31/12/08

TÒA ÁN TỈNH BẠC LIÊU: "ĐỂ LÂU CỨT TRÂU HÓA BÙN"?

.

Ngày 12/12/2008 tôi đã gởi đơn khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh bạc Liêu để khiếu nại về việc Tòa án tỉnh đã không mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đúng quy định.

Nội dung đơn khiếu nại có đoạn:

"Nguyên vụ kiện của tôi đã được Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu thụ lý và xét xử sơ thẩm tại bản án sơ thẩm số 01/2008/HC-ST ngày 26/2/2008. Ngày 24/6/2008 Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử phúc thẩm bằng bản án số 16/2008/HCPT hủy án sơ thẩm để “giải quyết lại vụ án theo đúng quy định pháp luật”. Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Bạc Liêu đã thụ lý lại số 02/TL-ST ngày 01/08/2008.

Tôi đã gởi Bản tự khai lần thứ 2, Văn phòng Luật sư Pháp Quyền cũng gởi thủ tục Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tôi đến Thẩm phán Dương Mạnh Thắng cùng ngày 28/10/2008. Nhưng đến nay tôi vẫn chưa thấy Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lại vụ kiện của tôi.

Tôi đề nghị Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lại vụ kiện hành chính của tôi đúng quy định pháp luật, tôi chân thành cảm ơn!".

Tòa án tỉnh bạc Liêu đã nhận được đơn này ngày 15/12/2008, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì, hay là TA tỉnh Bạc Liêu muốn "để lâu cứt trâu hóa bùn" chăng?
.
Tạ Phong Tần

Hồi báo 12-12-2008
Giấy hồi báo của Bưu điện



29/12/08

TIỀN ĐỒ

.
Tớ nhặt được cái này trên Internet, post lên đây cho bà con xem chơi!
.
.

26/12/08

CHUYỆN KHÔI HÀI Ở SỞ GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO TP HCM

.

Ngày 28/11/2008, Phòng Giáo dục-Đào tạo Q3 gởi văn bản số 273/PGD-TC ngày 21/08/2008 đến chị Nguyễn Thị Mỹ Nghệ. Theo Luật khiếu nại, tố cáo, đương sự không đồng ý cách giải quyết khiếu nại đó thì trong thời gian 30 ngày phải khiếu nại tiếp đến cấp trên, nếu hết thời hiệu mà không khiếu nại coi như đương sự chấp nhận và mất quyền khiếu nại tiếp, vì vậy chị Nghệ tiếp tục có đơn khiếu nại đến UBND Q3 và Sở GD-ĐT.

.

Từ Thanh Tra Sở thích cắt xén luật…

Đầu giờ chiều ngày 15/12/2008, tôi đến Sở Giáo dục - Đào Tạo Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Sở GD-ĐT) để thay mặt chị Nguyễn Thị Mỹ Nghệ nộp đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở GD-ĐT. Phải công nhận là Sở này có một nhân viên bảo vệ rất lịch sự với dân, nhưng qua khỏi cửa bảo vệ thì bên trong lại không được lịch sự với dân chút nào.

Sau khi hỏi Phòng của Thanh Tra Sở và được hướng dẫn rõ ràng của bảo vệ, tôi đến một căn phòng bên ngoài đề bảng “Phòng Thanh Tra”. Tôi gõ cửa, một ông khoảng hơn 45 tuổi mặc áo trắng từ trong phòng bước ra hỏi tôi:

- Cô đến có việc gì?

- Chào anh! Em đến nộp đơn khiếu nại.

- Đơn khiếu nại hả. Đưa đây tôi nhận cho.

- Vâng. Anh cho em xin cái biên nhận nhận đơn.

- Không được, tôi bận họp. Vậy thì đem đơn ra phòng tiếp dân, bảo họ nhận dùm Thanh Tra rồi ghi biên nhận cho.

Vậy cũng được. Tôi chào ông ta rồi đi bộ vòng qua Phòng Tiếp dân, gặp một bà khoảng hơn 50 tuổi đang ngồi tại bàn giấy. Bà này chỉ cho tôi xem tấm bảng to đùng sơn trắng vẽ chữ xanh treo chình ình ngay cửa phòng Tiếp dân và nói:

- Ai bảo cô qua đây nộp đơn khiếu nại vậy? Chỉ tùm bậy tùm bạ, mất công người ta đi qua đi lại, người ta không biết lại đổ thừa tôi chỉ qua chỉ lại lòng vòng. Không phải tôi làm khó, nhưng trên bảng ghi rõ ràng đó, nhận đơn khiếu nại về giáo viên là nhiệm vụ của Thanh Tra Sở, tôi nhận là tôi làm bậy nên tôi nhận không được.

- Bên Phòng Thanh Tra nói đang họp nên bảo em qua đây nhờ chị nhận dùm.

- Tôi nhận không được, tôi nhận là tôi làm sai. Nếu họp thì cô chịu khó chờ đi.

Tôi đọc nội dung tấm bảng và thấy bà nói đúng, tôi cảm ơn và chào bà rồi trở qua Phòng Thanh Tra.

Tôi phải đứng ngoài hành lang ngay trước mặt Phòng Thanh Tra suốt từ 14 giờ đến hơn 16 giờ để chờ quý “đầy tớ nhân dân” bên trong họp xong mà nộp đơn. Và tôi lấy làm ngạc nhiên khi Phòng Thanh tra Sở GD-ĐT có chức năng nhận đơn khiếu nại trực tiếp của dân mà không có lấy một cái băng ghế để bên ngoài hành lang cho dân ngồi chờ. Tôi không biết trước tôi đã có bao nhiêu người dân đến đây nộp đơn khiếu nại mà phải đứng chầu chực ngoài hành lang này, nếu có khoảng vài người đi nộp đơn trở lên thì cứ đứng lố nha lố nhố ở đây một cách nhốn nháo như thế này hay sao?

Cuối cùng, cửa phòng Thanh Tra cũng mở cho biết là đã họp xong. Tôi bước vào và được một ông cũng mặc áo trắng ngoài 50 tuổi (không đeo bảng tên, khác ông ban đầu) tiếp tôi.

Ông này sau khi nghe tôi trình bày tôi đến nộp đơn thay chị Nguyễn Thị Mỹ Nghệ, xem giấy ủy quyền của tôi, còn xin photocopy lại 1 bản giấy ủy quyền nữa rồi ông bảo rằng đơn khiếu nại đối với Phòng GD-ĐT quận 3 của chị Nghệ là “không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở”(?!). Thế sao ông không nói ngay từ đầu cho đỡ mất thời gian, còn đòi xem giấy ủy quyền và photo lại để làm gì vậy?

Sau khi loằng ngoằng một hồi lâu quanh đi quẩn lại với nội dung “Việc khiếu nại của bà Nghệ chưa được UBND Q3 giải quyết xong nên không thuộc thẩm quyền Sở, chừng nào UBND Q3 có quyết định giải quyết thì Sở mới giải quyết”; nhưng khi tôi yêu cầu Thanh tra Sở GD-ĐT “cho vài chữ” rằng không thuộc thẩm quyền của Sở thì Sở có ý kiến vào, nếu không UBND Q3 lại bảo rằng “thuộc Sở”, mà Sở GD-ĐT thì đổ “thuộc Q3”, dân ở ngã giữa biết làm sao, thì một ông (nghe mấy cán bộ khác kêu tên Bổn) nói để ông “xin ý kiến lãnh đạo”.

