.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tháng Giêng cũng là tháng của lễ hội ở khắp cả nước, nhất là ngày Rằm thứ nhất đầu năm mới, nơi nơi đều tổ chức cúng bái, rước lễ long trọng để cầu ơn trên ban cho cả năm được mưa thuận giớ hòa, quốc thái dân an.
Khoác vào người bộ đồng phục màu xanh lá mạ của Đoàn Nghệ Thuận Lân Sư Rồng Hằng Anh Đường (quận 11 Sài Gòn), cộng với bề ngoài “hoành tráng”, động tác di chuyển nhanh nhẹn, ăn nói ra vẻ “lão sư”, tuổi tác “dày cơm”… đủ để dưới mắt người khác tôi nghiễm nhiên trở thành một “võ sư Hằng Anh Đường” (lụi) để hòa nhập vào không khí lễ “Cộ Bà” ở thị trấn Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương).
Lái Thiêu vốn là vùng đất người Hoa tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông đặt chân đến sinh sống trước hơn cả Sài Gòn. Trong những ngày mới đến “khai hoang lập ấp”, người Hoa đã lập miếu thờ Bà Thiên Hậu Nương Nương (Thiên Hậu cung, còn gọi là Chùa Bà Thiên Hậu) ở gần chợ Lái Thiêu, đường Phan Đăng Lưu ngày nay. Lái Thiêu có nhiều miếu thờ Bà, nhưng chỉ có miếu Bà Thiên Hậu do người Hoa Phúc Kiến thờ cúng thì rằm tháng Giêng nào cũng đông nghẹt các đoàn Lân Sư Rồng khắp nơi kéo về “cộ Bà” để tỏ lòng biết ơn, không quên ơn Bà phù hộ trong những ngày khó khăn thưở ban đầu mới đến vùng đất Việt. “Cộ Bà” (kiệu) tức là sau khi làm lễ cúng long trọng, người dân rước kiệu Bà trong đựng sắc phong (nghe nói do vua Gia Long ban sắc) đi vòng quanh các con đường chính trong thị trấn, theo sau là hàng đoàn Lân Sư Rồng lũ lượt đánh trống, nhảy múa, cờ xí rợp trời, tiếng trống tưng bừng rộn rã.
10 giờ sáng, chúng tôi xuất phát từ Sài Gòn lên thị trấn Lái Thiêu. Vừa lọt vào ranh giới thị trấn, tôi đã thấy ngoài đường phố có rất nhiều Đoàn Lân quần áo đồng phục có in logo và tên Đoàn, màu sắc sắc sỡ đi diễu hành trên phố trong tiếng trống nhặt khoan. Với “lực lượng hùng hậu” gần 60 người lớn nhỏ đủ cả, hai xe tải bự, hai xe nhỏ 17 chổ, người phụ trách phải tìm được một chổ gởi xe cách Chùa Bà hơn một cây số nhưng đủ rộng để chứa hết “bầu đoàn thê tử”. Xuống xe, ổn định vị trí, ăn uống qua loa rồi theo thứ tự năm con Lân ngũ sắc sắc sỡ đi trước, dàn trống đi kế tiếp ở giữa, hai con Rồng vàng mỗi con dài 20m với 18 người cầm chân rồng đi hai bên.
