31/1/10

VỤ ĐÒI "TỤT QUẦN" GIỮA CÔNG ĐƯỜNG: AI ĐƯỢC QUYỀN "XEM"?

.


Ông Sầm Đức Xương (Ảnh: Báo TT)

Để kêu oan và chứng minh rằng mình bị "mất khả năng đàn ông" nên không thể phạm tội, ông Sầm Đức Xương (bị cáo trong vụ án Hiệu trưởng mua dâm ở Hà Giang) đã đòi "tụt quần" cho Hội Đồng Xét Xử "xem"...

Bình luận về "sáng kiến" này, ông Phạm Hồng Hải- PGS-TS Luật, Trưởng Đoàn LS Hà Nội viết: 

"Theo các quy định của Luật Tố tụng hình sự nước ta, trong quá trình giải quyết vụ án, để thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có thể áp dụng biện pháp khám người, nhận dạng, xem xét dấu vết trên cơ thể. Các biện pháp trên đây được thực hiện theo một thủ tục, trình tự chặt chẽ và không được đi ngược lại truyền thống đạo đức, không vi phạm nhân phẩm, danh dự của con người. Nó phải được thực hiện ở phòng kín, nam khám nam, nữ khám nữ và có một người cùng giới chứng kiến. Quá trình tiến hành và kết quả của việc tiến hành các biện pháp trên đây phải được thể hiện trong một biên bản tố tụng có đầy đủ chữ ký của những người có mặt. Đáng tiếc là ông giáo - nguyên hiệu trưởng nọ đã không biết hay cố tình không biết để định làm một việc chưa từng có trong lịch sử tố tụng hình sự ở VN. Cũng may HĐXX đã bác bỏ đề nghị vô lý và ngây ngô nêu trên của bị cáo."

Tôi không đồng ý với ý kiến của ông Phạm Hồng Hải. Bởi lẽ, liệt dương là một loại bệnh lý, muốn khẳng định đương sự có liệt dương hay không, nhất định cơ quan tố tụng phải có Quyết định trưng cầu giám định và chỉ có Hội đồng giám định pháp y mới có quyền khám và kết luận tình trạng "sống" hay "chết" của "đối tượng". Hội đồng xét xử chỉ có thể căn cứ vào kết luận giám định mà quyết định bị cáo có khả năng phạm tội (đạt) hay không, chớ không thể căn cứ vào biên bản của những người không có chuyên môn về y học.

Trong vụ án hiếp dâm, dù bị cáo chưa hoàn thành hành vi phạm tội (phạm tội chưa đạt), nhưng đã có hành vi thực hiện việc giao cấu trái với ý muốn nạn nhân thì cũng là phạm tội. Còn trong vụ án mua dâm người chưa thành niên, cưỡng dâm (có sự đồng tình cho giáo cấu của nạn nhân), dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội này là đang giao cấu hoặc đã hoàn thành việc giao cấu. Ở đây, ông Xương bị xét xử tội mua dâm người chưa thành niên chớ không phải tội hiếp dâm.

Trường hợp ông Sầm Đức Xương dù có cho 100 người đàn ông "xem", lập 1.001 cái biên bản cũng không có giá trị pháp lý chút nào. Căn cứ các quy định của Bộ Luật TTHS, bị cáo đã "kêu" như thế thì HĐXX phải hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định, vì chứng cứ này không thể bổ sung ngay tại phiên tòa.

Luật gia Tạ Phong Tần

.

29/1/10

THƯA TÁC GIẢ NGUYỄN TỐNG, CÓ PHẢI ÔNG (BÀ) KHÔNG ĐƯỢC ĐI HỌC?

.



Thưa ông (bà) Nguyễn Tống! 


Tôi vừa đọc một bài viết của ông (bà) đăng trên báo CA TPHCM ngày 26/01/2010, dưới ký tên tác giả là NGUYỄN TỐNG. Tôi mặc kệ ông (bà) thuộc giới tính nào, tên ký dưới bài viết là tên thật hay tên giả, tuổi tác trẻ hay già, viết nhăng nhít dài dòng về cái gì; nhưng ông (bà) Nguyễn Tống đã 10 lần nhắc đến mấy chữ "Tạ Phong Tần", "Tần", kèm theo các từ "kẻ" này "kẻ" nọ, nên tôi thấy cần phải "khai hóa văn minh" cho tác giả Nguyễn Tống một số vấn đề:

Thứ nhất: Người có văn hóa, nhất là người làm báo, khi nói, viết đến tên ai, bất kể người đó là ai, đang làm gì, cũng đều phải kèm thêm đại từ nhân xưng ông (bà), anh (chị) phía trước họ tên, tên của người đó nếu người viết không quen biết, không có mối quan hệ họ hàng thân thích với người ta. Ông (bà) viết họ tên, tên tôi một cách chỏng lỏng chơ lơ, xách mé, không có đại từ nhân xưng khiến cho tôi có nhận xét ông (bà) Nguyễn Tống từ trước đến nay chưa hề được có hân hạnh được học tập trong môi trường giáo dục tử tế với những con người tử tế; nên ông không thấy rằng trong giảng đường thầy (cô) giáo dù tóc bạc phơ phơ vẫn gọi học sinh, sinh viên mười tám, đôi mươi tuổi ngồi bên dưới là anh, chị. Vì vậy, ông không học được cách hành xử có văn hóa của người trí thức, nên ông (bà) đã dùng thứ ngôn ngữ giống như một tên vô lại, lưu manh đầu đường xó chợ. 

Thứ hai, ông (bà) Nguyễn Tống viết rằng tôi viết bài "và tung đầy lên mạng internet" là ông (bà) Nguyễn Tống đã bịa đặt sai sự thật một cách trắn trợn, bịa đặt không biết xấu hổ. 

Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, "tung" có nghĩa là: Làm cho di chuyển mạnh và đột ngột lên cao; Làm cho đột ngột mở rộng ra, gần như ở mọi hướng; đưa ra cùng một lúc, nhằm mọi hướng; Làm cho rời ra thành nhiều mảnh và bật ra mọi hướng. "Đầy" nghĩa là: Lên đến tận miệng; Rất là nhiều. 

Tôi viết bài đăng trên trang blog cá nhân của tôi, ông (bà) Nguyễn Tống lại nói tôi "tung đầy lên mạng internet"  làm cho người đọc phải hiểu rằng: tôi đã đăng bài của tôi lên rất nhiều trang khác trên mạng (ngoài blog), chổ nào cũng có, đâu đâu cũng có, làm đầy ứ đến tận cổ người xem. Rõ ràng, ông (bà) Nguyễn Tống đã cố tình phóng đại quá trớn nhằm ý đồ tung tin sai sự thật.

Có lẽ ông (bà) Nguyễn Tống mãi lo nhồi nhét vào đầu những thứ "tư tưởng" tận đâu đâu nên chưa được học đạo đức, lễ nghĩa Thánh Hiền. Tôi cũng có thể gọi lại ông (bà) là Nguyễn Tống này, Nguyễn Tống nọ, là thằng kia, con nớ, nhưng tôi không làm điều đó, chỉ vì tôi không phải là loại người vô học và mất dạy. 

Tôi thật xấu hổ dùm khi thấy một tờ báo mang danh là báo Nhà nước mà lại để những thứ ngôn ngữ rác rửi, đầu tôm xương cá như thế nằm chường ường trên tờ báo của mình. 

Cổ nhân cố câu: "Ngưu tầm ngưu, Mã tầm mã" quả không sai!

Tạ Phong Tần
.

27/1/10

PHƯƠNG PHÁP KHỦNG BỐ TINH THẦN CỦA CÔNG AN

.


Suốt mấy năm qua bà Dương Thị Tân tức vợ blogger Điều Cày, vẫn bị công an canh chừng trước cửa và bám sát theo khi ra khỏi nhà.

Sau  khi bị bắt giải về nhà  vì đã tới nghe ngóng tình hình phiên  xử bốn nhà hoạt động dân chủ Lê Công Định , Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long hôm 20 tây, đến giờ bà Dương Thị Tân tức vợ blogger Điều Cày đang ở trong tù, vẫn bị công an canh chừng trước cửa và bám sát theo khi ra khỏi nhà. Bà Tân cho hay điều đáng nói là công an còn liên tục gọi con trai của bà lên đồn làm việc với thái độ dọa nạt khiến cháu rất sợ hãi. Mời quí vị nghe cuộc trao đổi giữa người vợ của blogger Điều Cày với Thanh Trúc:
Con cái bị ép buộc bỏ học để công an thẩm vấn
Thanh Trúc: Thưa bà Dương Thị Tân, vào ngày xử các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, bà có đến tòa theo dõi vì được nghe nói vụ án này có liên quan đến ông Điều Cày chồng bà, sau đó bà đã bị bắt?

Bà Dương Thị Tân: Mới đầu họ muốn đưa tôi về công an quận nhưng mà sau đó họ đổi ý, họ đưa tôi thẳng về nhà tôi và cắt khoảng sáu đến mười người túc trực ngày đêm, ngồi đóng chốt ngay chân cầu thang. Điện thoại của tôi thì xin nói là họ có thể cho nghe và có thể không cho nghe. Tùy theo. Cũng có một số tin nhắn của bạn bè tôi từ ngày hôm trước đến ngày hôm sau mới tới máy của tôi.
Thanh Trúc: Cho đến lúc này công an vẫn túc trực tại trước nhà bà ngày đêm như bà nói?
Bà Dương Thị Tân: Vâng. Nhưng mà bây giờ họ đi xa ra ngoài cái cổng một tí xíu. Ở đầu đường hay ở bên kia đường. Tôi đi đâu bất kỳ chỗ nào họ đều có người đi theo.
Thanh Trúc: Thế bà đi chợ, đưa con cái đi học hay có những sinh hoạt cần phải đi ra ngoài thì sao?
Bà Dương Thị Tân: Sinh hoạt thường ngày thì đương nhiên tôi vẫn cứ phải đi, nhưng đằng sau tôi là các chiến sĩ công an , đi theo rồi chụp hình những nơi tôi đến. Thí dụ nhà bạn bè hay nhà thầy cô giáo của các cháu. Đi chợ họ cũng  theo sát ngay sau lưng thôi.
Thanh Trúc: Họ mặc sắc phục công an hay thường phục?
Bà Dương Thị Tân: Họ mặc thường phục chứ họ không dại gì mà mặc sắc phục công an đâu.

Thanh Trúc: Thế thì làm sao bà biết được họ là công an ?
Bà Dương Thị Tân: Hai năm nay tôi liên tục phải tiếp xúc với họ thành  ra nhìn họ là tôi biết. Thậm chí có những hôm mà tôi  không đi xe và tôi yêu cầu họ chở tôi họ cũng chở luôn. Hỏi những cậu đó thì các cháu nó cũng không biết gì đâu, nó bảo đây là lệnh thì nó chỉ làm theo lệnh, còn những việc khác thì do cấp trên chỉ xuống.

Lúc nào họ cũng nghĩ tôi là cầu nối gì đó, như theo một lần họ đưa tôi ra công an , họ bảo tôi là làm một cầu nối giữa bạn bè ông Hải và ông Hải ở trong tù. Từ đó  họ ngăn chặn đến nay là tám tháng tôi vẫn chưa được gặp mặt ông Hải. Thức sự cuộc sống của tôi vô cùng căng thẳng.

Nỗi bức xúc thì vô cùng. Nêu mà bản thân tôi thôi thì tôi còn có thể chịu đựng. Nhưng các cháu các con của tôi họ liên tục trong ba ngày hai mươi, hai mốt, hai hai, họ đưa con trai thứ hai của tôi đi ra công an liên tục làm việc. Mặc dù tôi có trinh bày là ba cái ngày đó cháu phải đi thi. Họ bảo cái việc thi cử là việc tự điều chỉnh. Tôi cũng không hiểu họ bắt con tôi điều chỉnh lịch thi của nhà trường như thế nào. Nhưng họ cứ giữ cháu  thôi mặc dù con tôi không có tội hay là vi phạm cái gì về pháp luật cả.

Bị hăm dọa bắt buộc viết theo ý của công an
Thanh Trúc: Bà có bao giờ xin được gặp cấp chỉ huy của họ để hỏi cho ra lẽ?
Bà Dương Thị Tân: Tôi cũng có yêu cầu một đôi lần,  nói là phải cho tôi biết lý do thì họ nói với tôi rằng chỉ thị như vậy và  yêu cầu phải đạt được cái mục đích như thế. Thậm chí có người bảo không biết cấp trên là ai, chỉ biết nhận lệnh thôi.
Cũng giống như khi đưa con tôi ra công an họ bảo phải viết theo ý của họ còn nếu không thì cứ ngồi đấy, “chúng tao có đủ người  để làm việc với mày từ sáng đến đêm”, họ nói với con trai tôi như vậy.
Thanh Trúc: Và phản ứng của con trai bà như thế nào?
Bà Dương Thị Tân: Thì cháu  rất là hoảng loạn. Cháu nói với tôi là các chú yêu cầu con phải viết theo những gì các chú muốn, mà con bảo con không biết thì làm sao con viết. Các chú bảo nếu không viết tức không đạt yêu cầu thì chuẩn bị tinh thần để làm việc liên tục liên tục. Mà trong khi đó cái thời điểm này là thời điểm thi cử của con tôi nhưng mà họ không cho con tôi đến trường. Họ đến tận nhà thầy cô giáo của con tôi họ chụp hình là tôi đã thấy một cái sự phi lý vô cùng. Sau này biết đâu họ làm ra những cái chuyện gì khác.
Thật sự cháu chưa bao giờ va chạm với lại các chú công an cả, mà khi ra đó một mình cháu có ít nhất ba người liên tục thẩm cung và sau đó có một số người khác , cũng mặc thường phục  nhưng mặt mũi bậm trợn, đi ra đi vô nhìn thẳng vào mặt con tôi một cách giống như là uy hiếp tinh thần vậy đó. Lúc ấy tôi chứng kiến, tôi đứng ở đó, tôi yêu cầu là “nhà nước trả lương cho các ông ăn nhìn thì các ông chỉ được phép nhìn từ xa chứ đến gần con tôi và gây tai nạn một lần nữa cho con tôi thì tôi sẽ không để yên cái chuyện này”
Thanh Trúc: Bà nói là “gây tai nạn” tức là trước đó con bà đã bị gây tai  nạn hay sao?
Bà Dương Thị Tân: Vâng. Trước  đó con tôi có bị một vụ tai nạn. Tôi có đến công an tôi nói thẳng tại sao các ông làm như vậy thì họ nói họ không được ai báo cáo. Tất nhiên là họ chối, ai dại gì mà nhận. Vì khi mà họ thi hành những chỉ thị của cấp trên thì họ thi hành tập thể và khi chỉ ra trách nhiệm thì không có ai chịu nhận trách nhiệm cả.
Thanh Trúc: Theo bà đây có phải là hành động có mục đích khủng bố tinh thần bà và gia đình bà?
Bà Dương Thị Tân: Tôi chắc chắn điều đó vì họ đã làm những điều đó với nhiều người. Tôi đã từng được người  ta răn đe rất nhiều lần bằng hình thức đưa ra  kiểm điểm , giáo dục dù tôi không phạm tội, không làm gì vi phạm pháp luật cả. Nhưng mà mỗi tháng một lần họ đưa tôi ra để răn đe và giáo dục tại địa phương.
Thanh Trúc: Nếu bây giờ bà nói chuyện, bà trả lời Thanh Trúc như thế này thì liệu bà có sợ rằng bà sẽ gặp thêm khó khăn?
Bà Dương Thị Tân: Như tôi đã nói là tôi đã và đang chịu những áp lực và những khó khăn dồn dập cho nên tôi thấy mọi sự rất bình thường. Bởi vì những cái khó khăn và áp lực đó liên tục  liên tục đối với tôi.
Thưa bà Dương Thị Tân, xin cảm ơn những lời chia sẻ, cầu chúc bà và gia đình bình an.





.

26/1/10

ĐÊM QUA TUI MƠ GẶP CỤ MARX

.