“Xin ý kiến” xong, ông Bổn lại đòi tôi văn bản của UBND Q3. Khi tôi cứ yêu cầu Thanh tra Sở GD-ĐT “cho mấy chữ” xác nhận “không thuộc thẩm quyền” để tôi đi nộp đơn cho UBND Q3 thì các ông cán bộ này đều lặp đi lặp lại một câu là: “Tôi trả lời chị như thế” mà không chịu ghi vào đơn khiếu nại. Tôi hỏi tiếp: “Anh họ tên gì, chức vụ gì để em về báo với chị Nghệ, chớ các anh không đeo bảng tên, cũng không cho biết họ tên thì biết anh là ai mà trả lời với khách hàng” thì tất cả đều im bặt.

Lúc này lại có một ông và một bà khoảng 40 tuổi (mặc áo xanh) cũng không đeo bảng tên, không chịu xưng tên, bà áo xanh lại “chất vấn” tôi rằng “ủy quyền này không hợp pháp”. Bà áo xanh giải thích dài dòng với tôi rằng “chỉ được ủy quyền cho “cha mẹ, anh chị em ruột với điều kiện những người này không có khả năng khiếu nại”. Bà còn đem quyển Luật khiếu nại tố cáo đến mở ra trước mặt tôi ê a đọc cho tôi nghe điểm a khoản 1 Điều 17 Luật KNTC:

(“Người khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Tự mình khiếu nại; trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại; trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được uỷ quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác để khiếu nại;”).

Bà đang đọc ngon trớn đến chữ “hoặc người khác” thì bà sựng lại. Tôi mới nói:

- Tôi là “người khác” đó chị ơi, chị bỏ cái chổ “người khác” rồi, tôi chính là “người khác” đó.

- Nhưng Luật này người ta có quy định người này chỉ có quyền nhờ Luật sư hướng dẫn…

- Tôi được ủy quyền để đi nộp đơn và liên hệ giải quyết, tôi không hướng dẫn, tôi chính là “người khác” đó, nếu chị nói ủy quyền này không hợp pháp thì tôi kiện Phòng công chứng liền đó.

Bà áo xanh nói trớ lại:

- Không phải ủy quyền không hợp pháp. Công chứng là do hai bên nhờ thì công chứng người ta công chứng là ngày đó tháng đó bên này có nhờ bên kia công chứng.

Nghe bà cán bộ Thanh tra này giải thích tôi cũng “xanh mặt” luôn. Công chứng mà “nhờ”, công chứng tùy thích, ai thích “nhờ” là chứng. Tôi chậm rãi trả lời bà cán bộ Thanh tra áo xanh:

- Thưa chị, tôi cũng xin nói với chị rằng Phòng Công chứng Nhà nước chỉ được quyền công chứng theo quy định tại Pháp lệnh Công chứng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn kèm theo, trong đó quy định rõ là được công chứng những loại nào loại nào rất là cụ thể, cho nên Phòng Công chứng Nhà nước không thể công chứng bậy không đúng đối tượng được.

Bà áo xanh im lặng mở sách ra rồi bà “ngắt khúc” điểm a khoản 1 Điều 17 để “giải thích” tiếp:

- Đây, luật quy định thế này: “trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại; trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất”.

- Cái này là dành cho người không làm chủ được hành vi đó chị, chị Nghệ là người có đầy đủ năng lực hành vi, chị Nghệ bận công việc chớ chị Nghệ đâu bị mất năng lực hành vi đâu chị.

- Vấn đề này UBND Q3 đang thụ lý.

- Tôi cũng biết vấn đề đó, nếu tôi nhớ không lầm thì thì khoảng ngày 27, 28 tháng 11 rồi, chính tôi là người đại diện cho chị Nghệ dự cuộc họp giải quyết ở UBND Q3. Hôm đó chưa có công văn 273 này, và anh Diệu - cán bộ Phòng Tổ chức Phòng GD-ĐT Q3 hứa với tôi là sẽ gởi văn bản này cho chị Nghệ để chị Nghệ khiếu nại.

Lại có một ông khác nói tôi nộp hồ sơ cho ông. Khi tôi đưa và liệt kê ra: “Đây, em nộp cho anh 3 thứ, cái đĩa ghi âm, đơn, văn bản 273, anh ghi cho em mấy chữ là hôm nay anh có nhận những thứ này” thì ông này lại không chịu nhận nữa. Còn bà cán bộ Thanh tra áo xanh thì nói: “Không, tôi nhận và hứa sẽ trả lời khiếu nại này, không cần phải viết biên nhận”.

- Không, nhận thì phải có gì làm bằng cớ để tôi mang về, để sau này quá thời hiệu khiếu nại rồi các anh chị nói không biết, không có nhận đơn thì sao? Chị làm việc với tôi không đeo bảng tên, tôi không biết chị là ai, chị nói chị là cán bộ ở đây nhưng biết có phải vậy không? Anh đây cũng vậy, làm việc không đeo bảng tên, tôi không biết anh là ai cả. Đáng lẽ phải đeo bảng tên đàng hoàng chớ. Nếu các anh chị không nhận thì tôi gởi bằng cách khác, các anh chị cũng bắt buộc phải nhận thôi.

Vậy là những cán bộ trong Phòng Thanh tra ấy liền quyết định không nhận đơn. Tôi chào họ rồi mang tất cả ra Bưu điện quận 3 gởi chuyển Phát nhanh (có hồi báo) đến đích danh Giám đốc Sở GD-ĐT.

Điều đáng nói là tại cuộc họp ngày 21/11/2008, có sự chủ trì của bà Hường - Phó Chủ tịch UBND Q3, anh Diệu - đại diện cho ông Lê Trường Kỳ-Trưởng Phòng GD-ĐT Q3, bà Nhiều- Trưởng Phòng Nội vụ Q3, Phó Phòng Tư pháp Q3 (tôi quên tên); thì bà Hằng - Phó Thanh Tra UBND Q3 lại phát biểu giữa cuộc họp rằng UBND Q3 không có ý ra quyết định giải quyết khiếu nại cho chị Nghệ mà sẽ trả lời bằng văn bản là khiếu nại không thuộc thẩm quyền của UBND Q3 nên giải quyết khiếu nại này thuộc thẩm quyền của Sở GD-ĐT. Những cán bộ có mặt đều đồng tình với ý kiến của bà Hằng.

Cũng cần phải nói thêm rằng khi tôi trình giấy mời của UBND Q3 và giấy ủy quyền để thay mặt chị Nghệ thì lãnh đạo và cán bộ UBND Q3 mời tôi vào phòng họp làm việc với tôi liền, cuộc tiếp xúc diễn ra trong không khí cởi mở, thoải mái, lịch sự, đúng pháp luật, chớ không có ai vặn vẹo tôi rằng “ủy quyền này không hợp pháp” cả.

.

Đến ông Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ thích nói chuyện “tình cảm”

8 giờ ngày 25/12/2008, tôi và anh Toàn (chồng chị Nghệ) đến Sở GD-ĐT theo Thư Mời “gởi bà Nguyễn Thị Mỹ Nghệ” số 292/ GDĐT-TTr ngày 22/12/2008 của Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung Thư Mời ghi rõ là: “Giải quyết đơn khiếu nại của bà”.

Khi tôi và anh Toàn vào phòng họp, tôi thấy trong phòng đã có 9 người, trong đó những người tôi biết mặt là ông Huỳnh Văn Sang- Hiệu trưởng trường Hai Bà Trưng, cô Hà - Hiệu phó trường Hai Bà Trưng, anh Nguyễn Văn Diệu - cán bộ Phòng GD-ĐT Q3, ông Bổn - Thanh tra Sở GD-ĐT. Một ông đứng tuổi, người mập mạp bảo tôi chờ Giám đốc đến sẽ làm việc, những người khác cắm cúi im lặng đọc báo. Đợi hơn 15 phút, mới thấy một ông đứng tuổi người hơi thấp, da mặt sần sùi (có vẻ như dấu vết còn lại của mụn bọc nhiễm trùng) bước vào.

Ông đứng tuổi mập mạp lúc nãy đứng lên tự giới thiệu là Huỳnh Văn Nam - Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT, và giới thiệu ông mặt sần sùi vào sau là ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Nam giới thiệu thành phần cuộc họp có ông Lê Trường Kỳ- Trưởng phòng GD-ĐT Q3, 2 ông Thanh Tra Sở, vài cán bộ Sở (ông Nam nói nhỏ quá tôi nghe không rõ tên). Như vậy, “phía Nhà nước” tính luôn ông Giám đốc Sở là 10 người (9 nam 1 nữ). Ông Nam giới thiệu thành phần “phía Nhà nước” xong thì ông yêu cầu tôi tự giới thiệu tôi.

Tôi đứng lên tự giới thiệu:

- Tôi là người được bà Nguyễn Thị Mỹ Nghệ ủy quyền thay mặt bà Nghệ để liên hệ với các cơ quan giải quyết khiếu nại (trích phần nội dung ủy quyền trong giấy ủy quyền). Tôi tên là Tạ Phong Tần, tôi có giấy ủy quyền đây, anh Nam có cần kiểm tra giấy chứng minh của tôi không? Còn đây là anh Lê Kiêm Toàn, chồng chị Nghệ, cha ruột của cháu Lê Nguyễn Minh Châu.

Tôi vừa giới thiệu xong thì ông Huỳnh Công Minh nói liền:

- Thật ra tôi không phải là người đi xử kiện, tôi đọc đơn của chị Nghệ tôi bức xúc quá, lại lo cho trẻ con nên mới muốn gặp gia đình để hỏi xem thế nào trong phạm vi của mình thì giải quyết thôi. Còn tôi không xử kiện. Nếu mà xử kiện thì đó là tính cách Tòa án, rất tiếc là không gặp chị Nghệ nên không nói chuyện được.

- Tôi cũng xin có ý kiến với ông Giám đốc Sở là chị Nghệ khiếu nại theo con đường hành chính, không khởi kiện ra Tòa án, thành ra ở đây không xử kiện được, nếu muốn xử kiện thì chị Nghệ khởi kiện ra Tòa án, không khiếu nại ở đây.

- Đúng rồi, tôi thấy yêu cầu công việc nó không đáp ứng được ý nghĩa, mục đích cuộc họp này.

- Không đáp ứng là như thế nào, ông Giám đốc có thể nói rõ ý hơn?

- Về giáo dục, trước hết là tình cảm, quan hệ giữa con người với con người, chưa dùng đến lý lẽ gì hết, từ trước tới giờ tôi cũng chưa theo dõi vụ này, chưa gì hết là chị vô chị làm với tư cách lý lẽ với tôi làm sao tôi giải quyết được. Tôi rất muốn tìm hiểu cái này, thậm chí muốn đến nhà nữa, nhưng công việc hơi khó khăn, nên hôm nay tôi muốn đến tìm hiểu ở cơ quan. Chưa gì hết vô mà tôi thấy chị bắt đầu… Nếu vậy tôi phải có công cụ để đi đi… chứng lý việc này. Tôi không có chuẩn bị tinh thần để làm việc như vậy. Tôi mời chị Nghệ để hỏi chuyện với tư cách phụ huynh, tôi với tư cách một người thầy giáo để trao đổi coi như thế nào. Chưa gì hết chị đọc cái bản như Tòa án, Sở Giáo dục đâu phải Tòa án.

Ngạc nhiên chưa! Ông Giám đốc Sở chỉ đạo cấp dưới ghi rõ nội dung làm việc trong Thư Mời, mà ông lại nói “không chuẩn bị tinh thần để làm việc”, sao kỳ cục vậy? Tôi tự giới thiệu tư cách pháp lý của mình khi đại diện cho chị Nghệ, đúng như yêu cầu của ông Chánh Thanh Tra Sở, tôi không hiểu ông Giám đốc Sở GD-ĐT nói tôi “bắt đầu”, rồi ông ậm ờ trong miệng không nói nữa là ý ông nói “bắt đầu” cái gì? Càng khó hiểu hơn khi ông nói “tôi phải có công cụ để đi đi…” rồi ngắc ngứ mãi mới nói “chứng lý việc này”. Giấy ủy quyền có đóng dấu Công chứng Nhà nước đỏ chót đó, ông muốn xem thì tôi sẳn sàng đưa bản chính cho ông xem chớ “chứng lý” gì nữa? Tôi làm công tác pháp luật hơn mười mấy năm mà tôi chưa bao giờ dùng cụm từ “đi chứng lý”, vì tôi không biết “đi chứng lý” là đi làm cái gì, trong luật cũng không có cụm từ này. Ông Giám đốc Sở GD-ĐT muốn sử dụng “công cụ” gì với tôi? Hay ông cho rằng cần phải kèm theo các công cụ như: dùi cui, roi điện, còng số 8, bình xịt hơi cay, chó săn, v.v… và v.v… mới đủ phương tiện làm việc khi giải quyết khiếu nại của công dân chăng?

Tôi mới nói:

- Ông Giám đốc nói như thế là sai rồi, tôi xin được phép nói, là chổ…

Ông Huỳnh Công Minh chen ngang:

- Thì xin phép hôm nay tôi không làm việc.

Ông Huỳnh Công Minh đã nói một câu rất dài, vì giữ phép lịch sự và tôn trọng ông, tôi kiên nhẫn chờ ông nói hết câu, nhưng khi tôi chưa kịp nói hết câu thì ông Minh đã nhảy vào họng tôi ngồi rồi.

Tôi tiếp tục nói:

- Chổ ông Nam yêu cầu tôi giới thiệu tôi, thì tôi phải giới thiệu đúng như giấy ủy quyền, tôi đâu nói khác được.

- Đúng, chị giới thiệu là đúng! Ông Huỳnh Công Minh nói tiếp.

Tôi không rõ ông Huỳnh Công Minh có “bị làm sao” không mà lời nói của ông mâu thuẫn tùm lum: Ông công nhận tôi tự giới thiệu như vậy là đúng, giấy mời cũng ghi nội dung là mời đến để “giải quyết khiếu nại”, mà ông Minh cho rằng ủy quyền hợp pháp lại “không đáp ứng”?

Anh Toàn giơ tay:

- Tôi xin phép ông Giám đốc Sở có ý kiến. Xin hỏi ông Giám đốc Sở nhận được được đơn khiếu nại của chúng tôi vào ngày nào?

Ông Huỳnh Công Minh không trả lời câu hỏi của anh Toàn mà lãng sang chuyện khác:

- Bây giờ tôi mời chị Nghệ, giờ chị Nghệ không có thì tôi không làm việc được.

Anh Toàn tiếp:

- Thưa ông Giám đốc, trong đơn khiếu nại thì chúng tôi có 3 đơn, đơn 1 và 2 là tôi đứng tên, đơn thứ 3 vợ tôi đứng tên…

Anh Toàn chưa nói hết câu thì ông Huỳnh Công Minh lại nhảy vào cắt ngang, hai người tranh nhau nói, ông Minh mặc cho anh Toàn lặp lại câu “Để tôi nói hết đã”, ông Minh vẫn tranh phần nói trước:

- Bây giờ tôi nói với anh nếu có cái quan hệ tình cảm thì tôi với tư cách thầy giáo, anh tư cách phụ huynh, ngồi lại nói chuyện với nhau, chớ anh là bố mà anh đi mời một người được ủy nhiệm về mặt pháp lý thì tôi thấy chưa gì mà đã có cơ sở quan hệ như vậy khó giải quyết lắm. Tôi sẽ làm một cuộc họp khác đúng như tinh thần của tôi muốn làm. Tôi mới biết, mới tiếp cận chuyện này thôi, và tôi đã gọi điện nói chuyện với chị Nghệ, chị Nghệ hứa sẽ lên, còn hôm nay không mang tính chất xử kiện. Còn mấy anh chị muốn có tổ chức như vậy thì Sở Giáo dục từ trước đến nay chưa có làm.

Cha mẹ ơi, hóa ra từ trước đến đến giờ ai khiếu nại đến Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh thì Sở đều “sử chiêu” “bình chân như vại”, mặc dân kêu ca thế nào tùy ý, kêu khản cổ thì tự thôi?

Anh Toàn nói tiếp:

- Thưa ông Giám đốc Sở, tôi thiết nghĩ là ông nói mới nhận được đơn khiếu nại của vợ chồng tôi thì ông rất là thiếu sót với ngành giáo dục. Vì đơn khiếu nại tôi đã gởi cho ông cách đây hơn 4 tháng rồi, riêng chỉ đạo từ UBND thành phố xuống Sở Giáo dục cũng cách đây 4 tháng rồi, đã có công văn chỉ đạo trực tiếp từ UBND thành phố, thậm chí gởi Công văn 2 lần xuống chỉ đạo các ông, một lần từ Văn phòng UBND Thành phố, một lần từ Ủy Ban Kiểm Tra Hội đồng nhân dân Thành phố. Vậy mà hôm nay ông nói ông mới nhận được. Tôi thấy ông nói tiếp xúc tình cảm tôi nghe xa rời thực tế quá. Vì vợ chồng tôi đã gặp trực tiếp ông Huỳnh Văn Nam, ông Đậu Đình Nga, 4 lần để trao đổi vấn đề này, đây có ông Nam ngồi đây, mà có khi nào các ông giải quyết đâu, các ông đá banh lòng lòng, hôm nay ông nói ông mới nhận được đơn thì quá vô lý. Vậy đơn tôi gởi cho các ông hơn 4 tháng nay ở đâu? Công văn chỉ đạo của UBND Thành phố các ông nhận các ông bỏ sọt rác hay ở đâu? Ông nói ông mới nhận được là vô lý quá, tôi không hiểu các ông muốn làm cái chuyện gì nữa.

Ông Minh nói:

- Tôi muốn làm cái vai trò của một người thầy giáo để giải quyết cái chuyện của một đứa học sinh bị ức chế trong nhà trường.

Anh Toàn trả lời:

- Thưa ông, vợ chồng tôi đến gặp Thanh tra Sở hơn 4 lần rồi, chuyện này chúng tôi có trình bày rồi…

Ông Minh lại cắt lời anh Toàn:

- Tại anh bức xúc quá, cái hệ thống quản lý tôi giao cho cán bộ của tôi làm, cán bộ làm không xong thì tôi làm. Bữa nay tôi trực tiếp đây nè.

- Ông có biết là cán bộ của ông đã làm 4 lần không xong, thì hôm nay chúng ta bắt tay vào công việc được rồi, ông còn thăm dò gì nữa.

- Tôi gặp trực tiếp đương sự để giải quyết, chớ không thăm dò gì hết.

Ủa, mới hồi nãy tôi nghe ông Giám đốc Sở nói chỉ muốn gặp chị Nghệ nói chuyện tình cảm thầy trò, phụ huynh, mà giờ lại nói muốn giải quyết, nếu muốn giải quyết thì tôi là người thay mặt hợp pháp thì ông còn đòi gì nữa?

Anh Toàn đáp lại:

- Tôi là đương sự trực tiếp, có 2 đơn khiếu nại của tôi, vợ tôi có 1 đơn thôi. Tôi là quan hệ huyết thống, là cha đứa bé, đương nhiên là đương sự trực tiếp.

Ông Minh lại nói:

- Nãy giờ tôi đâu nghe anh nói, tôi chỉ nghe người khác nói thay anh.

Anh Toàn trả lời:

- Đây là người đại diện cho vợ tôi. Cá nhân tôi là đương sự trực tiếp.

Thấy hai người tranh luận sắp sang một vấn đề khác, tôi mới có ý kiến:

- Xin phép quý vị tôi phát biểu một ý kiến này: Tại Thư Mời số 292 ngày 22/12/2008 do Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn ký có ghi rõ mời bà Nguyễn Thị Mỹ Nghệ đến để “Giải quyết đơn khiếu nại của bà”. Vậy hôm nay, tôi đến đây theo giấy ủy quyền hợp pháp này, như vậy tôi đến đúng quy định pháp luật hay không? Nếu các ông cho rằng tôi đến đây không đúng pháp luật, yêu cầu các ông xác nhận vào đây cho tôi là các ông không chấp nhận tôi làm việc thay mặt bà Nguyễn Thị Mỹ Nghệ theo giấy mời này, tôi đi về, không cần nói gì nhiều. Tôi không đến đây để năn nỉ, van xin ai làm việc hết, mà tôi đến đây đúng quy định pháp luật, đúng quy định Luật khiếu nại tố cáo. Bà Nghệ khiếu nại, thì trách nhiệm của cơ quan nhận khiếu nại là phải giải quyết khiếu nại, còn nếu nói không phải thẩm quyền của các ông thì yêu cầu các ông xác nhận vào đây, chúng tôi đi về và đến khiếu nại chổ khác, đơn giản vậy thôi. Còn muốn tình cảm gì thì xin mời quý vị đến nhà đương sự…

Ông Huỳnh Công Minh lại nhảy vào cắt ngang:

- Ở đây ai làm biên bản đây?

Có tiếng lí nhí trả lời ông Minh. Tôi nói tiếp:

- Thư Mời ghi rõ là để giải quyết đơn khiếu nại mà.