Tại khu vực ngoài sân Chùa Bà, cả một đoạn đường đông nghịt người dân đến xem “cộ Bà”. Người ta bảo không cần làm gì cả, cứ “được theo cộ Bà” là được phúc lớn rồi. Tiếng loa phóng thanh từ bên trong Chánh điện thỉnh thoảng vang ra xướng tên người đấu giá, số tiền đấu giá đèn lồng “của Bà” mỗi lúc một tăng lên. Ban đầu, tôi nghe xướng mức giá 18 triệu đồng cho cái đèn lồng thứ sáu, cứ cách 5-10 phút thì số tiền lại tiếp tục tăng dần. Tôi cố gắng chen vào bên trong đám đông chật cứng để xem “mặt mũi” đèn lồng thế nào, thấy đó là một cái đèn tròn màu đỏ bên ngoài bọc vải đã cũ (kiểu ta thường thấy trong các phim cổ trang Hồng Công). Theo lời người dân ở đây thì năm nào cũng tổ chức đấu giá lồng đèn như vậy, năm ngoái, giá cuối cùng là 80 triệu đồng. Số tiền này được đưa vào quỹ từ thiện của Chùa, còn người đấu giá mong muốn mang được chiếc đèn lồng “của Bà” về nhà mình coi như rước được “phúc lộc thọ” cả năm. Giá cao nhất của đèn lồng năm nay là 120 triệu đồng. Phía trong hậu điện, nơi đặt tượng thờ bằng đồng đen của Bà, đông nghẹt thiện nam tín nữ chen chân thi nhau thắp nhang to nhang nhỏ đủ loại khiến không khí nơi đây trở nên ngộp thở, mù mịt khói nhang cay xè. Cắm nhang vào lư hương xong, người ta chen vào gần hơn để sờ tay vào tượng Bà rồi vuốt lên đầu mình để “cầu an”. Chịu không nổi mùi cay của khói, tôi trở ra ngoài đường.
Bên ngoài, dưới cái nắng chói chang, nhiệt độ gần 360C, Lân, Rồng, Địa, Thần Tài đứng ngồi lố nhố, nhiều người trốn nắng dưới những cái đầu Lân to tướng, hoặc lấy cờ của Đoàn che lên đầu mình. Mồ hôi tuôn dòng dòng trên người như tắm, thỉnh thoảng một chút gió từ mặt sông kế bên thổi đến không đủ xua đi cái nóng kinh người, nóng đến mức độ chúng tôi uống rất nhiều nước mà từ 10 giờ đến hơn 5 giờ chiều không ai có nhu cầu “xả nước cứu thân”, bởi lẽ có bao nhiêu nước trong người nó tuôn ra đằng lỗ chân lông hết rồi.
Khoảng ba giờ chiều, có tiếng loa thông báo kiệu Bà sẽ được rước ra. Tôi trèo lên cái bàn cao nhất ở bãi giữ xe đối diện chùa Bà để chụp hình. Bàn này, ông chủ bãi giữ xe liên tục la hét không cho ai trèo lên đứng cả vì sợ sập bàn, nhưng không hiểu sao ông thấy tôi trèo lên thì ông làm thinh, có lẽ ông “nể” bộ đồng phục “võ sư” (lụi) tôi đang mặc của Đoàn Lân đông người nhất, hoành tráng nhất, đẹp nhất (trong ngày hôm đó) từ Sài Gòn lên.
Xuất hiện từ cửa chính Chùa Bà là nhóm khiêng giá vũ khí Thập Bát Ban Võ Nghệ ra trước, kế đến là kiệu Bà sơn màu đỏ do mười sáu người mặc đồng phục cũng màu đỏ khiêng trên vai. Kiệu Bà vừa xuất hiện, rất nhiều người dân tay cầm cây nhang to bằng cổ tay, dài cả mét đã đốt sẵn chen lại gần tranh thủ cắm vào lư hương Bà. Cắm được ngang như vậy được xem là rất may mắn. Các em nhỏ trang điểm, ăn mặc đẹp đẽ ngồi trước kiệu luôn tay tung hoa giấy lên trời. Đi sau kiệu là “Thất Tiên Cô” tay bưng giỏ hoa, bốn ông Phúc, Lộc, Thọ, Thần Tài tay bưng cục vàng (giả) to đùng, tất cả đều trang điểm, ăn mặc kiểu xưa như phim cổ trang thời nhà Tống. Kế đến là nhóm biểu diễn đi cà kheo cùng với hai con hổ vàng bằng giấy thật là to. Các Đoàn Lân, Rồng, kèn trống từng đoàn nối gót theo sau.
Tôi thấy vui nhất là đội kèn Tây của Hội Tương Tế Quảng Đông mặc đồng phục đỏ, nhìn họ thổi kèn mấy bài nhạc mới rộn rịp, tôi nghĩ Bà Thiên Hậu bây giờ văn minh tiến bộ quá, Bà cũng biết thưởng thức kèn Tây và nhạc Tây nữa kìa. Một ông trong đội kèn Tây thấy tôi đứng gần bèn nói: “Kiếm thêm một người áo vàng nữa lại đây đứng chụp chung tấm hình, nhìn giống y cây đèn giao thông”. Mọi xung quanh được một trận cười vì câu nói đùa hóm hỉnh.
