29/7/09

ÔN CỐ TRI TÂN: HIROSIMA, NAGASAKI VÀ TAM TÒA

.
Thánh lễ thắp nến hiệp thông cầu nguyện cho Giáo xứ Tam Tòa bắt đầu lúc 18h30 ngày 27/7/2009 tại Giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp (38 Kỳ Đồng, quận 3, SG) với khoảng hơn 2.000 giáo dân tham dự.

Sẽ là thừa nếu tôi chỉ tường thuật lại diễn biến buổi cầu nguyện. Giờ phút này, tôi biết tất cả hình ảnh, bài viết tường thuật thánh lễ của nhiều tác giả, bài giảng của Cha Giuse Nguyễn Thể Hiện đã tràn ngập trên không gian Internet, nên tôi không cần phải làm lại một điều người khác đã làm rồi. Tôi chỉ muốn kể lại những ý nghĩ "lạc đề" của tôi khi tham dự Thánh lễ. (Xin Cha Hiện thứ lỗi vì con không chú tâm nghe Cha giảng mà lại liên tưởng đến việc khác ở nơi xa lắc xa lơ).Cùng với anh chị em giáo dân ngồi san sát nhau trong Thánh đường lặng yên nghe Cha Hiện giảng, khi Ngài nói rằng:

"Nhà thờ vốn là nơi phục vụ tình yêu thương, hoà giải và sự hồi sinh. Biến nhà thờ thành một tượng đài của lòng thù hận, là một tội ác, là một sự xúc phạm lớn lao đối với niềm tin tôn giáo của chúng ta. Có thể lưu giữ nơi nhà thờ Tam Toà những di tích nhắc nhở chúng ta về tính chất tàn ác không thể chấp nhận được của chiến tranh. Nhưng nếu chỉ như thế thôi, thì không thể chấp nhận. Sứ điệp quan trọng hơn, và cũng là sứ điệp chính yếu, mà nhà thờ Tam Toà đem lại cho chúng ta và cho thế hệ tương lai, phải là sứ điệp của tình yêu, của sự hoà giải và của sự phục sinh, chứ không phải sứ điệp của lòng hận thù.

Những sự kiện bi đát đang diễn ra tại Tam Toà, cho thấy: khi người ta chỉ nhấn mạnh lòng thù hận, thì không thể có hoà bình đích thực. Nhấn mạnh lòng thù hận kẻ khác, thường khi, là đang tra tay xây dựng nền văn minh sự chết. Chúng ta đã sống quá lâu trong một bầu khí xã hội đề cao lòng căm thù. Và một di chứng nặng nề của đường lối xây dựng xã hội dựa trên lòng căm thù ấy, chính là sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức trong xã hội. Con người Việt Nam vốn hiền hoà thuận thảo, nay phải đối diện, rất thường khi, với một tình trạng bạo lực kinh khủng từ ngay trong gia đình, huống nữa là trong tương quan xã hội. Tại sao vậy? Sự quá nhấn mạnh lòng căm thù, thậm chí đến độ trong một thời gian dài, lòng căm thù giai cấp đã trở thành một thước đo để người ta đánh giá nhau, đã đẩy chúng ta đến những bi kịch bạo lực như chúng ta đang phải thường xuyên chứng kiến trong xã hội chúng ta. Cần phải chấm dứt việc lấy lòng căm thù làm tiêu chuẩn và nền tảng xây dựng xã hội. Đã quá dài rồi khoảng thời gian mà trong đó, chúng ta đề cao bạo lực.

Vì thế, hơn lúc nào hết, ngày nay, việc đề cao Tin Mừng về lòng yêu thương, sự hoà giải và sự hồi sinh, là một trong những đòi hỏi khẩn thiết của xã hội chúng ta và của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh. Thế mà, ngay trong hoàn cảnh cấp thiết này, người ta vẫn muốn biến nhà thờ, là nơi phục vụ tình yêu thương, hoà giải và hồi sinh, thành tượng đài của lòng căm thù...".

Tôi nghĩ đến một chuyện khác, một đất nước cách đây 64 năm có 2 thành phố lớn là Nagasaki và Hirosima chỉ trong một buổi sáng đã hóa thành tro bụi với hơn 74.000 người chết và bị thương vì hậu quả chiến tranh. Tại đây, người Nhật đã xây hai đài tưởng niệm nạn nhân uy nghi. Hằng năm, người Nhật không quên cử hành trọng thể lễ tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh này. Sứ điệp của tình yêu, của sự hòa giải phải là sự phục sinh, chớ không phải là hình ảnh của lòng hận thù quá khứ. Hòa hợp hòa giải dân tộc để hướng tới tương lai phải bằng hành động cụ thể, sẽ không có hòa giải đích thực nếu chỉ "nói một đàng làm một nẻo". Chính người Nhật đã biết tuân theo ý Chúa mà ngày nay họ có một nước Nhật văn minh, tiên tiến, hùng cường.

Hiện nay, Nagasaki và Hirosima là hai thành phố thơ mộng, xinh đẹp với nhiều công trình kiến trúc mới hoàn toàn. Không ai dám trách người Nhật "quên đi quá khứ", "tiếp tay cho Đế Quốc Mỹ nhằm che giấu tội ác chiến tranh” cả. Nếu người Nhật cứ lập luận kiểu "cần phải giữ lại chứng tích tội ác" nguyên trạng như người Việt Nam ta thì có lẽ Nagasaki và Hirosima đến nay vẫn còn là hai đống đổ nát khổng lổ.

Sẽ là độc ác, tàn nhẫn, dối trá, lừa bịp... nếu ai đó không chịu chữa lành vết thương của nạn nhân trước mà cứ khư khư "giữ nguyên hiện trường" cho hàng xóm thấy để làm bằng chứng tố cáo tội ác của tên tội phạm đã gây thương tích cho nạn nhân. Hành động yêu nước đích thực phải là hành động làm cho đất nước hồi sinh.

Tạ Phong Tần




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét