29/9/09

QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG KHAI

.



"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".


Quyền bình đẳng là quyền được đối xử như nhau (giống nhau, ngang bằng nhau) về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục,... không phân biệt thành phần và địa vị xã hội, trong đó, trước tiên và cơ bản nhất là bình đẳng trước pháp luật.

Bình đẳng trước pháp luật là nguyên tắc thể hiện sự bình đẳng về các quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân trước Nhà nước, pháp luật và Toà án, là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ. Nguyên tắc này được ghi nhận ở điều 52 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và gia đình.

Bình đẳng trước pháp luật còn là quyền được xét xử công khai, công bằng và đúng pháp luật. Tội danh truy tố bị cáo, chứng cứ buộc tội, gỡ tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ phải thuyết phục được đa số đồng tình và ủng hộ, nói nôm na là "tâm phục khẩu phục".

"Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.

Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.". (Điều 18 BLTTHS)

"Mọi người" tức là không hạn chế một ai đã thành niên đến tham dự xem xét xử, bất kể người tham dự có liên quan hay không liên quan đến vụ án, có giấy triệu tập của Tòa án hay không có. Nếu có giấy triệu tập, bạn phải bắt buộc đến phiên tòa vì đó là nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, bạn tham gia trực tiếp vào diễn biến phiên tòa với tư cách người bị hại, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ (dân sự) liên quan, người phiên dịch, người giám định, người giám hộ, người đại diện theo ủy quyền, người bào chữa. Nếu không có giấy triệu tập, giấy mời, bạn tham dự với tư cách cử tọa, quan sát.

Về khoản "trừ trường hợp do Bộ luật này quy định" thì BLTTHS giới hạn không được mang trẻ em vào phòng xử, trừ phi do yêu cầu của Hội đồng xét xử. Nếu ai đó vào phòng xử mà gây ồn áo, náo động thì HĐXX có quyền ơời ra ngoài, yêu cầu cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt hành chính hay bắt giữ, xử lý hình sự (tùy trường hợp cụ thể); nhưng không được quyền hạn chế người tham gia vì lý do "Nghi làm ồn".

Khác với xét xử công khai, xử kín là người tham dự phiên tòa chỉ giới hạn ở một số người có giấy triệu tập được vào phòng xử, cử tọa không được vào, cũng không truyền hình ảnh diễn biến phần thủ tục, xét hỏi, tranh luận ra ngoài.

Những trường hợp cần giữ gìn thuần phong mỹ tục thường là xét xử các vụ án hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi.... và việc xử kín này thường theo yêu cầu của phía người bị hại; nếu bị hại không yêu cầu thì Tòa vẫn xét xử công khai, chớ không phải vụ nào liên quan đến tình dục thì đều xử kín.

"trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước" thì xử kín. Bí mật nhà nước là gì? Cụm từ này rất quen thuộc trên các báo, nhưng người dân ít ai hiểu rõ khái niệm của nó, mà người ta chỉ hiểu một cách chung chung cái gì thuộc Nhà nước thì... đều bí mật. Cách hiểu này không đúng và hạn chế quyền công dân.

Điều 1 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước (số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000) định nghĩa:

"Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Như vậy, những thứ gì của Nhà nước quản lý đã kể ở trên mà Nhà nước không công bố, chưa công bố, nếu tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước (phải đảm bảo đủ 2 điều kiện về hành vi và hậu quả) thì mới được coi là bí mật Nhà nước. Trường hợp Nhà nước không công bố, chưa công bố nhưng nếu tiết lộ mà không gây nguy hại gì cho Nhà nước thì cũng không được coi là "bí mật Nhà nước".

Bí mật Nhà nước được phân chia làm 3 mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Phạm vi của tuyệt mật và tối mật được quy định tại Điều 5, Điều 6 Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.

"Danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định" (Điều 7), "Việc lập, quyết định, thay đổi độ mật và giải mật đối với từng bí mật nhà nước phải được tiến hành theo thẩm quyền và thủ tục quy định tại Pháp lệnh này" (Điều 9). Danh mục này được lập, trình phê duyệt mỗi năm, chỉ những mục nào có tên trong Quyết định được phê duyệt mới được coi là bí mật Nhà nước; chớ không phải cứ tùy tiện đóng con dấu "mật" đỏ đỏ, vuông vuông vào rồi bảo nó là "mật" thì nó là "mật" thật. Hoặc khôi hài hơn là hành vi phát ngôn vô tội vạ "mật từ miệng" mà chả có mảnh giấy lộn lưng. Cái loại "mật từ miệng" này cũng là "mật" nhưng không phải là "bí mật Nhà nước" mà là "lớn mật", dám ngang nhiên cho mình cái quyền ngồi trên pháp luật, tự đặt ra pháp luật để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường thấy cơ quan tố tụng viện dẫn lý do "bí mật" để cản trở cử tọa vào tham dự các phiên xét xử, nhất là khi bị cáo bị truy tố các tội thuộc chương xâm phạm An ninh quốc gia.

Tuy nhiên, căn cứ vào quy định của Pháp lệnh bí mật Nhà nước, căn cứ vào nội dung quy định tại 14 Điều luật ở chương này (từ Điều 78 đến Điều 91 BLHS) thì chúng ta thấy rằng chỉ duy nhất điểm c khoản 1 Điều 80 (Tội gián điệp) là dính dáng đến bí mật thuộc Nhà nước quản lý: "Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; các nội dung Điều luật còn lại thì mô tả hành vi phạm tội đều là do bị cáo tự mình làm ra, chớ không liên quan gì đến bí mật Nhà nước.

"Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm." (Điều 27 BLHS). Bộ luật TTHS nhấn mạnh tính giáo dục và phòng ngừa, vì vậy, trong thực tế cơ quan tố tụng thường tổ chức những phiên xử lưu động ngoài trời để tạo điều kiện rộng rãi, thoáng đãng cho cử tọa tham gia càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đáng lẽ phải công khai để người dân biết hành vi phạm tội cụ thể thế nào mà phòng tránh thì luôn bị lạm dụng để cản trở người tham dự. Tạm chưa bàn đến bản án có xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không, nhưng trong trường hợp này, hình phạt dường như được dùng để trả thù, để trừng trị, để thỏa mãn, chớ không có ý nghĩa giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Điều 10 Bộ Luật Tố Tụng Hình sự quy định: "Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.". Đồng thời, phải "Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo" (Điều 11).

Một trong những biện pháp nhằm bảo vệ quyền bình đẳng trước pháp luật, hạn chế sự lạm dụng quyền lực, áp đặt chủ quan, chứng cứ sơ sài, buộc tội hàm hồ, bào chữa bâng quơ, tuyên án bỏ túi... là nguyên tắc xét xử công khai. Nếu bị cáo may mắn được tại ngoại từ trước thì bị cáo còn có cơ hội để kêu gào về những sai phạm của cơ quan tố tụng, còn bị cáo đang bị tạm giam thì đương nhiên không có cơ hội kêu cầu công lý, nhất là những trường hợp án bỏ túi được "xét xử theo chỉ đạo", có kháng cáo thì cũng chỉ "lưu hành nội bộ", trong vòng "bí mật" mà thôi, án xử đúng hay sai, đầy đủ hay thiếu sót không ai hay biết.

Điều 3 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định rõ: "Nghiêm cấm mọi hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật Nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật Nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch Nhà nước.".

Trong thực tế, để che giấu hành vi cản trở người dân, báo chí tham dự phiên tòa, có nơi người ta không cho cử tọa vào phòng xử mà đặt màn hình truyền trực tiếp ra ngoài, nhưng điều lạ là mỗi khi HĐXX, Công tố nói thì âm thanh rất rõ, còn khi bị cáo, nhân chứng hay luật sư nói thì âm thanh cứ khẹc khẹc suốt từ đầu đến cuối làm bên ngoài chả ai nghe thấy gì. Hoặc người ta đem nhét các bị cáo vào cái phòng con con tít trên cao không phải là trụ sở Tòa án, rồi lấy lý do "phòng chật", "cơ quan nhà nước không phận sự cấm vào"... để cản trở cử tọa vào tham dự phiên tòa.