- Ai ghi cái biên bản đi! Ông Minh lại chen vào ngắt lời tôi, nhưng tôi nói tiếp:

- Ông Giám đốc muốn nói chuyện tâm tình riêng gì với bà Mỹ Nghệ thì ghi rõ vào cái thư, là thư riêng, không phải Thư Mời, nói rõ là tôi muốn gặp riêng chị Nghệ để tâm tình gì đó, thì đó là chuyện khác, còn Thư Mời này là khác.

Ông Minh cắt ngang:

- Không phải tâm tình, làm biên bản chị Nghệ không đi dự được nên hôm nay không làm việc!

Tôi tiếp tục nói:

- Quý Sở cứ lập biên bản và cho chúng tôi xin 1 bản, tôi không có quyền lợi gì ở đây cả, tôi chỉ thay mặt bà Nghệ, còn quyền lợi là quyền lợi gia đình chị Nghệ.

Ông Giám đốc Sở vội vã bỏ đi, mọi người lục đục đứng dậy thu dọn giấy má, báo chí trên bàn, rồi cũng vội vã đi hết, không thấy ai viết biên bản, không thấy ai ký biên bản, mà cũng không ai đưa biên bản cho chúng tôi.

Ông Lê Trường Kỳ nán lại nói thêm với anh Toàn rằng sau khi trường Hai Bà Trưng bàn bạc với như đã thống nhất xếp loại cháu Lê Nguyễn Minh Châu “học lực giỏi, tinh thần ổn định”.

Từ đầu đến cuối, ông Sở GD-ĐT luôn lặp đi lặp lại là ông muốn trao đổi riêng với chị Nghệ một cách “tình cảm” (ngay cả chồng chị Nghệ-đương sự trực tiếp có đơn khiếu nại-cha ruột nạn nhân, cũng không được), nhưng ông lại huy động lực lượng “phe ta” đến 10 người (trong đó có 9 người đàn ông) thì tôi không hiểu là trao đổi riêng cái kiểu gì? Giấy tờ đóng dấu đỏ chót của Sở ghi rõ là “giải quyết khiếu nại của bà” mà ông Giám đốc Sở cứ đòi nói chuyện “tình cảm”, phải chăng ông Huỳnh Công Minh đã “đánh rơi” cái chức năng, nhiệm vụ quản lý hành chính của Giám đốc Sở GD-ĐT rồi? Còn những câu hỏi anh Toàn đưa ra thì ông không trả lời được.

Việc ông Huỳnh Công Minh từ chối làm việc với người đại diện hợp pháp của đương sự là ông Minh đã xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Luật khiếu nại, tố cáo (sửa đổi bổ sung ngày 29/11/2005), tức ông Minh vi phạm Điều 4, Điều 16 Luật KNTC.

* * *

Ngay trong buổi sáng 25/12/2008, chị Nghệ biết chuyện, đã nổi cơn thịnh nộ: “Tháng trước ông Dũng tự cho mình làm bác sĩ đã ra lệnh buộc con tôi phải hết bệnh trong 4 tuần, bây giờ tới ông Huỳng Văn Sang lại tiếp tục tự cho mình làm bác sĩ kết luận con tôi tinh thần ổn định. Nó vẫn phải đến Bệnh viện lấy thuốc uống, đã hết bệnh đâu. Một đống điểm 0, thi Văn làm bài lạc đề mà học lực giỏi cái gì, trường này họ chỉ muốn nâng điểm con tôi để đối phó với tôi. Bộ gây tai nạn đụng người ta gãy chân, đâm người ta lòi ruột, người ta tự chữa hết bệnh, tốn bao nhiêu công sức, tiền của đổ vào đó, mà lành thương tích thì người gây ra không chịu trách nhiệm gì à? Công bằng, công lý là như thế này sao?”.

Bà ngoại cháu bé thì nói: “Chồng tao theo cách mạng mà chết, cả dòng họ tao đều theo cách mạng, người chết người bị thương là muốn con cháu sau này cung sướng hơn mình. Bây giờ tụi nó làm cho cháu tao bị khùng. Con tao bịnh, nó biết mà nó còn muốn chọc tức con gái tao, ủy quyền nó không chịu mà nó một hai đòi con gái tao, nó muốn giết con tao chết luôn nó mới hả dạ mà”.

.

Tạ Phong Tần

Photobucket

Cháu Minh Châu và mẹ đêm Noel (24/12/2008) tại nhà thờ Hàng Xanh


Photobucket
Cháu Minh Châu “chống khủng bố” cho con gấu cưng của mình

________

Bài liên quan:

- Cháu bé 13 tuổi bị cô giáo "khủng bố" đến "stress cấp"

- Động thái "khỏ hiểu" của ông Hiệu trưởng trường Hai Bà Trưng

- Né tránh và bóp méo sự thật

- Nỗi buồn ngày 20/11 đến từ trường Hai Bà Trưng

- "Tôi sẳn sàng ngồi tù để bảo vệ công lý và lẽ phải"

25/12/08

CHIỆN DZUI ĐÊM NOEL

.


.

Đêm Noel, tớ đi dự Thánh lễ cùng gia đình một người bạn ở Nhà thờ Hàng Xanh. Không kể chuyện mọi người đến dự lễ mặt mày hớn hở ra sao, quần áo đẹp thế nào, Cha làm lễ trang trọng v.v… và v.v… mà kể chuyện thiếu nhi.

Tớ chứng kiến một cuộc đối thoại rất là dzui mà tớ nghe được tại nhà thờ, xin kể lại cho quý bà con nghe để giảm xì-trét:

.

Linh mục: (Hỏi các cháu thiếu nhi) Ai biết Chúa Hài Đồng sinh ra ở đâu không? Giơ tay lên cho Cha xem nào? À, áo đỏ, mời con!

Cháu áo đỏ: - Chúa sinh ở trong chuồng bò.

Linh mục: - Sao con biết trong chuồng bò?

Cháu áo đỏ: - Vì con thấy có con bò.

Linh mục: - Chúa được sinh ra trong nhà nghèo hay nhà giàu?

Cháu áo đỏ: - Nhà nghèo.

Linh mục: - Sao con biết nhà nghèo?

Cháu áo đỏ: - Vì Chúa hổng có tiền.

Linh mục: - Sao con biết Chúa hổng có tiền?

Cháu áo đỏ: - Vì Chúa hổng có đi làm ở đâu hết.

Linh mục: - …. (!!!!!)



Photobucket
Nhà thờ Hàng Xanh (Bình Thạnh)
Photobucket
Hoạt cảnh Thiên thần mừng Chúa Hài Đồng giáng sinh
Photobucket
Thánh Lễ
Photobucket
Bà già Noel
Photobucket
Và ông già Noel phát quà cho thiếu nhi
Photobucket
Tớ và bạn tớ

23/12/08

ĐẤT NƯỚC VÀ NHÂN DÂN


Có vẻ như “Đất nước” và “Nhân dân” là hai phạm trù rất gần gũi, rất thân thiết, có quan hệ máu thịt với nhau, thậm chí không thể tách rời nhau.

Từ hàng ngàn năm rồi, nhiều người đã hiểu như vậy, đã cảm nhận như vậy.

