22/4/09

VĂN NGHỆ MỪNG CHÚA PHỤC SINH CỦA HỘI THÁNH TIN LÀNH

.

Đêm qua (21/4/2009), tui đi xem Văn nghệ mừng Chúa Giê-su phục sinh do Hội Thánh Tin Lành tổ chức ở sân bóng đá Tao Đàn (quận 1, SG). Lần đầu tiên trong đời tui tham gia một cuộc sinh hoạt của tín hữu Tin Lành và cũng là lần đầu tiên được nhìn thấy lực lượng tín hữu Tin Lành đông nghịt đến khoảng 10 ngàn người. Nghe các Mục sư lên sân khấu nói chuyện quả là dzui dzẻ!

Vào xem đượt phát chai nước uống, ra về còn được tặng quyển Kinh Thánh nữa chứ.

Hình dưới đây do tui chụp đó.

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket
.

19/4/09

DỰ ÁN BAUXITE TÂN RAI (LÂM ĐỒNG): ĐÃ TÍNH ĐẾN NÔNG DÂN?

.
Là một trong hai dự án trọng điểm quốc gia về Bauxite – Nhôm, triển khai ở Tây Nguyên (Nhân Cơ - Đăk Nông và Tân Rai - Lâm Đồng), dự án tổ hợp Bauxite – Nhôm Tân Rai (thị trấn Lộc Thắng – Lâm Đồng) có diện tích 2.297ha. Trong lúc còn nhiều ý kiến trái chiều về các dự án khai thác Bauxite; sự phồn thịnh của người dân trong vùng chưa thấy, thì dự án này ngày càng lộ ra nhiều điều đáng quan tâm như: môi trường sinh hoạt, tái định cư, đầu tư sản xuất của người dân…

Dự án Tân Rai chính thức làm lễ khởi công tổ hợp nhà máy sản xuất Alumin vào ngày 18.11.2008. Thời gian khai thác của dự án này dự tính kéo dài trong 98 năm, trữ lượng bauxite ở Tân Rai có thể trên 700 triệu tấn. Nếu khai thác 600.000 tấn/năm thì thời gian khai thác của riêng vùng Tân Rai sẽ kéo dài 45 năm, và nếu mở rộng vùng mỏ bauxite ra Bảo Lộc, lên Di Linh thì thời hạn khai thác có thể lên tới 150 năm.

350m2 được đền bù 30 triệu

Đến xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) trong những ngày giữa tháng 4, một không khí lao động hối hả trải dài trên diện tích hàng nghìn ha. Chưa đầy 2 năm trước, toàn bộ khu vực này còn là một màu xanh của những nương chè, cà phê, đồi thông… bây giờ mọi thứ đã thay đổi, thay vào đó là màu đất đỏ bazan, khói bụi, …

Tháng 4.2006 dự án nói trên bắt đầu tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng cho gần 1.000 hộ dân với tổng diện tích khoảng 1.700ha. Hiện vẫn còn 107 hộ dân chưa nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Lý do của các hộ dân ở đây, mức giá đền bù quá thấp, không hợp lý khiến họ không hài lòng. Anh Phan Tiến Long, khu phố 6A - Thị trấn Lộc Thắng (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), phân trần: “Gia đình tôi có 350m2 đất nằm trong khu vực quy hoạch của dự án, với một ngôi nhà gỗ kiên cố nhưng chỉ nhận được đền bù là 30 triệu đồng. Số tiền này không đủ mua một miếng đất ở khu vực tái định cư, chứ chưa tính đến chuyện xây nhà, đầu tư làm ăn!”.

Giá tiền đền bù thấp, giá đất tái định cư lại cao, đây là một nghịch cảnh làm nhiều hộ dân có đất đai, nhà cửa nằm trong dự án Tân Rai sống dở chết dở. Nhiều hộ chưa mua được đất, phải sống tạm bợ qua ngày. Để mua một thửa đất với diện tích 130m2 ở nơi tái định cư, phải mất ít nhất 55 triệu đồng, chưa kể tiền xây nhà.

Gia đình nhà bà Nguyễn Thị Hải có 584m2 đất bị nằm trong dự án, với ngôi nhà 25m2, chưa kể vườn cây lâu năm, là nguồn thu nhập chính, nhưng cũng chỉ được đền bù 60 triệu đồng. Theo một số hộ dân trong vùng cho biết, mức tiền đền bù giữa hai huyện Bảo Lộc và Bảo Lâm hoàn toàn khác hẳn nhau (tại Bảo Lâm thấp hơn).

Nông dân lao đao

Chỉ còn không đầy 8 tháng nữa (18.11), mẻ quặng đầu tiên của dự án Tân Rai sẽ được đưa lên khỏi mặt đất. Nhiều hộ gia đình có đất nằm trong dự án đã bàn giao nhưng lại chưa được bố trí đất tái định cư. Thu nhập của các hộ dân này gần như 100% trông chờ vào nông nghiệp, mọi chi tiêu cho cuộc sống lúc này đều nhìn vào tiền đền bù. Vậy còn tiền đâu để mua đất xây nhà, canh tác, đầu tư làm ăn, nuôi con cái ăn học…?!

Ông Nguyễn Côi ở khu phố 6A, thị trấn Lộc Thắng, cho biết: “Thời gian trước đây (khi dự án chưa đi vào thực hiện – PV) gia đình tôi thu nhập từ chè và cà phê cũng được chừng 70 triệu đồng/năm. Trong mấy năm nay, từ khi dự án khởi công, gia đình tôi không biết phải làm thế nào để sinh sống. Nhìn đám chè cháy lá, cà phê khô héo mà ứa nước mắt xót xa nhưng không dám đầu tư vì chẳng biết khi nào dự án đi vào triển khai”.

Chưa bàn đến chuyện khi nhà máy sản xuất Alumin chính thức đi vào hoạt động, những vấn đề về môi trường, ảnh hưởng tới hệ thống nước ngầm của lưu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, an ninh - xã hội - quốc phòng… Hiện nay dự án cũng đã gây không ít bức xúc trong nhân dân về các vấn đề: ô nhiễm tiếng ồn, bụi đất từ các container, xe tải ra vào thường xuyên… Theo ông Lương Văn Đức, một người dân trong khu phố 6A, từ ngày dự án bắt đầu triển khai, không khi nào gia đình ông có một giấc ngủ ngon, hay một thời gian yên tĩnh. Suốt ngày xe cộ ra vào ầm ào, khói bụi của đất đỏ bazan từ công trình cuồn cuộn mỗi khi có xe chạy hay một cơn lốc cuốn, cũng đủ cho khói bụi bao trùm toàn vùng.

Được mệnh danh là “kinh đô” của cây chè, huyện Bảo Lâm đã mất hàng trăm ha cho dự án xây dựng sân golf tại khu vực hồ Lộc Thắng và nay lại phải hy sinh hơn 2.200 ha chè, cà phê, thậm chí cả diện tích trồng thông 10 - 15 năm tuổi cho dự án nói trên. Chưa kể khi đi vào hoạt động, dự án này còn cần thêm diện tích để xây dựng giao thông, các công trình phụ… Khi đó diện tích cây chè lại thêm một lần thu hẹp.

Trong khi đang có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc xây dựng các dự án Bauxite - Nhôm ở Tây Nguyên, thì trước mắt đã có hàng nghìn hộ nông dân rơi vào tình cảnh lao đao.

Với tổng số vốn 687 triệu USD, tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, dự án nói trên được chia làm hai giai đoạn: dự kiến cuối năm 2009, giai đoạn một có tổng vốn đầu tư trên 7.800 tỷ đồng, để xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 1.500 công nhân. Giai đoạn hai của dự án sẽ là xây dựng nhà máy sản xuất Alumin với công suất 600.000 tấn/năm. Đến năm 2010, nhà máy sản xuất Alumin sẽ chính thức đi vào hoạt động.


________

CL&ST nói:

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 28/3/2009 thì hiện nay đã có "hàng vạn công nhân Trung Quốc đã vào Việt Nam". Một vạn là 10 ngàn đó nhe, hàng vạn nghĩa là có ít nhất 30 ngàn công nhân Trung Quốc đang làm việc ở Việt Nam.

"Giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 1.500" người mà kéo nhau vô đông dữ vậy Trời? Vậy là người Việt Nam bản địa chỉ có nước đứng ngoài ngó rồi!
.
.

17/4/09

TIỀN TỶ Ở ĐÂU RA?

.
Ngày 14/4/2009, ông Nguyễn Việt Dũng - cục trưởng Cục Quản trị thuộc Ngân hàng Nhà nước - xác nhận việc ông Lê Đức Thúy (nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước) đã được thanh toán hơn 5 tỉ đồng tiền xây dựng nhà số 6 Lý Thái Tổ.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng, con số 5 tỷ đồng đó đã được Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt.

Nguồn gốc ngôi nhà này là năm 2004, Cục trưởng Cục Quản trị của Ngân hàng Nhà nước (khi đó là bà Võ Thị Huề) đã thừa ủy quyền của thống đốc Ngân hàng Nhà nước (khi đó là ông Lê Đức Thúy) ký quyết định cho ông Thúy được thuê căn nhà số 6 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với diện tích ở là 92m2, diện tích phụ 38,475m2.

Một thời gian ngắn sau đó, căn nhà này được bán hóa giá cho ông Lê Đức Thúy theo nghị định 61 và được UBND TP Hà Nội cấp "sổ đỏ".

Năm 2006, sau khi báo chí đưa thông tin về ngôi nhà nêu trên, ông Lê Đức Thúy xin trả lại nhà.

Được biết ông Thúy đã mua ngôi nhà trên giá 600 triệu đồng, bằng 1/10 so với giá thị trường.


Tạ Phong Tần

14/4/09

NHÂN QUYỀN KIỂU TRUNG QUỐC

.
Mới đọc bài "TRUNG QUỐC: KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÌ NHÂN QUYỀN" trên RFI ngày 13/4/2009 mà buồn cười không chịu được, xin copy lại nguyên văn dưới đây, những chữ nghiêng trong ngoặc đơn là cảm nghĩ của tại hạ khi đọc bài báo ấy:

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc luôn luôn phải đương đầu với những nhiều thách thức và còn phải có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng nhân quyền.

Kế hoạch hành động vì nhân quyền do Bắc Kinh đưa ra coi quyền của nhân dân Trung Quốc được sống và phát triển là ưu tiên hàng đầu.

(May là được chính quyền "ưu tiên" quyền sống đó, không "ưu tiên" là mất sống đó nghen!)

Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn bác bỏ những chỉ trích phê phán của phương Tây về các vụ vi phạm nhân quyền và cho rằng khái niệm về nhân quyền của Trung Quốc nhấn mạnh đến ưu tiên cải thiện điều kiện sống của người dân.

(Con người khác con vật ở chổ con người có các quyền chính trị xã hội như: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do bầu cử ứng cử, tự do chọn nghề, tự do yêu đương, tư do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội lập đảng, tự do v.v... và v.v... Túm lại là các quyền đặc biệt chỉ con người mới có còn động vật khác không có. Nay bộ sậu bác Hồ Cẩm Đào cho rằng nhân quyền kiểu Trung Quốc là "ưu tiên cải thiện điều kiện sống", tức chăm lo vỗ béo, nuôi cho "ăn khỏe chóng lớn" thôi, thì bác Hồ Cẩm Đào đã gọi lộn khái niệm rồi, phải gọi là "vật quyền", "trư quyền", "cẩu quyền", "ngưu quyền"... chớ nhân quyền cái gì. Bác Hồ Cẩm Đào nuôi dân Trung Quốc sao giống y cách tại hạ nuôi con cẩu ở nhà, xem chừng còn tệ hơn nữa, bởi lẽ con cẩu của tại hạ nó không bị cấm sủa, nó muốn sủa thế nào tùy thích).

Theo kế hoạch hành động, chính phủ Trung Quốc sẽ cố gắng bảo đảm sự bình đẳng về quyền được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân. Theo giới quan sát, đây là một thách thức to lớn đối với Bắc Kinh, vào lúc hố ngăn cách giữa các thành phố giàu có và vùng nông thôn nghèo khổ ngày càng gia tăng.

("Cố gắng bảo đảm sự bình đẳng" tức là từ trước đến giờ và hiện nay người nghèo bệnh là bị bỏ cho chết nếu không có tiền, còn chừng nào bác Hồ "cố gắng" được thì... chưa biết! Sao mà người nghèo khổ thế không biết. Ai bỉu hồi đó tin lời xạo xự đi theo bác Mao làm chi cho bây giờ hối cũng không kịp, phải hồi đó cứ ủng hộ bác Tưởng có phải hơn không).

Bản kế hoạch cũng nói đến việc tòa án phải bảo đảm những vụ xét xử vô tư và công bằng. Xin nhắc lại là tại Trung Quốc, tư pháp đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.

Tuy nhiên, kế hoạch hành động vì nhân quyền lại không hề đề cập đến tự do hóa chính trị. Theo Nhân Dân nhật báo, thì sự lãnh đạo của đảng Cộng sản là cơ sở cho mọi ổn định chính trị của đất nước.

(Thì đúng rồi, đã nói là giống y như tại hạ nuôi chó ở nhà mà, tại hạ chỉ nuôi có 1 chú thôi, nếu nuôi nhiều, nuôi thành làng, thành xã, thành quốc gia... như bác Hồ thì giống như cái trại chăn nuôi lợn vậy. Trung Quốc ổn định nhờ có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, 5.000 năm trở về trước năm nào cũng loạn không hà, cái thời Tiền Hán, Tiền Đường, Bắc Tống, Minh trị hay Khang Hi, Ung Chính, Càn Long dân gian lưu truyền rằng "thái bình thịnh vượng" đều là mấy cha Sử công (Ví dụ: Tư Mã Thiên) nói xạo không đó. Mấy em tư bổn phải ráng cố gắng phấn đấu kiếm "sự lãnh đạo của đảng Cộng sản" để "ổn định chính trị" nghe chưa).

Bắc Kinh đưa ra kế hoạch hành này trong bối cảnh, năm nay, có nhiều ngày kỷ niệm các sự kiện đấu tranh cho nhân quyền, ví dụ như 20 năm ngày phong trào đấu tranh vì dân chủ của giới trẻ tại quảng trường Thiên An Môn bị chính quyền thẳng tay đàn áp.

(Cái vụ Thiên An Môn này nhắc đến còn thấy ghê. Tên lùn mã tử Đặng Tiểu Bình bất lương máu lạnh như Hít le nhưng lại hèn hơn Hítle ở chổ trùm phátxít Đức dám làm dám nhận công khai, còn Đặng ta thì giết người diệt khẩu, xong rồi dấu diếm giấm giúi mấy chục năm nay như mèo giấu cứt. Hồ Cẩm Đào tiếp bước y chang nên đến nay hơn 2.000 nạn nhân mất xác không một ngôi mộ, không một tấm bia, không cầu siêu, không tưởng niệm. Đồng bào của nó mà nó còn đối xử tàn ác, dã man như vậy thì ai ngu lắm mới nghe lời nó nhận xằng là "anh em".

Làm "nô lệ" đế quốc Anh như dân Hồng Công thì mỗi năm đều được tổ chức thắp nến tưởng niệm hà rầm).

Tạ Phong Tần

Mời nghe bài hát "BLOOD IS ON THE SQUARE"




________

Xem thêm:
Sự kiện Thiên An Môn: Vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc thời hiện đại
.
.

13/4/09

ÁNH SÁNG PHỤC SINH

.
Ngày 11-12/4/2009, người Công giáo hân hoan long trọng tổ chức Lễ Phục sinh mừng Đức Chúa Giê-su Ngài đã trỗi dậy sau khi bị bức hại bỏ mình trên thập giá.

Giờ phút thiêng liêng, ánh điện trắng trong nhà thờ tắt hết, bóng tối bao trùm. Rồi trong màn đêm, những ngọn nếp lung linh được thắp lên trên tay mỗi người và tiếng hát “Hal-le-lu-ia” vang lên bất tận. Trải qua hàng ngàn năm, qua bao nhiêu biến cố vật đổi sao dời, tiếng hát “Hal-le-lu-ia”chưa bao giờ tắt trên trái đất này.

Hôm nay, cộng đoàn dân Chúa thắp nến mừng Chúa Phục sinh, là phép mầu nhiệm duy nhất chỉ có con Thiên Chúa mới làm được, còn người bình thường như chúng ta, khi thắp nến cầu nguyện, không ai nghĩ rằng mình cầu nguyện để được sống muôn đời trong vinh quang như Ngài, nhưng chúng ta vẫn cầu nguyện, vẫn thắp nến, chỉ vì:

Bóng tối là hình ảnh của sự dữ đang tràn ngập quanh ta. Đó là bóng tối của sự bất công đè lên người lương thiện, bóng tối của lòng đố kỵ ghen ghét nhân tài, bóng tối của sự ích kỷ mưu lợi cho mình mà hại dân hại nước, bóng tối của sự hiếu chiến, bóng tối của sự khủng hoảng, bóng tối của sự dối trá đê hèn...

"Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao".

Hãy tự mình chủ động thắp lên ánh sáng để xua tan bóng tối, hơn là thụ động ngồi im một chổ nguyền rủa đêm đen.

Người xưa có câu: “Sử khẩu bất như tự tẩu, Cầu nhân bất như cầu kỷ” (使口不如自走, 求人不如求己), nói bằng miệng không bằng tự mình đi làm, cầu người không bằng cầu chính mình, đừng thụ động ỷ lại vào người khác sẽ không có kết quả tốt, nếu có thì đó là may mắn nhất thời thôi. Hãy tự mình thắp lên ánh sáng cho mình, hơn là chờ người khác đem ánh sáng đến cho mình và cứ oán trách vì sao người kia đến muộn (hay không đến). Bạn ngồi im lo âu, sợ sệt trong bóng tối, bạn chờ người khác mang nến đến cho bạn. Nếu người khác cũng có tư tưởng như bạn thì tương lai các bạn vẫn là bóng tối sự dữ bao trùm, không bao giờ được thấy ánh mặt trời và nước Chúa.

Ta có thể sờ thấy, có thể cảm nhận được hơi nóng của ánh sáng chớ ta không thể sờ thấy bóng đêm. Nơi nào tăm tối, chỉ vì nơi ấy thiếu ánh sáng, vì chúng ta không đem ánh sáng đến đó, chớ bóng tối không phải là một thực thể. Hãy tin rằng ánh sáng của Chúa dẫn đường cho chúng ta đẩy lùi bóng tối. Một trái tim nóng không xua tan giá lạnh, hàng vạn trái tim nóng sẽ là vầng thái dương hừng hực dồn đuổi sự dữ vào hỏa ngục. Một tiếng thét là tiếng kêu lạc lõng, hàng vạn tiếng thét là một trận sấm rền. Một ngọn nến không làm nên ánh sáng, hàng vạn ngọn nến thắp lên sẽ đẩy lùi bóng tối ra xa. Một cánh tay không làm nên sức mạnh, hàng triệu cánh tay nâng đỡ cả cơ đồ...

"Đa thiểu thiếu niên vong, bất đáo bạch đầu tử" (多少少年亡,不到白头死), sống mà dật dờ như cái bóng, không giúp gì được cho ai, không ai biết đến mình thì chẳng khác nào "Biết bao nhiêu kẻ còn niên thiếu, đã chết từ khi chửa bạc đầu".

Vậy thì bạn còn chần chờ gì nữa mà không tự mình thắp lên ánh sáng cho mình và cho những người thân yêu của bạn?

Tạ Phong Tần

Photobucket

Photobucket
.
.

9/4/09

KIM DUNG và TRẦN MẶC "LỘT TRẦN" LÝ TỰ THÀNH

.

Tác phẩm BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG của nhà phê bình văn học Trần Mặc (
Nguyên tác tiếng Hoa "Chúng sinh chi tướng Kim Dung tiểu thuyết nhân vật đàm" - Thượng Hải, Tam Liên thư điếm, 6- 2001. Người dịch Lê Khánh Trường, NXB Hội Nhà Văn 2003) có một chương bình về nhân vật Sấm Vương Lý Tự Thành rất thú vị. Kim Dung Tiên sinh đã rất tài năng khi xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh rất điển hình này, nhìn thấu tâm can của Kim Dung tiên sinh thì Trần Mặc tiên sinh còn có con mắt xanh tinh đời hơn nữa. Thật bái phục cả hai vị Tiên sinh.

CL&ST tại hạ chép lại riêng vài đoạn trong chương này cho quý vị cùng thưởng thức.

* * *

Lý Tự Thành là một nhân vật lịch sử rất nổi tiếng, sở dĩ nổi tiếng, bởi vì trong một thời gian rất dài, hễ nói đến khởi nghĩa nông dân thì đều là tốt, đều coi là động lực thúc đẩy lịch sử tiến lên phía trước, đều phải được khẳng định, hơn nữa phải được tuyên dương rộng rãi. Lý Tự Thành là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân thời Minh mạt, cho nên đương nhiên trở thành vị anh hùng chủ chốt trong lịch sử, được người người ngưỡng mộ. Sách giáo khoa từ tiểu học đến đại học đều phải có bài nói về các cuộc khởi nghĩa nông dân không ngừng nổ ra, thế nên ở nước Trung Quốc mới, Lý Tự Thành mặc nhiên rất nổi tiếng. Như thế cũng hay, ít nhất là khi tôi bàn đến nhân vật này, mọi người đều đã biết ông ta là ai, khỏi phải sao chép tư liệu lịch sử, nói lại từ đầu nữa.

I

Tôi nói trong sách Bính Huyết Kiếm hình tượng nhân vật Lý Tự Thành được miêu tả rất hay, trước hết là hay ở việc tạo thế. Tuy Lý Tự Thành chỉ xuất hiện trong sách có hai lần thoáng qua, căn bản không thể coi Lý Tự Thành là một nhân vật đáng kể trong bộ tiểu thuyết này, nhưng uy thế hiển hách của Lý Tự Thành và quân khởi nghĩa từ đầu đến cuối cứ lồ lộ trong bộ sách.