Như vậy, xét xử công khai không những là biện pháp để cho người dân, dư luận xã hội, báo chí tham gia kiểm tra, giám sát tính đúng đắn của hoạt động tố tụng, để giáo dục, phòng ngừa tội phạm; mà còn là quyền lợi hợp pháp của công dân.

Để bảo vệ quyền được xét xử công khai, khi xét thấy hành vi bị cáo buộc phạm tội của bạn không liên quan gì đến bí mật Nhà nước, mà trong phiên xử bạn không trông thấy người nhà, bạn bè quen thuộc, cơ quan báo chí... có mặt trong phòng xử, thì bạn có quyền từ chối xét xử, từ chối trả lời mọi câu hỏi. Đừng vội tin vào luận điệu là "không ai đến" của bất cứ ai. Hãy nhớ rằng chỉ có hạng súc sinh mới không đến, còn người thân, bạn bè tốt của bạn không thể không đến, mà một khi họ vắng mặt tất có lý do mờ ám.

Bạn đừng sợ việc từ chối này sẽ làm bản án cho bạn thêm nặng nề, xin thưa với bạn rằng: Khi việc xét xử có nhiều khuất tất và phải dấm dúi, giấu giếm dư luận thì khả năng một bản án "không giống ai" được duyệt trước nằm sẳn trong túi vị Chủ tọa Hội đồng xét xử từ lâu, bạn có "ngoan ngoãn" hay từ chối xét xử cũng thế thôi.

Tạ Phong Tần
.

22/9/09

Ý: THỦ TƯỚNG = DÂN THƯỜNG

.



"Quyền được biết của công chúng tất yếu bao hàm quyền đặt câu hỏi của báo chí". Đó là phát biểu của ông Miklos Haraszti - Đại diện tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) yêu cầu Thủ tướng Ý Berlusconi rút lại việc kiện 2 tờ báo về tội mạ lỵ và đòi bồi thường 3 triệu euro.


Cách hành xử của ông Thủ tướng Ý cho thấy dù ở cương vị nguyên thủ quốc gia, ông Berlusconi  vẫn xem mình là một công dân Ý bình thường và bình đẳng với mọi công dân Ý khác. Ông Berlusconi không hợm hĩnh, khệnh khạng dùng quyền lực đang có trong tay để "chỉ đạo" từ trên xỉ xuống cho bộ máy hành pháp Ý "đập" cho "banh" 2 tòa báo nọ và bỏ tù đứa nào dám viết báo "mạ lỵ" ông; mà ông coi như đó là quyền dân sự và là một tranh chấp dân sự khi cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm. Như vậy, nếu Tòa án Ý thụ lý đơn kiện, ông Berlusconi (hoặc người đại diện) phải có nghĩa vụ chứng minh trước Tòa chi tiết hành vi "mạ lỵ" cụ thể như thế nào, hậu quả là ông bị thiệt hại các khoản A, B, C, D.... gì đó và thêm khoản bồi thường danh dự nữa thì cộng lại bằng 3 triệu euro. Nếu không chứng minh được sẽ không được bồi thường. Dĩ nhiên, bị đơn sẽ được tranh luận với nguyên đơn một cách bình đẳng, công khai tại Tòa, không hề có chuyện bị áp lực "ngoan cố không được khoan hồng" dù biết rằng mình đúng.


Có lẽ luật Hình sự tại Ý không hề có điều khoản nào quy định về "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ...." hay "Tội tuyên truyền chống nhà nước...", trong đó nội dung điều luật tuy không quy định nhưng luôn được "người có trách nhiệm" giải thích ngoài lề rằng "vạch áo lãnh đạo (chưa đến "trình độ" lãnh tụ) cho người khác xem thẹo" cũng là... chống nhà nước?


Vụ kiện của ông Berlusconi khiến tôi nhớ lại vụ án của hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) bị bắt giam, xét xử "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ...." (Điều 258 BLHS). Nguyên văn Điều luật là: "Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt...".


Vụ án đã xét xử xong, phạm nhân đã thụ hình xong, báo chí trong nước cũng đã thông tin về vụ án xong nhưng đến nay tôi vẫn chưa biết hai nhà báo kia đã có hành vi "lợi dụng" như thế nào, ai bị thiệt hại, thiệt hại cụ thể là gì (cân, đong, đo, đếm như thế nào)?


Thương cho người cầm bút ở Việt Nam vừa viết vừa run!
Tạ Phong Tần
.

18/9/09

HÔM KỈA, HÔM KIA LÀ SINH NHẬT TỚ

.


Hôm kỉa, hôm kia, tức ngày 15/9 là sinh nhật tớ. Thế mà tớ quên béng đi mất, phây phây tỉnh bơ như không có gì. Hôm qua, thấy bên nhà Ba Sài Gòn post hình Nguyễn Tiến Trung và chúc mừng sinh nhật Trung tớ mới nhớ ra là tháng 9 có sinh nhật 3 người là: tớ (15/9), Tiến Trung (17/9) và anh Điếu Cày (23/9).

Photobucket

Hôm nay, chúc mừng sinh nhật Tiến Trung muộn, chúc mừng sinh nhật anh Điếu Cày sớm, biết đâu đến ngày lại không chúc được.
Mời quý vị bằng hữu gần xa ăn bánh cùng chung vui với chúng tớ nhé!
Photobucket

15/9/09

VIỆT NAM CÓ TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ TỰ DO BÁO CHÍ HAY KHÔNG?

.

Việt Nam có tự do báo chí và tự do ngôn luận hay không? Mời quý vị xem bản án phúc thẩm hành chính lần thứ 2 (số 25/2009/HC-PT ngày 21/7/2009) về việc "khiếu kiện Quyết định buộc thôi việc" của Tòa phúc thẩm Tòa Án Nhân dân Tối Cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mới toanh đấy nhé! (CL&ST mới nhận được qua đường Bưu điện). 

Chú ý, đây là Tòa Án Nhân dân Tối Cao, tức cơ quan hành pháp quyền lực cao nhất trong hệ thống cơ quan xét xử nước CHXHCN Việt Nam chớ không phải mấy cái Tòa vớ vẩn ở quê đâu. 

Xin nói rõ đây là vụ kiện quyết định đuổi việc của Sở Thương mại - Du lịch Bạc Liêu (nay là Sở Công Thương) hồi năm 2007 đối với Tạ Phong Tần vì lý do Tạ Phong Tần đã cả gan... viết báo. Vụ kiện kéo dài cho đến tháng 7/2009.
Người Việt có câu: "Trăm nghe không bằng một thấy". Xin cám ơn Tòa Án Nhân dân Tối Cao nước CHXHCN Việt Nam đã "có công" chứng minh (bằng một bản án có đóng con dấu quốc huy to đùng đỏ chói) cho toàn thế giới thấy sự thật về quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí ở VN hiện nay.

Xem bản án xong rồi, mời quý dzị đọc lại các bài báo bị cho là "lấn tuyến sang lề trái" (link nằm trong bài phản biện), sau đó đọc bài phản biện của tác giả bài báo. Những ý kiến phản biện này đã được trình bày tại phiên tòa (thông qua người đại diện) trong 4 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm công khai.

(Xem bản án Sơ thẩm lần 1 ngày 26/2/2008 của Tòa án tỉnh Bạc Liêu;
Xem bản án Phúc thẩm lần 1 ngày 24/6/2008 của Tòa án tối cao hủy án sơ thẩm lần 1 với lý do thiếu đại điện Viện kiểm sát;
Xem bản án Sơ thẩm lần 2 ngày 01/4/2009 của Tòa án tỉnh Bạc Liêu)

HĐXX lần này còn đòi "giám định", "xử lý" toàn bộ những bài báo của tớ nữa cơ. Chúa ơi! Nhân tiện thông báo cho các Quý Ông có tên sau đây được rõ để chuẩn bị khăn gói "hầu Tòa" nhé: Lê Văn Nuôi và Lê Hoàng (nguyên TBT báo Tuổi Trẻ), Nam Đồng (nguyên TBT báo PL TPHCM); Lê Cảnh Thuận (nguyên TBT báo Pháp Luật VN), Nguyễn Anh Tuấn (TBT báo điện tử Vietnamnet), Trần Thanh Hải (nguyên TBT báo Người Lao Động), Hữu Ước (TBT báo CAND), ... (Danh sách này sẽ còn bổ sung tiếp nếu tớ nhớ ra thêm).

Lý do hầu Tòa: Các Quý Ông liệt kê ở trên là "đồng phạm giúp sức" cho đăng bài của tớ trên báo mình.

Hai bài phản biện này đã viết từ khi xét xử phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm lần 1, tôi chưa có điều kiện viết bài mới. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm lần 2 này nội dung cũng không có gì mới hơn các lần trước nên bài phản biện cũng không lạc hậu. Lúc nào có điều kiện tôi sẽ viết tiếp bài mới.

Tớ tin rằng quý dzị đủ thông minh, sáng suốt để nhận biết sự thật khách quan!
 
Tạ Phong Tần 


Bản án phúc thẩm lần 2 ngày 21/7/2009


Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Mời xem tiếp bên dưới










BÀI PHẢN BIỆN Ở PHIÊN TÒA SƠ THẨM LẦN 1

.
Kính gởi: Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bạc Liêu 
 
Tôi, Tạ Phong Tần, là người khởi kiện vụ án hành chính về việc “kiện Quyết định buộc thôi việc” đối với người bị kiện là Sở Thương mại-Du lịch Bạc Liêu. Hồ sơ vụ án HC-ST thụ lý số 01/2008/TLST-DS ngày 24/8/2007.
      Tôi xin trình bày quan điểm của tôi trước HĐXX phiên tòa sơ  thẩm như sau: 

I- VỀ  NỘI DUNG:  

Quyết  định số 291/QĐ-TM&DL ngày 27/4/2007 và Quyết định số 346 QĐ-TM&DL ngày 24/5/2007 của Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Bạc Liêu là trái pháp luật về nội dung:
1. Không chỉ ra được hành vi vi phạm cụ thể là gì:
      Trong Đề nghị số 248/ĐN-HĐKL ngày 11/4/2007, công văn số 249/CV-TM&DL ngày 16/4/2007 của Sở TM-DL Bạc Liêu quy kết vi phạm nhiều lỗi nhưng không chỉ ra được hành vi vi phạm của từng lỗi là gì, được thực hiện như thế nào, ngày tháng năm nào, sai chổ nào so với điều khoản nào của Pháp lệnh cán bộ Công chức mà chỉ nói chung chung.  
      Cụ  thể: 
      - Không có quy định nào buộc công chức viết báo phải báo cáo xin phép lãnh đạo cơ quan;
      - Đối với tác phẩm báo chí, đánh giá nội dung tác phẩm tốt xấu như thế nào thuộc thẩm quyền Bộ Văn Hóa - Thông Tin. Tuy nhiên, thực tế chưa có văn bản giám định, kết luận nào của Bộ VH-TT về những bài viết của Tạ Phong Tần nhưng Sở TM-DL cho rằng những bài báo như “Nguyên tắc dân chủ tập trung” (đăng trang BBC ngày 19/6/2006), “Năm căn bệnh của công chức ở VN” (đăng BBC ngày 30/5/2006) “không đúng sự thật, thiếu chính xác” là không có căn cứ (Tự khai ngày 9/10/2007 của ông Nguyễn Trung Tiến). 
      Trong các cuộc họp, lãnh đạo Sở đã không chỉ ra được câu nào trong hai bài viết đó là không đúng, mà chỉ nói chung chung.
      Bài  “Nguyên tắc dân chủ tập trung” mà lãnh đạo Sở đề cập thực chất nguyên văn cả câu là: “Bàn về nguyên tắc dân chủ tập trung trong tư tưởng Hồ Chí Minh”, ngay từ đầu, tôi đã ghi rõ “Trong phạm vi bài viết này, tôi không đi sâu vào khái niệm “nguyên tắc tập trung dân chủ” chúng ta vẫn thường dùng, mà chỉ bàn về “nguyên tắc dân chủ tập trung” trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vì sao Hồ Chủ tịch không dùng cụm từ “nguyên tắc tập trung dân chủ” mà lại dùng cụm từ “nguyên tắc dân chủ tập trung”. Nội dung bài viết là “Nghiên cứu tác phẩm “Hồ Chí Minh Toàn Tập” (12 tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, tái bản lần thứ 2, năm 2000) toàn bộ các bài viết, bài phát biểu của cụ đều không có cụm từ “tập trung dân chủ” mà cụ đã 17 lần dùng cụm từ “dân chủ tập trung”. Rõ ràng, đó là cách dùng từ của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh chớ không phải của tác giả bài viết. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở đã cắt khúc câu văn trong bài báo rồi suy diễn theo ý thức chủ quan, hoàn toàn không chỉ ra được trong bài viết này câu nào không đúng.
      Bài báo “Năm căn bệnh của công chức ở VN” đăng BBC ngày 30/5/2006 mà lãnh đạo Sở cho rằng đây bài báo “vi phạm”; nhưng bài này báo tử Vietnamnet đăng ngày 06/2/2006 với tên bài “Vấn đề công chức: Còn đó những căn bệnh trầm kha” và sau đó website Thanh Tra Chính Phủ đăng lại từ BBC (ngày 19/1/2007) vẫn với tên gọi “Năm căn bệnh của công chức ở VN”. Lãnh đạo Sở cũng không chỉ ra được trong bài viết này câu nào là sai, câu nào không trung thực. 
      Việc một bài báo được đăng công khai, hợp pháp tại Việt Nam, sau đó hơn 2 tháng được BBC đăng lại, rồi  được chính Thanh Tra Chính Phủ đăng lại từ BBC thì bài báo này vi phạm ở điểm nào?
      Lãnh đão Sở cho rằng hai bài báo nói trên “làm  đề tài cho các thế lực thù địch xuyên tạc, đả kích…” là lý do để kỷ luật lại càng không có căn cứ pháp luật. Toàn bộ hệ  thống pháp luật Việt Nam nói chung và Nghị định số 35/2005/NĐ-CP nói riêng không có quy định nào về việc người này làm (tức “thế lực thù địch xuyên tạc, đả kích…) thì người khác (tức tác giả bài báo) phải chịu trách nhiệm.  

