"Quyền được biết của công chúng tất yếu bao hàm quyền đặt câu hỏi của báo chí". Đó là phát biểu của ông Miklos Haraszti - Đại diện tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) yêu cầu Thủ tướng Ý Berlusconi rút lại việc kiện 2 tờ báo về tội mạ lỵ và đòi bồi thường 3 triệu euro.
Cách hành xử của ông Thủ tướng Ý cho thấy dù ở cương vị nguyên thủ quốc gia, ông Berlusconi vẫn xem mình là một công dân Ý bình thường và bình đẳng với mọi công dân Ý khác. Ông Berlusconi không hợm hĩnh, khệnh khạng dùng quyền lực đang có trong tay để "chỉ đạo" từ trên xỉ xuống cho bộ máy hành pháp Ý "đập" cho "banh" 2 tòa báo nọ và bỏ tù đứa nào dám viết báo "mạ lỵ" ông; mà ông coi như đó là quyền dân sự và là một tranh chấp dân sự khi cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm. Như vậy, nếu Tòa án Ý thụ lý đơn kiện, ông Berlusconi (hoặc người đại diện) phải có nghĩa vụ chứng minh trước Tòa chi tiết hành vi "mạ lỵ" cụ thể như thế nào, hậu quả là ông bị thiệt hại các khoản A, B, C, D.... gì đó và thêm khoản bồi thường danh dự nữa thì cộng lại bằng 3 triệu euro. Nếu không chứng minh được sẽ không được bồi thường. Dĩ nhiên, bị đơn sẽ được tranh luận với nguyên đơn một cách bình đẳng, công khai tại Tòa, không hề có chuyện bị áp lực "ngoan cố không được khoan hồng" dù biết rằng mình đúng.
Có lẽ luật Hình sự tại Ý không hề có điều khoản nào quy định về "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ...." hay "Tội tuyên truyền chống nhà nước...", trong đó nội dung điều luật tuy không quy định nhưng luôn được "người có trách nhiệm" giải thích ngoài lề rằng "vạch áo lãnh đạo (chưa đến "trình độ" lãnh tụ) cho người khác xem thẹo" cũng là... chống nhà nước?
Vụ kiện của ông Berlusconi khiến tôi nhớ lại vụ án của hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) bị bắt giam, xét xử "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ...." (Điều 258 BLHS). Nguyên văn Điều luật là: "Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt...".
Vụ án đã xét xử xong, phạm nhân đã thụ hình xong, báo chí trong nước cũng đã thông tin về vụ án xong nhưng đến nay tôi vẫn chưa biết hai nhà báo kia đã có hành vi "lợi dụng" như thế nào, ai bị thiệt hại, thiệt hại cụ thể là gì (cân, đong, đo, đếm như thế nào)?
Thương cho người cầm bút ở Việt Nam vừa viết vừa run!
Tạ Phong Tần
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét