS.  


Túm lại, cả ông Trần Văn Hoàng và bà Lô Thị Cúc đều là những người rất "siêu", có khả năng làm những việc mà người bình thường không ai làm được. 




Đọc xong bài báo, CL&ST tui bỗng thấy nhớ cụ Nguyễn Du quá chừng, bèn cất tiếng ngâm rằng: 


“Tình cờ chẳng hẹn mà nên
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”.


Tạ Phong Tần




Photobucket

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét