20/3/10

HOAN HÔ GIỜ TRÁI ĐẤT

.


Hai năm liền, Việt Nam hưởng ứng phong trào “Giờ Trái Đất” của thế giới, bằng cách tắt tất cả mọi thiết bị dùng điện trong một giờ đồng hồ, nhằm mục đích giảm khí thải, giảm nhiệt độ vì môi trường sống của tất cả mọi người.

Trước ngày “Giờ Trái Đất” một tháng, tất cả các báo, đài trong nước rầm rộ đưa tin, làm phóng sự, phỏng vấn ầm ĩ, kéo dài cho đến ngày “bấm nút” tắt điện.


Theo báo ta thì các nhóm tình nguyện viên “kêu gọi sự hưởng ứng nhiệt tình từ khắp mọi nơi”, bằng rất nhiều hình thức từ trên mạng đến trường học, chợ, vỉa hè, những công trường xây dựng, phát tờ rơi, v.v… với khẩu hiệu “Tắt đèn - Bật sáng tương lai”. Vào ngày 26/2/2009, nhóm tình nguyện còn vòng xe qua các phố diễu hành mang theo thông điệp “Tắt điện đi!”. Đồng thời, những cuộc thi viết bài dành cho chiến dịch này cũng được phát động rầm rộ trên báo chí. Báo Sài Gòn Tiếp Thị còn phối hợp với Quĩ Quốc tế về Bảo vệ Thiên thiên (WWF) tại Việt Nam phát động cuộc thi ảnh và video về Giờ Trái đất năm 2010. Tính ra, số tiền phải chi ra cho tình nguyện viên, cho khẩu hiệu, banner, băng rôn, tờ rơi, xe cộ, ảnh, video, phần thưởng… không phải nhỏ.


Ngày 3/3/2010 vừa rồi, tại Sài Gòn, đại diện Ủy Ban Thành phố, Sở  Tài nguyên - Môi trường, báo đài và doanh nghiệp  đã tổ chức buỗi gặp gỡ, cam kết tham gia “Giờ  Trái Đất” năm 2010, bắt đầu lúc 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 27/3 tới. Dĩ nhiên, thông tin này cũng được báo ta thi nhau trương lên trang nhất.


Theo thống kê, tính đến ngày 3/3/2010 đã có 18 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia là: Sài Gòn, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang.


Sự kiện “Giờ Trái Đất” diễn ra trên toàn cầu, vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm, do Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức, được thực hiện lần đầu tiên tại Sydney (Úc) năm 2007. Với thế giới, cần phải vận động rầm rộ, thuyết phục dân chúng không dùng điện trong một giờ vì người ta không quen bị cúp điện, và người ta sẽ “kiện tới bến” đòi bồi thường công ty nào cả gan cúp điện, có khi công ty cung cấp điện phải sạt nghiệp chớ chẳng chơi.


Riêng ở Việt Nam ta, “Giờ Trái Đất” không những đã có  từ cách đây mấy chục năm rồi, mà còn có  “Ngày Trái Đất”, “Tháng Trái Đất”  nữa kìa. Không biết có nơi nào trên thế giới giống như ở Việt Nam, là mục “lịch cúp điện” luôn “thường trực” mỗi ngày trên các tờ nhật báo lớn. Ai không tin cứ vào Google search hai chữ “cúp điện” sẽ thấy nhiều vô thiên lủng các kiểu cúp điện, cúp dài dài, cúp triền miên từ năm này sang năm khác, nếu gọi cúp điện là “truyền thống bất khuất” cũng không ngoa.


Đơn cử ngày 29/3/2007, Điện lực Sài Gòn thông báo cúp điện trên diện rộng lần lượt hết các quận, huyện từ ngày 31/3 đến ngày 10/4 (tức kéo dài 5 ngày). Qua ngày 11/4, dân Sài Gòn chưa kịp mừng có điện lại thì tiếp thêm thông báo mới của Điện lực choáng váng mặt mày: “Tiếp tục cắt điện trên diện rộng từ ngày 11 đến 16/4” (làm một lèo 6 ngày nữa). Lý do cúp điện vẫn là để tiết kiệm điện, chuyển tải, sửa chữa và bảo trì các hệ thống.


Thực tế, do công việc đòi hỏi, người ta không thể tiết kiệm điện mà sẽ tìm nguồn điện khác để hoạt động. Dù có thông báo trước, người ta vẫn cố “tận dụng” nguồn điện để làm việc cho đến khi máy tính tắt phục tối thui thì họ lọ mọ khiêng máy phát điện ra sân chạy tiếp. Cơ quan nào cũng tốn thêm tiền chuẩn bị sẳn một đường dây dự phòng, hễ điện Nhà nước “bụp” thì chạy máy nổ, chuyển sang hệ thống dây dự phòng ngay lập tức. Tiếng máy phát điện nổ ành ành đinh tai nhức óc, mùi xăng, mùi dầu bay nồng nặc trong không khí, xem ra còn hao tốn hơn, mệt mõi, ô nhiễm hơn xài điện Nhà nước nữa.


Năm 2008 vừa rồi, cúp  điện không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà tình trạng cúp điện thường xuyên cũng gây ra nhiều chuyện bi hài. Phụ huynh mầm non đột ngột nghe cô giáo gọi đến trường rước con, hốt hoảng không biết chuyện gì, hóa ra trường bị cúp điện, không có nước sinh hoạt, nóng bức quá nên cần cho cháu về nhà. Nào là chuyện cúp điện không bơm nước được nên phải “mua nước tinh khiết để tắm, ngủ trần thay quạt”, đến chuyện “di tản” ra ngủ ở “hotel mái hiên”, “hotel bờ kênh”, ban ngày thì xách laptop chạy rông ngoài đường tìm nơi có điện.


Theo báo Tuổi Trẻ  (03/5/2008), “Sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân đồng bằng sông Cửu Long đã rối tung lên vì cúp điện. Điện cúp thường xuyên, cúp vô tội vạ khiến người dân nghĩ rằng có lẽ ngành điện đang xử lý việc thiếu điện bằng cách ưu tiên cho các đô thị lớn và mạnh tay cắt điện ở các vùng nông thôn...”. Cúp điện liên tục làm sản xuất đình đốn, dân thiệt tiền tỉ. Đã có một số cơ quan Nhà nước công việc bị tồn đọng rất nhiều do máy tính bị “trùm mền”. Cơ quan chức năng ở An Giang, Đồng Tháp còn “phát hiện” một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm “cơn sốt” giá gạo vừa qua là do… cúp điện. Vì cúp điện, nhà máy xay xát ngưng hoạt động càng gây nên tâm lý hoang mang cho người dân...


Thời gian cúp điện thì vô chừng, ví dụ thông báo cúp từ  sáng đến chiều thì ông nhà đèn chơi luôn  đến 22 giờ đêm. Người bệnh phải chạy tìm Bệnh viện nào có điện mới dám vô nằm, học sinh phải thức quá khuya để học bài, cơ quan hành chính (cụ thể là Sở Nông Nghiệp &Phát Triển Nông Thôn Cà Mau) lãnh đạo cho cán bộ nghỉ ban ngày làm việc bù ban đêm.


Khôi hài nhất là  chuyện nhân viên của Công ty bất động sản Hoàng Gia trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận 3 (tên cũ là đường Công Lý), nhiều lần trở thành kẻ “đứng đường” vì không thể mở chiếc cửa cuốn cổng chính. Vì đây là cánh cửa duy nhất để ra vào nên khi bị cúp điện, toàn bộ nhân viên công ty phải đứng ngoài.


Thành phố Đà Nẵng lớn nhất khu vực miền Trung cũng không chịu “thua chị kém em” về cúp điện. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất điêu đứng vì bị mất điện không được báo trước. Cúp nhiều đến nỗi ngày 21/7/2008 Bộ Công Thương phải cử Đoàn Kiểm tra do Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - ông Phạm Mạnh Thắng dẫn đầu đã đến Đà Nẵng để kiểm tra tình hình cúp điện bất thường, liên tục thời gian vừa qua.


Mùa hè năm 2009 đến, bài ca “cúp điện” được Điện lực Sài Gòn lặp lại. Chưa ai tính được mỗi lần cúp điện ở một thành phố lớn, thiệt hại kinh tế là bao nhiêu, nhưng chắc chắn rằng con số đó không hề nhỏ một tý nào.
Theo ngành điện giải thích tình trạng cả nước bị cúp điện liên miên vì lý do thiếu điện, nhưng ngành điện lại không lo mở rộng sản xuất, lại cứ đòi Chính phủ cho tăng giá điện và đi làm những việc chẳng dính dáng gì đến điện đóm là đầu tư hàng trăm triệu USD vào khai thác… resort ở Lăng Cô, hoặc tranh chấp cột điện với các công ty viễn thông.


Mỗi lần cúp điện, ngành điện luôn bị dân chúng lên án, phản  đối, chửi bới… nhưng ngành điện vẫn cứ giả điếc đánh bài lờ, chỉ duy nhất cúp điện vào “Giờ Trái Đất” là ngành điện không bị ai la làng cả. Ngành điện Việt Nam hẳn phải là người đầu tiên hoan nghênh, vỗ cả hai tay hai chân cho sáng kiến “Giờ Trái Đất”.


