11/2/09

NHÂN QUYỀN ĐANG BỊ XÂM PHẠM???

.
Từ lý luận...

Toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành không có khái niệm "tù chính trị". tức những người bị bắt, bị khởi tố, truy tố, xét xử ở Việt Nam đều là tội phạm hình sự giống nhau, được có quyền và nghĩa vụ giống nhau, không phân biệt người đó phạm tội gì. Thậm chí, người chưa thành niên phạm tội, người bị đề nghị truy tố mức án từ chung thân tới tử hình, từ lúc điều tra cho đến khi xét xử bắt buộc phải có Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo.

Ngày 20/6/2007, vừa tới New York, trong cuộc tiếp xúc với phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, thành phần có đại diện Việt kiều Mỹ và Canada, ông Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã tái khẳng định quan điểm: "Việt Nam không có tù nhân chính trị, chỉ có tù nhân vi phạm luật pháp mà thôi".

"Tối 24/6/2007, Hãng truyền hình CNN đã phát hình cuộc phỏng vấn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chương trình “Late Edition” (ghi hình vào ngày 22-6). Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói: “Đất nước chúng tôi đã trải qua thời kỳ chiến đấu gian khổ để giành tự do, độc lập, chủ quyền cho đất nước. Rất nhiều người trong chúng tôi đã bị bắt, bị tù đày, tra tấn. Vì thế, hơn ai hết, chúng tôi yêu quý nhân quyền. Chúng tôi tôn trọng nhân quyền. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ và Việt Nam, với lịch sử khác nhau, có hệ thống pháp lý khác nhau và đó là lý do vì sao chúng ta có những nhận thức khác nhau về các vấn đề khác nhau”.".

Đến thực tiễn

Theo RFA, vào ngày thứ Tư 4/2/2009 vừa qua, LS Lê Trần Luật đến Cơ quan An Ninh Điều Tra Thành phố Hải Phòng để làm thủ tục bào chữa cho cô Phạm Thanh Nghiên (người đang bị tạm giam về hành vi "Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN" theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự) thì ông Triềm - Phó Thủ trưởng Cơ quan An Ninh Điều Tra Hải Phòng, là người trực tiếp điều tra vụ án của cô Phạm Thanh Nghiên, thông báo rằng ông Triềm sẽ triệu tập ông Luật đến Cơ quan An Ninh Điều Tra Hải Phòng để làm việc với tư cách "là người có liên quan đến vụ án của cô Nghiên”.

Nếu thật sự ông Triềm có phát biểu như thế thì tôi nghĩ rằng ông Triềm nên tạm thời ngưng công tác để đi học lại cho kỹ Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự rồi hãy làm việc tiếp. Bởi lẽ trong Tố Tụng Hình Sự không có khái niệm "người có liên quan" chung chung, mà là "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan". Đối tượng chỉ tham gia vụ án hình sự với tư cách "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan" khi nào nội dung vụ án đó có cả yếu tố hình sự lẫn yếu tố dân sự, liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ của một bên thứ ba mà bên thứ ba này hoàn toàn ngay tình (không có lỗi).

Ví dụ: A hỏi mượn xe máy của B để đi công việc. B biết A có Giấy phép lái xe môtô nên đồng ý cho A mượn xe. A điều khiển xe gây tai nạn giao thông cho C nên bị bắt giữ cả người lẫn xe. A bị truy tố, xét xử về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" (quy định tại Điều 202 BLHS). Như vậy, tư cách tham gia tố tụng của mỗi người là: A là bị cáo, C là người bị hại, B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án. Quyền lợi của B trong vụ án này là được nhận lại chiếc xe máy của mình. Nghĩa vụ của B là phải chứng minh chiếc xe máy đó thuộc quyền sở hữu của B để được nhận lại xe. Trường hợp A không có tiền bồi thường thiệt hại cho C thì nghĩa vụ tiếp theo của B là B phải bồi thường thiệt hại cho C vì B là chủ phương tiện. Sau đó B có quyền khởi kiện một vụ dân sự khác đối với A để đòi lại số tiền B đã bồi thường cho C do lỗi của A.

Trong vụ án hình sự mà tội danh là "Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN" rõ ràng không hề có dính dáng chút xíu nào đến yếu tố dân sự (đòi lại tài sản, bồi thường thiệt hại, v.v...) thì đương nhiên không thể tự nhiên chui ra "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan" vụ án được. Như vậy, Cơ quan An Ninh Điều Tra Thành phố Hải Phòng nếu muốn triệu tập bất kỳ ai tham gia tố tụng với tư cách "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan" để làm việc thì trước hết Cơ quan ANĐT phải chứng minh cho người đó thấy rằng họ có quyền lợi gì, hoặc họ có nghĩa vụ gì liên quan đến vụ án, không được quyền nói chung chung là "người có liên quan" để triệu tập người khác, vì đó là một hình thức lạm dụng quyền lực để vi phạm pháp luật. Cá nhân tôi không hiểu ông Luật có quyền lợi gì hoặc có nghĩa vụ gì trong vụ án hình sự của cô Nghiên.

Luật sư Lê Trần Luật còn cho biết thêm:

Ngày 10/2/2009 ông nhận được Thư mời không số ký ngày 06/2/2009 của Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận, nội dung mời về Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận: “Nhằm làm rõ vụ việc và tính chất, mức độ sai phạm” trong hoạt động nghề ngiệp của ông. Căn cứ để Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận gởi Thư Mời này là dựa trên Công văn đề nghị của Công an tỉnh Ninh Thuận và Sở Tư Pháp tỉnh Ninh Thuận.

Ông Lê Trần Luật đã có Công văn trả lời Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận như sau:

"Theo Hợp đồng đã ký kết với khách hàng và kế hoạch đã sắp xếp trước tôi phải đi công tác tại Hà Nội (từ ngày 11/02/2009 đến ngày 14/2/2009); do đó, không thể có mặt đúng ngày giờ theo Thư mời.

Quá trình hoạt động nghề nghiệp, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, tôi không thấy mình sai phạm bất kỳ điều gì. Để thuận tiện cho công việc chung mà Đoàn Luật sư đã nêu, tôi yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận cung cấp cho tôi toàn bộ các Công văn của Công an tỉnh Ninh Thuận và Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận. Tôi muốn được biết trước nội dung của các Công văn đó cho rằng tôi sai phạm điều nào thì tôi mới giải trình được; Đồng thời, liệu dựa trên các Công văn đó mà Đoàn Luật sư mời tôi làm việc thì có đúng các quy định pháp luật hay không?

Mặt khác, để không mất thời gian của các bên, nếu Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận vẫn quyết định mời tôi về để giải trình vào ngày khác, thì tôi đề nghị ngày làm việc đó phải có đại diện của Công an tỉnh Ninh Thuận và đại điện Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận, và tôi chỉ giải trình một lần. Nội dung làm việc phải được lập biên bản, và tôi phải được giữ một bản biên bản này.".

Ở đây, cần phải nói cho rõ là ông Luật đang nhận bào chữa cho các bị can giáo dân Thái Hà, những người hoạt động đấu tranh đòi xây dựng nền dân chủ và xã hội dân sự ở Việt Nam, tố cáo nhà cầm quyền Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa như ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cô Phạm Thanh Nghiên, anh Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Văn Túc...

Liên kết các sự việc trên khiến người ta có thể hiểu rằng: Cái mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn khẳng định với thế giới rằng "Việt Nam không có tù nhân chính trị", "Chúng tôi luôn tôn trọng nhân quyền" chỉ là "nói cho vui", các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đã không được chính nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh; bỡi lẽ tại Việt Nam có người đang cố tình thực hiện sự phân biệt đối xử, xâm phạm quyền được bào chữa của bị can, bị cáo bằng cách dùng mọi thủ đoạn, kể cả thủ đoạn vi phạm pháp luật, nhằm mục đích cản trở Luật sư tham gia vụ án.

Tạ Phong Tần
.
Photobucket

Photobucket
(Lưu ý: Muốn đọc rõ văn bản thì nên tải save vào máy tính hoặc gởi mail cho tôi để nhận ảnh dung lượng lớn hơn)
.

1 nhận xét:

  1. Tôi rất phấn khích khi đọc bản phúc đáp nhã nhặn, nhưng cương quyết, rõ ràng này của VP Luật sư Pháp quyền. Tương lai nền Dân chủ và Nhân quyền VN sẽ tốt đẹp khi có nhiều VP Luật sư như thế này!
    Chúng ta ai cũng đều muốn tôn trọng pháp luật, nhưng cũng không ai muốn khúm núm trước bất cứ hành vi núm bóng pháp luật nào!

    Trả lờiXóa