Nói thêm:
      Báo Tuổi Trẻ ngày 16/02/2004 viết: 
      BBC là cơ quan truyền thông lớn nổi tiếng thế giới của Anh Quốc có quá trình hoạt động gần 82 năm “theo nguyên tắc không thiên vị, không đảng phái, không định kiến...”, “Hiện dịch vụ tin tức quốc tế của BBC phục vụ cho 150 triệu khán giả toàn cầu, sử dụng 43 ngôn ngữ. Ngay cả người dân Mỹ cũng thường xuyên xem truyền hình của BBC vì họ cho rằng truyền thông Anh “ít chịu tác động của Chính phủ hơn”. Vì vậy, BBC bị Chính phủ Anh đe dọa giải thể cơ quan truyền thông này. “Người dân Anh, vốn thường hãnh diện nói về BBC như một cơ quan truyền thông trung thực và không cúi đầu trước áp lực của chính quyền, chắc chắn sẽ không hài lòng về vụ giải thể này. Với họ, đó sẽ là một bước lùi của tự do ngôn luận”. 
      Về  quan hệ kinh tế, Việt Nam và Vương Quốc Anh có mối quan hệ hợp tác hữu nghị và Việt Nam được Anh giúp đỡ nhiệt tình. “Về vốn ODA, Vương quốc Anh đã cam kết viện trợ không hoàn lại cho chúng ta 100 triệu USD với cơ chế rất thoáng và chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng chủ động chứ không giống như một số cơ chế khác. Việt Nam hiện đã được xếp vào hàng nhận vốn ODA cao nhất của nước Anh ở khu vực Châu Á”. Điều này được Phó Thủ tướng Vũ Khoan thừa nhận khi trả lời phỏng vấn báo Người Lao Động (website chính thức của Bộ Kế Hoạch - Đầu Tư đăng lại):
      Các  website của Bộ Văn Hóa - Thông Tin ngày 30/06/2006), Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại-Bộ Nông Nghiệp & PTNT ngày 21/1/2005), báo điện tử Vietnamnet ngày 25/04/2003) đều dùng từ một cách trang trọng khi nói đến BBC: “…các cơ quan truyền thông quốc tế rất quan trọng: CNN, CBS, BBC, CNBC”, “hãng thông tấn BBC”, v.v… Hoàn toàn chưa có cơ quan thông tin đại chúng hay website nào của Đảng, Chính Phủ nói rằng BBC là “phản động” cả.
      Một số nhân vật khả kính trong Chính Phủ, quan chức  ở Việt Nam như: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, GS-TS Võ Tòng Xuân, hiện là Hiệu trưởng trường ĐH An Giang; Tổng Biên Tập đương nhiệm báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học ở Hà Nội; Ông Trịnh Tiến Điều -Trưởng Ban Lịch Nhà Nước; Tiến sĩ Lê Kiên Thành- con trai của cố Tổng Bí Thư Đảng CSVN Lê Duẩn, ứng cử viên Đại biểu Quốc Hội khóa X… đều trả lời phỏng vấn của BBC.
      (Xin xem bản in đính kèm hoặc xem trực tiếp trên Internet tại các địa chỉ trong danh sách kèm theo nêu trên)
      Thiết nghĩ, những nhân vật kể trên và Tổng Biên tập website Bộ Ngoại Giao, TBT báo Thanh Niên đều có chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước, đều là Đảng viên Đảng CSVN nên đều có nhận thức về chính trị rất cao, rất sâu sắc… nhưng đều không từ chối trả lời phỏng vấn và được đưa tin về việc trả lời phỏng vấn của BBC một cách công khai, trịnh trọng. Thử hỏi với một website nếu bị Đảng và Nhà nước cho là “phản động” thì những người kể trên có cư xử cung kính như vậy với BBC hay không?
      Viết bài hay trả lời phỏng vấn cũng đều giống nhau là một cách thể hiện quan điểm của cá nhân về một vấn đề nào đó mà thôi, chỉ khác nhau ở biện pháp thể hiện, một đàng thì dùng chữ viết, một đàng thì dùng lời nói. Vì vậy, không nên có sự phân biệt, kỳ thị giữa viết và nói.
      BBC điện tử còn dành riêng một “Trang đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh” với chủ  đề “Hồ Chí Minh - huyển thoại và di sản” và Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam duy nhất, là nguyên thủ quốc gia duy nhất được BBC dành riêng một “trang đặc biệt” như vậy. Thử hỏi, nếu một website “phản động” thì họ có dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một sự trân trọng như vậy hay không? 
      Mặt khác, website BBC không bị tường lửa Việt Nam ngăn chận chứng tỏ đây là website nước ngoài  được công nhận tại Việt Nam, nếu là các trang có nội dung xấu như: Á Châu Tự Do, web sex… thì ở Việt Nam không bao giờ truy cập trực tiếp vào một cách dễ dàng như BBC.
      TTXVN thì gọi là “Tập đoàn truyền thông BBC của Anh” (16/1/2006).
      Báo Lao Động -Tiếng nói của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (21/6/2006) và Tạp chí Nghề báo Việt Nam (27/6/2006) đồng đăng thông tin “Nhà báo Bill Hayton - Trưởng đại diện BBC tại VN” là một hình thức khẳng định BCC là cơ quan truyền thông hoạt động công khai và hợp pháp tại Việt Nam.
      Vì  các lý do kể trên mà tôi viết bài gởi đến báo điện tử BBC (Luân Đôn, Anh Quốc) mà không gởi cho báo nào khác ở nước ngoài.
      Tất cả những bài viết của tôi đăng trên trang web BBC (Luân Đôn) thì có bài đã đăng ở trong nước rồi và BBC đăng lại, sau đó trong nước lại đăng lại bài của BBC. Cũng có bài chỉ đăng ở BBC. Có bài đăng ở mục Việt Nam, có bài đăng ở mục Kinh tế và có bài ở mục Diễn đàn là tùy Tòa soạn họ bố trí, người viết không có quyền quyết định. Có bài thì bạn đọc cũng phát biểu ý kiến đồng tình, phản đối lung tung, cũng có bài chẳng có ý kiến nào. 
      Ví  dụ: Bài “5 căn bệnh của công chức Việt Nam”  đăng lần đầu tại báo điện tử Vietnamnet, lần thứ 2 tại website BBC, lần thứ 3 tại website Thanh Tra Chính Phủ. 
      Đọc báo thì người đọc đương nhiên sẽ có chính kiến riêng của họ, có người đồng tình cũng có người phản đối ý kiến của tác giả, đó là chuyện đương nhiên; con cùng cha cùng mẹ sinh ra mà mỗi người còn mỗi tánh ý khác nhau thì nói chi đến thế giới bên ngoài; đâu phải đọc BBC họ mới có chính kiến còn đọc Vietnamnet hay Thanh Tra Chính Phủ thì họ không có chính kiến, có điều nơi thì cho nói thoải mái trên web của Tòa soạn, nơi thì không cho nói mà thôi. Nhưng họ không nói trên Vietnamnet hay Thanh Tra Chính Phủ không có nghĩa là họ không nói ở chổ khác, nên không quy chụp chủ quan rằng tôi “làm đề tài” trên BBC. 
      Nguyên tắc hoạt động của cơ quan truyền thông BBC là đề cao tự do ngôn luận, cá nhân nào theo CNCS thì có quyền ca ngợi CNCS, cá nhân nào theo CNTB thì có quyền ca ngợi CNCS, tất cả bạn đọc của BBC đều bình đẳng như nhau. Họ đã bình luận, phát biểu tự do ý kiến cá nhân 82 năm rồi, trước cả khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nên không thể nói ý kiến nào trái với quan điểm chúng ta thì lại cho rằng người ta “xuyên tạc”, và cũng không cần phải có một Tạ Phong Tần viết bài thì mới “làm đề tài cho các tư tưởng phản động, các thế lực thù địch tuyên truyền, xuyên tạc, đã kích, bôi nhọa lãnh đạo, nói xấu chế độ ta”. Nếu cứ cho rằng vì có Tạ Phong Tần mà người ta mới có “đề tài” để “tuyên truyền, xuyên tạc, đã kích, bôi nhọa lãnh đạo, nói xấu chế độ ta”, thì 81 năm về trước không có Tạ Phong Tần viết bài cho BBC thì BBC phải dẹp tiệm?
