13/11/09

CHUYỆN MỚI MÀ KHÔNG MỚI

.



Gần một tháng nay, báo Tuổi Trẻ đi vào đề tài tuyển dụng trong các cơ quan Nhà nước, từ chuyện "hắt hủi nhân tài" Phan Thị Cảnh ở Nghệ An đến chuyện "bị mất việc vì có trình độ Đại học" của Trần Thị Diệu Hương ở Quảng Bình đến "1.001 chuyện tuyển dụng khó hiểu" được bạn đọc phản ánh xảy ra ở phạm vi khắp cả nước. Theo Tuổi Trẻ "tâm sự" thì đến ngày 12/11/2009, "đã nhận hơn 1.800 phản hồi từ bạn đọc. Trong đó, nhiều người đã kể lại những kiểu tuyển dụng khó hiểu, không minh bạch mà họ chính là nạn nhân.". 


Sự kiện này đối lập mạnh mẽ với sự kiện ông Cao Quang Ánh trở thành Dân biểu người Việt duy nhất tại Hạ viện Hoa Kỳ, một Philipp Roesler - Bộ trưởng Y tế Đức gốc Việt vừa được Chính phủ Đức bổ nhiệm, một Hạm trưởng gốc Việt Lê Bá Hùng, hay một Trung Tá Võ Phi Sơn, Huấn Luyện Viên Phi Hành /Quân Đội MỹNó vừa làm cho người Việt hãnh diện với nước ngoài vừa làm cho người trẻ trong nước so sánh rồi thất vọng về cách sử dụng nhân tài ở Việt Nam.


Thật ra, những kiểu tuyển dụng "khó hiểu, không minh bạch" này rất dễ hiểu và cũng không mới. Năm 2006, tôi đã đề cập đến vấn đề này trong bài "Vấn đề công chức: Còn đó những căn bệnh trầm kha" (Vietnamnet ngày 06/02/2006) "Năm căn bệnh của công chức ở VN" (BBC ngày 04/06/2006) và , trong đó có đoạn:


"Tuy không nói ra một cách công khai, việc xét tuyển, bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó không phải chỉ đơn giản căn cứ vào năng lực công tác mà còn xoay qua lật lại xem có phải “ lý lịch” hay không, đương nhiên, việc ưu tiên cho “con anh Bảy” hay “cháu chị Ba” luôn được đặt lên hàng đầu. Công chức không có người “đỡ đầu” đừng mơ tưởng tới một vị trí cao hơn cái ghế công chức đơn thuần đang ngồi.".


Cách đây 10 năm trở về trước, khi khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chưa phát triển, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không biết chui đi đâu tìm việc, dù không phải đối tượng thuộc "nhóm 5C" cũng phải "cố sống cố chết" chui vào cơ quan Nhà nước làm việc nếu không muốn ăn bám gia đình. Sẳn sàng nhận đồng lương công chức đã trở thành câu cửa miệng: "lương không đủ sống nhưng không ai sống nhờ lương cả". Để rồi sau đó, từ những tâm hồn trong sáng, con tim nhiệt tình cống hiến cho Tổ quốc, lý tưởng cao đẹp... sau thời gian người ta trở thành cái chi chi thì "không nói ra nhưng ai cũng biết".


Ông bà ta đã đúc rút kinh nghiệm: "Đất lành chim đậu". Bạn trẻ bây giờ may mắn hơn thế hệ của chúng tôi ngày xưa, với điều kiện rộng mở hiện nay có rất nhiều cơ hội tốt để lựa chọn nếu bạn thật sự có tài. Vươn lên làm giàu bằng chính chân tài thực học của mình ở một môi trường đa dạng và cạnh tranh, trở thành niềm hãnh diện của gia đình, dòng họ; hay chọn con đường làm một công chức tốt nhưng nghèo, hoặc một công chức "sâu dân mọt nước" nhưng giàu. Bạn sẽ chọn hướng nào?


Ôn cố tri tân, chúng ta thấy nếu ngày xưa cụ Hàn Tín chấp nhận cụ Hạng Vũ "tuyển dụng" mình vào một chân Chấp kích lang ngày ngày vác kích đứng hầu dưới trướng, thì lịch sử đã không có một Nguyên soái - Tề vương Hàn Tín lừng lẫy và không có một triều đại Tây Hán hùng mạnh. Vậy thì những bạn trẻ tài năng có gì đáng để buồn, hãy vui vẻ cảm ơn các bậc "phụ mẫu chi dân" đã đẩy bạn về khoảng trời cao rộng!


Tạ Phong Tần


1 nhận xét:

  1. cũng tại cha ông:
    "có làm thì mới có ăn"
    xứ người:
    không việc vẫn có tiền trợ cấp: "làm theo năng lực hưỡng theo nhu cầu"
    hơn nữa xứ ta ai dốt dễ bảo
    ở Cambodia cán bộ ấp xã vẫn nói được anh văn theo kiểu ( broken english)
    ở VN phó GĐ BV có khi không biết ngoại ngữ,có lần tôi bấm chuyễn sang chế độ tiếng anh máy điện thoại di động của 1 PGĐ ông ấy nói:"tao đi đâu dẫn mày theo!"
    pó tay.com

    Trả lờiXóa