Mở đầu bộ sách, khi Viên Thừa Chí (nhân vật chính) còn nhỏ, khi thuộc hạ cũ của Viên Sùng Hoán làm giỗ Hoán, thì sứ giả của Lý Tự Thành đã xuất hiện, hơn nữa, chính bộ tướng của Lý Tự Thành là Thôi Chu Sơn đã cứu Viên Thừa Chí ra khỏi trùng vây, đem Viên Thừa Chí lên núi Hoa Sơn học võ. Mới đầu đã khiến người đọc cúi đầu khâm phục vị anh hùng đương thế. Rồi khi Viên Thừa Chí học xong xuống núi, việc đầu tiên là đi vào nghĩa quân của Lý Tự Thành để tìm sư phụ, ngay một cao thủ cái thế như Mục Nhân Thanh mà cũng bí mật giúp đỡ Lý Tự Thành, đủ thấy cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành rất được lòng người. Viên Thừa Chí lần thứ nhất diện kiến Lý Tự Thành chỉ thoáng qua. Lý Tự Thành tuy bận việc quân, vẫn thân chinh tiếp kiến, khí độ uy mãnh, thần sắc hòa nhã, phong thái lịch lãm của Lý Tự Thành để lại một ấn tượng sâu sắc. Ấn tượng càng sâu sắc nhờ mấy bài đồng dao ca ngợi Sấm Vương (Lý Tự Thành).

Lý Tự Thành tuy không phải là đối tượng trực tiếp mô tả trong sách, nhưng rất nhiều việc làm của Viên Thừa Chí sau đó đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự nghiệp khởi nghĩa của Lý Tự Thành. Đến Ôn gia trang lấy vàng, là để mua quân lương cho Sấm Vương; tìm châu báu trong thành Nam Kinh, là để tặng cho Sấm Vương; tạm thời chưa giết Sùng Trinh báo thù cho cha, là nghĩ đến đại nghiệp của Sấm Vương còn chưa thành; liên kết anh hùng thiên hạ, cũng là để giúp cho sự nghiệp của Sấm Vương mau thành công. Dù bản thân Sấm Vương không xuất hiện, nhưng ảnh hưởngc ủa Sấm Vương có thể là khắp mọi nơi. Uy danh lớn lao như thế, anh hùng thiên hạ quả không ai sánh kịp.

Cứ thế cho đến hồi thứ 19, Lý Tự Thành cuối cùng mới lộ diện trong tác phẩm. Đây là hồi tiến đánh Bắc Kinh, chiếm lĩnh hoàng thành, đạt tới đỉnh cao nhất của đời Lý Tự Thành. Nhìn Lý Tự Thành rút ra ba cây lệnh tiễn, tuyên bố với thuộc hạ của mình:

- Sau khi vào thành, kẻ nào giết hại trăm họ, gian dâm, cướp bóc, lập tức chém đầu, quyết không dung tha!

Trước cảnh đó, mọi người làm sao không như Viên Thừa Chí lúc ấy, cùng tung hô:

- Đại vương vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Tiếp đó là một cảnh gây ấn tượng rất sâu sắc:

Khi Lý Tự Thành đã vào hoàng cung, ngồi lên ngai vàng theo lời thỉnh cầu của Thái tử của Sùng Trinh, đột nhiên Lý Tự Thành đứng dậy, vạch phăng cái áo đang mặc, để lộ nhiều vết sẹo roi hằn trên ngực, trên vai mình, trước cử tọa đang kinh hãi, chỉ nghe Lý Tự Thành nói với Thái tử tiền triều:

- Ta vốn là một người dân hiền lành, bị bọn tham quan ô lại đánh đập thế này đây, nên mới không nhịn được nữa, đứng dậy làm phản. Hừ cha cô nương nhà ngươi giả nhân giả nghĩa, nói là thương xót dân lành. Trong nghĩa quân của ta, trên dưới ai ai cũng khổ sở điêu đứng vì cha con người đó.

Sở dĩ tôi nói đó là cảnh gây ấn tượng rất sâu sắc, bởi vì nó chứa đựng nhiều ý nghĩa sâux a. Cụ thể là, thứ nhất, Lý Tự Thành nói thẳng ra, ông ta chẳng phải là chân mệnh thiên tử gì hết, dĩ nhiên càng không phải là hỗn thế ma vương, mà chỉ là một thường dân tức nước vỡ bò. Thứ hai, lúc này Lý Tự Thành đang ở trong hoàng cung, chính đang lúc đắc chí, vạch phăng áo ra trước mặt mọi người, để lộ các vết sẹo, tác phong thô lỗ ấy có thể coi là một thứ khí phách anh hùng. Thứ ba, độc giả tinh ý sẽ thấy rằng thực ra Lý Tự Thành không hề trả lời chính diện lời thỉnh cầu của Thái tử tiền triều, Lý Tự Thành cho rằng mình đương nhiên đại diện cho lợi ích căn bản của trăm họ. Nhưng lúc này thân ở hoàng cung, địa vị đã thay đổi, cách nghĩ không lẽ cũng vì vậy mà thay đổi theo?

Nếu chỉ có thế th2i khó thấy cái hay. Cái hay của đoạn văn trên được thể hiện khéo léo ở phần tiếp theo.

II

Sau khi thể hiện một thứ khí phách anh hùng, hình tượng nhân vật Lý Tự Thành lập tức bắt đầu thay đổi. Khi tiến vào Bắc Kinh, vào hoàng cung, sự nghiệp cuộc đời lên đến đỉnh điểm huy hoàng, cũng chính là khởi điểm suy sụp thất bại nhanh chóng của ông ta. Cảnh biểu diễn khí phách anh hùng cũng là chút lóe sáng cuối cùng trong đời Lý Tự Thành.

Bởi lẽ ngay sau đó bộc lộ tại chổ đặc trưng tính cách của ông ta, nói lời rồi lại nuốt lời như không, vừa rõ ràng bằng lòng không chỉ tha chết cho Thái tử tiền triều, mà còn phong y làm Tống Vương, đã nghe lời tâu của Thừa tướng Ngưu Kim Tinh, sai đem giết Thái tử.

Dân gian đều biết câu "Quân vô hí ngôn", vậy mà ông vua Lý Tự Thành vừa lên ngôi đã coi lời mình nói ra như một trò đùa. Khi Viên Thừa Chí ra khỏi hoàng cung, chàng lập tức phát hiện, mệnh lệnh của Lý Tự Thành cấm sát hại dân chúng đã hoàn toàn bị gió thổi bay như lời nói đùa. Thực tế, ngay cả vị "Tam phẩm quả nghị tướng quân" Viên Thừa Chí mới được phong cũng bị thuộc hạ của Nhất phẩm quyền đại tướng quân Lưu Tông Mẫn coi thường. Các quan binh sau khi vào thành công khai cướp bóc, cưỡng dâm phụ nữ ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ái dám phản đối thì chúng khép vào tội "dư đảng của tiền triều" mà tùy tiện giết hại. Thật không còn hiểu ra làm sao nữa.