Cháu tôi, mới có mười mấy tuổi, đưa ra nhận xét: “Ở trường con người ta nói ngày 27/3 này có “Giờ Trái Đất” nên cúp điện một giờ. “Giờ Trái Đất” lợi ở chổ được thông báo cúp trước một tháng, được cúp đúng ngày, đúng giờ thông báo, cúp chỉ có một giờ đồng hồ. Ngày có “Giờ Trái Đất” là ngày có thời gian cúp điện ngắn nhất trong năm”. Theo ý nó thì đó là lý do chúng ta phải hoan hô “Giờ Trái Đất”.


Tạ  Phong Tần


.

4 nhận xét:

  1. Một đất nước trên con đường phát triển không tránh được những sai sót.Nhưng nếu dựa vào những sai sót mà "bới móc" ,"bêu xấu" không nhìn ra được những điều mà đất nước ta đã,đang và sẽ làm được thì đó là những con người ngu muội,dốt nát hoặc có thể là người đó bị “mù và què” mới có những lời nói ngu xuẩn như gị
    -MÙ: vì không nhìn thấy được đời sống của người dân ngày càng sung túc,tuy không thể thay đổi giúp người dân hoàn toàn nhưng đã thay đổi được phần nào
    QUÈ: Không đi đây,đi đó để thấy được cuộc sống chỉ đổi thay từng ngày.Chỉ là "con ếch ngồi trong giếng"
    Người Việt Nam ta có câu :"To đầu mà dại.Nhỏ dái mà khôn" .Nếu câu đó dành cho Tạ Phong Tần thì thiệt là đúng-"chuẩn không cần chỉnh".Đúng là"Nhàn cư vi bất thiện" ngồi không chẳng biết gì làm cứ tuôn ra lời lẽ "thối hoắc"mà chỉ có những kẽ phản động không có tình yêu quê hương, tổ quốc,không biết đến vẻ vang của đất nước thì mới tuôn ra những lời lẽ "ngu như chó". Xiệt đúng là ngu,ngu hết chỗ khôn ra

    Trả lờiXóa
  2. "...Lấy tài nghiên bút đọ đao cung"
    Quân tử nhất ngôn ,sói hiểm hung
    Thương gái tay mềm tâm hướng thiện
    Hỡi ôi vận nước…Cẩu đường cùng

    *Chúc Tạ Phong Tần một năm vinh sang,
    giúp nước ,giúp dân và đầy may mắn.

    Trả lờiXóa
  3. Thân tặng Phong Tần!
    Ai biết bao giờ ca bài ca điện cúp
    Điện cúp đi trời tối phải đi mò
    Bao nhiêu năm nữa đây mình dùng điện ưu tiên
    Bao nhiêu năm mo thổi quạt bền, cái gió cũng tự nhiên
    trời ơi mệt quá thôi!!!
    thời nay mệt quá thôi !!!
    đời ơi nghẹt quá thôi!!!
    Đời ơi nghẹt quá… thôi !!!

    Ta vẫn đi về ca bài ca điện cúp
    Điện cúp đi trời đen tối đen xì
    Đêm đêm đen đến đâu mình mình chịu đêm đen
    Đêm đêm đen đen giật cả mình, tối thế mãi màn đêm
    đời ơi đời tối đen!!!
    Ngày mai trời vẫn đen!!!
    đời ơi đời tối đen!!!
    Ngày mai trời vẫn đen!!!


    Ôi! biết bao giờ thôi bài ca điện cúp
    Trời sáng lên tràn ánh sáng ban ngày
    Dân ta không tối tăm, cùng bè bạn năm châu…
    Tay chung tay
    tôn trọng nhân quyền, sáng đến mãi ngàn sau.
    Ngày mai trời sáng hơn!
    … bừng sáng lên!
    Ngày mai trời sáng hơn!
    … bừng sáng lên!

    Trả lờiXóa
  4. mình thấy ở vn, giờ trái đất ko còn giữ nguyên ý nghĩa của nó, ko có tác dụng bảo vệ môi trường, mà giống như là 1 dịp tốt, để những kẽ trẻ trâu tham gia cuộc vui, ko sử dụng điện, nhưng lại đốt nến, càng thêm ô nhiễm, còn chưa kể đến trong 1 h cúp điện ko bít có bao nhiêu vụ trộm cướp nữa,....

    Keywords: dong co dien xoay chieu khong dong bo 3 pha

    Trả lờiXóa