Tháng rồi, tui được tặng một bộ Cựu Ước 2 quyển nặng cỡ bốn ký lô (hổng biết có nhắm chừng quá hay không) và một quyển Tân Ước. Sách này khác với các sách mới xuất bản đang bày bán ở Nhà sách bởi lẽ nó được in lần đầu năm 1975, bản dịch của Linh mục Nguyễn Thế Thuấn - Dòng Chúa Cứu Thế - Sài Gòn. Ngoài văn phong, cách diễn đạt, trình bày, các tên riêng của người, địa danh hầu như không phiên âm tiếng Việt mà giữ gần nguyên bản gốc tiếng Hípri. Hình như lâu lắm rồi chủ nhân không dở sách ra đọc nên bao da bên ngoài bám đầy bụi và lên mùi mốc. Gia chủ bảo nhà có đến hai bộ giống thế này nên tặng tui một bộ, nghe nói các Thầy, các Cha ở Học viện DCCT đang dùng bộ sách này để học và giảng hàng ngày. Tui hí hửng quá chừng, đỡ tốn tiền mua mà. Thời buổi khủng hoảng "gas quế gạo châu", cần phải triệt để thực hiện nguyên tắc: "Tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm", nếu không thì dễ bị bệnh thủng túi lắm.


Đêm qua, tui đem quyển Cựu Ước 1 ra, mới đọc đoạn đầu của cuốn Khởi Nguyên, phần Thiên Chúa tạo thành Trời Đất và con người đầu tiên như thế nào; không biết có phải vì ánh sáng yếu, chữ nhỏ quá, sách nặng quá mà dễ mờ mắt, mỏi tay hay "cầu được ước thấy" mà mới đọc có mấy trang tui đã nhắm mắt ngủ khì. Thần trí lơ mơ, nhẹ bỗng, thấy mình đang đi phiêu phiêu nhẹ nhàng trên con đường nhỏ giữa cánh đồng xanh mướt, mát mẻ, xung quanh chim hót líu lo, bướm lượn chập chờn thiệt là vui mắt. Cứ đi tới, đi tới, đi tới, thình lình thấy cuối con đường hiện ra trước mặt tui cái cổng thiệt bự, trên bảng đề hai chữ "Thiên Đàng". Lạ quá,  "Thiên Đàng" mà còn viết bằng chữ Việt nữa, chẳng lẽ mình đi lạc vào chổ người ta đang thiết kế sân khấu hài ngoài trời sao? Nhìn vô trong, sương khói mịt mờ không rõ bóng người, có lẽ họ muốn cản trở người lạ dòm ngó rồi "nhiều chuyện" chăng?

Tui đương đứng lấp ló ngoài cổng chờ coi có ai ra để hỏi thăm sự lạ thì thấy lù lù từ trong cổng bước ra một cụ ông vóc dáng cao lớn, mắt sâu mày rậm, mũi to, râu bạc mọc mất lút mồm, tóc trắng như cước hơi xoăn dài bù xù như cái bờm sư tử đực, mặc áo màu xám xanh dài đến gót chân kiểu xưa tui thường thấy trong mấy bức tranh vẽ thời Phục Hưng. Nhìn cụ tui thấy sao có nét quen quen quá chừng, phải mất mấy phút tui mới nhớ ra là hồi nhỏ tui thường thấy ảnh cụ trong lớp học của tui. Cái bức hình mà người ta hay kể chuyện tiếu lâm là: "Trước ảnh Bác và hai ông Tây, chúng tôi xin thề...". Thì ra nhìn cụ lạ là vì cái áo mới.

Tui bèn chạy theo:
- Cháu chào cụ. Cụ có phải là cụ Karl Marx, cha đẻ của học thuyết chủ nghĩa cộng sản nổi tiếng thế giới hay không?

Cụ đứng lại nhìn tui, trả lời:
- Phải, chính là lão đây.

Tui hỏi tiếp:
- Cụ ơi, ở đây có phải là Thiên Đàng thiệt hông? Sao Thiên đàng mà cũng dùng chữ Việt? Ủa, mà cháu nói tiếng Việt, cụ là người Đức mà, sao cụ cũng nghe được? Cụ ơi, học hồi nào mà cụ nói tiếng Việt giỏi quá dzị?

Cụ Marx cười ha ha rồi nói:
- Hồi mới lên đây lão cũng hỏi mấy câu y như cháu vậy đó. Sao Thiên Đường mà dùng chữ Đức? Sao Thánh Pie giữ cổng lại nói tiếng Đức? Thánh Pie mới nói rằng Thiên Đàng xài chung một thứ chữ viết, một thứ tiếng nói, bất cứ dân tộc nào lên đây cũng đều được Thiên Chúa ban cho tràn đầy Thánh Thần nên chữ nào, tiếng nào nhìn cũng thấy giống như tiếng mẹ đẻ của mình thui. Hồi mới tạo ra con người trên mặt đất, con người chỉ dùng một thứ tiếng nói. Sau đó, con người muốn "chơi trội", cùng nhau xây một cái tháp thiệt là cao để leo lên trời. Thiên Chúa giận bèn cho mỗi nhóm người nói một thứ tiếng khác nhau để họ không hiểu nhau, dẹp cái chuyện xây tháp leo lên trời luôn.

Tui reo lên:
- Cụ nói đúng quá, cháu nhớ ra rồi, trong Tân Ước cũng có viết sau khi Chúa Giê-su phục sinh, Người đã ban Thần Khí cho các Thánh Tông đồ là người Do Thái được nói nhiều thứ tiếng lạ khác nhau để đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Thiên Chúa cho nói nhiều thứ tiếng khác, rồi lại cho cùng nhau hiểu một thứ tiếng cũng là chuyện bình thường thôi. Cụ Marx ơi, mười mấy năm đi học, cháu khổ sở nhồi nhét thi cử cái học thuyết của cụ gần chết. Hồi sinh tiền cụ là người chủ trương vô thần mà, sao bây giờ cụ lại có mặt ở đây và có vẻ rành rẽ Kinh Thánh quá? Cụ có thể vui lòng dành cho cháu một cuộc phỏng vấn bỏ túi được không?