Thật ra chẳng có gì khó hiểu. Viên Thừa Chí nhanh chóng vào cung, tìm ra lời giải đáp. Nhất phẩm quyền đại tướng quân Lưu Tông Mẫn trách cứ Viên Thừa Chí rằng không nên ngăn cản thuộc hạ của ông ta cướp của, giết người. Ông ta nói:

- Thiên hạ này là thiên hạ của đại vương, là thiên hạ mà huynh đệ chúng ta vào sinh ra tử, vượt qua rừng đao núi kiếm mới lấy được. Chúng ta đã lấy được giang sơn, chẳng lẽ không hưởng gì hay sao? Công tử lấy lòng trăm họ, thu phục nhân tâm, rốt cuộc là có ý gì vậy?

Ông ta còn nói:

- Đại vương khi đang đánh chiếm giang sơn thì là dân, bây giờ lấy được thiên hạ, ngồi trên ngai vàng rồi, đã thành chân mệnh thiên tử, đâu còn là thảo dân nữa? Công tử đừng có nói năng lung tung.

Về việc có nên giết hại dân chúng hay không, Lý Tự Thành về nguyên tắc có đại diện cho trăm họ hay không, dưới con mắt Lý Tự Thành chỉ là "mấy cái chuyện nhỏ nhặt". Lý Tự Thành giết người đã nhiều, đã quen rồi. Lý Tự Thành đã ngồi trên ngay vàng rồi, từ đây xuân phong đắc ý, ai dám bảo ông ta là thảo dân nào?

Ở cảnh tiếp theo, khi ái thiếp của Tổng binh Sơn Hải quan triều Minh Ngô Tam Quế là Trần Viên Viên, một đệ nhất mỹ nhân trong thiên hạ, xuất hiện, thì từ Lý Tự Thành cho đến toàn bộ các tướng lĩnh đều tranh nhau cầu thân, trong phút chốc điện Hoàng Cực nhốn nháo không còn ra thể thống gì nữa, cảnh tượng thật ghê tởm. Mặc dù Nhị phẩm chế tướng Lý Nham liên tiếp ngăn cản, nhắc nhở mọi người rằng Ngô Tam Quế có mấy vạn quân ở Sơn Hải quan, hiện thời Giang Nam còn chưa bình định xong, chớ nên lấy cái nhỏ bỏ việc lớn, song tất cả, kể từ Lý Tự Thành trở xuống, đều đắc chí quên ráo. Cuối cùng, Lý Tự Thành nôn nóng, muốn mọi người giải tán, liền tung chân đá tung một cái bàn, kéo mỹ nhân vào buồng trong; các viên tướng mới ồn ào nuốt nước bọt ra về. Cảnh này tuy do tác giả bộ tiểu thuyết hư cấu nên, nhưng như thế mới là xuất thần nhập hóa, mới khắc họa rõ nét thần thái của hình tượng bọn thảo khấu làm liều.

Viên Thừa Chí đi ra khỏi cung, dọc đường đi đâu đâu cũng chỉ nghe tiếng quát tháo của quân sĩ, tiếng kêu khóc của dân chúng. Ai ngờ "Mau mở cổng lớn đón Sấm Vương", kết cục lại phải rước bọn này vào! Nhưng đợi khi Viên Thừa Chí và Lý Nham cùng nhau đi vào cung lần thứ ba, cầu kiến Lý Tự Thành, muốn báo cáo tình hình đó, xin đại vương hạ lệnh nghiêm cấm, thì được trả lời rằng đại vương đang nghỉ ngơi, không tiếp ai cả, vệ sĩ nào còn vào quấy nhiễu, sẽ bị chém đầu. Lúc này mỹ nhân ở bên cạnh, còn có việc gì khác đáng kể nữa chứ. Viên Thừa Chí và Lý Nham kiên trì chờ bên ngoài một đêm, rồi nửa ngày hôm sau nữa, cuối cùng chẳng những không được gặp đại vương, mà còn nghe tin Ngưu Kim Tinh xúc xiểm thế nào mà Lý Tự Thành còn nghi là Lý Nham "có bụng làm phản".

Vậy là Viên Thừa Chí ba lần vào cung, có được ba loại cảm nhận và thể nghiệm khác nhau về Lý Tự Thành. Nói trắng ra, hình tượng Lý Tự Thành cứ như một cái xác vừa đào lên khỏi mộ, gặp không khí liền bị phong hóa, mỗi lúc mỗi khác.

III

Khi Lý Nham và Viên Thừa Chí đang ở ngoài đường phố Bắc Kinh đại nạn, bỗng nghe một lão xẩm mù hát rong hát rằng "Không làm quan thân này nhẹ nhàng, làm bạn với vua là bạn với hổ, về được nhà may mắn xiết bao, hết chim rồi thì cung xếp xó, chó vào nồi...", thì hai người rõ ràng không ngờ ông già kia không phải hát một bài bát phổ biến, mà là chính sử huyền diệu; không chỉ là chuyện cổ nhân, mà còn là điềm báo tương lai. Cho nên Viên Thừa Chí bèn khuyên Lý Nham vào rừng sâu quy ẩn, nhưng Lý Nham lại không nghe, cứ đòi đi tiếp, muốn giúp Lý Tự Thành làm cách mạng đến cùng. Ông hoàn toàn không thể nghĩ rằng những câu chuyện cũ "(Ngũ) Tử Tư công cao nên vua Ngô kỵ, Văn Trọng diệt Ngô rồi đầu lìa khỏi cổ. Tiếc cho mạng Hoài Âm, công lớn ai bằng Từ tướng quân? Thần cơ diệu toán Lưu Bá Ôn, tính chẳng ra: thiên tử Đại Minh vừa lên ngôi, công thần văn võ mất mạng liền" sao lại có liên quan với việc Sấm Vương Lý Tự Thành khai sáng kỷ nguyên mới, thời đại mới, sao lại có quan hệ đến chính ông ta?

Sau này, Ngô Tam Quế ôm mối thâm cừu đại hận, dẫn quân Thanh tiến vào nội địa đánh Lý Tự Thành. Lý Tự Thành thua trận, đành rút khỏi Bắc Kinh, chạy về Tây An, vậy mà vẫn tin lời xiểm nịnh của bọn Ngưu Kim Tinh, Lưu Tông Mẫn nghi ngờ Chế tướng quân Lý Nham làm phản, hạ lệnh bắt Lý Nham để trị tội. Vợ Lý Nham là Hồng nương tử thoát chết, chạy đến núi Hóa Sơn cầu cứu Viên Thừa Chí. Tuy đến kịp, nhưng Lý Nham quyết định tự sát để khỏi dẫn đến cảnh huynh đệ tương tàn. Lúc sắp chết, Lý Nham còn hát bài hát mà ông từng sáng tác để tuyên truyền cho nghĩa quân của Lý Tự Thành: "Mau mau mở cửa đón Sấm Vương, trẻ già lớn bé đều sung sướng, trẻ già lớn bé đều...". Không ai ngờ Lý Nham, người có công lớn nhất trong việc tuyên truyền cho Lý Tự Thành, từng làm thay đổi hình thái ý thức của người nghèo trong thiên hạ, để an ủi lòng người chết, đến chết vẫn không hối hận, vẫn chấp mê không tỉnh ngộ.