      Chủ  tịch Hồ Chí Minh hay Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm  đã sống một cuộc đời cách mạng giản dị đúng tinh thần một người Cộng sản chân chính, hành động đường đường chính chính sáng như mặt trời thì không mây mù nào có thể che lấp được, đức độ sừng sững như núi cao thì không có gió bão nào làm lung lay, làm cho đối phương cũng phải kính phục, ngưỡng mộ. Hồ Chí Minh được “các thế lực tư sản thế giới” truy tặng danh hiệu “Danh nhân văn hóa thế giới”, Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm thì được chính các binh sĩ Mỹ hết lời ca ngợi, thán phục. Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh, có Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm thật là vinh dự và hãnh diện. Nếu Đảng viên chúng ta cứ “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, nêu cao tấm gương “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; chúng ta quang minh chính đại, tâm hồn trong sáng, luôn luôn vì nước vì dân thì không sợ ai nói xấu hay xuyên tạc.  
      Xuyên tạc, đả kích, bôi nhọ, nói xấu là hành vi dùng lời nói, chữ viết đơm đặt, bịa chuyện lừa dối, biến không thành có, biến có thành không, đổi trắng thay đen, trỏ hươu nói ngựa… nhằm mục đích làm sai lệch sự thật khách quan, lừa dối người nghe tin vào một vấn đề gì đó không có thật. 
      Ai muốn nói gì là quyền tự do ngôn luận, tự  do báo chí của họ, ta không thể bịt mồm họ  được, còn chuyện họ nói mà quần chúng có  nghe theo, làm theo hay không là một lĩnh vực hoàn toàn khác. Trong thời đại ngày nay, khi mà trình độ dân trí ngày một nâng cao (người ta còn nói “dân trí” cao hơn “quan trí” nữa đấy), thì đâu phải ai nói gì dân chúng cũng đều nhắm mắt nhắm mũi nghe theo không phân biệt tốt xấu. Nếu cho rằng chỉ cần mấy lời “tuyên truyền, xuyên tạc, đã kích, bôi nhọa lãnh đạo, nói xấu chế độ ta” mà dân chúng nghe theo thì rõ ràng đã đánh giá thấp trình độ nhận thức của quần chúng, xem thường quần chúng là những người ngu dốt, mông muội, không biết phân biệt đúng sai rồi. Làm lãnh đạo mà không hiểu quần chúng, xa rời quần chúng như thế thì có thể làm một lãnh đạo tốt phục vụ lợi ích quần chúng nhân dân được hay không?
      Chỉ  sợ chính bản thân mình thật sự xấu mà cứ  hay bao biện, che giấu, sơn phết mỹ miều, ai nói  đến cái xấu của mình thì cho rằng người ta chống đối mình, không có tinh thần cầu thị, thì đã xấu lại càng xấu thêm. 
      Tại Bạc Liêu, dự án xây dựng trường mầm non Hoa Mai bị  kéo dài hết năm này đến năm khác do một số  người cố tình biến việc làm đúng đắn ấy thành “chính quyền cướp đất”, “chiếm đoạt cơ sở thờ tự tôn giáo”. Chính phủ Việt Nam ký Hiệp ước về xác định đường biên giới phía Bắc giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc bị bóp méo trở thành “Chính Phủ Việt Nam cắt đất Việt Nam dâng cho Trung Quốc để đổi lấy sự ủng hộ của Trung Quốc trên trường quốc tế”. Chẳng biết Đảng ủy khối có quy cho Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu và cựu Thủ tướng Phan Văn Khải “làm đề tài cho các tư tưởng phản động, các thế lực thù địch tuyên truyền, xuyên tạc, đã kích, bôi nhọa lãnh đạo, nói xấu chế độ ta” hay chưa?
      Tôi  đơn cử vài bài viết tại trang web BBC như sau: 
      Bài  “Ý kiến về con đường dân tộc” (BBC ngày 4/4/2006, nguyên tác là bài "Đảng của dân tộc" đăng tại trang web của tạp chí Tia Sáng thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam) của Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cùng với âm thanh BBC phỏng vấn GS Tương Lai. Bài này có 54 ý kiến phản hồi đồng tình lẫn phản đối bên dưới của người Việt trong và ngoài nước.
      Hay trong bài “Việt Nam không thể có đa đảng”, ông Phạm Thế Duyệt - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam trả lời phỏng vấn BBC (ngày 24/4/2006). Bài này có 50 ý kiến phản hồi đồng tình lẫn phản đối bên dưới của người Việt trong và ngoài nước.
      Ngay như một bài nội dung tưởng chừng như vô  thưởng vô phạt là “Tết Việt Nam sớm hơn Trung Quốc” (BBC, ngày 8/7/2006) phỏng vấn ông Trịnh Tiến Điều là trưởng Ban Lịch nhà nước. Bài này có 34 ý kiến phản hồi đồng tình lẫn phản đối bên dưới của người Việt trong và ngoài nước. 
      V.v…  và còn rất nhiều bài viết kiểu như thế  này của các vị lãnh đạo cấp cao trong bộ máy Chính phủ Việt Nam. Chẳng biết các ông Phạm Thế Duyệt, Trịnh Tiến Điều, GS Tương Lai… có phải viết kiểm điểm vì đã “làm đề tài cho các tư tưởng phản động, các thế lực thù địch tuyên truyền, xuyên tạc, đã kích, bôi nhọa lãnh đạo, nói xấu chế độ ta” hay chưa? 
      Xin hỏi đối với những trường hợp đã liệt kê  ở trên lãnh đạo Sở và tất cả cán bộ Sở đã làm gì để thực hiện nghĩa vụ  “Trung thành với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ sự an toàn, danh dự và lợi ích quốc gia” (khoản 1 Điều 6 Pháp lệnh CBCC)? Hay lãnh đạo Sở chỉ biết lạm dụng quyền lực để kỷ luật cán bộ vô căn cứ theo kiểu “khôn nhà dại chợ”, “lấy thịt đè người” bất phân phải trái?
      Từ  trước tới nay, tôi chưa hề thấy Đảng hay Nhà  nước Việt Nam triển khai văn bản nào quy định người này nói nhưng người kia chịu trách nhiệm bao giờ. Trên đời này lại có cái kiểu chịu trách nhiệm lạ lùng như vậy hay sao? Nếu quả tình có kiểu chịu trách nhiệm kỳ cục như vậy, tôi yêu cầu lãnh đạo Sở chỉ ra văn bản nào quy định vấn đề này, quy định tại Điều nào Khoản nào, đã triển khai cho công chức hay chưa?
      Ai “xuyên tạc, đã kích, bôi nhọa lãnh đạo, nói xấu chế  độ ta” thì cứ kiếm người đó mà xử  lý, họ đâu phải con chưa thành niên của tôi, cũng không phải là cấp dưới của tôi, sao tôi lại phải chịu trách nhiệm hành vi của họ? 
      Tại website Thanh Tra Chính phủ ngày 20/10/2007 có đăng bài viết “Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ” có đoạn: “Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam không thành kiến đối với những người còn có ý kiến khác biệt”, nhưng lãnh đạo Sở TM-DL Bạc Liêu lại có thành kiến đối với những người còn có ý kiến khác biệt, nhưng lại không nhằm vào những người còn có ý kiến khác biệt để đả kích mà nhằm vào tôi là người chưa hề có ý kiến khác biệt với đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước là lãnh đạo Sở TM-DL đã làm trái đường lối, chủ trương của Chủ tịch nước. 