Cụ Marx lại cười hì hì:
- Được, được! Lão rất là vui lòng. Bây giờ lão rất rảnh, suốt ngày chỉ đi ra đi vô "hái hoa bắt bướm" thôi. An nhàn sung sướng hưởng thụ tuổi già. Lâu ngày không ai nhắc lại chuyện xưa của lão, nay có người hỏi kể ra cũng thú vị, sẳn đây lão đính chính luôn những điều người trần gian ngộ nhận về lão, mà lão thì nằm im dưới ba thước đất rồi, đâu có ngồi dậy mà cãi lại chúng được. Còn bọn ấy thì đời nào chúng được lên Thiên Đàng mà hòng gặp gỡ, rầy la, mắng mỏ chúng.

Tôi mừng rơn, được nước lấn tới: - Vậy là cháu bắt đầu hỏi cụ nhe! Câu thứ nhất là: Xin cụ Karl Marx cho Nhà báo Tự Do biết nguyên nhân nào cụ sáng tạo ra học thuyết chủ nghĩa cộng sản?

Cụ Marx: Lão sinh năm 1.818 bên bờ sông Rhine thơ mộng nước Phổ. Cha mẹ lão giàu có và theo đạo Thiên Chúa, nhưng đến khi lão trưởng thành thì gia đình suy sụp, túng thiếu. Năm 20 tuổi, lão bắt đầu yêu tiểu thư Jenny xinh đẹp và giàu có. Gia đình Jenny không chấp nhận lão, cho dù lão đã hết sức nhẫn nhịn, cố gắng đạt được nhiều bằng cấp, học vị nhưng họ cũng chẳng coi bằng cấp của lão là cái đinh gì. Vì vậy, lão quyết chí làm một cái gì đó nổi đình nổi đám, khác người để bọn họ phải nể mặt lão. Hồi xưa Nero dám đốt cả Roma để lấy cảm hứng làm thơ thì tại sao lão lại không dám đẻ ra một cái học thuyết, cho dù nó mơ hồ và viễn vông, làm quà cưới dâng dưới chân người đẹp. Nhờ vậy mà năm 25 tuổi lão cưới được Jenny đấy.

Tui: Thưa cụ Marx, lúc đó cụ có thật sự muốn làm "chính trị chính em", xóa bỏ toàn bộ quyền tư hữu hay xây dựng thế giới đại đồng gì đó hay không?

Cụ Marx: Đương nhiên là không. Lão chỉ nói thế thôi, "lật đổ bằng bạo lực toàn thể trật tự xã hội đương thời" ư? Sẽ có biết bao người vô tội chết thảm, tàn nhẫn lắm, dù sao gia đình lão cũng là người có đạo. Cũng chính nhờ cái sự tư sản của bạn thân lão- tức lão Engels, mà lão an tâm sống và viết. Engels chu cấp tiền bạc cho gia đình lão.

Tui: Có người nói rằng chuyện cụ Marx và cụ Engels đều coi cuốn "Tư Bản Luận" là "cuốn sách bị nguyền rủa" (the damned book) bởi vì nó sẽ mang lại một "cơn ác mộng", là "thế lực thù địch" bịa đặt nói xấu hai cụ. Thưa cụ, điều ấy có đúng không?

Cụ Marx: Thằng nào dám láo lếu bảo rằng "thế lực thù địch" bịa chuyện? Nói cho tao biết tao vả gãy răng nó. Tụi tao không có quyền đánh giá lại việc làm của mình à?

Tui: Cụ ơi, cụ đừng nóng, bình tĩnh lại nào. Cụ đã khẳng định như thế thì để cháu truyền đạt lại nguyên văn cho đúng ý cụ. Thưa cụ, theo học thuyết của cụ thì xã hội loài người trong chủ nghĩa cộng sản là một xã hội xóa bỏ tất cả quyền tư hữu, quyền thừa kế, xóa bỏ tôn giáo... để tiến tới một xã hội "làm chủ tập thể" về mọi phương diện? Theo cụ, điều đó có thực tế và có đúng không?

Cụ Marx: Tiếc rằng lúc sinh thời lão không biết chữ của người phương Đông, không đọc được câu "Cha chung không ai khóc" được đúc rút từ kinh nghiệm của ông cha mấy ngàn năm để lại. Nếu biết thì lão đã không làm những việc lão đã làm. Cái gì cũng tập thể, cũng chung thì mạnh ai nấy làm biếng, mạnh ai nấy ăn cắp đem về nhà mình, thì chỉ có phá nát chớ tiến bộ, phát triển gì được.

Tui: Thưa cụ Marx, nghe nói cụ từ trần vào năm 1.883. Trước khi mất, cụ đã nói: "Tôi không còn theo lý thuyết của Marx" (Je ne suis plus Marxiste). Còn một trong những người con gái của cụ, lúc đầu cũng theo tư tưởng của cụ, sau lúc cụ về già thì cô ấy lại bỏ, trở về với đạo của ông bà, tổ tiên là Do Thái giáo?

Cụ Marx: Chuyện này thì đúng. Người phương Đông có câu: "Điểu chi tương tử kỳ minh giã ai, nhơn chi tương tử kỳ ngôn giã thiện", giải thích ra là "Con chim sắp chết thì tiếng kêu bi thương, con người sắp chết thì nói lời nói phải". Câu lão nói lúc sắp chết mới là lời nói thật lòng của lão đó.

Tui: Xin cụ cho biết thêm: Từ người vô thần cụ trở lại thờ lạy Thiên Chúa từ lúc nào, vì sao cụ được lên Thiên đàng?