Bản thân Lý Nham không nghe thấy ngoài phố từ lâu đã có bà lão cao giọng chửi: "Lý công tử, mi là tên đại bịp, mi bảo "Mau mau mở cửa đón Sấm Vương, trẻ già lớn bé đều sung sướng", nhà ta vừa mở cửa đón Sấm Vương, thì bọn cường đạo thổ phỉ tay chân của sấm Vương đã ập vào, cưỡng dâm vợ cháu ta, giết con cháu ta! Cả nhà già trẻ lớn bé đều nằm ở đây, Lý Công tử, mi đến mà xem, trẻ già lớn bé đều sung sướng như thế nào!...".

Lý Nham đáng bị nguyền rủa, bởi vì ông ta đã sáng tác những bài ca dạo kêu gọi mọi người, cảnh đẹp mà ông ta mô tả trong ca dao đã bị thực tế chứng minh là một sự lừa dối tàn khốc. Đương nhiên, bà lão vô tri kia, giống như dân chúng vô tri cả tin ở Trung Quốc, hoàn toàn không hiểu rằng lịch sử Trung Quốc kỳ thực là thứ lịch sử đầy rẫy sự dối trá, những kẻ "làm nên đại sự" trước đó đều hoang ngôn hứa hẹn đủ thứ, nên mới có câu: "Không nói phét chẳng làm nên đại sự". Bà lão ấy càng không biết, thậm chí ngay cả bản thân Lý Nham cũng vị tất đã biết, tại sao những bài ca dao xúc động lòng người thời gian đầu, giờ lại biến thành sự lừa đảo tài đình!

Nếu bảo Lý Nham phải chịu trách nhiệm về những lời phỉnh phờ lừa dối dân chúng, thì Sấm Vương Lý Tự Thành càng phải chịu trách nhiệm nặng hơn. Bởi vì ông ta là người lãnh đạo cao nhất của quân khởi nghĩa, được dân chúng coi là đại cứu tinh của nhân dân. Bà lão chửi rủa thảm thiết kia vì sao chỉ chửi rủa Lý công tử, mà không chửi rủa Lý Tự Thành? Điều này tôi không lấy làm lạ. Bởi vì mô hình tư duy ngàn vạn năm nay của người Trung Quốc là: chỉ chống quan tham, không chống hoàng đế; chỉ thanh lý những kẻ ở bên cạnh nhà vua, không thanh lý nhà vua. Lý Tự Thành tuy mới xưng là Sấm Vương gì gì đó, cuối cùng có lật đổ triều Minh, ngồi vào ngai vàng, làm hoàng đế. Theo lôgich tư duy của người Trung Quốc, và theo quán tính, hoàng đế tức là thiên tử, mà thiên tử thì đương nhiên thánh minh. Cho nên mọi lầm lỗi, dối trá, tội nghiệt đều do quần thần gây ra cả.

Thực tế là, không chỉ có bà lão mấy trăm năm trước đây nghĩ thế, mà một số nhà sử học và nhân văn học mấy trăm năm sau còn nghĩ như thế, không lẽ cái chết của Lý Nham lại đi quy tội cho Lý Tự Thành vĩ đại, sáng suốt hay sao? Chẳng phải đấy là do bọn Ngưu Kim Tinh, Lưu Tông Mẫn xúc xiểm ly gián, che mắt Sấm Vương mà ra đó sao? Về điều này, tôi chỉ muốn nói, trên thích thứ gì, dưới còn mê thứ ấy gấp bội. Giả sử Lý Tự Thành quả thật sáng suốt vĩ đại như người ta tưởng tượng, thiên tử thánh minh, thì sao lại để cho gian thần che mắt như vậy!

Trần Mặc
.
.

8/4/09

TÂY "XẠO' HAY TA "DIẾM"?

.

Tin ông John McCain - cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Arizona, thành viên cao cấp nhất của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Mỹ - sẽ đến Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm các nước châu Á, được các hãng truyền thông, báo chí trong và ngoài nước loan tin rộng rãi trước ngày ông dừng chân ở Hà Nội cả tuần. Tuy nhiên, nội dung cuộc viếng thăm và làm việc như thế nào thì các phương tiện truyền thông chưa đề cập.

Ngày 06/4/2009, ông John McCain đã chính thức có mặt tại Hà Nội. Thượng nghị sĩ John McCain đã có các cuộc tiếp xúc với các quan chức Quốc hội, Chính phủ, một số đối tác thuộc các bộ, ngành Việt Nam để thảo luận quan hệ song phương Mỹ - Việt. Ông cũng có buổi nói chuyện tại Học viện Ngoại giao Hà Nội. Việc này dĩ nhiên cũng được báo chí, truyền thông trong và ngoài nước đưa tin rầm rộ giống nhau.

Sau khi ông John McCain rời Hà Nội thì bản tin của báo chí, truyền thông trong và ngoài nước đưa tin lại có sự khác nhau.

Trong khi báo chí trong nước đều đồng loạt nói phía Chính phủ Việt Nam đề nghị thế này, đề nghị thế kia với Ngài Thượng nghị sĩ Mỹ rất chi tiết, rất nhiều, còn Ngài Thượng nghị sĩ Mỹ đề nghị lại như thế nào với Chính phủ Việt Nam thì không thấy nhắc đến cụ thể, chỉ túm gọn trong một câu là "Cần có bước đi mới trong quan hệ Việt - Mỹ".

Ví dụ: Thông tấn xã Việt Nam viết (và nhiều báo khác trong nước đăng lại nguyên văn):

"Chiều 7.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thượng nghị sĩ (TNS) John McCain cùng các thành viên trong đoàn. Thủ tướng hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của TNS John McCain, và đề nghị ngài John McCain ủng hộ Việt Nam hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nhằm tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Mỹ, thúc đẩy sự hợp tác về giáo dục - đào tạo, giúp Việt Nam đối phó trước những biến đổi của khí hậu, phòng chống tội phạm, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng chống HIV/AIDS... Thủ tướng tin tưởng chuyến thăm của TNS John McCain sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết và mối quan hệ đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi với TNS John McCain và các thành viên trong đoàn về một số vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Cùng ngày, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc tiếp TNS John McCain. Chủ tịch đánh giá cao sự đóng góp của TNS trong việc bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹâ; tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết và mối quan hệ đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước, trong đó có hai QH".

Trái lại, BBC của Anh thì nói:

Ông thượng nghị sỹ tuyên bố Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế kinh tế và ngoại giao của mình, nay tới lúc khẳng định vai trò về xã hội và chính trị. Để làm việc đó, theo ông, Việt Nam cần tự do hóa chính trị, như "thúc đẩy quyền tự do xã hội, cho phép tự do ngôn luận rộng rãi hơn, trả tự do cho tất cả các cá nhân bị cầm tù vì thể hiện chính kiến của mình một cách hoà bình, cải thiện nhân quyền, và mở rộng phạm vi hoạt động chính trị". "Bằng những bước tự do hóa chính trị mạnh mẽ hơn... Việt Nam có thể trở thành một mô hình để các nước khác noi theo."

RFI của Pháp lại bảo:

"Nhưng ông McCain nói rằng Việt Nam nên mở rộng những thành quả về kinh tế và ngoại giao, bằng những thay đổi mang "tầm mức lịch sử" về mặt tự do chính trị, tức là bảo đảm quyền tự do ngôn luận rộng rãi hơn, mở rộng khuôn khổ sinh hoạt chính trị, trả tự do cho những người bị giam cầm vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa và cải thiện tình trạng nhân quyền nói chung".

Tuy cách diễn đạt khác nhau, nhưng bản tin của BBC và RFI nhìn chung ý tứ là giống nhau.