2. Kỷ luật không đúng quy định tại Điều 2 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức:
      Điều 2 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP quy định các trường hợp bị xử lý kỷ luật như sau:
1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ  của cán bộ, công chức quy định tại  Điều 6, 7 và Điều 8 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003 trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
2. Vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại  Điều 15, 16, 17, 19 và Điều 20 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003.
3. Vi phạm pháp luật bị Tòa án tuyên là có tội hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật.
      “Người thi hành công vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao một nhiệm vụ  và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”; “Người đang thi hành công vụ là người đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ và chưa kết thúc, nếu chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc nhiệm vụ mà bị xâm phạm thì không thuộc trường hợp chống người thi hành công vụ” (Trích “Bình luận khoa học BLHS", tập 8, Trang 14 của ông Đinh Văn Quế - Chánh tòa HS Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, NXB Tổng hợp Tp HCM). 
      Như  vậy, việc tôi viết báo là việc làm cá nhân, ngoài giờ làm việc, không phải phạm lỗi khi đang thi hành công vụ, lãnh đạo Sở cho rằng “vi phạm nghiêm trọng” Điều 4, khoản 6 Điều 6 Pháp lệnh CBCC” (Đề nghị số 248/ĐN-HĐKL ngày 11/4/2007, công văn số 249/CV-TM&DL ngày 16/4/2007) là trái với khoản 1 Điều 2 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức quy định về các trường hợp bị xử lý kỷ luật
      Mặt khác, khoản 6 Điều 6 Pháp lệnh CBCC quy định nghĩa vụ  của công chức:
Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong công tác; thực hiện nghiêm chỉnh nội quy của cơ quan, tổ chức; giữ gìn và bảo vệ của công, bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;”. Không hiểu việc tôi viết báo đăng trang BBC thì thuộc hành vi vi phạm nghĩa vụ cụ thể nào trong khoản 6 Điều 6 Pháp lệnh CBCC?
      CBCC vi phạm 1 trong 3 khoản quy định tại Điều 2 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP thì mới bị xử lý kỷ luật, không có quy định nào cho phép kỷ luật CBCC theo Chỉ thị 48/CTTW ngày 14/2/2005 của Bộ Chính trị. Lãnh đạo Sở cũng không nói rõ được tôi vi phạm điểm nào của Chỉ thị 48/CTTW.
      Cần phải nói thêm rằng lãnh đạo Sở không hề triển khai Chỉ thị 48/CTTW ngày 14/2/2005 cho CBCC biết nói chung (không hề có biên bản hoặc thông báo triển khai), cá nhân tôi có quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bạc Liêu đi học lớp Cao cấp chính trị tập trung 1 năm từ tháng 11/2004 đến 11/2005 nên tôi không có mặt ở cơ quan, lãnh đạo Sở cũng không hề gởi cho tôi bản sao Chỉ thị này; nhưng lại dùng Chỉ thị 48/CTTW để cáo buộc vô căn cứ. (Giấy báo nhập học ngày 01/10/2004 của Học viện Chínhtrị Quốc Gia HCM-Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh gọi tập trung ngày 14/11/2004 và Bằng tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị số 032400 ngày 12/11/2005 của Học viện chính trị quốc gia HCM-Học viện Chính trị khu vực II, cùng cấp cho Tạ Phong Tần).
      Đây là Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương, chỉ các cấp lãnh đạo Đảng mới có, đâu phải như văn bản pháp luật lưu hành công khai để ai cũng tự tìm kiếm để đọc được.
3. Dùng văn bản chưa có hiệu lực thi hành để áp buộc:
      Điều 2 Quyết định 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ “Về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương” ghi rõ: “Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo”.
      Thực tế, Quyết định này được đăng Công báo số 874 ngày 26/6/2007 (thể hiện tại Mục lục Công báo tháng 7/2007 của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) → ngày 10/7/2007 Quyết định 03/2007/QĐ-BNV mới có hiệu lực thi hành → QĐ buộc thôi việc ký ngày 27/4/2007 không thể áp dụng quyết định chưa có hiệu lực thi hành.
      Mặt khác, lãnh đạo Sở cho rằng tôi “không chấp hành tổ chức kỷ luật, thiếu tôn trọng lãnh đạo và tập thể” nhưng lại không chỉ ra được hành vi cụ thể là gì, lãnh đạo ở đây là ai, tập thể gồm những cá nhân nào bị thiếu tôn trọng. 
      Từ  trước đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào cấm CBCC viết bài báo gởi đăng ở trang BBC, lãnh đạo Sở không có quyền tự mình đặt ra quy định riêng theo ý muốn cá nhân trái quy định pháp luật buộc công chức thực hiện. Tự mình đặt ra quy định riêng xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân-công chức, nếu công chức không đồng tình thì không có nghĩa là “thiếu tôn trọng”.
      Những vấn đề thuộc Chi bộ và Chi ủy không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh CBCC và Nghị định số 35/2005/NĐ-CP mà lãnh đạo Sở đưa vào để cáo buộc lỗi là trái pháp luật. Quyết định khai trừ Đảng đối với tôi là quy chụp chủ quan trái với Điều lệ Đảng, tôi đã có đơn khiếu nại đến Ủy ban Kiểm Tra Trung ương Đảng đúng Điều lệ Đảng từ tháng 7/2008, nhưng chưa được Ủy ban Kiểm Tra Trung được trả lời.
4. Những vấn đề trình bày thêm:
      Về  bản tự khai ngày 9/7/2007 của  ông Nguyễn Trung Tiến (do ông Phan Hùng Việt  ủy quyền) nộp cho Tòa án tỉnh Bạc Liêu
      a) Ông Phan Hùng Việt - Giám đốc Sở cho rằng đã có mời tôi “làm việc giới thiệu cho bà  biết và đề nghị bà không đưa tin, bài lên mạng và trang web điện tử BBC, không được dùng máy tính và danh nghĩa cơ quan sử dụng” là hoàn toàn bịa đặt:
      Yêu cầu ông Phan Hùng Việt cung cấp chứng cứ cho HĐXX về tình tiết này? Cụ thể là ngày giờ, nơi chốn, biên bản làm việc, v.v….
      Ai cũng biết rằng tại Bạc Liêu có rất nhiều tiệm Internet công cộng cho thuê giá 3.000 đồng/giờ, không phải chỉ Sở TM-DL độc quyền có máy vi tính. Theo luật định, chứng minh tôi đã sử dụng máy tính của Sở để viết báo là nghĩa vụ của ông Phan Hùng Việt, cá nhân tôi không có nghĩa vụ phải chứng minh tôi đã sử dụng máy vi tính nào để viết báo.
      b) Ông Phan Hùng Việt - Giám đốc Sở cho rằng tôi dùng máy tính cơ quan để viết bài báo gởi cho BBC là không có căn cứ mà chỉ là  suy diễn theo ý nghĩ chủ quan của cá nhân ông:
      Yêu cầu ông Việt chỉ ra cụ thể bài báo nào dùng máy cơ quan để viết, viết vào ngày giờ nào, gởi đi ngày tháng năm nào? Sở TM-DL có lập biên bản về việc này chưa? Ai cũng biết rằng ngày tháng đăng bài trên báo không phải là ngày viết và ngày gởi bài. 
      Tại bản tự khai này ông Nguyễn Trung Tiến cũng thừa nhận rằng “cơ quan không quản lý được máy và mạng”.
      c) Ông Phan Hùng Việt - Giám đốc Sở cho rằng “bà lấy danh nghĩa Tạ Phong Tần, Sở Thương mại-Du lịch Bạc Liêu” là “danh nghĩa của cơ quan” cũng là suy diễn chủ quan của cá nhân ông Việt: 
      Tôi viết cho bất cứ báo nào cũng ký họ tên thật của mình, ghi rõ nơi công tác của mình để tiện cho Tòa soạn gởi nhuận bút, sao lại gọi là “bà  lấy danh nghĩa Tạ Phong Tần”. Khi nào tôi ghi là  “Tạ Phong Tần, đại diện (hoặc thay mặt, nhận  ủy thác, ủy quyền…) của Sở Thương mại-Du lịch Bạc Liêu” thì mới gọi là “lấy danh của nghĩa cơ quan”. 
      HĐXX có thể dùng máy tính kiểm tra trên các tờ  báo điện tử trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vietnamnet, Người Lao Động… để thấy rằng tôi viết báo cho các Tòa soạn trong hay ngoài nước đều ký tên và ghi địa chỉ cơ quan mình đang công tác như thế.
      Họ  tên khai sinh, họ tên đang dùng của tôi là  Tạ Phong Tần, thực tế thời điểm viết những bài báo đó tôi đang công tác tại Sở Thương mại-Du lịch Bạc Liêu là sự thật, tôi không cần phải mạo danh, đội lốt hay lấy danh nghĩa của ai hết. 
      Lãnh đạo Sở dùng từ “bà lấy danh nghĩa Tạ  Phong Tần, Sở Thương mại-Du lịch Bạc Liêu”  là hành vi thiếu hiểu biết và xúc phạm danh dự  cá nhân tôi.
      d) Về Quy định “quản lý, sử dụng hệ thống máy vi tính và server của Sở Thương mại-Du lịch tỉnh Bạc Liêu” ngày 30/5/2006:
      Từ  điển Tin học (phần mềm Từ điển Lạc Việt, tra cứu ở máy vi tính) giải thích “server” là máy phục vụ, máy chủ. 
      Từ  điển Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam (Từ điển trên Internet) giải thích: MẠNG MÁY TÍNH: (A. computer network), là hệ thống các máy tính được nối với nhau bởi các đường truyền tin (bằng cáp điện thoại, cáp quang, sóng ngắn, vệ tinh). MMT được sử dụng để thực hiện các hệ thống thông tin thường là lớn, có cấu trúc phức tạp.
      Về  cơ bản, một mạng máy tính là một số các máy tính được nối kết với nhau theo một cách nào  đó. Khác với các trạm truyền hình chỉ gửi thông tin đi, các mạng máy tính luôn hai chiều, sao cho khi máy tính A gửi thông tin tới máy tính B thì B có thể trả lời lại cho A.
      Nói một cách khác, một số máy tính được kết nối với nhau và có thể trao đổi thông tin cho nhau gọi là mạng máy tính. 
      Quy định “Việc đưa thông tin lên mạng phải được sự đồng ý và kiểm duyệt của lãnh đạo phòng, ban; những thông tin quan trọng phải có ý kiến của Giám đốc Sở. Không được tự ý đưa những thông tin cá nhân lên mạng khi chưa được sự đồng ý cho phép của Giám đốc Sở” cho thấy ông Phan Hùng Việt không hiểu biết gì về “mạng” và “server” cả, nên không phân biệt được đâu là phạm vi máy móc ông có quyền quản lý và đâu là thuộc quyền tự do cá nhân của người khác nên đã ban hành quy định xâm phạm đến quyền công dân. Theo như nội dung quy định đã trích dẫn ở trên thì cán bộ Sở ngay cả gởi thư điện tử cá nhân (mail), gởi bài viết đến Tòa soạn báo bằng mạng dịch vụ công cộng hay mạng ở nhà riêng cũng phải xin phép ông Việt?
      Cái  “server”, tức máy chủ và trang web của Sở  thì do Bộ Thương mại thiết kế, quản lý, cập nhật thông tin và giữ luôn mật khẩu đăng nhập (password). Cán bộ Sở không ai có thể tự mình đưa cái gì lên trang này được vì không biết mật khẩu. Do đó, khi trang web của Sở bị hacker tấn công chiếm giữ quyền kiểm soát gần 10 ngày (15/8-24/8/2006) cán bộ cả Sở không ai phát hiện. Đến khi báo Dân Trí, báo Người Lao Động đăng mới biết. Riêng ông Việt - Giám đốc Sở đến ngày 24/8/2006 mới biết do phóng viên báo gọi điện thoại đến phỏng vấn (báo NLĐ 25/8/2006). Vì vậy, quy định quản lý “server” do ông Việt ký chẳng dính dáng gì đến tình hình thực tế tại Sở và càng không liên quan đến tôi nên ông Việt cho rằng tôi vi phạm nội quy, quy chế của Sở là không có căn cứ. 