Tôi sẽ không viết được những dòng chữ có vẻ nghịch lý sau đây nếu không sống dưới chế độ “cộng sản”.

Sự kỳ quái của chế độ đó đã đánh thức mọi phản kháng trong tư duy, làm chúng ta vỡ mộng và vỡ luôn những nếp nghĩ khác.

Và một trong những phát hiện bàng hoàng nhất là: Đất nước và Nhân dân là hai thực thể có khả năng trở thành thù địch.

1

Từ thuở bé, con người đã gắn liền với đất nước mình qua lũy tre làng, dòng sông, bến đò, những bờ biển thơ mộng, những núi non hùng vĩ, những danh lam thắng cảnh…tất cả, góp phần tạo ra tâm hồn, tính cách và tình yêu của mỗi người, từ đó hình thành những mối dây ràng buộc, nhờ thế mà khi có ngoại xâm thì cả dân tộc cùng đứng lên, đồng lòng đánh đuổi chúng, giành lại từng tấc đất, từng ngọn rau…

Đó là những điều có thật. Đã từng xảy ra. Những tấm lòng yêu nước, những hy sinh vì tổ quốc, những anh hùng dân tộc… tất cả đều có thật.

Duy chỉ một điều nghịch lý, đó là: trong lịch sử nhân loại CHƯA BAO GIỜ ĐẤT NƯỚC LÀ CỦA NHÂN DÂN.

Ngày xưa, khi vua Vũ diệt được Trụ, dựng nên nhà Chu, thiên hạ ai cũng tôn phù.

Chỉ có Bá Di, Thúc Tề chê là bất nghĩa, không thèm ăn thóc nhà Chu, cùng nhau lên núi Thú Dương, hái rau độ nhật.

Sau, có người đến bảo: “Nhà Chu đã trị thiên hạ, thì nơi nào lại chẳng phải của nhà Chu, ăn rau núi này chẳng phải ăn rau nhà Chu ư?”

Hai ông nghe nói, bèn nhịn đói cho đến chết.

Rõ ràng thời ấy người ta quan niệm sông núi, kể cả rau rừng đều “của nhà Chu” nào phải của nhân dân.

Ngay cả hạt thóc là do mồ hôi nước mắt của nông dân làm nên mà cũng được gọi là “thóc nhà Chu” thì nhân dân còn lại gì?

Trong bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”, Lý Thường Kiệt cũng xem đất nước Việt Nam là của vua chúa nhà Lý khi ông viết: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” thì thật sự cũng đã “xí phần” cho triều đình hết rồi, còn gì cho đám dân đen nữa?!

Thời phong kiến, đất nước là của nhà vua nên mới có cha truyền con nối, nên trung quân và ái quốc mới gộp làm một.

2

Ngày nay người ta nói nhiều đến dân chủ.

Có vẻ như đất nước không còn là của “nhà Chu” nữa, có vẻ như “Nam quốc sơn hà” không còn của “Nam đế” nữa.

Vậy chắc là của nhân dân rồi!

Thử xem có phải vậy không?

Nếu cái đất nước giàu tài nguyên này, cái quê hương “rừng vàng biển bạc” này là của nhân dân, sao nhân dân nghèo khổ đến vậy?

Sao những chàng trai nông thôn chân lấm tay bùn vẫn ở nhà tranh vách đất?

Sao những cô gái quê phải lên thành phố bán thân?

Sao bác phu xích lô vẫn còng lưng đạp mỗi ngày, sao lớp trẻ con nhà lao động phải nhễ nhại mồ hôi trong các khu chế xuất, các mỏ than, các nhà máy chế biến hải sản, lâm sản, nông sản…chỉ để kiếm chưa đến một trăm đô la mỗi tháng?

Sao nhân dân lao động vẫn phải chui rúc trong những căn nhà tồi tàn chật hẹp?

Nếu rừng là vàng, biển là bạc thì vàng ở đâu, bạc đi đâu, mà mỗi lần làm đường, xây cầu lại phải vay vốn ODA, vay vốn Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Thế giới… để xảy ra những vụ tham nhũng nhục nhã như PMU18, như vụ cầu Văn Thánh, như vụ PCI Nhật Bản…và hàng ngàn vụ khác?

Nếu đất nước này là của nhân dân thì sao dầu mỏ khai thác nhiều như vậy mà dân không giàu? mà Đảng lại giàu?

Nếu đất nước là của nhân dân sao lại chỉ có một nhúm các tập đoan tài phiệt phất lên nhờ kinh doanh rừng, biển, đất đai và lúa gạo… trong khi nhân dân thì bị cướp đất, rừng thì bị phá, thóc lúa thì bị thương lái ép giá, đẩy nông dân vào kiếp sống bần cùng?

3

Có quá nhiều bằng chứng để nói rằng trong lịch sử chưa bao giờ đất nước là của nhân dân.

Đất nước chỉ là của nhân dân trong các học thuyết, trong văn thơ, trong âm nhạc.

Đất nước chỉ là của nhân dân trong hoài niệm tuổi thơ, trong tâm tình chôn nhau cắt rún.

Trên thực tế đất nước bao giờ cũng là tài sản riêng của giai cấp cầm quyền.

Ngày xưa thì đất nước là của vua chúa, ngày nay đất nước là của các chính quyền.

Còn nhân dân?

Ngoại trừ số ít giàu có ở các đô thị lớn, đại đa số nhân dân lao động, công nhân, nông dân, công chức, tư chức ăn lương…chỉ có được một căn nhà nhỏ, một mái tranh nghèo, một cái ổ chuột tối tăm trong xóm lao động hay dưới gầm cầu.

Những nhà hàng, những khách sạn sang trọng, những vũ trường xa hoa, những cửa hàng lộng lẫy kia không phải của nhân dân.

Những khu đô thị mới, những resorts, những sân golf, những câu lạc bộ quần vợt, những cuộc thi hoa hậu liên miên kia… không bao giờ là của nhân dân.

Những mỏ bô-xit, mỏ than, mỏ dầu trị giá hàng ngàn tỉ đô la kia, những lâm sản, hải sản vô tận kia…chưa bao giờ là của nhân dân.

Nhân dân chỉ có cái tổ chim bé nhỏ của mình, nhân dân chỉ có vại cà, con mắm, củ khoai, rẫy bắp, chiếc xích lô đạp, chiếc xe máy để chạy xe ôm, để đi làm mỗi ngày.

Nhân dân không biết nghe nhạc giao hưởng, không biết hát Opera, nhân dân chỉ biết rao: “Cháo huyết đây!” Bánh mì nóng giòn đây!” Báo mới đây!” “Mài dao mài kéo đây!”…

Nhân dân không có vé vào xem thi hoa hậu hoàn vũ hay xem trình diễn thời trang, nhân dân chỉ có năm ngàn đồng đủ trả một cuốc xe ra đứng đầu đường Huyền Trân Công Chúa và gọi: “Đi chơi không anh?”.

Nhân dân không có ai bảo vệ, chỉ biết chạy trối chết khi bị công an đem xe tới xúc về đồn để “làm sạch thành phố.”