Đoàn rước kiệu đi quanh một vòng qua khu vực chợ Lái Thiêu, từ Chùa Bà cho đến điểm cuối đoạn đường dài hơn ba cây số. Số người đi theo phía sau dài dằng dặc có đến khoảng hơn mười ngàn người. Hai bên đường, người dân lập bàn hương án trước nhà, thắp nhang cầm trên tay đón đoàn rước kiệu đi qua, bưng từng ly nước mát trao cho Đoàn Lân. Tôi nghĩ ngày xưa vua chúa ra đường được dân chúng lập bàn hương án bái vọng dài theo đường cũng chẳng thể hơn cuộc rước “cộ Bà” này. Hồi xưa người ta bị lập hương án vì bắt buộc, bây giờ người dân lập hương án, cho nước mát vì tín ngưỡng, vì niềm tin và cả sự yêu mến khi xem Tứ Linh biểu diễn.
Tôi may mắn được đi sau “Thất Tiên Cô”, thấy mồ hôi trên cánh mũi các “Tiên” chảy ra nhễ nhại, một cô lấy tay áo chùi ngang mặt, làm cho phần trên mặt cô vẫn còn “mắt phụng mày ngài”, nhưng từ cánh mũi trở xuống mất hết son phấn lộ màu da thật ra, phân khuôn mặt thành hai màu da rõ rệt bằng một đường ngang, trông vui không chịu được. Áo quần các “Tiên cô” dài quét đất, lại mang giày cao gót nên đi đứng bất tiện, các cô cứ bước lên vạt áo, gấu quần của chính mình nên thường vấp dúi dụi vào lưng người phía trước. Lợi dụng lúc đoàn rước đứng lại, một “Tiên” áo trắng váy xanh trời ngồi bệt luôn xuống đất, khi mọi người kêu đi tiếp cô mới đứng dậy. Tôi nói với người đánh trống: “Đi chậm chậm thôi, coi chừng Tiên té”. Anh này cười ngặt nghẽo trả lời: “Thấy rồi”.
Lúc này, hai con Rồng to dài Hằng Anh Đường đi hai bên lề đường, chính giữa là đội trống của Đoàn. Chẳng hiểu sao mấy chú kèn Tây áo đỏ lại chui vào giữa đi sát vào phía sau đội trống. Các chú kèn Tây thổi nhạc Xuân át đi cả tiếng trống. Tay trống trẻ dáng người gầy nhỏ của đoàn Lân coi mòi “chịu bề hổng thấu”, bèn nhường chổ cho một võ sư trung niên lực lưỡng bước vào thế chổ. Anh này dạng chân xuống tấn, cứ thúc từng hồi trống đùng đùng mạnh mẽ vang rền như trống xung trận, làm đội kèn Tây nín thinh. Trống đánh dồn dập đòi hỏi bộ trụ phải vững, người đánh trống phải có lực, nên không thể vừa đi vừa đánh. Thành thử, theo nhịp, cứ cách một phút thì trống dừng lại để đánh liên tục trong trong khoảng năm phút rồi nghỉ để đi, rồi lại ngừng để gõ trống tiếp. Các chú kèn Tây thừa cơ hội ngừng tiếng trống là chen vào thổi. Âm thanh trống trầm hùng dồn dập chen với tiếng kèn véo von vang lên từng hồi, người ngoài cuộc không thể biết đang có trận “thư hùng” kèn trống diễn ra giữa đoàn rước kiệu.
Hơn 5 giờ chiều, các đoàn lên xe “ai về nhà nấy” trong bầu không khí vui vẻ, phấn khởi với lời hứa năm sau “đến hẹn lại lên”.
Tạ Phong Tần
Thần Tài, Rồng Vàng, cờ xí của Đoàn Nghệ Thuật Lân Sư Rồng Hằng Anh Đường
.
.
.
Xem thêm hình ở đây
.