II. VỀ  HÌNH THỨC: 

1. Ban hành quyết định số 291/QĐ-TM&DL ngày 27/4/2007 và Quyết định số 346 QĐ-TM&DL ngày 24/5/2007 trái pháp luật về hình thức văn bản hành chính:
      Cả  hai quyết định đều chỉ nêu lỗi chung chung, không chỉ ra được hành vi nào thì vi phạm vào điều khoản nào. Nếu có nhiều lỗi thì phải ghi lần lượt cụ thể từng lỗi và từng điều khoản văn bản áp dụng. Trái với khoản 4 Điều 5 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ.
“Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu cán bộ, công chức có nhiều hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi và chịu hình thức kỷ luật cao hơn một mức.
      Không xác định được lỗi nào là lỗi rất nghiêm trọng, trái với điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ.
“Cán bộ, công chức tuy có hành vi vi phạm lần đầu nhưng tính chất và mức độ vi phạm rất nghiêm trọng, không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ cán bộ, công chức; 

2. Quy trình xử lý trái với Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ và Thông tư 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 35/2005/NĐ-CP:
      a) Trái với nguyên tắc “Khách quan, công khai, dân chủ và theo các quy định hiện hành”:
      Cuộc họp ngày 23/3/2007:
      - Không công khai: Trước đó tập thể cán bộ Sở chưa ai được đọc nguyên văn hai bài báo cho tập thể nghe, khi họp tập thể cán bộ cũng không được nghe đọc lại nguyên văn mà lãnh đạo Sở chỉ nêu được 2 cái tên bài rồi quy kết rằng sai;
      - Không khách quan: trong cuộc họp lãnh đạo Sở không phân tích được trong hai bài báo thì câu nào sai, câu đó trái với quy định nào, văn bản nào cấm, v.v… Người ghi biên bản đáng lẽ chỉ được phép ghi trung thực diễn biến cuộc họp và ý kiến những người tham gia cuộc họp thì chỉ ghi ý kiến nào đồng tình với ý kiến lãnh đạo Sở, không ghi ý kiến cá nhân tôi mà còn tự ý nhận xét thêm vào “đã qua cố tình quanh co không nhìn nhận khuyết điểm của mình” là bằng chứng cho thấy rõ nhất tính chất cuộc họp là không khách quan.
      - Không dân chủ: Những lập luận của tôi đưa ra không được xem xét, không được ghi vào biên bản. Người ghi biên bản đáng lẽ chỉ được phép ghi trung thực diễn biến và ý kiến những người tham gia cuộc họp thì chỉ ghi ý kiến nào đồng tình với ý kiến lãnh đạo Sở, không ghi ý kiến cá nhân tôi mà còn tự ý nhận xét thêm “đã qua cố tình quanh co không nhìn nhận khuyết điểm của mình”, rồi tổ chức cho tập thể bỏ phiếu theo kết luận lệch lạc, cắt khúc bài viết méo mó của lãnh đạo Sở. 
      Cuộc họp Hội đồng kỷ luật ngày 11/4/2007 hình thức tiến hành cũng giống như cuộc họp ngày 23/3/2007. 
      Như  vậy, quy trình tổ chức thực hiện cả 2 cuộc họp đều trái với quy định tại Phần II, điểm 4.5. Thông tư 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
“Khi cơ quan, tổ chức, đơn vị họp kiểm điểm cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, phải phân tích, chỉ rõ vi phạm nhằm giáo dục, giúp đỡ người vi phạm nhận rõ khuyết điểm của mình để khắc phục sửa chữa”.
      b) Đưa nội dung khác vào biên bản cuộc họp Hội đồng kỷ luật ngày 11/4/2007 trong khi nội dung này không được nêu lên trong cuộc họp tập thể cán bộ Sở ngày ngày 23/3/2007 và tôi cũng không hề nghe thấy trong cuộc họp ngày ngày 11/4/2007:
* Nội dung cáo buộc tôi “khai man lý lịch, có người bác đầu hàng giặc không khai trong lý lịch”. Tôi trình bày vấn đề này như sau:
      - Khi tôi chuyển công tác từ Công an tỉnh Bạc Liêu sang Sở TM-DL thì bản lý lịch đó có xác nhận sao y bản chính lưu tại Phòng Tổ chức - Cán bộ  CA tỉnh Bạc Liêu, do ông Trung tá Trần Hoàng Nhũ-Phó  Phòng Tổ chức - Cán bộ CA tỉnh Bạc Liêu ký. Bản lý lịch này hiện đang lưu tại Sở Nội vụ (có đóng dấu đỏ của CA tỉnh) và Sở TM-DL Bạc Liêu (bản photocopy);
      - Trong đơn xin chuyển công tác cũng có ghi rõ là  tôi được Phó Phòng Tổ chức - Cán bộ  CA tỉnh Bạc Liêu thông báo rằng tôi có người bác chiêu hồi nên không đủ tiêu chuẩn công tác trong ngành CA nên xin chuyển công tác. Đơn có chữ ký chấp thuận của Thượng tá Nguyễn Hoàng Gia- Phó Giám đốc CA tỉnh Bạc Liêu và ý kiến đồng ý tiếp nhận của ông Huỳnh Việt Trung -Giám đốc Sở thời điểm đó ký, đóng dấu đỏ của Sở. Đơn này cũng hiện đang lưu tại Sở Nội vụ (có đóng dấu đỏ của CA tỉnh) và Sở TM-DL Bạc Liêu (bản photocopy); nay tôi cung cấp thêm cho quý Tòa 1 bản sao đơn có công chứng mà tôi còn lưu giữ;
      - Việc CA tỉnh Bạc Liêu quy kết bác tôi chiêu hồi không có chứng cứ rõ ràng,  tôi đã và đang tiếp tục khiếu nại đến Bộ Công an từ năm 2001 đến nay nhưng chưa được Bộ Công an trả lời cụ thể. Việc khiếu nại này tôi có trình bày rõ với ông Lê Thanh Dũng - Giám đốc Sở cũ (nay là Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bạc Liêu), ông Phan Văn Sáu - Phó Giám đốc Sở và ông Nguyễn Võ Trung -Chánh Văn phòng Sở từ lâu. Đồng thời, tôi cũng cung cấp bản sao đơn khiếu nại, các biên nhận gởi đơn khiếu nại đến Bộ Công an cho ông Sáu và ông Trung.
      Rõ  ràng, áp đặt tôi “khai man lý lịch” là hành vi cố tình bịa đặt, bươi móc vô căn cứ để trả thù cá nhân của lãnh đạo Sở TM-DL để thỏa mãn tự ái cá nhân một cách trái pháp luật.
* Nội dung cáo buộc tôi “vi phạm chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, tàng trữ văn hóa đồi trụy”: 
      Đề nghị lãnh đạo Sở cung cấp chứng cứ “vi phạm chuẩn mực về thuần phong mỹ tục” là vi phạm về cái gì? Cụ thể như thế nào? Tại đâu? Thời điểm nào? Biên bản về việc vi phạm đâu? Trong hệ thống pháp luật Việt Nam không có khái niệm “văn hóa đồi trụy” mà chỉ có khái niệm “văn hóa phẩm đồi trụy”? Vậy “Tàng trữ văn hóa đồi trụy” cụ thể là gì? Vật (tạm gọi là vật, chưa biết là cái gì vì lãnh đạo Sở không hề đưa ra) bị coi là “đồi trụy” đó có được thu thập đúng quy định pháp luật không? Văn bản giám định kết luận rằng cái đó đồi trụy đâu? 
      Đây cũng là hành vi cáo buộc vu vơ, vô căn cứ của lãnh đạo Sở đối với tôi.
      c) Biên bản cuộc họp ghi không khách quan, một chiều theo ý của lãnh đạo Sở, không ghi ý kiến của tôi vào nên khi tôi phản đối thì không viết bổ sung và cũng đưa tôi ký tên:
      Trong bản tự khai ngày 9/10/2007, ông Nguyễn Trung Tiến viết rằng “bà Tạ Phong Tần hoàn toàn không ký  vào biên bản nào cả vì bà cho rằng việc làm đã qua của mình là hoàn toàn đúng nên bà không ký biên bản” là sự bịa  đặt trắng trợn, hoàn toàn sai sự thật.
      Cũng theo bản tự khai này, nhiều cấp cán bộ lãnh đạo Sở TM-DL đã tiến hành làm việc với tôi 5 lần, từ  ngày 8/9/2006 đến ngày 11/4/2007, lần nào cũng có lập biên bản nhưng tôi đều không ký tên. 
      Trong thời gian kéo dài 7 tháng 3 ngày tôi vẫn đi làm tại cơ quan bình thường, được trả lương đầy đủ, nhưng cơ quan không lập nổi một biên bản nào về việc tôi không ký tên vào các biên bản cuộc họp được liệt kê trong tờ tự khai là việc hết sức vô lý. 
      Điều này chỉ có thể được giải thích bằng việc biên bản ghi không khách quan, một chiều theo ý của lãnh đạo Sở nên lãnh đạo Sở chỉ đạo giấu nhẹm không đưa ra mà thôi.
      Thời gian này cán bộ Sở đều đi làm đầy đủ, không ai nghỉ phép thời gian dài, là điều kiện thuận lợi để lập biên bản về việc tôi không chịu ký tên vào các biên bản cuộc họp cho cán bộ Sở ký làm chứng nhưng lãnh đạo Sở đã không làm được. Vì nếu lập biên này thì phải ghi rõ lý do vì sao tôi không ký tên vào, lúc này tôi vẫn có mặt đầy đủ mỗi ngày tại cơ quan nên những người đồng nghiệp của tôi không thể làm một việc trái lương tâm con người là ký làm chứng vào một biên bản sai sự thật.
      d) Lãnh đạo Sở dùng quyền lực áp đặt ý kiến chủ quan trái pháp luật đối với tôi:
      Tại bản tự khai của ông Tiến nộp cho Tòa án này, tôi thấy có ghi nội dung ông Vũ Đức Thọ -Phó Phòng Quản lý Du lịch “tiếp tục giáo dục, khuyên can nhiều lần” nhưng tôi “không nhận thiếu sót” để xem là một thứ “lỗi” khác của tôi. 
      Vấn  đề này tôi thấy rằng:
      - Ông Vũ Đức Thọ không phải là pháp luật nên tôi không có trách nhiệm thực hiện theo lời ông Thọ, những điều ông Thọ nói là ý kiến chủ quan của lãnh đạo Sở nhưng trái luật thì tôi không đồng ý;
      - Ông Vũ Đức Thọ không chỉ ra được tôi hành vi nào của tôi vi phạm điều khoản nào của văn bản pháp luật mà đề nghị tôi phải chấp hành ý kiến chủ quan của lãnh đạo Sở một cách vô căn cứ là điều tôi không thể chấp nhận. 