Trong thời chiến, bao giờ nhân dân cũng bị xem như một thứ “tài nguyên”, một “nguồn cơ bắp dồi dào” sẵng sàng cung cấp cho chiến trường để giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh mang danh nghĩa “giải phóng” “chống ngoại xâm” “thánh chiến” “vệ quốc”…

Tội nghiệp cho hàng trăm thế hệ những người lính đã ngã xuống trong các cuộc “chiến tranh thần thánh” ấy để rồi cuối cùng đất nước lại lọt vào tay một nhúm “đồng hương” chuyên nghề vơ vét.

Đất nước đã bị cưỡng đoạt.

Giờ đây, đối với nhân dân Việt Nam, nếu đất nước có còn được chút ý nghĩa, chính là vì nó đang ôm giữ trong lòng nó xương cốt của những người thân đã chết vì một lý tưởng hoang đường và một ước mơ không bao giờ có thật.

4

Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa, rồi Trường Sa.

Vài trăm người biểu tình bị đàn áp, bị bắt, bị đe dọa.

Nhiều người hỏi tôi: “Sao không thấy ông viết về Hoàng Sa, Trường Sa mà chỉ viết về nhân quyền, về dân chủ?”

Chẳng lẽ tôi lại phải trả lời như thế này:

“Vì hai hòn đảo ấy người ta đã dâng cho Tàu rồi. Ai đòi lại được? Mà nếu như có đòi được thì cái lãnh thổ giàu tài nguyên ấy cũng đâu phải của nhân dân. Hai hòn đảo ấy cũng sẽ là tài sản của những kẻ cầm quyền và bọn tài phiệt, cũng sẽ bị chúng chia chác nhau mà ăn thôi.”

________

Về tác giả: Nhà văn Đào Hiếu, sinh năm 1946 ở tỉnh Bình Định, gia nhập Đảng Cộng sản năm 1968. Tham gia phong trào sinh viên miền Nam chống Mỹ, ông sau năm 1975 làm việc tại báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ TP. HCM. Năm 2008, ông công bố trên mạng hồi ký Lạc Đường, gây nhiều tranh luận.

Theo BBC ngày 22/12/2008

GIÁNG SINH AN LÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

22/12/08

DÂN KHÔNG QUAN TRỌNG BẰNG CHÓ?

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về vụ án ở Kiên Lương, Kiên Giang, báo chí Nhà nước thông tin một kiểu, truyền thông bên ngoài thông tin một kiểu, còn sự thật như thế nào chỉ có người trong cuộc mới biết.

Đưa tin kiểu báo chí Nhà nước

Theo Tiền Phong ngày 19/12/2008 thì sáng 17/12, tại ấp T4, xã Vĩnh Phú (Kiên Lương, Kiên Giang) diễn ra cuộc cưỡng chế đất và khoảng 200 người dân đã quyết liệt chống lại.

“Hai chiến sỹ công an Nguyễn Văn Hoàng và Phạm Văn Phái bị nứt, gãy sống mũi do bị ném đá. Anh Nguyễn Tân Xuyên bị thương nặng vùng cánh tay, vai, lưng với nhiều vết bầm tím do bị đánh. Tất cả đang phải nằm viện điều trị”.

“Hai chiếc ghe chở lực lượng cưỡng chế bị nhấn chìm, nhiều người trong đoàn cưỡng chế bị ném đá, bị đánh. Một cán bộ thi hành án huyện Kiên Lương bị những người chống đối bắt giữ và cởi hết quần áo.

Phóng viên truyền hình tỉnh Kiên Giang cũng bị đánh khi có mặt tác nghiệp. Những người chống cưỡng chế còn bắt giữ 3 cán bộ, một con chó nghiệp vụ để đòi thả 2 người dân vừa bị bắt… Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã phải chỉ đạo dừng ngay việc cưỡng chế.

Ông Huỳnh Văn Tam, Trưởng Thi hành án tỉnh Kiên Giang cho biết: “Việc cưỡng chế thực hiện theo 6 bản án của TAND tỉnh Kiên Giang tuyên từ năm 2006.

Nội dung các bản án buộc 7 hộ dân trả lại 30 ha đất nông nghiệp cho các đơn vị và cá nhân ở TP Rạch Giá và huyện Châu Thành (Kiên Giang) mà các hộ dân thuê để trồng lúa từ năm 2003”. Đây là những người dân địa phương không có đất sản xuất”.

Tuổi Trẻ ngày 19/12/2008 cũng có bài nội dung giống như Tiền Phong, nhưng chỉ cho biết có cán bộ bị thương và chó bị bắt, không nói rõ họ tên cán bộ bị thương là ai.

Các báo khác cũng đưa tin tương tự. Tất cả báo chí trong nước đưa tin có một điểm giống nhau là nêu thiệt hại của phía cán bộ Nhà nước, lời phát biểu của cán bộ Nhà nước, phía người dân không có ý kiến nào và cũng không có thiệt hại gì.

Nguồn tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kiên Lương (Kiên Giang) cho biết chiều 19-12 cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ xảy ra tại ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Kiên Lương. (Tuổi Trẻ ngày 20/12/2008).

Đưa tin kiểu “báo chí tự do”

Trong khi đó, một người dân địa phương là bà Huỳnh Thị Ba trả lời phỏng vấn RFA cho biết rất rõ ràng nguyên nhân vụ việc, diễn biến cuộc cưỡng chế, hành động của phía cán bộ với dân thế nào, dân đối phó lại cán bộ ra sao, họ tên, địa chỉ, tổng số người dân bị thương trong cuộc xô xát với đoàn cưỡng chế, ý kiến của dân hiện nay muốn gì ở Nhà nước:

“đúng 8 giờ sáng ngày 17/12/2008 đội thi hành án cưỡng chế của huyện Kim Lương, đông khoảng 125 người gồm cán bộ và công an đã đến để cưỡng chiếm hai hộ Lê Thị Hiến và Phạm Tỷ ở tổ 8 ấp Tây Tư, xã Vĩnh Phú, huyện Kiên Lương, Kiên Giang”.

“Số đất này của nhân dân chúng tôi là 1064 hộ. Chúng tôi đã mua lại đất hoang của trung đoàn 34, quân khu 9. Chúng tôi mua đất hoang này đã 12 năm rồi, cán bộ nhà nước đã động viên dân khai khẩn đất hoang để khai thác làm lúa.”

Cán bộ đi cưỡng chế, dùng súng bắn vào dân chúng tôi, rồi dùng trái cay quăng vào dân chúng tôi, rồi dùng chó bẹc-rê để phụ tấn công chúng tôi, cưỡng bức chúng tôi quá nhiều, rồi dùng dây điện để đánh dân chúng tôi.

Cuối cùng đội cưỡng chế đã bắn 9 người dân chúng tôi bị thương. Bà Nguyễn Thị Ba 63 tuổi, bị thương ở bắp chuối trái rất là nặng. Ông Đào Văn Thành bị thương ở bắp chuối phải rất nặng, em Kỳ khoảng chừng 30 tuổi bị thương ở bắp tay phải, em Đạt, rách cần cổ và bị toác lỗ tai lên chừng một tấc. Họ còn dùng roi điện oánh hai người bị té xỉu.