Cụ Marx: Từ lúc lão tuyên bố mình không phải là một người Marxiste. Mỗi người khi sinh ra đã mặc nhiên là chiên của Chúa, chỉ có con người từ bỏ Thiên Chúa, chớ Thiên Chúa không bao giờ bỏ con người. Nếu con người biết chân thành sám hối, trở lại dưới chân Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ mở rộng đôi tay để đón con chiên lạc lối trở lại nhà. Vì vậy mà lão được lên Thiên đàng.

Tui: Thưa cụ Marx, cụ có trông thấy cụ Lênin ở trong Thiên đàng không?

Cụ Marx: Thôi đừng nhắc đến tên ấy nữa. Nhắc đến lão sợ rùng cả mình, tóc tai dựng ngược hết lên đây. May cho lão biết sớm ăn năn tội và trở về nhận tổ quy tông nên lão mới chết an nhàn, chết thư thái, được chôn cất bên cạnh Jenny yêu dấu của lão đàng hoàng, được lên Thiên đàng. À, Jenny hiện nay cũng ở chung với lão đấy cháu ạ. Còn hắn thì chết không toàn thây, bị mổ phanh bụng, mất hết lòng ruột, bị trấn nước nhúng lên nhúng xuống... Nghe đồn hiện giờ mỗi ngày hắn vẫn đang chịu tội dưới Hỏa ngục, bị đốt cháy xèo xèo xèo, kêu gào thảm thiết vì tội ác giết người hàng loạt gì đó. Lão mới vừa xem hình vụ thảm sát hàng loạt ở khu rừng Katyn bên Ba Lan trên Internet, ghê quá. Thằng kia chắc cũng lại ở cùng chổ với thằng nọ thôi, ác quá mà. Mà cháu có xem chưa? Lão  thấy, lão thấy...

Tui: Dạ, dạ. cháu xem hình rồi cụ ơi. Cụ đừng miêu tả nữa, cháu cũng muốn chết khiếp rồi. Thôi cháu xin phép cụ, cháu đi đây. Cảm ơn cụ đã trả lời phỏng vấn.

Cụ Marx: Khoan đi đã. Lâu lắm lão mới gặp người trần gian đến thăm nói chuyện thời sự với lão. Ở chơi với lão vài tháng hẳng về...

Nghe đồn một ngày ở Thiên đàng bằng một năm hạ giới, cụ Marx mời ở chơi vài tháng tui làm sao dám, trở về còn ai nhìn ra tui nữa. Tui bèn co giò chạy thẳng về chốn trần gian, mặc cho ông cụ cứ giậm chân gọi í a í ới. Vì vậy mà hôm nay tui mới ngồi đây kể chuyện này cho quý vị cùng nghe. 

Tạ Phong Tần
.


22/1/10

DẪU KHÔNG LÀ CHÚA...

.

Thầy Tặng (mặc áo dòng, thứ 3 tính từ trên xuống) 
trong phiên xử sơ thẩm giáo dân Thái Hà


(Bài viết này dành kính tặng Thầy Antôn Nguyễn văn Tặng)


Thời gian gần đây, đọc tin tức về tình hình anh chị em ở Đồng Chiêm, là tín hữu Kitô giáo, ai cũng không khỏi đau lòng khi chứng kiến bạo lực, bất công lan tràn, Thánh giá- biểu tượng ơn cứu chuộc của Đức Giê-su bị xúc phạm. Tôi chưa kịp viết thư chia sẻ với anh JB Nguyễn Hữu Vinh thì lại được tin Thầy Antôn Nguyễn Văn Tặng bị "kẻ lạ" đánh đập đến bất tỉnh, máu me đầy thân thể, mặt mũi. Thật đau xót khôn cùng!


Tôi được hân hạnh quen biết với Thầy Tặng hồi tôi ra Hà Nội tham dự phiên xét xử tám giáo dân Thái Hà. Tôi cũng có dịp gặp gỡ Thầy nhiều lần ở nhà thờ Kỳ Đồng- Sài Gòn. Với mọi người, Thầy Tặng chỉ là một tu sĩ trẻ, tầm vóc nhỏ bé, hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ lễ phép, bề ngoài không nổi bật, không địa vị, chức vụ gì. Nhưng Thầy luôn là người nhiệt tình, năng nổ, hết lòng làm việc phụng sự Chúa và cộng đoàn. Nơi nào giáo dân có khó khăn, nơi nào cần một tinh thần dũng cảm đón đầu sóng ngon gió, nơi đó có mặt Thầy. Có lẽ vì thế mà Thầy Tặng được Luxiphe "đặc biệt chiếu cố" chăng? Nghe nói, những "kẻ lạ" đã đánh đập Thầy cũng từ Hà Nội vào Đồng Chiêm, và cũng là "người quen mặt cũ" của Thầy. Buồn thay cho đất nước mình sao lúc này lắm sự "lạ" hoành hành một cách ngang nhiên như chốn hoang dã không luật pháp. Hết chuyện "tàu lạ", "người lạ" đánh đập, cướp bóc ngư dân ta, "pa-nô sử dụng hình người lạ" để mừng Quân đội ta, nay đến "kẻ lạ" thi nhau gây thương tích cho giáo dân, tu sĩ...


Đức Giê-su đã từng nói "'Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi'." (Ga 18, 37-38). Nghe tiếng Chúa, Thầy chẳng qua cũng là ghi nhận lại hình ảnh sự thật đang diễn ra quanh Thầy mà thôi, nhưng những kẻ muốn che giấu, bưng bít sự thật thì sẽ căm ghét Thầy. Việc này cũng không lạ, chẳng phải Thánh Gio-an, Phao-lô đã từng mô tả trong sách Khải huyền (Kh 13, 4; Kh 14, 11-17). Trong Thư gởi tín hữu Ê-phê-xô (Ep 6, 10-17), Thánh Phao-lô cũng đã chỉ rõ:


"...chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao... 


Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa."


Xin Thầy hãy tin tưởng, quanh Thầy luôn có những tấm lòng của anh chị em tín hữu hướng đến Thầy. Cách đây mấy ngày, một người bạn của tôi đã gởi cho tôi một bài viết có trích đoạn thơ, trong đó tôi nhìn thấy bóng dáng của Thầy, và tất cả những tín hữu giống như Thầy. Tôi xin viết lại để tặng Thầy:


"... đã gánh cây thập ác đi trọn đường trần ai của mình. 
Không vứt xuống
Không chạy trốn.
Không ngã gục.
Không dừng bước
Và dẫu không là Chúa, các ông đã được phục sinh"


Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ cho những ai còn lương tri phải cúi đầu ngưỡng mộ rồi!


Maria Tạ Phong Tần
.

20/1/10

TƯỞNG NIỆM 36 NĂM TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA (19-01-1974)

.


Cựu Phó Đề đốc Hải Quân VNCH Hồ Văn Kỳ Thoại


Ngày 19/1/1974 sau một cuộc hải chiến ngắn ngủi, hải quân Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa, khi ấy do Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố chủ quyền.
Ngày 19/01/2008, CLB NBTD và những anh em khác biểu tình phản đối tại Nhà hát Thành phố sài Gòn.
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu Phó Đề đốc hải quân Việt Nam CH, nguyên Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải là một trong các chỉ huy tham dự trận đánh. Ngày 19/01/2010, BBC Luân Đôn có bài phỏng vấn ông


Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Vài ngày trước ngày 19/1, chúng tôi chịu trách nhiệm bảo vệ Vùng 1 Duyên hải, kể cả các hải đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Chúng tôi thấy xuất hiện những sinh hoạt bất thường trên đảo. Trong các đảo thuộc chủ quyền VN thì đảo Hoàng Sa (Pattle) có người ở. Trên đảo có đài khí tượng và một đại đội lính đồn trú.
Những đảo kia thuộc quyền kiểm soát của VNCH, và không có quân. Khi thấy xuất hiện một số sinh hoạt khác thường trên đảo, chúng tôi cử người nhái và biệt hải lên thăm dò thì thấy quân nhân lạ và những chiếc tàu đánh cá có võ trang xuất hiện xung quanh.
Chúng tôi cư xử ôn hòa mời họ ra khỏi đảo. Tuy nhiên tàu lạ có hành động khiêu khích. Được sự đồng ý của tổng thống, chúng tôi dùng vũ lực để mời họ ra.
Trận hải chiến xảy ra vào lúc 10 giờ sáng ngày 19 tháng Giêng. Sự thiệt hại của hai bên coi như bằng nhau. Chúng tôi có tất cả 58 sĩ quan và thủy thủ đã bỏ mình trên chiến hạm, kể cả hai người nhái trên đất liền.
BBC: Là sĩ quan, và đồng thời là người lính tham chiến, cảm nghĩ của ông thời gian đó như thế nào sau khi bị mất đảo?
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Bây giờ nhìn lại, thấy rõ ràng năm 1973 khi Hoa Kỳ bắt đầu rút khỏi Việt Nam, thì quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu đơn độc không có sự hỗ trợ của đồng minh.
Hoa Kỳ vốn là đồng minh trợ giúp nhiều nhất thì đã rút khỏi Việt Nam. Lúc đó miền Nam lại đang vướng vào cuộc chiến với Hà Nội, thành ra chúng tôi không có đủ quân để giữ những hải đảo đó.
Tuy số quân hai bên không khác nhau nhiều nhưng chiến hạm của Trung Quốc tối tân hơn của VNCH. Chúng tôi quyết định rút lui khi cố vấn Hoa Kỳ cho biết 17 chiến hạm của TQ đang trên đường tới khu vực và khả năng sẽ có phi cơ phản lực tới từ đảo Hải Nam.
Hạm đội 7 của Hoa Kỳ ở gần đó đã không trợ giúp, ngay cả khi chúng tôi cầu cứu.
BBC: Hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đang vướng vào tranh chấp về biển đảo, trong đó có Trường Sa. Lúc này Việt Nam không nằm trong liên minh quân sự nào, không có hậu thuẫn của một thế lực hay cường quốc nào. Ông có lo sợ trong tương lai sẽ xảy ra các cuộc hải chiến như vậy không, và có khả năng Việt Nam sẽ mất đảo?
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Theo tôi nghĩ, chuyện đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, vì Việt Nam là quốc gia nhỏ bé trong vùng. Chuyện liên hệ quá gần gũi với Trung Quốc cũng có mặt dở của nó, đó là TQ hay lấn tới, có những hành động mà VN không nói gì được. Trung Quốc đâu có đụng các quốc gia khác ở vùng này như vậy đâu.
Tôi nghĩ sự đe dọa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nếu chính phủ Việt Nam không có thái độ thật mạnh hoặc dứt khoát, chuyện mất đảo vẫn có thể tiếp tục. Không chỉ đảo xa mà còn đến những đảo gần hơn nữa.
BBC: So sánh về tương quan lực lượng giữa hải quân của hai nước, liệu có thể ví một bên là chàng khổng lồ, con bên kia là người tí hon được không, thưa ông?
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Theo tôi nghĩ chuyện tương quan lực lượng không thể đặt ra được vì hải quân TQ rất mạnh. Họ có rất nhiều tàu chiến, nhất là về phương diện tàu ngầm.
Còn hải quân Việt Nam, tuy có sự cố gắng nhưng không bao giờ có được những chiến hạm để đối phó với hải quân của một cường quốc như TQ. Nếu đụng độ giữa hai hải quân, tôi nghĩ hải quân VN không thể đương đầu nổi.
_____
Mời xem thêm loạt bài Hoàng Sa - Tường Trình sau 35 năm và video trận Hải chiến Hoàng Sa ở đây






11/1/10

ĐỒNG CHIÊM CÓ CÂY THÁNH GIÁ "NGUY HIỂM" HƠN VỠ ĐÊ (?!)