3. Sở TM-DL ngụy tạo hồ sơ nộp cho Tòa án để hợp pháp hóa việc làm sai:
      a) Các văn bản không viện dẫn căn cứ pháp luật:
      1-Biên bản họp cơ quan ngày ngày 23/3/2007, 2-Quyết định buộc thôi việc số 291/QĐ-TM&DL ngày 27/4/2007, 3-Quyết định trả lời khiếu nại số 346 QĐ-TM&DL ngày 24/5/2007, 4-Công văn số 02/SNV-TCCC ngày 25/4/2007 của Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu đều không văn bản nào đề cập đến khoản 4, khoản 6 Điều 6 Pháp lệnh CBCC; Chỉ thị 48/CTTW ngày 14/2/2005, khoản 1, khoản 2 Điều 8 và khoản 1 Điều 15 Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương (Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày  26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ);
      b) Tuy nhiên, các tài liệu Sở TM-DL nộp cho Tòa án thì:
      - Biên bản Họp Hội đồng kỷ luật ngày 11/4/2007 thì ghi tôi vi phạm vào các khoản 1, khoản 2 Điều 6 Pháp lệnh CBCC, khoản 2, 4, Điều 8; khoản 2 Điều 9 Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày  26/02/2007;
      - Đề nghị số 248/ĐN-HĐKL ký cùng ngày 11/4/2007 của Hội đồng kỷ luật ghi tôi vi phạm Điều 4, khoản 6 Điều 6 Pháp lệnh CBCC; Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày  26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (chung chung, không ghi rõ cụ thể điều khoản nào);
      - Công văn số 249/CV-TM&DL ngày 16/4/2007 của Giám đốc Sở TM-DL thì ghi tôi vi phạm Điều 4, Điều 6 Pháp lệnh CBCC; Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày  26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (chung chung, không ghi rõ cụ thể điều khoản nào);
      - Tờ tự khai ngày 9/10/2007 của ông Nguyễn Trung Tiến (thừa ủy quyền của ông Phan Hùng Việt) thì ghi tôi vi phạm Chỉ thị 48/CTTW ngày 14/2/2005 của Bộ Chính trị, khoản 1, khoản 6 Điều 6 Pháp lệnh CBCC, khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 15 của quy tắc ứng xử ban hành kèm Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày  26/02/2007;
      4 tài liệu cho trên cho thấy Sở TM-DL viện dẫn căn cứ  pháp luật để xử lý vi phạm “tiền hậu bất nhất”, tùy tiện thêm thắt lung tung và mâu thuẫn với  đã chứng minh rằng khi tổ chức họp kiểm điểm tôi lãnh đạo Sở đã không viện dẫn được căn cứ pháp luật cụ thể nào để áp dụng, khi làm đề nghị gởi đến Sở Nội vụ cũng không viện dẫn được căn cứ pháp luật cụ thể nào nên Sở Nội vụ cũng trả lời bằng văn bản rất chung chung là có sai phạm.
      Điều này cho thấy quy trình xử lý lỷ luật trái với quy định tại Phần II, điểm 4.5 Thông tư 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và 4 văn bản trên đã được viết lại để hợp pháp hóa việc lãnh đạo Sở không viện dẫn được căn cứ pháp luật khi áp đặt rằng cán bộ công chức có sai phạm. 

ĐỀ NGHỊ:
      Tôi  đề nghị HĐXX như sau:
      1. Giữ nguyên yêu cầu theo đơn khởi kiện và bản tự khai của tôi;
      2. Về bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội Sở TM-DL nộp cho cán bộ công chức tại cơ quan bảo hiểm hàng tháng là 17% trên tổng mức lương, trong đó công chức phải trích lương của mình nộp 6%, Sở TM-DL phải xuất tiền cơ quan nộp cho công chức 11%. Từ tháng 6/2007 đến nay Sở TM-DL không nộp 11% chế độ này của tôi cho công ty bảo hiểm. Nay tôi yêu cầu Sở TM-DL phải trả thêm cho tôi khoản tiền 11% này từ tháng 6/2007 cho đến ngày Sở TM-DL thi hành án.
      Số  tiền 11% tính theo tổng mức lương này đến tháng 8/2007 có thay đổi cao hơn vì đó là thời gian tôi đến niên hạn nâng bậc lương (chuyên viên bậc 8/9) và đến tháng 1/2008 cũng thay đổi do Thủ tướng Chính phủ tăng lương cơ bản lên 540.000 đồng/tháng. 
      Thời gian Sở TM-DL Bạc Liêu thi hành án càng kéo dài thì  số tiền càng tăng theo nên tôi không tính ra con số cụ thể được.
 Xin cảm ơn Hội đồng xét xử!

Tạ Phong Tần
.

_____________

Mời xem tiếp bên dưới