Tôi không được đọc bản tiếng Anh trên website riêng của ông McCain cũng chẳng trực tiếp nghe được ông McCain nói với Chính phủ Việt Nam như thế nào. Nhưng cái kiểu "ông nói gà, bà nói vịt" như thế, vậy thì báo Tây "xạo" hay báo Ta "diếm" vậy ha?

Tạ Phong Tần
.
.

6/4/09

THƯ GỞI CỤ KHỔNG TỬ

.
Tượng thờ cụ Nguyễn Trãi


Kính gởi cụ Khổng Tử!

Thưa cụ!

Được tin từ bên Tây cho biết: "Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 1992/VPCP-QHQT gửi các bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Công an và Văn phòng Trung Ương Đảng Cộng Sản, thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập một Học viện Khổng Tử tại Việt Nam". Ông Nguyễn Tấn Dũng giao cho Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân "chỉ đạo việc thí điểm thành lập Học viện Khổng Tử theo các quy định hiện hành".

Kẻ hậu sinh vội vã tìm kiếm trên các tờ báo lớn trong nước của Việt Nam để kiểm chứng nhưng chả thấy tờ nào đăng tin này cả. Cá biệt có báo CA TPHCM thì thấy đăng cách đây 3 ngày, nhưng thưa thật với cụ Khổng là kẻ hậu sinh này không tin báo CA TPHCM vì thời gian gần đây báo này có nhiều bài viết dối trá trơ trẻn quá. Tuy nhiên, căn cứ vào cái uy tín hơn 80 năm của báo Tây thì chắc là chuyện này có thiệt rồi.

Thưa cụ!

Kẻ hậu sinh được biết, cụ họ Khổng, tên khai sinh là Khâu, tự là Trọng Ni. Cụ sinh ngày 28 tháng 9, 551479 TCN. Quốc tịch Lỗ Quốc, nay là Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi cụ là Khổng Tử (孔子) hoặc Khổng Phu Tử (孔夫子). Cụ là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng Trung Hoa. Có nghĩa là cụ Khổng chẳng có "dây mơ rễ má" gì đến người Việt Nam cả, và cụ không hề biết Việt Nam là quốc gia nào, cụ càng không biết Chính phủ Việt Nam đang vinh danh cụ là những người nào.

Việt Nam cũng không thiếu các nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn, có thể điểm qua như sau:

- Cụ Nguyễn Trãi (tự Ức Trai), tác giả "Bình Ngô sách" góp phần quyết định đánh thắng quân Minh, là đại thần nhà Hậu Lê, một nhà văn chữ Nôm. Cụ được xem là một anh hùng dân tộc của Việt Nam, và là một danh nhân văn hóa thế giới.

- Vua Lê Thánh Tông (tên húy Lê Tư Thành) là vị vua thứ năm của nhà Hậu Lê, trị vì từ năm 1460 tới 1497. Ông được các sử gia đánh giá là vị vua anh minh nhất của nhà Hậu Lê. Ông cũng được xem là một nhà văn hoá và một người coi trọng hiền tài. Trong lúc trị vì, ông đã đưa ra nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dụcluật pháp.

- Cụ Nguyễn Du (tự là Tố Như), hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ, là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê mạt, Nguyễn sơ. Cụ Nguyễn Du được xem như là một nhà thơ lớn của Việt Nam, được người Việt kính trọng gọi là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, cụ được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới.

- Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ -Mạc phân tranh cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam mà người Việt thường truyền tụng gọi là "sấm Trạng Trình".

Hoặc gần đây hơn có các cụ:

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Lân - người viết phú Nôm lừng danh Ngã ba Hạc.
- Nguyễn Gia Thiều - người thấu hiểu ý nghĩa của kiếp nhân sinh.
- Phạm Đình Hổ - người để lại cho đời sau nhiều công trình văn hóa.
- Nguyễn Khuyến - người đạt đến mẫu mực của thi ca cổ điển Việt Nam.
- Nguyễn Đổng Chi - người miệt mài tìm kiếm giá trị văn hóa dân tộc.
- Nguyễn Phan Chánh - người giữ hồn quê trong tranh lụa.

Kẻ hậu sinh tài sơ trí thiển, học hành chẳng tới đâu nhưng cũng biết rằng dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay có nhiều bậc danh nhân tài trí, đáng để tự hào nhưng chưa có bậc danh nhân Việt Nam nào được lập cái Học viện mang tên các cụ để nghiên cứu công trình của các cụ cả, cụ Khổng quả là có phúc lớn bằng Trời đó nha!

Báo Tây còn nói thêm: "Học viện này có chức năng giảng dạy tiếng Hoa; đào tạo giáo viên Hoa ngữ; tổ chức thi trình độ tiếng Hoa; chiếu phim Trung Quốc, tư vấn du học; tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị... với mục tiêu cuối cùng là mở rộng ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.".

Cách đây 1/2 tháng, báo Người Đại Biểu Nhân Dân nhận xét về việc lập các Học viện Khổng Tử ở ngoài phạm vi lãnh thổ Trung Quốc "cách tốt nhất để Trung Quốc chứng tỏ quyền lực “mềm” của mình với thế giới".

Theo thiển ý của kẻ hậu sinh này thì cụ Khổng nên cám ơn Chính phủ Việt Nam vì đã có công vinh danh, truyền bá tư tưởng, học thuyết của cụ ở bên ngoài đất nước cụ, có công "giúp đỡ" Tổ quốc Trung Quốc của cụ chứng tỏ "
quyền lực “mềm” của mình với thế giới".

Hiện nay chưa biết cụ thể thời gian nào Học viện mang tên cụ Khổng được thành lập và cũng chưa biết Học viện được đặt ở đâu, nhưng kẻ hậu sinh này "long trọng đại" tuyên bố với cụ rằng mai mốt kẻ hậu sinh này sẽ cố công tầm cái Học viện mang tên cụ mà xin vào học lấy học để, nếu có điều kiện thì đổi sang quốc tịch của cụ luôn cho thêm phầ
n "vinh dự".

Tạ Phong Tần

.
.

2/4/09

TIN MỚI VỀ VỤ KIỆN ĐỐI VỚI SỞ CÔNG THƯƠNG BẠC LIÊU

.
Ngày 01/4/2009, Tòa án tỉnh Bạc Liêu đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ hai đối với vụ kiện hành chính của Tạ Phong Tần và Sở Thương mại - Du lịch Bạc Liêu.

- Người khởi kiện: Tạ Phong Tần

- Người bị kiện: Sở Thương mại - Du lịch Bạc Liêu (nay là Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu)

- Nội dung vụ kiện: Kiện Quyết định buộc thôi việc số 291/QĐ-TM&DL ngày 27/4/2007 của Giám đốc Sở TM-DL Bạc Liêu.

- Hội đồng xét xử gồm có: Thẩm phán Dương Mạnh Thắng (Chủ tọa) cùng với 2 Hội thẩm nhân dân (chưa biết tên)

- Đại diện cho người khởi kiện (nguyên đơn): Ls Nguyễn Quốc Đạt.

- Đại diện cho người bị kiện (bị đơn): Ông Nguyễn Võ Trung - Trưởng phòng Tổ chức hành chính - cán bộ.

- Luật sư của người bị kiện: Ông Trịnh Thanh Minh (thuộc Đoàn Luật su tỉnh Bạc Liêu).

- Đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Bạc Liêu (chưa biết tên)

Sở dĩ có việc chưa biết tên là vì tôi vắng mặt tại Tòa và hiện nay tôi chưa nhận được bản án sơ thẩm. Tuần sau, tôi sẽ làm thủ tục kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm lần thứ 2 này đến Tòa án nhân dân tối cao.

Nhân đây, tôi có lời cảm ơn một số vị như sau:

- Trước tiên, tôi cảm ơn Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu và Tòa án Nhân dân tối cao đã 3 lần tạo điều kiện cho tôi và nhiều người nhận biết ai là người ngu dốt nhất và đi bằng đầu gối giỏi nhất Sở Thương mại - Du lịch Bạc Liêu;

- Tôi cảm ơn ông Thẩm phán Dương Mạnh Thắng đã có động thái điều khiển phiên tòa đúng mực, phê phán ngay hành vi xuyên tạc, soi mói đời tư người khởi kiện của Luật sư Trịnh Thanh Minh.

- Tôi cảm ơn 2 vị Hội thẩm nhân dân đã thể hiện lòng tự trọng của mình bằng cách ngồi im lặng từ đầu đến cuối phiên tòa mà không đặt ra những câu hỏi ngớ ngẩn.

Mặc dù HĐXX tuyên bác yêu cầu của tôi nhưng tôi không trách các vị bởi tôi biết rõ 3 vị không có quyền tuyên cái-mình-nghĩ-là-đúng, trong một cái tỉnh như thế với những cái đầu lãnh đạo như thế thì 3 vị buộc phải tuyên như thế là điều có thể thấy trước.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 1, ông Luật sư Trịnh Thanh Minh đã có hành vi bới móc lý lịch đời tư người khởi kiện là chuyện chẳng liên quan gì đến nội dung vụ kiện. Ông Minh đã bị Luật sư bên nguyên phản đối ngay tại Tòa. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2 (01/4/2009) ông Minh lại nói rằng nguyên đơn viết bài đăng báo (trong nước và ngoài nước) và nhận nhuật bút của Tòa soạn là "vì tiền" (hét to lên 2 chữ "vì tiền"). Lần này, ông Minh bị đại diện nguyên đơn lẫn Chủ tọa "dạy cho bài học" về Luật báo chí và văn hóa pháp đình là như thế nào.

- Tôi cảm ơn ông Luật sư Trịnh Thanh Minh đã tự chứng minh cho mọi người thấy trình độ nghiệp vụ Luật sư của ông thì dở ẹt mà trình độ bới móc đời tư, xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân (không liên quan gì đến vụ kiện) của ông thì "giỏi". Nhờ vậy mà trong thời gian tới những người dân thiếu hiểu biết đỡ bị mắc lừa dẫn đến "tiền mất tật mang".

- Tôi cảm ơn đại diện Viện kiểm sát tỉnh Bạc Liêu đã "chứng minh" một cách hùng hồn rằng pháp luật là vật trang trí chớ không phải để tuân thủ và thực hiện nghiêm túc, cụ thể là trong một phiên tòa hành chính, vai trò của Viện Kiểm sát không phải là "kiểm tra và giám sát việc tuân thủ pháp luật" (như luật quy định) mà là để đặt ra những câu hỏi vớ vẩn (lạc đề) và "ra oai" với người dân.

Hứa hẹn sau phiên tòa phúc thẩm lần 2 tôi sẽ có lời cảm ơn Tòa án nhân dân tối cao hay hơn nữa.


Tạ Phong Tần
____________

Xem thêm nội dung vụ kiện ở đây



Ai không tin những điều tôi vừa kể trên thì cứ liên hệ các địa chỉ sau đây mà hỏi:

- Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu
Địa chỉ: 18 Nguyễn tất Thành , phường 1, TX Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Giám đốc: Ông Phan Hùng Việt, điện thoại: (0781) 3824356, (0781) 3823848. Di động: 0913.892198

- Ls Trịnh Thanh Minh
Địa chỉ: 23/10 Quốc lộ 1A, khóm 1, phường 7 thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Điện thoại/ Fax: (0781) 3821071 - 0918052265.
.
.

1/4/09

LẠI ĐÍNH CHÍNH TIN ĐỒN NHẢM

.
Mấy ngày nay không hiểu từ đâu rộ lên tin đồn tôi sắp bỏ Sài Gòn về quê ở luôn, làm bạn bè, người quen cứ liên tục hỏi thăm. Thiệt là bậy bạ hết sức. Chẳng biết kẻ tung tin đồn ấy có dụng ý xấu xa gì, vì rõ ràng tôi chưa bao giờ nói với ai là tôi có ý định về quê cả, và trong kế hoạch sắp tới của tôi không có hai chữ "về quê". Hay là kẻ ấy muốn "giết người cướp của" gì đó nên tung tin trước như vậy để bạn bè, người quen thấy vắng tôi lại cứ tưởng là tôi về quê, ai dè đó là thủ đoạn che mắt thế gian cho hành động xấu khỏi bị phát hiện?

Nhân đây tôi xin thông báo cho quý bằng hữu được biết:

- Dù VPLS Pháp Quyền không hoạt động nữa thì trong thời gian ít nhất là 2 tháng, tôi không rời khỏi địa chỉ số 30 đường số 3, căn cứ 26B, phường 7, Gò Vấp, SG. "Quý dị" nào cần tìm tôi thì cứ đến đây gặp tôi. Lúc nào đổi địa chỉ tôi sẽ có thông báo tiếp.

- Tháng trước, tôi có dự định đi học tiếng Tàu để lên Tây Nguyên "thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước", nay nghe đồn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố "đình chỉ vô thời hạn" cái "chủ trương lớn" đó rồi (thiệt tiếc quá) nhưng kế hoạch tới của tôi không thay đổi, tức vẫn tiếp tục đi học thêm tiếng Tàu. Bởi lẽ các chú Tàu có nói: "Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng", muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, hải đảo thì phải hiểu tiếng của chúng nó để biết chúng nó nói gì, nghĩ gì thì mới có hành động cụ thể được. Vạn nhất học dốt quá không thể hiểu chúng nó nói gì, nghĩ gì thì cũng biết dăm ba bài chửi có vần có điệu lên bổng xuống trầm để chửi chúng nó cho sướng mồm. Mình chửi nó mà nó trả lời để mình chửi tiếp thì mới có... hứng thú chửi; chớ chửi chúng nó bằng tiếng Việt thì mình tự chửi tự nghe, chúng nó có hiểu gì đâu, chửi như vậy mất vui.

- Tôi chưa chính thức là con chiên của Chúa (nói theo ngôn ngữ đời thường là đang thuộc diện "giáo dân dự bị", "giáo dân tiềm năng") nhưng tôi rất vui và rất hãnh diện khi nhận thấy Quý Cha, Quý Thầy và quý anh chị em giáo dân đã xem tôi như một thành viên chính thức của cộng đoàn dân Chúa. Tôi không có bà con, anh em ở đất Sài Gòn rộng lớn đủ thành phần "ngọa hổ tàng long" hay "giang hồ tứ chiếng", nhưng tôi không thấy mình cô độc bởi quanh tôi có những con người sống vì tình thương và trách nhiệm. "Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên Trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi" (Mt 12, 50). Tôi cảm thấy mình thật thanh thản vì tôi tin và phó thác con đường tôi đi cho bàn tay xếp đặt của Thiên Chúa, cũng như tôi đã ủy thác mình cho Quý Cha mà tôi tin tưởng.

Tạ Phong Tần