.



CAND ngày 26/5/2009 cho hay: "Toàn phường Tứ Liên có 350ha đất thì 300ha nằm ngoài đê, theo quy định, phần lớn diện tích trên nằm trong vùng thoát lũan toàn đê điều nên việc xin phép xây dựng phải tuân theo những quy định chặt chẽ. Cho đến nay, dù chưa có quy hoạch nhưng phần lớn diện tích đất cả thổ cư lẫn đất nông nghiệp nơi đây đã được xây nhà ở cao tầng.". 
Ông Hoàng Đình Nghĩa- Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên (Hà Nội) còn xác nhận: "Số hộ xây dựng không phép lên đến trên 1.000 trường hợp, thuộc nhiều tổ dân phố. Đến nay mới có duy nhất một trường hợp xin được thỏa thuận của các cơ quan chức năng để lấy giấy phép xây dựng."


Thế đấy, ngay giữa thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi tập trung tất cả các cơ quan đầu não của Chính phủ Việt Nam, mà người ta ngang nhiên xây trái phép hàng ngàn nhà cao tầng, người ta tha hồ đào nền, đóng móng ầm ầm, làm cho nguy cơ vỡ đê sông Hồng có thể thấy trước mắt. Có lẽ lớp trẻ ngày nay chưa biết hậu quả nghiêm trọng của vỡ đê sông Hồng là như thế nào, xin mời hãy đọc tác phẩm "Vỡ đê" của cố nhà văn-nhà báo Vũ Trọng Phụng.


Tôi muốn nhấn mạnh các cụm từ "phần lớn diện tích", "trong vùng thoát lũ", "an toàn đê điều", "đã được xây nhà ở cao tầng". Hơn 1.000 căn nhà xây cất kiên cố gia chủ không thể xây trong một ngày mà xong, và dù việc mọc lên những căn nhà cao tầng ấy đe dọa đến sự an toàn tính mạng, tài sản của cộng đồng, nhưng những căn nhà ấy vẫn nghiễm nhiên đã, đang và sẽ còn tồn tại vì nó đang được... chờ quy hoạch để hợp thức hóa từ trái phép thành được phép. Vì vậy, chính quyền thành phố Hà Nội và các cấp lãnh đạo ở Trung ương chưa hề huy động lực lượng hùng hậu để giải tỏa hơn 1.000 "hiện vật" trái phép kia. Xem ra chính quyền nhân từ, yêu dân quá!


Thế nhưng, điều lạ là ở Giáo xứ Đồng Chiêm, hồi tháng 3/2009, giáo dân dựng trên đỉnh Núi Thờ một cây Thánh giá bằng bê tông trên khu đất nghe nói cũng là nghĩa trang hài nhi của Giáo xứ, thì chính quyền Hà Nội có cách hành xử khác hẳn. Lúc 2 giờ sáng ngày 06/01/2010, "hàng ngàn cảnh sát, công an các loại với dụng cụ hỗ trợ dùi cui, roi điện, mìn, pháo mù đã tới bao vây giáo xứ Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, điên cuồng dùng mìn tự tạo phá dỡ cây thánh giá được giáo dân giáo xứ Đồng Chiêm dựng trên Núi Chẽ còn gọi là Núi Thờ.". Với lực lượng quân đội hùng hậu, đông đúc, cùng các loại vũ khi quân dụng được trang bị tận răng như thế này, máu giáo dân muốn bảo vệ biểu tượng thiêng liêng của dức tin đã đổ dưới chân Thánh giá. 
Sau đó, để cản trở giáo dân dựng lại Thánh giá mới, giáo dân nói rằng người ta lại tổ chức bắt người trái phép, đánh đập, hăm dọa, bắt viết cam kết (trái ý muốn người bị bắt) không được dựng Thánh giá mới. Có lẽ người ta cũng biết rõ hễ làm việc xúc phạm Chúa thì bị dư luận phẫn nộ, lên án nên việc tiếp theo là đổ một đống đất giữa đường để cản trở bất cứ ai từ xa đến thăm Giáo xứ Đồng Chiêm, còn Cảnh sát Việt Nam thì góp công ngăn chặn ký giả AFP bằng lý do trời ơi đất hỡi là "khu vực đang có tranh chấp đất đai"(?!).  


Xem hình, tôi thấy cây Thánh giá ở Đồng Chiêm về mặt "bề thế" chỉ là con kiến đứng bên con khủng long nhà xây trái phép ở đê sông Hồng. 


Cứ theo sự việc mà suy, phải chăng ta có thể hiểu phía chính quyền Hà Nội cho rằng sự tồn tại của cây Thánh giá nhỏ xíu trên  đỉnh Núi Thờ Giáo xứ Đồng Chiêm "nguy hiểm" hơn cả nguy cơ gây vỡ đê sông Hồng của hơn 1.000 căn nhà bê tông, nên cần phải cương quyết hạ bệ Thánh giá đi? Thánh giá nguy hiểm, hay chính những ai tâm địa bất chính nên hễ nhìn thấy Thánh giá thì trong dạ bất an? Hay kết luận của "Hiệp hội Portes Ouvertes, Việt Nam đứng hàng thứ 21 trong danh sách 50 quốc gia truy bức người Thiên Chúa giáo" là hoàn toàn đúng?


Tạ Phong Tần
.