Sau đó đội cưỡng chế bắt đầu đội cưỡng chó để rượt cắn nhân dân chúng tôi, do đó khi chúng tôi dùng lửa xăng phụt lên thì rượt chạy đi. Có ông phó thi hành án cởi áo công an của ổng, ổng nhẩy xuống sông ổng lặn, dân tôi mới bắt được. Công an chạy đi bỏ lại lá chắn. Họ bắt đi ba người chúng tôi, chúng tôi sợ bắt đi nữa, dùng lửa rượt họ, thì họ chạy bỏ ba người này lại và chúng tôi mở còng cho họ và giữ còng.

Dân chúng tôi vì miếng cơm và vì bị uy hiếp tinh thần nên chúng tôi mới chống lại. Chúng tôi rất biết về luật, biết đánh người là sẽ gây thương tích. Rất nhiều cán bộ sau khi công an bỏ chạy, đã đầu hàng nói rằng do cấp trên chỉ đạo, thành ra tụi tôi thương, không đánh cán bộ. Ông phó thi hành án làm giấy cam kết là không vô cưỡng chế lấy đất của dân chúng tôi nữa, nên chúng tôi cho họ ra về và trả lại con chó.

Hôm nay là theo giấy thông báo khống chế thi hành án kinh Tây Năm, hôm qua là kinh Tư hôm nay là kinh Năm, dân hôm nay cũng tập trung lại như ngày hôm qua, và cũng thủ tinh thần như ngày hôm qua.”

Một người dân khác là ông Thành (ở ấp Tây Năm) nói rằng có 2 người dân bị thương rất nặng đang nằm cấp cứu ở Bệnh viện Châu Đốc.

Ông Lê Mỹ Đức- Một người dân ở phường An Hòa, Rạch Giá, Kiên Giang thì nói:

Hôm rồi lực lượng công an xuống cưỡng chế, dùng roi điện tấn công 3 người đàn bà, trong đó có một bà 77 tuổi bị xỉu, phải đưa đi bệnh viện. Đây là hành động đàn áp quá đáng vì người dân chúng tôi chỉ yêu cầu chính quyền và ban quản lý dự án thực hiện cho đúng pháp luật và luật đất đai. Nhưng họ không làm việc gì hết.

Chúng tôi chỉ yêu cầu là nếu chúng tôi sai thì họ lập biên bản rằng đòan cưỡng chế cưỡng chế các ông các bà vi phạm chống lệnh gì đó… Cứ lập biên bản để sau này chúng tôi còn khiếu kiện.

Nhưng họ đem lực lượng công an đến hành động như vậy là bậy. Thứ hai là dùng roi điện tấn công phụ nữ 70-80 tuổi thì quá tàn nhẫn. Chúng tôi phản đối quyết liệt.

Những thửa đất này chúng tôi canh tác tới thế hệ thứ ba rồi, cũng từ 60 tới 100 năm rồi. Bây giờ chính quyền sở tại và ban quản lý dự án này, họ liều mạng, liều lĩnh. Trong khi chúng tôi chưa nhận tiền bồi thường mà họ lại thực biện việc cưỡng chế.

Riêng việc chúng tôi chưa nhận tiền không phải vì vấn đề đắt hay rẻ; nếu các anh làm đúng pháp luật thì chúng tôi giá nào cũng phải nhận. Đó là, thứ nhất, nhà nước lấy đất chúng tôi phải có quyết định thu hồi đất; thứ hai, thu đất vào thời điểm nào thì tính giá của thời điểm đó. Họ thu đất ngày hôm nay mà tính giá 12 năm về trước thì lam sao chịu nổi?

Hiện nay giới cầm quyền chồng chéo ở “dự án lấn biển”, nhưng thực ra chẳng có lấn biển gì hết, mà việc này, báo giới đã phỏng vấn họ, hỏi rằng anh lấn biển hay lấn đất của dân, thì họ không trả lời được.

Tôi cam kết rằng những lời tôi nói vừa rồi là đúng sự thật. Nếu thủ tướng có hỏi tôi, tôi cũng yêu cầu ông xuống đây xem đất này là đất “lấn biển” hay đất thuộc cả trăm năm nay?

Nếu chính phủ và tỉnh Kiên Giang không giải quyết vấn đề thỏa đáng, đúng theo luật đất đai, thì chúng tôi tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Họ có thể che đây, khỏa lấp tất cả những việc làm sai trái của họ. Nhưng tôi nói rằng 47 hộ dân oan này, còn một người cuối cùng cũng khiếu kiện cho bằng được”.(RFA ngày 19/12/2008).

Các trang mạng khác đưa lên cả video lẫn audio phát biểu của người dân (xem link bên dưới).

* * *

Sau khi đọc hết các thông tin trên thì ai cũng thấy rõ ràng là giữa báo chí Nhà nước và “báo chí tự do” đã thông tin không giống nhau. Báo chí Nhà nước chỉ tường thuật theo một phía là cán bộ Nhà nước đúng, cán bộ Nhà nước, chó của Nhà nước bị dân “ăn hiếp”, Nhà nước bị thiệt hại, cán bộ Nhà nước bị thương, lãnh đạo lực lượng cưỡng chế ta thán dân, v.v… và v.v…, còn người dân thì không ai có ý kiến gì cả và tất cả đếu rất là “mạnh phẻ”. “Báo chí tự do” phỏng vấn trực tiếp người dân, và những người được phỏng vấn tường thuật lại sự việc rất rõ ràng, chi tiết, không che giấu việc họ đã “dùng vũ lực” với cán bộ, cũng như nêu rõ thiệt hại người dân phải gánh chịu, mong muốn của họ đối với Chính phủ.

Báo chí trong nước luôn ghi rõ trên trang nhất dòng chữ đây là “tiếng nói của nhân dân” nhưng thực tế người dân lại không được nói câu nào. Trong một cuộc xô xát giữa người dân và lực lượng cưỡng chế được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ lẫn chó nghiệp vụ mà chỉ có cán bộ cưỡng chế bị thương, còn dân không bị gì cả thì đó là chuyện hết sức lạ đời. Giữa hai luồng thông tin khác nhau, cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi tin lời dân hơn tin lời báo Nhà nước.

Đọc sách Thánh hiền, các Ngài vẫn dạy rằng: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (為貴, 社稷次之, 君為輕) là đạo lý đơn giản, lâu đời nhưng không lạc hậu, mà bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào, quân vương nào, chính quyền nào muốn tồn tại, muốn vững mạnh, muốn được dân ủng hộ cũng đều bắt buộc phải tuân theo. Có lẽ trên bước đường “hành nghề”, cái đạo lý làm người bình thường ấy đã bị các vị “báo Nhà nước” làm rơi rụng mất hết rồi? Đau hơn, báo chí Nhà nước dành chổ tường thuật rõ cả về con chó của Nhà nước, còn dân bị thương tích thì không có dòng nào, làm cho tôi thấy đắng ngắt trong lòng với cảm nghĩ rằng: Với họ (báo Nhà nước), sức khỏe, tính mạng người dân không quan trọng bằng con chó?

Tạ Phong Tần

___________

http://www.4shared.com/file/76577789/f39fef65/danoan_kiengiang.html

http://www.sbtn.net/default.aspx?LangID=38&tabId=193&ArticleID=32490&Page=1

http://www.esnips.com/doc/2b95ef89-fdfd-4a50-b352-ae3c989d9f37/bieu-tinh-o-kien-giang